Việt Nam

Phim truyền hình Việt Nam - đến ngưỡng bội thực?

13/03/2011

Khán giả của phim truyền hình Việt Nam cảm thấy ngán, đến ngưỡng bội thực, thậm chí cảm giác như bị tra tấn bởi ngoài sự "tấn công" ồ ạt của số lượng phim truyền hình Việt, nhưng chất lượng phim tiếc thay, không tương xứng.

Nghị định số 54/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12 có hiệu lực kể từ ngày 7/7/2010. Theo đó, tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình phải đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim, thời gian chiếu phim "giờ vàng" từ 20 -22 giờ trong ngày, ngoài ra còn có thể phát sóng vào các giờ khác.

Luật chạy theo không kịp

Theo Bộ Thông tin-Truyền thông, hiện cả nước có 67 đài phát thanh-truyền hình, trong đó có ba đài phủ sóng toàn quốc là Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV, Đài truyền hình Việt Nam - VTV và Đài truyền hình kỹ thuật số VTC. 64 đài phát thanh - truyền hình địa phương gồm 62 đài phát thanh - truyền hình của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, riêng TPHCM có hai đài: Đài truyền hình TPHCM - HTV và Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM.

Số lượng các kênh chương trình truyền hình tại Việt Nam lên tới gần 200 kênh, trong đó gần 100 kênh chương trình truyền hình quảng bá. Bên cạnh đó, nhiều chương trình truyền hình quốc gia và một số chương trình truyền hình quảng bá khác được phát sóng trên mạng internet đến các khu vực, các nước trên thế giới phục vụ thông tin đối ngoại.

Từ tháng 6/2010, với việc sử dụng thêm vệ tinh AsiaSat5 để truyền dẫn tín hiệu, VTC sẽ chính thức cung cấp năm gói dịch vụ với tổng số 100 kênh truyền hình. Từ năm 2011 này, kênh VCTV2 thuộc VTV sẽ phát sóng phim Việt 24/24 giờ.

Chỉ cần nhìn vào những con số đầy ấn tượng về các kênh truyền hình, áp vào con số 30% phim Việt phát sóng, có thể thấy số lượng phim Việt trong một năm là bao nhiêu. Tính nhẩm, ước chừng khoảng 3.000 tập phim truyền hình sản xuất trong năm 2010 mới đủ cung ứng cho tỷ lệ 30% cho các đài truyền hình trong cả nước. Tới năm 2011 và các năm tiếp theo, con số đó phải tăng lên thêm để "trám" cho đủ thời lượng quy định.

Và năm 2010 vừa qua, quả thật "giờ vàng" phim Việt đã "độc quyền" chiếm sóng các kênh truyền hình, lấn át phim ngoại. Riêng Đài truyền hình TPHCM đã "ngốn" hết hơn 1.800 phim truyền hình. Nhưng chính điều đó đã nảy sinh nghịch lý, khán giả của phim truyền hình Việt Nam cảm thấy ngán, đến ngưỡng bội thực, thậm chí cảm giác như bị tra tấn bởi ngoài sự "tấn công" ồ ạt của số lượng phim TH Việt, nhưng chất lượng phim tiếc thay, không tương xứng.

Phải chăng, những người soạn thảo và sửa đổi Luật Điện ảnh Việt Nam đã không lường được sự phát triển mạnh của các kênh truyền hình, nên để thực hiện đúng luật, các nhà đài không còn đủ khả năng chọn lọc, hay đặt hàng phim có giá trị cao, đành phải "vơ bèo, vợt tép", thượng vàng, hạ cám - chưa kể mua đi bán lại, chấp nhận "nước 2, nước 3..." - loại phim đã phát sóng trước đó ở một kênh truyền hình khác, cho đủ số phim truyền hình Việt phát sóng trong cái tỷ lệ 30% kia?

Đầm lầy bạc - một trong những bộ phim đạt giải tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 30

Nhanh + nhiều + nhạt = Thảm họa

Với hơn 600 đơn vị cả nhà nước và tư nhân được cấp phép có chức năng sản xuất phim, sự cạnh tranh ở ngành công nghệ giải trí trong thương trường này chắc chắn là rất khốc liệt, nên thời gian là vàng, bạc, càng nhanh càng nhiều khả năng thu lợi nhuận cao.

Trong thời điểm hiện tại, theo số lượng phim được phát sóng trong năm 2010, có thể thấy trung bình một ngày có một phim truyền hình nhiều tập hoàn thành. Thực tế, phim truyền hình bây giờ không phải quay 2-3 ngày/ tập phim mà là một ngày/1 tập, một phim truyền hình có thể chỉ trong vòng 1-3 tháng là xong tất cả, kể cả hậu kỳ.

Cách đây 10 năm, khi mà truyền hình Việt Nam chỉ có vỏn vẹn khoảng 50 phim truyền hình/năm thì gần như ai cũng nhớ đến phim, nhân vật trong phim, tình tiết trong phim, thậm chí cả phục trang, rồi những lời thoại của nhân vật... Tới năm 2010, thì số phim ước tính lên đến 3.000, và đó chưa phải là con số "chuẩn" cho mục tiêu của phim truyền hình Việt Nam trong các năm tiếp theo.

Nếu như hơn 600 đơn vị kia cùng sản xuất phim truyền hình nhiều tập, với độ dài trung bình và phổ thông như hiện nay, 40 tập/phim, thì sẽ là một số lượng phim "khủng". May mà hiện tại mới chỉ có hơn 40 đơn vị trực tiếp làm phim, trong đó hai anh cả là VFC-VTV và TFS-HTV vẫn giữ vị trí hàng đầu số phim. Còn các đơn vị kia làm dịch vụ là chủ yếu.

Và chỉ mới có ít ngày của năm mới, đã có hơn 20 đoàn làm phim truyền hình nhiều tập (từ 30-75 tập) đang trên trường quay, gần 10 phim khác đang sắp làm lễ khởi động bấm máy. Chưa kể mấy chục dự án dài hơi về phim truyền hình nhiều tập, từ 40 đến hơn 100 tập đã và đang thực hiện ở các khâu cơ bản và sẽ được thực hiện trong năm 2011.

Nhưng "quý hồ tinh, bất quý hồ đa", ông bà xưa nói không ngoa. Vừa đảm bảo thời gian tốc độ, vừa phải đáp ứng đủ số lượng phim, nên chất lượng phim truyền hình Việt Nam đã được thả nổi. Không ít phim truyền hình Việt Nam có nội dung xa lạ với thực tế cuộc sống xã hội, gây phản cảm trong đại bộ phận công chúng, không mang tính giáo dục thẩm mỹ mà còn khuyến khích một kiểu sống không lành mạnh.

Tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 30 vừa diễn ra ở Cần Thơ cuối tháng 12/2010, trong số 3.000 bộ phim truyền hình của năm 2010, cuối cùng chỉ chọn được hơn 300 tập/10 phim truyền hình trong cả nước tranh giải phim truyền hình nhiều tập. Mà những phim đoạt giải cũng không phải là phim có chỉ số raiting cao: Đầm lầy bạc - VFC, Vó ngựa trời Nam- TFS, Phía cuối cầu vồng - Công ty Trần Gia...

Tâm và tầm

Ông Đoàn Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập tạp chí Thế giới điện ảnh, trong một cuộc hội thảo năm 2010 đã bức xúc: "...Đa số diễn viên khóc giả, cười giả, diễn giả, nên tình cảm cũng giả dối theo. Sự vô duyên, tầm thường hóa trong lời thoại, nhạt nhẽo trong diễn xuất, đơn điệu trong kịch bản... Tầm văn hoá của những kịch bản phim truyền hình thấp, không đi vào trái tim con người..."

Phim làm sao chất lượng được khi những người làm phim đã không đặt "tâm" và đủ "tầm" để làm. Từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên đến các khâu khác trong đoàn làm phim chỉ nhăm nhăm vấn đề đầu tiên là "nhanh - nhiều", còn chất lượng cứ "phiên phiến". Cái "đầu ra" không phải trách nhiệm của họ, điều đó có nhà sản xuất chịu. Họ chỉ cần đút tiền công vào túi và xong.

Có tác giả của một kịch bản nhưng đổi tên kịch bản, đổi tên nhân vật, thậm chí là địa điểm diễn ra câu chuyện rồi đem bán khắp trong Nam ngoài Bắc. Dẫn đến việc, cùng một lúc ở trong Nam, ngoài Bắc và cả đài truyền hình địa phương phát sóng phim truyền hình na ná như nhau...

Có nhà biên kịch hoàn thành kịch bản 35 tập phim TH trong vòng 21 ngày. Lại có kiểu làm ăn tốc độ, kịch bản phim như 1 thứ hàng hóa sản xuất theo dây chuyền gia công, đưa cho vài người viết, mỗi người 1 vài tập, rồi gắn lại, cho bảo đảm thời gian viết nhanh nhất.

Đạo diễn phim truyền hình cũng được vận hành tối đa. Có đạo diễn cùng một lúc làm cho hai phim, một năm/3 phim là chuyện thường. Có những đạo diễn ra trường quay mà chưa đọc kịch bản văn học, kịch bản phân cảnh. Bởi thế mới có chuyện thật như đùa, làm đạo diễn mà ra tới trường quay rồi phải hỏi thư ký xem hôm nay quay phân đoạn nào của phim.

Không hiếm đạo diễn coi việc làm phim là phi vụ làm ăn, chỉ quan tâm đến tiến độ mà không đầu tư vào chất lượng. Những đạo diễn "biết mặt, quen tên" ở mảng phim điện ảnh không nhiều. Được tín nhiệm mời đạo diễn phim truyền hình, nhưng chỉ có mấy người mà phải làm vài chục phim, mỗi phim trên dưới 40 tập, tất nhiên sẽ dẫn đến sự quá tải, và tài mấy cũng biến phim thành một thứ "kịch truyền hình" nhạt nhẽo.

Bản thân họ cũng biết điều đó nhưng có lẽ cái "tâm" của nghề bị lấn át của một chữ "T" khác nên họ biết mà vẫn làm.

Chưa kể thảm trạng thiếu đạo diễn phim TH dẫn đến việc diễn viên đóng phim trở thành đạo diễn, thậm chí cascadeur lâu năm cũng thành đạo diễn hình ảnh. Nên phim truyền hình của các đạo diễn đó như một thứ "lẩu thập cẩm" khó gọi tên.

Diễn viên đóng phim truyền hình thì đúng là một thảm họa. Ai cũng có thể đóng phim truyền hình được, từ diễn viên sân khấu, ca sĩ, người mẫu đến các MC. Người nào là "sao" thì càng đắt hàng, có thể cùng một thời điểm, diễn 3-4 vai trong 3-4 phim. Phim truyền hình nào cũng phải có vài ca sĩ, người mẫu hay hoa hậu, người đẹp... đóng vai chính.

Và chính cái không chuyên nghiệp của nghề diễn dẫn đến kết quả họ chỉ là "bình hoa di động", diễn xuất "đơ" đến nhạt nhẽo, hời hợt, vô cảm. Việc không thuộc lời thoại, thậm chí ra phim trường mới biết hôm nay mình đóng phân cảnh nào là chuyện thường.

Và người vô trách nhiệm cuối cùng chính là nhà sản xuất. Thời buổi cạnh tranh thương trường, nên phương châm của các nhà sản xuất là nhiều-nhanh-rẻ. Hàng chục đơn vị cùng nhảy vào mỏ vàng sản xuất phim truyền hình, điều mà họ quan tâm là lợi nhuận thu được như thế nào, chứ không phải chất lượng của phim ra sao.

Nên với các nhà sản xuất chỉ cần phim đánh vào thị hiếu thị trường có các gương mặt "sao", với các tình tiết kiểu "tình-tiền-tù tội" hút khách, còn tất cả các thứ khác có hay không, không quan trọng.

Nhà sản xuất không đầu tư vào việc thẩm định kịch bản, có quy trình sản xuất phim chuyên nghiệp, lại được tiếp tay ở một số nhà phân phối dễ dãi khiến ba nhà làm phim cơ bản: biên kịch, đạo diễn, sản xuất cho rằng không cần phải làm tốt... vẫn bán được hàng.

Tại anh, tại ả...

Nhưng cũng không thể quy kết hết trách nhiệm về các nhà sản xuất. Ngoài hai đài truyền hình lớn là VTV và HTV-TPHCM, gần như các nhà đài khác chẳng có định hướng nào về mặt đề tài hay phân bổ kế hoạch sản xuất phim truyền hình sao cho hợp lý, khoa học, cung-cầu cân bằng giữa số lượng với chất lượng...

Phần lớn các đài truyền hình, nhất là các đài tỉnh chấp nhận có gì phát đó, không có một sự lựa chọn nào cốt là "trám" sóng cho đủ thời lượng quy định. Các nhà sản xuất thì luôn đặt lợi ích lợi nhuận lên hàng đầu, nên việc ăn sổi, chụp giật, tranh mua, tranh bán luôn xảy ra ở cái "mỏ vàng" phim truyền hình..

Mong sao những nhà phát hành, nhà sản xuất, nhà làm phim truyền hình Việt Nam tự vấn "tâm" và "tầm" của mình, để thật sự mang đến cho khán giả truyền hình Việt Nam những bộ phim truyền hình Việt Nam có ý nghĩa, mang những thông điệp cuộc sống chân-thiện-mỹ như chức năng của văn hóa nghệ thuật.


Nguồn: TuanVietnam.net