Việt Nam

Đàn trời khai thác chốn quan trường

20/04/2012

Những bức màn phía sau đời sống quan chức đang được tiếp tục vén lên phần nào bằng những bộ phim truyền hình Việt Nam. Sắp tới đây sẽ là Ðàn trời (36 tập) chiếu trên VTV1 lúc 20 giờ thứ hai đến thứ tư, từ ngày 18/4.

Trong phim, ông chủ tịch tỉnh (Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Dũng)
cũng dính đến những phi vụ tình ái với Nhẫn (diễn viên Kiều Thanh)

[Ảnh: đoàn phim cung cấp]

"Bên trong vùng núi mang vẻ đẹp hoang sơ, bình yên với những thác nước chảy réo rắt như tiếng đàn, tiếng nhạc trút xuống từ trời cao; người dân hiền lành lại đang sống những ngày vất vả, bị đẩy vào tình cảnh khốn cùng. Bất lực đến mức có lúc họ không thể làm gì ngoài việc ngẩng đầu cầu nguyện, cho đến khi xuất hiện những nhà báo chống tiêu cực..." - nhà văn - nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến lý giải về tên phim Ðàn trời.

Chủ tịch tỉnh "xấu xí từ đầu đến cuối"

"Nói đến dòng phim chính luận, đụng chuyện chính trị nghe ghê lắm, nhưng không dựa trên các chất liệu thời sự thì phim không thật được," nhà văn - nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến nhấn mạnh. Chất liệu đời sống của Ðàn trời ban đầu dựa trên sườn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Cao Duy Sơn, với những trải nghiệm tích góp sau mấy chục năm công tác tại Ðài phát thanh - truyền hình Cao Bằng. Cao Duy Sơn đã mất bốn năm để hoàn thành tiểu thuyết trước khi biên kịch Phạm Ngọc Tiến chờ thêm bảy năm nữa để chuyển thể lên phim với ít nhiều thay đổi.

Dù phim tiếp tục do đạo diễn Bùi Huy Thuần - đạo diễn phim Chủ tịch tỉnh - đảm nhiệm, nhưng nội dung và cách thể hiện của Ðàn trời không phải là một Chủ tịch tỉnh phần hai, theo cách nhấn mạnh của giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) Ðỗ Thanh Hải. Sẽ gai góc hơn, sẽ không tạo dựng nhiều kết mở với hình tượng một vị quan thanh liêm, hoàn hảo, nhân vật chính chủ tịch tỉnh Bình Lãng có tên Ðinh Xuân Ấn (Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng thủ vai) xấu xí từ đầu đến cuối phim, bên cạnh một giám đốc doanh nghiệp Lương Nhân (Tùng Dương) "luồn lách như lươn, đớp mồi như rắn". Phần "thời sự", đoàn phim công khai sử dụng là các tình tiết trong một dự án làm đường của chương trình 135 ở một vùng miền núi. Câu chuyện bắt đầu từ những tiêu cực của doanh nghiệp khi được lãnh đạo tỉnh Bình Lãng giao xây dựng một số tuyến đường, nhưng ngay lập tức các phóng viên thời sự đã bị ngăn chặn không cho đưa thông tin phát hiện được lên sóng.

"Ông chủ tịch tỉnh cũng dính chuyện tình ái, nhưng chớ có liên tưởng máy móc sang vụ chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô nhé! Phim cũng có nói đến chuyện tranh giành đất đai nhưng khi làm phim đã có vụ Tiên Lãng, Hải Phòng xảy ra đâu..." - nhà văn Phạm Ngọc Tiến nói sau cuộc họp báo ra mắt phim chiều 9/4 tại Hà Nội. Cũng không muốn khán giả liên tưởng những điểm trùng hợp của phim với các dòng sự kiện, giám đốc VFC Ðỗ Thanh Hải nói: "Mong là khi xem phim, khán giả hạn chế suy diễn sự việc, sự thật."

Tính toán kỹ để... phim hạ cánh an toàn

Cái đáng quan tâm hơn, theo Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng, sau một khoảng thời gian không bỏ qua bất kỳ bộ phim quan trường nào của Trung Quốc, anh được đóng ông quan... "một tông" rất giống đời, nghĩa là "Ðinh Xuân Ấn sẽ xấu đến tận cùng, đẩy người dân đến tận chân tường và chỉ có một chút thức tỉnh phía cuối phim thôi." Sau 10 năm chỉ tập trung cho sân khấu, Nghệ sĩ Ưu tú Anh Tú vào vai giám đốc Ðài truyền hình Bình Lãng nhu nhược, tha hóa, góp phần cho sự thật "không lo cho dân, chỉ lo cho thân" của các quan chức chậm ra ngoài ánh sáng.

Vì những cái xấu tận cùng đó trong phim, đây cũng là bộ phim "từ đầu đến cuối không được giúp đỡ gì về bối cảnh tại địa phương" - đạo diễn Bùi Huy Thuần kể lại. Chuyện diễn viên phải nói thoại thầm (những đoạn thoại "gay cấn", "đụng chạm", "đấu đá") hay tổ sản xuất phải tra bằng sạch danh sách biển số ôtô của Tổng cục Ðường bộ, đảm bảo không sử dụng trùng bất kỳ biển số nào ngoài đời cũng là một việc đoàn phim phải tính toán kỹ để... hạ cánh an toàn.

Phim thực hiện nhiều cảnh quay tại Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Sơn Tây... để phù hợp với bối cảnh câu chuyện xảy ra tại miền núi. Màu sắc tâm linh từ rừng núi trong nền âm nhạc của diễn viên "chuyên viết nhạc phim" Tiến Minh là dụng ý của đạo diễn "muốn phim thoát khỏi bóng dáng đô thị". Trong phim, nhân vật ông lão mù huýt sáo Xẩm Ky (diễn viên Hồng Chương) sẽ xuất hiện đậm đà, kỳ ảo hơn so với tiểu thuyết. Tiếng sáo cất lên trước mỗi biến cố xảy ra giữa chốn núi rừng cũng là tiếng sáo cảnh báo, thức tỉnh những ai đang tiếp tục sống trên lưng người dân.

Phim truyền hình ca ngợi phóng viên truyền hình

"Không chỉ là chốn quan trường, điểm nhấn nữa của phim là bức tranh dấn thân làm nghề của phóng viên truyền hình" - biên kịch từng làm nhà báo Phạm Ngọc Tiến giới thiệu. Mượn bối cảnh ở một đài truyền hình địa phương (thay vì tòa soạn báo như trong tiểu thuyết), cũng theo nhà biên kịch, những nhân vật như Vương Thức (diễn viên Sĩ Tiến), Thục Vy (diễn viên Thanh Hoa) được lột tả như những nhà báo dấn thân vào những điểm nóng, thậm chí "bị đánh, giết, mất nghề, bỏ nghề" đều có.

Tuy nhiên, hay dở đến đâu phải xem mới biết, cũng bởi từ trước đến nay hình ảnh của nhà báo còn nhiều hư cấu, chưa phản ánh được chân thực qua phim ảnh Việt Nam. Chọn việc ca ngợi đội ngũ phóng viên báo hình để "tự mình nói cho mọi người biết khó khăn của hàng ngũ" cũng là cách "làm đẹp hình ảnh" khéo léo của nhà đài, hi vọng đủ sức thuyết phục được khán giả và cả các đồng nghiệp sau khi phim trình chiếu.



Nguồn: Tuổi Trẻ online


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi