Dù vẫn đều đặn sản xuất hàng chục phim mỗi năm, nhưng ngoài việc đem đi
dự thi, được phát miễn phí trên Internet, hay chiếu hạn chế trên truyền
hình, ở rạp, phim hoạt hình Việt Nam rất khó để đến với đại chúng khán
giả chứ chưa nói đến câu chuyện doanh thu. Trong khi đó, nhìn hàng loạt
phim hoạt hình ngoại nhập ồ ạt được phát hành, doanh thu hàng chục tỷ
đồng càng thêm chạnh lòng cho phim Việt.
Nhìn phim ngoại mà thèm!Zootopia - Phi vụ động trời
- phim truyện hoạt hình thứ 55 của hãng Walt Disney phát hành vừa chính
thức ra rạp tại Việt Nam ngày 19/2 (sớm hai tuần so với thị trường Bắc
Mỹ). Sau buổi công chiếu, phim nhận được nhiều lời khen ngợi trên khắp
các mạng xã hội.
MC Thúy Hạnh sau khi đưa gia đình đi xem phim cũng chia sẻ: “
Zootopia - Phi vụ động trời hay lắm. Phim hoạt hình trinh thám, vừa hài hước, vừa gây sự tò mò và gay cấn.”
Tính từ bộ phim đầu tiên
Cars - Vương quốc xe hơi (chiếu ngày 18/8/2006) đến
Zootopia,
CGV đã phát hành tổng cộng 79 phim hoạt hình. “Không có lý do nào mà
khán giả lại không đón nhận những bộ phim hầu như được làm ra để dành
cho tất cả mọi lứa tuổi, đầy ắp sắc màu cùng những thông điệp ý nghĩa” -
bà Thùy Vân, đại diện CGV cho biết. Tính đến nay,
Minions là phim hoạt hình có doanh thu cao nhất thị trường Việt Nam với 94 tỉ đồng, tương đương 1,2 triệu lượt khán giả.
Trước đó, hàng loạt tác phẩm:
Shrek,
Toy Story,
How to Train Dragon,
Finding Nemo,
Ice Age,
Madagascar,
Despicable Me...
được các nhà phát hành trong nước như CGV, Galaxy... nhập về để phục vụ
nhu cầu thưởng thức của khán giả và thu về doanh thu khả quan. Nói như
vậy để thấy rằng, khái niệm, phim hoạt hình chỉ dành cho trẻ em là hoàn
toàn sai lầm, bởi đối tượng thưởng thức thể loại này luôn rất đa dạng.
Sẽ
là khập khiễng khi đặt lên bàn cân so sánh phim hoạt hình Hollywood và
phim Việt, bởi có quá nhiều khác biệt, chênh lệch... Nhưng, nói như NSND
đạo diễn Hà Bắc - người đã có 40 năm làm nghề thì “phim hoạt hình thế
giới đã bỏ chúng ta quá xa”.
Sao mãi loay hoay?Hãng
phim hoạt hình Việt Nam được thành lập từ năm 1959 - là một trong những
hãng phim hoạt hình ra đời khá sớm ở khu vực Đông Nam Á với tác phẩm
đầu tiên
Đáng đời thằng cáo (ra mắt năm 1960). Phim hoạt hình
Việt từng giành một số giải thưởng quốc tế từ những năm 60, 70 của thế
kỷ trước nhưng cho đến nay, mọi thứ dường như vẫn khá ì ạch, đặc biệt ở
khâu quảng bá, phát hành.
Báo cáo của ông Đỗ Duy Anh, Phó Cục
trưởng Cục Điện ảnh tại Hội thảo quốc tế nằm trong khuôn khổ Liên hoan
phim Việt Nam 19 cuối năm 2015 chỉ ra rằng, trong năm qua, chúng ta sản
xuất được 50 bộ phim hoạt hình với kinh phí khoảng 25.000 USD (tương
đương hơn 500 triệu đồng/phim). Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, có bao
nhiêu tác phẩm trong số đó được phát hành tại các rạp chiếu?
Đại chiến Bạch Đằng - dự án phim hoạt hình 3D của nhóm sinh viên Đại học quốc tế Hồng Bàng
Theo bà Lương Thị Minh Phương, Giám đốc Hãng phim hoạt hình Việt Nam,
năm qua hãng tổ chức được 100 buổi chiếu phim tại các trường học. Rạp
Thánh Gióng (số 7 Trần Phú, Hà Nội) sau khi đi vào hoạt động từ năm 2014
với hai phòng chiếu (150 và 75 chỗ ngồi) chỉ cao điểm vào mùa hè, thời
điểm còn lại trong năm chủ yếu chiếu vào chủ nhật dù giá vé rất mềm
30.000 đồng. Mùa hè hàng năm, hãng cũng kết hợp với Trung tâm Chiếu phim
quốc gia Hà Nội tổ chức chiếu phim có kinh phí nhưng không nhiều, theo
tinh thần “chiếu rộng rãi cho trẻ em là chính”. Việc “ra quân” được chú ý
có lẽ là những đợt chiếu miễn phí nằm trong các kỳ liên hoan phim được
tổ chức hai năm một lần.
Bà Lương Thị Minh Phương còn cho biết
thêm: “Hiện phim hoạt hình của chúng ta thường có độ dài 10-15 phút,
chưa có phim truyện hoạt hình nên rất khó để phát hành ở các rạp chiếu
vì phim phải dài tối thiểu 60 phút mới có cơ hội ra rạp. Bên cạnh đó,
nhà sản xuất và bộ phận phát hành đều mạnh ai nấy làm nên phim làm xong
thường bị xếp kho. Trong khi đó, nếu muốn phim được chiếu trên truyền
hình phải mất tiền mua sóng hoặc tìm được nhà tài trợ.”
Cậu bé Cờ lau – phim hoạt hình từng nhận giải Cánh diều vàng 2014
Cứ hy vọngNhiều người vẫn quan niệm phim hoạt hình nội
địa không hay, nhàm chán, nặng về tính chất giáo dục, tính giải trí chưa
cao. Đó là thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số
phim khi được phát hành trên YouTube nhận được nhiều phản hồi tích cực,
thu hút hàng triệu lượt xem:
Dưới bóng cây (Colory Animation) hơn 2,4 triệu lượt xem;
Bố của gà con và
Sự tích hồ Ba Bể (Hãng phim hoạt hình Việt Nam),
Cô bé bán diêm 3D (True - D Animation) hơn 1 triệu lượt xem. Một số bộ phim đáng chú ý khác:
Cậu bé cờ lau,
Đại chiến Bạch Đằng...
Cô bé bán diêm 3D phiên bản Việt ngay từ khi ra mắt đã gây chú ý
Năm 2013, phim hoạt hình 3D về đại tướng Võ Nguyên Giáp -
Quyết định lịch sử được phát sóng trên VTV nhận được nhiều phản hồi tích cực. Cuối năm 2015,
My Home
- bộ phim của đạo diễn Nguyễn Phương Mai - hiện sinh sống tại Pháp lọt
top 10 đề cử Phim hoạt hình ngắn hay nhất Oscar 2016 dù không thể lọt
đến vòng rút gọn cuối cùng.
Thực tế cho thấy, các phim hoạt hình
được sản xuất mỗi năm chủ yếu theo đơn đặt hàng của nhà nước với kinh
phí rất hạn chế. “Làm phim hoạt hình chi phí rất đắt, khó có khả năng
kéo lại vốn. Việc vi phạm bản quyền cũng ảnh hưởng không nhỏ khiến các
nhà làm phim chịu nhiều thiệt thòi. Đơn cử như trường hợp phim về Đại
tướng Võ Nguyên Giáp khi có vi phạm nhưng không ai đứng ra bảo vệ. Nếu
không kiên nhẫn và cố gắng theo đuổi sẽ không thể làm nghề”, NSND Hà Bắc
chia sẻ. Đó là lý do, một số nhóm làm phim hoạt hình cá nhân sau khi
cho ra mắt các tác phẩm đáng chú ý đành “lặn mất tăm” vì khó có thể đi
đường dài.
Đội ngũ các nhà làm phim hoạt hình Việt hiện nay có
không ít nhân tài, thậm chí có những cá nhân “đánh thuê” cho các bộ phim
lớn của Hollywood hay làm việc trong các xưởng phim hoạt hình nổi
tiếng: Pixi Pox, Hahn Film, Spart, Virtuos - Spart... Tuy nhiên, thị
trường trong nước hiện nay chưa có trường đào tạo chính quy mang tính
chuyên sâu và chuyên nghiệp cho những người có đam mê với thể loại này,
chủ yếu theo hình thức truyền nghề và tự tích lũy kinh nghiệm.
Dưới bóng cây – phim hoạt hình của nhóm Colory Animation thu hút lượng lớn khán giả theo dõi trên YouTube
Việc đưa các phim hoạt hình Việt ra rạp chắc chắn chưa thể thực hiện
trong một sớm một chiều. Theo bà Thùy Vân, để có doanh thu hàng chục tỉ
đồng như hiện nay, những bộ phim đầu tiên do CGV nhập về cũng chỉ có lác
đác khán giả. Tuy nhiên với niềm tin “phim hoạt hình đã có lịch sử lâu
đời và được khán giả khắp thế giới đón nhận, chúng tôi không hề lưỡng lự
bởi tin chắc rằng cùng với thời gian, khán giả Việt Nam sẽ yêu thích
thể loại phim này”, họ đã thành công. Có lẽ, phim hoạt hình Việt đến lúc
bắt tay vào xây dựng niềm tin ấy cho khán giả nội địa bằng những tác
phẩm thật sự chất lượng.
Những ngày đầu năm 2016, bà Minh Phương
cho biết sau khi Hãng phim Hoạt hình Việt Nam tiến hành cổ phần hóa,
phim truyện hoạt hình đã được lên kế hoạch sản xuất dù chưa thể tiến
hành trong năm nay. NSND Hà Bắc cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án
phim truyện hoạt hình mà ông dồn nhiều tâm sức và kỳ vọng. “Điều quan
trọng nhất là chúng ta cần thay đổi cả về tư duy, cách làm và không thể
coi phim hoạt hình là của trẻ con”, NSND Hà Bắc nhấn mạnh.
Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng Online