Việt Nam

Một kiểu làm phim lãng phí

10/01/2011

Không ít phim lịch sử Việt Nam phải mang sang Trung Quốc quay vì ta thiếu thốn đủ thứ và chưa có phim trường dành riêng cho phim lịch sử. Nhưng xót xa thay, rất nhiều bối cảnh, đạo cụ, trang phục được chế tạo để cho một bộ phim lịch sử dùng xong rồi... bỏ.

Không bỏ thì biết cất đâu?

Tại trường quay Cổ Loa (Hà Nội), đoàn làm phim truyền hình Huyền sử thiên đô (Công ty Sao Thế Giới đầu tư) nói về Lý Công Uẩn và quá trình dời đô của ông quay khẩn trương để kịp phát sóng vào dịp đại lễ. Một cổng thành to lớn đã được dựng lên, nhưng đoàn phim vừa quay vừa hồi hộp, bởi cổng thành này phần lớn làm bằng xốp, chỉ sợ một cơn mưa lớn đổ xuống là hỏng hết.

Đi vào phía trong của phim trường lộ thiên ta sẽ thấy cả một dãy phố xưa, cùng vài cung điện khác. “Lúc trước ở đây còn có cung của Minh Đạo hoàng hậu nữa cơ, nhưng quay xong đã phá đi rồi” - một anh trong nhóm dựng cảnh cho biết. Anh chàng phụ trách phần vũ khí thì ngồi bệt xuống ngay cạnh cổng thành, sơn sơn phết phết lên những gươm, giáo, bên cạnh anh ta là những thùng thiếc đựng đầy các món binh khí. Ở một khu vực khác của phim trường là nội cảnh của các vương phủ, rồi khu vực riêng cất phục trang. Rất nhiều phục trang của bộ phim dài 70 tập này được treo, xếp thứ tự: quần áo vua chúa, cung nữ, binh lính... chật cả một gian phòng lớn. Nhà báo Hà Phương, vợ nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn - tác giả kịch bản, người theo sát tiến trình của bộ phim chép miệng: “Tiếc quá..., bao nhiêu công sức nghiên cứu để dựng cảnh, thiết kế trang phục, làm đạo cụ, thế mà xong phim rồi là phải bỏ đi hết." Mà đúng thật, xong phim thì phải thu dọn bối cảnh lấy chỗ cho phim khác quay, tất cả thành quách, nhà cửa, quần áo, gươm giáo này không bỏ đi thì biết cất vào đâu?

Một cảnh quay tại trường quay Cổ Loa của phim Huyền sử thiên đô [Ảnh: Ngọc Thắng]

Ở phía Nam, phim truyền hình lịch sử Về đất Thăng Long (M&T Pictures phối hợp Đài truyền hình TPHCM sản xuất) cũng đang được tích cực thực hiện. Bộ phim này tuy có phần lớn bối cảnh diễn ra tại nội cung - được quay tại phim trường có mái che tại 212 Lý Chính Thắng (Q.3, TP.HCM), song đến thời điểm này, chi phí cho đạo cụ đã lên đến hơn ba tỉ đồng. Theo họa sĩ thiết kế Mã Phi Hải, “cho đến ngày đóng máy, có lẽ con số này sẽ còn tăng nữa”.

Quay xong, tất cả đạo cụ, cũng như bốn cung điện được dựng trong phim trường sẽ được giữ lại để tái sử dụng, nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm gìn giữ thì vẫn chưa biết, vì “kết phim mới thanh lý được”, Mã Phi Hải nói. Song, chuyện đạo cụ thuộc về ai không quan trọng, vấn đề ở đây là nó sẽ được gìn giữ và tái sử dụng ra sao. Bởi, trường quay trên là của Hãng phim Giải Phóng, thêm nữa “đạo cụ của thời hiện đại thì xử lý không khó, nhưng đạo cụ của phim cổ trang, lịch sử thì có muốn dùng nó cho những phim sau cũng khá... nan giải, vì mỗi thời mỗi khác. Hơn nữa, phim cổ trang của Việt Nam không nhiều, nên có khi chờ đến phim sau thì mọi thứ cũng... sắp hư rồi,” họa sĩ ngậm ngùi.

Lãng phí

Đúng là khi thiếu phim trường, không có nơi tập trung để cất và giữ (chứ chưa mơ tới việc biến trường quay của một phim lịch sử thành một điểm du lịch) thì những người làm phim có lẽ cũng không mạnh dạn đầu tư, bởi có khi dựng lên để quay xong thì phá bỏ - dùng một lần rồi thôi. Như nỗi niềm của đạo diễn Lê Cung Bắc, từ phim Người đẹp Tây Đô đến Dòng đời hay Duyên trần thoát tục và mới đây là Vó ngựa trời Nam, cũng vì không có phim trường nên tất cả bối cảnh đều được thực hiện trong suy nghĩ: chất liệu thô sơ, giá rẻ, vì xây dựng lên, quay xong thì... bỏ hết. Cứ thử ngẫm xem, cả một căn cứ ở rừng Sác, một ngôi làng với hàng chục ngôi nhà vừa ngói vừa tranh, rồi doanh trại của băng cướp (trong Vó ngựa trời Nam)... được dựng - quay xong rồi bỏ đi, quả là hoang phí; nếu đội ngũ xây dựng thu mua lại vật liệu thì có thể thu lại chút chi phí cho đoàn phim, còn không thì cũng đành chịu!

“Theo nguyên tắc, đạo cụ của phim phải được giữ lại, vì sau đó trong những trường hợp cần thiết có thể dùng lại để tiết kiệm bớt kinh phí. Hãng phim TFS của Đài truyền hình TPHCM cũng có kho lưu giữ. Trước đây, sau khi làm xong phim Lục Vân Tiên, đài vẫn giữ lại đạo cụ, vì chúng tôi đầu tư khá cao, chỉ tiếc là từ đó đến nay chưa làm thêm phim cổ trang nào nên cũng chẳng dùng lại được bao nhiêu,” đạo diễn Đỗ Phú Hải, trưởng phòng Phim truyện TFS, cho biết.

Đã một thời gian dài điện ảnh Việt Nam thiếu vắng phim lịch sử, dã sử, cổ trang, đặc biệt là phim về những thời kỳ cách đây vài thế kỷ. Sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội như một cú hích khiến cho dòng phim này hồi sinh với nhiều dự án phim nhựa lẫn truyền hình dài tập đã và đang được triển khai, và cũng là lúc thấy nghịch lý hiện rõ: chúng ta luôn kêu ca thiếu, nhưng đồng thời cũng đang vô cùng lãng phí! Chúng ta không hề có sự kế thừa về trường quay, tư liệu, đạo cụ, phục trang, do đó, khi bắt tay vào bất cứ một dự án phim lịch sử nào đồng nghĩa với việc người làm phim phải làm lại từ đầu tất cả mọi công việc, bỏ ra thời gian, công sức, chi phí lớn mà lẽ ra đã có thể tiết kiệm được nếu có kế hoạch bảo tồn một cách khoa học những bối cảnh, đạo cụ, phục trang từ các phim trước.

Nguồn: Thanh Nien Online