Đoạn mở đầu ngắn đưa khán giả về thời điểm năm 2006 và gặp lại Katie và
Kristi - cặp đôi chị em gặp rắc rối ở hai phần phim trước - rồi quay
ngược trở lại Santa Rosa của năm 1988 khi cả hai còn là những cô bé con.
Hai
chị em sống chung nhà với mẹ và bạn trai của cô, anh này ngẫu nhiên lại
là một thợ quay phim đám cưới (những người này có vấn đề gì với máy
quay thế nhỉ?) và vì thế đoạn đầu phim loanh quanh mấy chuyện anh ta ghi
hình tiệc sinh nhật, tham quan ngõ ngách ngôi nhà mới và thử nghiệm làm
phim trong phòng ngủ. Nhưng rồi có gì đó thật dị thường, những tiếng
động kinh hoàng trong đêm.
"Căn nhà mới toanh - không thể có những âm thanh kiểu này chứ," anh ta
càm ràm rồi lắp thêm một vài chiếc máy quay trong nhà để tìm ra nguyên
nhân của những bí ẩn, việc đầu tiên trong một kế hoạch dài hơi nhằm chơi
chiêu "phim tư liệu" của hai phần phim trước.
Thực sự là từ đây
bộ phim kiên định đi theo khuôn mẫu của phần một và hai, với bối cảnh
ban ngày xoay quanh những tranh cãi và căng thẳng ngày một gia tăng
trong căn nhà, và ban đêm là những đoạn băng chốc chốc lại nhập nhằng và
bị ngắt quãng bởi những điều khó lý giải, khiến con mắt người xem phải
dán vào khung hình để ráng tiên đoán nỗi sợ hãi sắp ập đến.
Cũng
như trước thôi, mọi thứ được tích cóp dần dần, những nỗi sợ hãi đơn giản
nhỏ nhặt nhưng đầy ám ảnh - chỗ này có vết tro bụi di chuyển; chỗ kia
thì tấm gương rung lên bần bật; hiệu ứng âm thanh tuyệt vời và những
tiếng động mạnh một lần nữa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng từ lúc
hai cô bé bắt đầu tương tác với Toby - con quỷ vô hình trước máy quay -
câu chuyện trở nên u ám, sát khí hơn.
Và khi trò Bloody Mary* vô
hại đi quá xa, cả địa ngục như được phóng thích, gây ra nỗi khiếp sợ
liên tiếp lên tới đỉnh điểm, góp phần vào cái kết kinh dị khiến bạn
thực sự đông máu.
Đạo diễn Henry Joost và Ariel Schulman đã kích thích sự căng thẳng như cách hai người đã biến dự án Catfish
trước đây của họ thành một trong những phim rùng rợn nhất của năm qua,
là bậc thầy lôi kéo khán giả bất chấp việc bạn đã thấy hết mọi thứ trước
đó.
Họ cũng thêm vào phần ba này một chất liệu thông minh khi sắp đặt cho
gắn máy quay vào một chiếc quạt đu đưa qua lại, giúp gia tăng sự hồi hộp
nhờ khoảng quét rộng từ phòng này sang phòng khác và góc nhìn thì lại
thay đổi theo chu kỳ khiến bạn không thể quan sát liên tục.
Việc
duy trì truyền thống sử dụng kỹ xảo hiện trường của loạt phim này thay
vì đồ họa vi tính cũng là một quyết định thông minh, khiến nỗi sợ hãi
trở nên rất thật, như thể nó đang xảy ra (hơn là cho bạn cảm giác chúng
được làm ra trong một xưởng hiệu ứng đặc biệt đắt tiền nào đó của
Hollywood).
Tuy nhiên, hai đạo diễn lại không thể làm gì trước
những sai sót thường xuyên về tính lô-gíc và độ tin cậy trong kịch bản
của Christopher B. Landon. Đằng sau những sợ hãi, câu chuyện ráng tạo
mối dây liên kết với hai phần phim trước, kết quả là để lộ những lỗ hổng
rành rành suốt phim, dễ nhận thấy nhất đó là làm sao hai cô bé có thể
quên những chuỗi sự kiện đều đặn xảy ra trước đó?
Landon cũng vất vả xoay sở để có cơ sở thuyết phục cho việc gắn máy quay video suốt cả phim. Giống kiểu xài chiêu này trong The Blair Witch Project và Cloverfield, dường như thật khó tin là bạn có thể tiếp tục giữ máy quay khi đang đối mặt với nỗi khiếp sợ; trong Paranormal Activity 3 thì bạn cứ nhìn mọi việc xảy ra trong ống ngắm thay vì dừng tay và đi cứu người thân.
Tuy
nhiên Landon đã mang đến những giây phút hài hước cho câu chuyện kinh
dị, những tràng cười làm nhẹ bớt sự căng thẳng với sự góp mặt của anh
chàng phụ quay Randy vui tính. Về yếu tố siêu nhiên, anh cũng góp thêm
một số điều thú vị và huyền bí, mở đường cho việc nối dài loạt phim này
thêm nữa.
Nhưng những nhà làm phim sẽ cần phải thay đổi cách tiếp
cận, bởi cảm giác họ đã cạn kiệt ý tưởng: thiết bị quay phim vô tình cứ
bắt trúng những màn chót gay cấn. Và nếu loạt phim dừng ở đây, thì nó
đã là một kết thúc vừa vặn cho chùm ba phim.
Chẳng thể làm thay
đổi những người không hảo thể loại kinh dị này, nhưng những ai đã tận
hưởng nỗi khiếp sợ của phần một và phần hai chắc chắn sẽ yêu thích Paranormal Activity 3, và khi câu chuyện của phần ba thiếu liền lạc so với hai phim đi trước thì nó lại trội hơn về sự căng thẳng và sợ hãi.
Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: IGN
* Trò ma gương. Tương truyền Bloody Mary là một phụ nữ bị thiêu sống, có
mối hận thù với con người. Nếu bạn đứng trước gương trong căn phòng
tối, cầm ngọn nến và gọi tên Bloody Mary ba lần, con ma trong gương sẽ
xuất hiện và bò ra khỏi gương để báo thù.
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi