Tin phòng vé

Lý giải phòng vé Bắc Mỹ 19-21/10: Chỉ có thể nói Ma ám 4 là một thành công

22/10/2012

Phần phim kinh dị quay lén Paranormal Activity 4 (phát hành ở Việt Nam với tựa Ma ám 4) kinh phí chỉ 5 triệu đôla của Paramount Pictures dễ dàng dẫn đầu phòng vé.

Người thắng cuộc: Paranormal Activity phần thứ tư cho thấy loạt phim này vẫn còn mang lại lợi nhuận từ thế giới âm hồn cho Paramount Pictures, về nhất với 30,2 triệu đôla. Trong khi đó, Argo của Warner Bros. giảm chỉ 15% so với tuần ra mắt, thu 16,6 triệu, tiếp tục gặt hái toàn những lời khen ngợi kể cả từ các nhà điều hành của những hãng phim cạnh tranh kịch liệt vị trí nhì bảng.

Paranormal Activity 4

Đáng khen: Tương tự, phim hài kinh dị Seven Psychopaths của CBS Films chiếm vị trí thứ năm trong tuần thứ nhì gặp gỡ khán giả, một tín hiệu cho thấy truyền miệng tích cực đang phát tán bất chấp thất bại ban đầu.

Người thua cuộc: Alex Cross (phát hành ở Việt Nam với tựa Thám tử lừng danh) của Summit Entertainment thấy mình bị đối xử tàn tệ: 11,75 triệu đôla từ hơn 2.500 rạp khiến phim này trở thành phim do Tyler Perry đóng chính có doanh thu ra mắt tệ hại nhất — từ trước đến nay.

Sự thể thế nào? Đừng tin lời những người nói ghét. Paranormal Activity phần thứ tư này là một thành công về doanh thu, ấy vậy mà những bài báo chua chát ở chỗ khác gièm pha rằng đây là một sự thất vọng vì phim đang trên đà trở thành phần có doanh thu thấp nhất trong loạt. Vậy thì sao? Giám đốc phát hành của một hãng phim đối thủ nhận xét “mặc dù èo uột trong nước nhưng trên thế giới phim sẽ ăn nên làm ra” và gọi đây là “vụ làm ăn lãi một cách khó tin.”

“Ai điên mới bảo Paranorman Activity là thất bại,” một sếp khác nói, đây là một nhà sản xuất hàng đầu tại một hãng phim đối thủ khác đã chưng hửng trước những bài báo chê bai, nói thêm rằng, “Tiền thu về như nước và không ngừng cho bộ phim nhiều phần này.”

Nguyên nhân của hai luồng ý kiến trái chiều cách biệt rất lớn này là gì? Dự báo kết quả phòng vé — thuật ngữ trong nghề để nói về một công cụ nửa khoa học nửa bói toán mà các hãng phim dựa vào đó để đánh giá liệu họ có nên đối đầu trực tiếp với một phim mới phát hành hay là nên chạy giạt sang một bên mà thoát thân chờ chiến đấu vào ngày khác. NRG/Nielsen Research xếp doanh thu Paranormal phần thứ tư này vào tầm hơn 40 triệu nhưng chưa đến 50 triệu, một viễn cảnh đáng sợ với bất kỳ ai dám quyết đấu với bộ phim này. Thế nên chắc chắn là, những hãng phim nào đã bạc mặt đi vì sợ hãi đã phải tiếc hùi hụi. Như sếp một hãng phim giải thích, “Giá mà chúng tôi không tin phim này chiếu ra mắt được 50 triệu đôla thì có phải tuần trước đâu đến nỗi đông nhung nhúc phim ra rạp để né đi không? Dám lắm.”

Bí ẩn lớn thực sự của tuần vừa rồi là các nhà sản xuất phim Alex Cross nghĩ gì mà lại làm ra một phiên bản kém hiệu quả, xếp loại PG-13 trong một phim nhiều phần máu me xếp loại R vậy chứ. “Có lẽ họ làm một phim nhãn PG-13 để khai thác lượng khán giả xem Madea của Tyler Perry,” giám đốc phát hành của một hãng phim đối thủ nói. “Họ thành công trong chuyện đó, nhưng đây không phải là ‘một xuất phẩm của Tyler Perry’, chỉ là một phim có anh ta đóng, một chuyện hoàn toàn khác.”

Phân tích cơ cấu khán giả xem Alex Cross ủng hộ cho ý này: 60% là nữ, với hơn hai phần ba (68%) trên 35, và ba phần tư (74%) là người Mỹ gốc Phi — tất cả những dữ liệu này, như Box Office Mojo lưu ý rất đúng, “đồng nhất với khán giả điển hình của Tyler Perry.” Tóm lại, khán giả của Tyler Perry đã đi xem, nhưng một lượng khán giả lớn hơn nữa là 'fan' của James Patterson [tác giả loạt truyện mà theo đó bộ phim này chuyển thể - ND] thì không. Người tiền nhiệm đảm nhận nhân vật đó, Morgan Freeman, rất thành công và được yêu mến đến thế cũng chẳng giúp được gì.

“Đóng lại một nhân vật trong một phim nhiều phần phải rất tinh tế, đặc biệt là khi cái bóng quá khứ quá lớn,” sếp một hãng phim nói, đế thêm một cách khô khốc “Tyler Perry không phải là Morgan Freeman.”

Cuối cùng, một câu khen ngợi dành cho Hotel Transylvania (phát hành ở Việt Nam với tựa Khách sạn huyền bí) của Sony Pictures, đang trên đà qua mặt The Smurfs trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất trong lịch sử hãng — và với doanh thu hơn nửa tỉ đôla toàn cầu thì không phải là chuyện nhỏ. Một sếp ở hãng phim này nói, “Có một thứ xốt bí mật cần thiết cho bất kỳ phim hoạt hình muốn thành công: Phụ huynh nghĩ rằng họ có thể ngồi xem hết phim và được vui vẻ thay vì muốn chống tăm vào mắt.”

* Đơn vị tính doanh thu: triệu USD



Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: New York MagazineEntertainment Weekly


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi