Trên một tờ báo có bài viết kể chuyện một số thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay đang đổ xô đi học nghề để bắt chước các nhân vật trong các bộ phim Hàn Quốc.
Nghề nấu ăn, nghề làm bánh, nghề bán cà phê… Toàn là những nghề buộc
người thực hiện phải có một tâm hồn nhạy cảm, có khả năng chủ động giao
tiếp và đặc biệt là tình yêu đối với người sẽ thụ hưởng thành quả lao
động của mình. Tôi cá rằng chín mươi phần trăm những chàng, nàng đang
hăm hở vào nghề này sẽ bỏ cuộc khi họ có một cơ hội khác kiếm tiền nhanh
hơn, nhiều hơn. Nhưng tôi cũng chắc rằng ít nhất chín mươi phần trăm
trong số họ sẽ nhớ mãi quãng đời ngắn ngủi của trải nghiệm và sống vì
người khác ấy.
Nói vậy là để ngậm ngùi rằng, sao mà phim Việt
không làm nổi một phần cái nhiệm vụ tưởng chừng không mấy khó khăn ấy?
Đưa ra một hình mẫu thần tượng cho giới trẻ, hoặc một hình mẫu có thể
làm người già muốn sống hơn… khó lắm sao? Trong khi ta biết chắc rằng
người Việt nói chung vốn là những người biết yêu thương, tha thứ, và đặc
biệt kiên cường trong cuộc sống còn đầy cam go.
Nhìn từ góc độ
kịch bản, đã hình thành một số nhóm viết với đủ kiểu phương thức khác
nhau: viết độc lập mỗi người một bộ, rồi đổi nhau biên tập lại, hoặc
chung nhau một bộ rồi chia mỗi người vài tập cùng viết cho nhanh, hoặc
theo công nghệ Mỹ là chia mỗi người một công đoạn từnghĩ truyện, đến
phác thảo tình huống và cuối cùng là viết thoại…
Phương thức nào
thành công hơn còn chưa biết, chỉ thấy rõ: bản đồ kịch bản phim truyền
hình vẫn chưa có đường nét rõ ràng, chưa cóchân dung nào định vị, và tệ
nhất là chất lượng phim truyền hình không nhờ thế mà tiến bộ hơn. Vậy
vấn đề rõ ràng không phải ở phương thức sáng tác, mà ở chính nội dung
câu chuyện phim.
Một cảnh trong phim Bí thư tỉnh ủy
Theo một cách hết sức giáo khoa, có thể khẳng định khi nội dung không có
gì đáng kể, thì hình thức nào cũng trở nên vô nghĩa. Nếu câu chuyện
phim không đánh động tâm can ai cả, thì mọi hình thức thể hiện đều trở
nên trớ trêu, phản cảm. Khi ai đó nói rằng phim này nhảm, chắc chắn
không hàm ý là hình thức thể hiện nhảm, mà họ thực sự dị ứng với câu
chuyện tầm phào trong đó.
Cũng cần nói rằng, do nhịp độ của đời
sống hiện đại khá gấp gáp, mà người sáng tác dễ nhầm tưởng rằng chúng ta
đang sống trong một thời đại chỉ có sự thực dụng và hời hợt.
Sự
nhầm tưởng này được thể hiện trên các bộ kịch bản viết vội, được quay
vội… cuối cùng đã thể hiện chính sự hời hợt của người sáng tác, và xúc
phạm khán giả trầm trọng.
Trong thực tế, đời sống bao giờ cũng đa
dạng, đa tầng, và người viết buộc phải là người nhận diện chính xác bản
chất của từng sự kiện hiện tượng và thể hiện nó với trách nhiệm cao
nhất.
Mà để làm được việc đó, người biên kịch cần có hai năng
lực: giải mã được các hiện tượng, sự kiện trong cuộc sống và giải mã
được tâm lý tiếp nhận của khán giả. Nghĩa là người sáng tác cần có một
lượng tri thức đủ dày, đủ sâu, và sự tiếp cận đời sống một cách chủ động
và bài bản vậy.
Buồn là cả hai điều này cùng rất thiếu trong lực
lượng biên kịch trẻ, những người đang chiếm lĩnh trận địa kịch bản phim
truyện truyền hình chủ yếu hiện nay. Trông cậy ở lớp biên kịch lớn tuổi
thì phần lớn cũng đã “chim bay mỏi cánh”, và cũng quá ít để tạo nên một
thế áp đảo về chất lượng cũng như số lượng trên cái mặt trận mênh mông
và lộn xộn của phim truyền hình nước nhà.
Từ câu chuyện về những
người biên kịch, lại nghĩ đến khâu cuối cùng của dây chuyền đưa phim lên
sóng. Tôi cho rằng công tác xét duyệt kịch bản của một Đài nhất định
phải được những người có kinh nghiệm và tâm huyết tham gia thẩm định.
Nếu
khâu xét duyệt này được làm nghiêm túc thì không những mọi kịch bản ngớ
ngẩn đều bị loại bỏ, mà chính định hướng thẩm định sẽ tác động đến định
hướng của các nhóm sáng tác, buộc họ phải nâng cấp mình không ngừng.
Nói
cách khác, từ hệ thống thẩm định của Đài, những định hướng về chiến
lược giáo dục xã hội - hay nói chính xác là chiến lược xây dựng chân
dung thần tượng cho xã hội - sẽ được nghiên cứu, xác lập và truyền thông
điệp tới người sáng tác bằng nhiều phương thức như kiểm duyệt, khuyến
cáo, hoặc các đơn đặt hàng quan trọng…
Mong mỏi được xem những
phim truyền hình hay, mong mỏi tìm thấy chính mình trong những câu
chuyện mỗi tối trên màn hình nhỏ, mong mỏi được thấy những thần tượng
cho giới trẻ được thấm cảm theo cung cách tự nhiên nhất… là những mong
mỏi chính đáng của người xem, mà Nhà đài cùng với người sáng tác có
nghĩa vụ đáp ứng một cách trân trọng nhất.
Muốn như vậy, cuộc
liên kết giữa Nhà đài và lực lượng sáng tác phải được hiểu là cuộc liên
kết cộng sinh, liên đới trách nhiệm và vì một mục tiêu chung: có nhiều
phim hay hơn, hay hơn nữa.
Nguồn: Trịnh Thanh Nhã Văn hóa online