Giải thưởng - LHP

Busan nhìn lại: Một kỷ nguyên mới cho liên hoan phim lớn nhất châu Á

24/10/2011

Khi một liên hoan phim nhỏ bé khai mạc ở Nampo-dong, Busan giữa những năm 90, ít người dám hy vọng liên hoan này sẽ để lại dấu ấn giữa vô số liên hoan phim nổi bật khác tại châu Á.

Khi đó, hai liên hoan phim đáng chú ý nhất châu Á là Liên hoan phim Quốc tế Tokyo – đặt tại thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới, và Liên hoan phim Quốc tế Hồng Kông – đặt tại thị trường điện ảnh có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ra đời gần 10 năm sau Liên hoan phim Tokyo và 20 năm sau Liên hoan phim Hồng Kông, Liên hoan phim Busan phải đối mặt với thách thức không chỉ từ phía những sự kiện lớn này mà còn từ quy mô khiêm tốn của thị trường điện ảnh Hàn Quốc. Khi đó, phim điện ảnh Hàn Quốc chỉ chiếm chưa đầy một phần tư số phim chiếu rạp tại quốc gia này.

Khởi đầu của liên hoan thật khiêm tốn. Diễn ra tại hai khu vực, Nampo-dong và Gwangbok-dong, liên hoan phim đầu tiên thuê một vài rạp tối tăm, ẩm thấp để chiếu 169 bộ phim.

Ahn Mi Young, một người dân Busan nhớ lại kỷ niệm đầu tiên của cô về liên hoan. “Vì sống tại Busan nên tôi đến liên hoan phim mà không suy nghĩ gì nhiều. Thật lòng thì vào năm 1998, mục đích chính của tôi là đến chợ Nampo -dong mua cá xiên chứ không phải đến dự liên hoan,” cô cười.

“Tôi không nghĩ một liên hoan phim, tổ chức tại một thành phố ít người biết đến, lại đạt tới vị trí như hiện tại. Tôi vô cùng tự hào về sự trưởng thành của liên hoan,” Ahn Mi Young, giờ đây là khách thường xuyên của liên hoan phim, cho biết cô đã xếp hàng để mua vé dự liên hoan phim năm nay.

Một liên hoan phim ra đời 16 năm trước với kinh phí khởi điểm 30 triệu won từ chính quyền thành phố Busan, giờ đã trở thành một sự kiện tầm cỡ quốc tế trị giá trên 10 tỉ won và khẳng định vị trí là liên hoan phim lớn nhất châu Á.

Lễ khai mạc Liên hoan phim Quốc tế Busan lần thứ 16 tại sân khấu ngoài trời
trước Trung tâm chiếu phim Busan, quận Haeundae, thành phố Busan

Liên hoan phim năm nay thu hút tổng cộng 196.177 khán giả trong chín ngày. Tất cả các cơ quan truyền thông đại chúng đều tập trung chú ý về liên hoan này, với 2.440 phóng viên có mặt tại liên hoan năm nay. Vé bộ phim mở màn Always, có sự tham gia của So Ji Sub và Han Hyo Joo bán hết chỉ sau bảy giây.

Ngoài giới thiệu hàng trăm bộ phim, liên hoan còn đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút sự chú ý của thế giới đến thị trường phim ảnh Hàn Quốc bằng cách tổ chức những sự kiện hấp dẫn các nhà nhập khẩu và phân phối phim.

Liên hoan phim năm nay trình chiếu 307 phim từ 70 quốc gia. Tổng số lượng phim lần đầu ra mắt – con số thể hiện tầm quan trọng và quy mô của một liên hoan phim – là 89 phim.

Trước khi khai mạc, liên hoan phim đã trải qua một số thay đổi lớn trong lịch sử 16 năm nhằm duy trì vị trí số một tại thị trường điện ảnh châu Á. Đầu tiên, liên hoan có một cái tên mới, thay đổi tên thành phố từ Pusan thành Busan, dựa theo hệ thống phiên âm do chính quyền ban hành.

Kim Dong Ho, chủ tịch liên hoan phim từ khi thành lập, đã nghỉ hưu vào năm ngoái và Lee Yong Kwan là người kế nhiệm ông.

Một thay đổi lớn về cơ sở vật chất là việc khánh thành Trung tâm chiếu phim Busan, một công trình rộng gần 3.000 mét vuông tại quận Haeundae với chi phí xây dựng trên 150 triệu đôla và sẽ là địa điểm chính tổ chức các sự kiện của liên hoan phim kể từ năm nay. Công trình này có mái được trang bị đèn LED và sân khấu ngoài trời với sức chứa 4.000 chỗ. Theo Hur Nam Sik, chủ tịch thành phố Busan và Liên hoan phim Quốc tế Busan, khu liên hợp này tượng trưng cho “một chương mới trong lịch sử liên hoan”.

Trung tâm chiếu phim Busan với mái được trang bị đèn LED và có hình một đôi cánh

Cạnh tranh gay gắt từ các liên hoan phim châu Á

Mặc dù Liên hoan phim Busan khẳng định vị trí số một châu Á về số lượng phim lần đầu công chiếu và lượng khán giả tới dự, các nhà tổ chức và chuyên gia trong ngành phải thừa nhận rằng liên hoan vẫn còn nhiều việc phải làm để theo kịp Liên hoan phim Tokyo và Hồng Kông về khía cạnh thị trường và số lượng phim bán được, những hạng mục hiện do Hội chợ phim Hồng Kông dẫn đầu.

Để nâng cao vị thế, Hội chợ phim châu Á năm nay chuyển địa điểm từ một khách sạn nhỏ sang Trung tâm hội nghị và triển lãm Busan. Điều này cho phép hội chợ tăng số lượng phim được triển lãm từ 51 vào năm ngoái lên 109.

Số lượng tham dự năm nay cũng tăng từ 789 lên 1.080. Mặc dù đây là kỷ lục trong lịch sử liên hoan nhưng các chuyên gia cho rằng liên hoan cần phải làm nhiều điều hơn nữa để cạnh tranh với các liên hoan phim châu Á triển vọng khác như Liên hoan phim Quốc tế Bắc Kinh, được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ rất lớn.

“Với tư cách một liên hoan phim, Liên hoan phim Busan đã trở thành một người khổng lồ,” Sue Kim, một nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu và phát triển điện ảnh thuộc Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc nói. “Nhưng về khía cạnh một địa điểm dành cho các hoạt động kinh doanh phim ảnh, Liên hoan phim Busan vẫn còn quá nhỏ bé so với các liên hoan khác tại châu Á và châu Âu.”

Sue Kim cho biết trong những năm trước đây, Hội chợ điện ảnh châu Á, giờ đã bước sang năm thứ sáu, thường bị các nhà nhập khẩu bỏ qua và hướng tới các hội chợ lớn hơn như tại Mỹ hay Tokyo.

“Các nhà làm phim và khán giả đánh giá rất cao Liên hoan phim Busan nhưng về giá trị thương hiệu, vẫn còn quá sớm khi nói đây là một trong những liên hoan phim hàng đầu thế giới,” cô nói. “Những liên hoan như Cannes không cần phải mời các nhà nhập khẩu phim. Họ tự đến với liên hoan. Với Busan, chúng tôi phải mời từng người bởi chúng tôi chưa phải là một thương hiệu lớn.”

Tuy nhiên, thị trường điện ảnh Hàn Quốc đã có bước tiến đáng kể từ khi liên hoan phim này bắt đầu.

“Yếu tố đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng trưởng và danh tiếng của liên hoan trong những năm vừa qua chính là sự lớn mạnh của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc,” Sue Kim nói.

Năm 1996, giá trị xuất khẩu điện ảnh của Hàn Quốc chỉ hơn 400.000 đôla. Nhưng với kỷ nguyên vàng của điện ảnh Hàn Quốc vào cuối những năm 90, đầu những năm 2000, con số này đã tăng vọt. Đỉnh điểm là vào năm 2005 khi giá trị xuất khẩu điện ảnh đạt mức 75 triệu đôla. Con số này giảm dần trong những năm vừa qua do ảnh hưởng hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2008 và năm ngoái đạt 14 triệu đôla.

Nhưng với sự lớn mạnh về quy mô của Hội chợ phim châu Á, các chuyên gia lạc quan về tương lai của hội chợ này. Năm nay hội chợ đã tăng trưởng 30-40%, với sự tham gia của nhiều công ty mới, trong đó có bốn công ty Iran.

Thang Duy, Joe Odagiri, Dương Tử Quỳnh và Logan Lerman nằm trong vô số các ngôi sao
tới dự Liên hoan phim Quốc tế Busan năm nay

Trẻ trung và đặc sắc là yếu tố then chốt

Điểm đặc biệt của Liên hoan phim Busan so với các liên hoan khác là việc tập trung vào những tài năng mới nổi và các phim đến từ những khu vực không mấy đáng chú ý tại châu Á, theo Kim Ji Seok, nhà tổ chức chương trình liên hoan năm nay. Ông cũng chỉ ra những chương trình đặc sắc như “Viễn Tây của châu Á: những người đàn ông phương Đông”, giới thiệu những phim Viễn Tây được sản xuất tại châu Á.

“Khi nhắc đến phim Viễn Tây, không mấy khi người ta nghĩ đến các nhà làm phim châu Á. Nhưng sự thật là phim Viễn Tây đã được sản xuất tại châu Á từ 60 năm nay,” Kim Ji Seok nói. “Những chương trình như thế này giúp liên hoan trở nên trẻ trung hơn, Khi bạn đến những liên hoan như Cannes, người tham gia chủ yếu là lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm, nhưng tại Busan, khán giả và nhà tổ chức đều rất trẻ và tràn đầy sức sống.”

Là một liên hoan phim không tranh giải, sự tập trung vào các tài năng trẻ của Liên hoan phim Busan được thể hiện qua giải thưởng quan trọng nhất, Làn sóng mới, trao cho những nhà làm phim mới làm được một hoặc hai phim, với phần thưởng 30.000 đôla. Năm nay, giải thưởng này thuộc về Morteza Farshbag của Iran vớiphim Mourning và Loy Arcenas của Philippines với phim Nino.

Tuy nhiên, các nhà tổ chức liên hoan cũng cho biết với một liên hoan phim có quy mô như vậy, sự cân bằng là yếu tố then chốt trong việc thu hút cả công chúng và những người trong ngành điện ảnh.

“Nếu chúng tôi đặt nặng yếu tố nghệ thuật thì sẽ khó thu hút khán giả,” Kim Ji Seok nói. “Qua các chương trình trong liên hoan, chúng tôi muốn đem đến những điều mới mẻ mà vẫn dễ tiếp cận.”

Tại một buổi họp báo trong khuôn khổ liên hoan phim năm nay, đạo diễn Lee Yong Kwan bày tỏ khao khát duy trì sự trẻ trung và hứng khởi của liên hoan, đồng thời giữ vững sự cân bằng giữa các phim nghệ thuật và phim kinh phí lớn.

“Tôi muốn lấy sự hứng khởi của các liên hoan phim không tranh giải như Toronto hay Rotterdam kết hợp với chất lượng và tài năng của các liên hoan phim như Cannes,” ông nói.


Dịch: © Hồng Hạnh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.