Nhân vật & Sự kiện

Michael Douglas bộc bạch về cha, nghề nghiệp và bệnh ung thư

12/01/2011

Ly hôn, một người cha nhiều vấn đề, nghiện rượu, cải tạo, ở tù, một vụ tự tử trong gia đình – cả gia đình Douglas đã phải trải qua nhiều nỗi đau nhân thế hơn cả Job. Song tất cả những thứ đó đã thuộc về quá khứ.

Sau cơn đột quỵ năm 1996, ngôi sao màn bạc nóng tính một thời Kirk Douglas được hồi sinh thành một người hòa nhã hơn, tìm lại nguồn gốc tôn giáo của mình và, vào năm 2004, tổ chức hôn lễ thề nguyện lần thứ hai với người vợ 50 năm chung sống. Trong khi đó, người con trai đạt giải Oscar, Michael, bước vào câu chuyện thần tiên lần thứ hai với nữ diễn viên xứ Wales Catherine Zeta-Jones cùng hai con của họ. Từng thừa nhận là một người cha không hoàn hảo đối với con trai đầu lòng, Cameron – người bị kết án tù mùa xuân vừa rồi do bị tố cáo liên quan tới ma túy – Michael đang thích thú với vai trò ông xã nội trợ trong gia đình mới.

Tuy nhiên khung cảnh gần như hoàn hảo bị phá vỡ bởi tin tức mới đây về việc Michael được chẩn đoán ung thư vòm họng giai đoạn bốn. Đối với một người đàn ông 65 tuổi trẻ trung, và – như sự xuất hiện của ông trong chương trình phỏng vấn The Late Show With David Letterman vào tháng 9/2010 cho thấy – luôn luôn quyến rũ, thanh lịch (dù có vẻ yếu ớt hơn), thì tin này được Hollywood đón nhận với nỗi buồn vô hạn. Theo cách bày tỏ của Sherry Lansing, cựu giám đốc Paramount Pictures, lời chuẩn đoán này là một “quân bài xấu xa”, nhưng bà vẫn nhấn mạnh, “Tôi chắc chắn anh ấy sẽ đánh bại căn bệnh này.”

Thông tin trên là bi kịch mới nhất nhắm vào gia tộc đã phải trải qua đủ thăng trầm để đọ với kinh thánh, và viết nên một giai thoại về cha con độc nhất vô nhị trong lịch sử Hollywood.

Giai thoại ấy bắt đầu ra sao, có lẽ Michael đã đúc kết điều đó một cách cô đọng nhất khi phát biểu với tờ Mail on Sunday năm 2006, “Cha tôi là Spartacus”.



Kirk Douglas và con trai Michael thảo luận khi thực hiện phim Summertree
tại Los Angeles (24/6/1970). Cha là nhà sản xuất còn con trai vào vai chính


Trên thực tế, mối quan hệ giữa ông và “Kirk” (theo lời một người bạn, ông gọi cha mình như vậy) được giấu bởi những sự xung đột kiểu Oedipus kéo dài nhiều năm và thời thơ ấu khi Michael gần gũi hơn với người cha dượng dịu dàng, người cùng mẹ nuôi lớn ông ở Connecticut. Điều tồi tệ nhất xảy ra khi Michael, năm 29 tuổi, sản xuất One Flew Over the Cuckoo’s Nest (Bay trên tổ chim cúc cu) (1975) và không xếp cha mình vào vai chính, kẻ phá rối bệnh viện tâm thần R.P. McMurphy (vai diễn Kirk từng đảm nhiệm trên sân khấu Broadway), thay vào đó lại trao vai diễn ấy cho một nam diễn viên trẻ là Jack Nicholson. Sự sỉ nhục như tăng thêm khi bộ phim đoạt năm giải Oscar, bao gồm giải Phim xuất sắc nhất.

Kirk, ba lần được đề cử giải Oscar dành cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, song chưa bao giờ thắng cuộc (năm 1996, ông nhận được giải danh dự của Viện hàn lâm), khó chấp nhận cú đả kích này. Ngay trong bộ phim tài liệu về hai cha con do HBO thực hiện năm 2005, A Father …a Son …Once Upon a Time in Hollywood, Kirk nổi giận khi người ta nói đến “tổ chim cúc cu”. Khi Michael hỏi rằng hồi ấy ông nên làm điều gì khác, Kirk nói to, dằn mạnh rõ ràng từng tiếng (cơn đột quỵ làm giảm nhiều khả năng nói của ông): “Anh nên làm gì ư? Anh là nhà sản xuất! Lẽ ra anh phải nói, ‘Không, không. Cha tôi phải diễn vai đó!’”

Trong những năm 1970, khi Michael bắt đầu nghiêm túc hơn với nghề diễn, cha ông “chưa bao giờ giúp Michael có được một vai diễn,” một người bạn của Michael nói. “Tôi không nói ông ấy (Kirk) không thương con, nhưng những thành quả mà Michael có được trong sự nghiệp đều do tự thân cậu ấy.”

“Trước cơn đột quỵ, Kirk là một người rất mạnh mẽ. Có lẽ ông coi mọi diễn viên đều là đối thủ của mình.”

Lee Grant, đạo diễn phim tài liệu của HBO, nói rằng Kirk Douglas đặt “tiêu chuẩn và hình tượng cực kỳ cao” đối với các con trai.

“Ông là người Do thái cứng cỏi từ vùng ngoại ô New York,” Grant nói. “Cha ông là người buôn đồng nát, như Michael nói trong vô số cuốn sách. Ông hằn học với chính bản thân mình. Ông ra đời, thành sao khi còn quá trẻ và đầy nhiệt huyết. Chà, ở nhà cũng vậy. Và ông khiến những cậu con trai nỗ lực đáp ứng ma lực, tính khí thất thường và nhiệt huyết của cha.”

Là diễn viên, Michael có uy tín trên màn ảnh và sự nghiêm khắc trong thâm tâm (chứ không phải ở bên ngoài) của cha, và sự nghiệp của ông cũng từ đó đi lên, khi ông thể hiện lối diễn xuất chắc tay trong các bộ phim đáng chú ý như The China Syndrome (1979), Romancing the Stone (1984), Fatal Attraction (1987) và Wall Street (1987), bộ phim mang về cho ông giải Oscar lần thứ hai.

 

Glenn Close, Michael Douglas và Anne Archer chụp ảnh cho Fatal Attraction (17/2/1988)

 

Tuy nhiên ông cũng thừa hưởng những sở đoản của cha mình. Giống như Kirk, Michael được biết đến như một người đàn ông trăng hoa thâm niên (khi thực hiện Romancing the Stone, ông kể, ông và bạn diễn Kathleen Turner “dan díu như những kẻ cướp, cả trên và ngoài màn ảnh”; nhà bình luận của tờ New York Times Maureen Dowd cũng là một cuộc tình chớp nhoáng khác), và cuộc hôn nhân đầu tiên của cả hai đều không lâu bền. (Lần kết hôn đầu tiên của Michael vẫn còn đeo bám ông: mới đây, cô vợ cũ Diandra yêu cầu Michael chia nửa thu nhập kiếm được từ Wall Street: Money Never Sleeps)

Tình phụ tử là một thách thức khác, ấy là điều Michael chia sẻ cởi mở từ nhiều năm qua.

“Những ưu tiên của tôi rất giống với cha tôi,” ông nói với tạp chí Vanity Fair vào tháng tư, nhắc tới lúc con trai Cameron trưởng thành. “Sự nghiệp là trên hết.”

“Anh ấy xử trí (vấn đề với Cameron) rất lịch thiệp và rất chuyên nghiệp,” Billy Gerber, cựu chủ tịch sản xuất của Warner Bros., quen biết Douglas nhiều năm, nói. “Tôi nghĩ việc đó đè nặng lên anh ấy rất, rất nhiều, và tôi nghĩ anh ấy là một người cha tuyệt vời. Nhưng tình cảnh đó thực đáng buồn.”

Nếu cuộc hôn nhân thứ hai của Kirk bắt đầu khi ông sống sót sau một vụ tai nạn máy bay tồi tệ và sau đó là cơn đột quỵ, thì cuộc hôn nhân thứ hai của Michael bắt đầu khi ông xem một buổi chiếu The Mask of Zorro năm 1998 tại Liên hoan phim Deauville. Ngay lập tức, Michael thu xếp hẹn ăn tối với ngôi sao trẻ Catherine Zeta-Jones. Trước khi buổi tối qua đi, ông nói với cô rằng ông sẽ làm cha của các con cô ấy. Và thế là, bắt đầu câu chuyện Lọ Lem giữa Michael và Catherine, người, khác với cô vợ cũ Diandra, “thích thú việc sống trong triều đại Douglas, đó là điều cô ấy thích thú,” một nhà báo nói. “Có vẻ họ rất thương yêu nhau.”

“Hiện tại ông ấy rất hạnh phúc. Và ông ấy đang thực hiện những bộ phim tuyệt vời,” Lansing nói. “Dường như ông ấy thực sự bình yên.”

 

Một cảnh của Michael Douglas trong Wall Street: Money Never Sleeps

 

Một phần của sự bình yên đó xuất phát từ việc hòa thuận với cha, người mà giờ đây Michael rất gần gũi. Hai người diễn chung, cùng với Cameron, trong tác phẩm năm 2003 có tựa đề thật khéo It Runs in the Family. Và trong bộ phim tài liệu của HBO, hai cha con ôm hôn thắm thiết và cùng nói, “Cha (con) tha thứ cho con (cha).” Khi Michael đối mặt với trở ngại gần đây là căn bệnh ung thư, Kirk khích lệ ông.

“Tôi kể nhiều lố chuyện cười khiếm nhã,” Kirk nói với tạp chí People. “Tôi cố gắng kể thực hài hước.”

Sức cuốn hút của diễn viên Michael Douglas là những thói xấu dễ được đồng cảm của ông, và giống người cha, ông luôn tỏ ra thẳng thắn về những khiếm khuyết này. Ngay cả trong Fatal Attraction, Lansing nói, khán giả luôn tích cực ủng hộ vai diễn người chồng kinh khủng, lừa đảo mà ông thủ vai. Và Gordon Gekko, nhân vật trùm tư bản tàn nhẫn mà ông thể hiện trong Wall Street trở thành một hình tượng mà người ta tôn sùng.

“(Diễn xuất của ông) hàm chứa nhiều cảm xúc một cách khác thường. Nhiều nỗi đau. Nhiều cảm xúc gia đình đan quện với nhau, và …ông ấy đau khổ, như mọi người, vì những tác động qua lại có thực trong gia đình,” Schiff nói. “Tôi nghĩ Michael đã nếm trải nhiều chuyện từ năm 1987, và ông ấy đem tất cả vào vai diễn.”

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Ledger