Giải thưởng - LHP

Oscar 2019 xác nhận không người dẫn chương trình - không chừng vậy mà lại hay!

11/02/2019

Là người đủ may mắn để được tham dự buổi truyền hình trực tiếp lễ trao giải Oscar, người viết đã tận mắt thấy dẫn chương trình là một công việc không được ai biết ơn.

Người viết chưa từng thấy có một chương trình Oscar nào mà người dẫn chương trình không chịu áp lực bị tứ bề săm soi. Và, tiện nói luôn, Andy Samberg và Sandra Oh tại Quả cầu vàng năm nay cũng bị như thế. Dường như họ cứ phải ở đó cho chúng ta ghét họ. Không biết chính xác từ khi nào internet lại trở nên đông nhung nhúc những kẻ bắt nạt như vậy — nhưng có vẻ như, phần lớn là từ cái sự kết hợp những tin tức ‘câu view’ cộng với thuật toán của Twitter và Facebook tác động lên chúng ta. Điều này đúng với mọi thứ, từ quảng cáo trên tivi đến các chương trình trao giải. Chẳng ai thực sự quan tâm cho đến khi có chuyện gì đó để mà nổi điên. Và mọi người ĐIÊN ĐIÊN ĐIÊN ĐIÊN ở mức độ hằng ngày, giận dữ quăng ‘hashtag’, những tuyên bố khét lẹt tung ra nhận được hàng ngàn lượt ‘retweet’ và hàng ngàn cái ‘like’.

Bây giờ là lúc quý vị hỏi liệu người viết có nghĩ những tranh cãi làm tăng cơn giận dữ tập thể là chính đáng không. Câu trả lời của người viết là không, khi chuyện này nhất tề nổ ra cùng một lúc. Điều còn thiếu là những cuộc bàn luận thực sự hoặc giải quyết vấn đề hiệu quả, thấu đáo. Bây giờ, và cũng sẽ không bao giờ, người viết trở thành ‘fan’ của những đám đông giận dữ vì những chuyện tương đối tầm thường. Người viết thích sự lạc quan, tình yêu, và sự hỗ trợ từ muôn hướng hơn, thay vì bất cứ điều gì đang diễn ra mà càng lúc càng trở nên không thể chịu nổi từng ngày.

Jimmy Kimmel (trái) chúc mừng đạo diễn Guillermo del Toro đoạt tượng vàng Phim hay nhất với The Shape of Water tại lễ trao giải Oscar 2018

Không thể tưởng tượng được một người có tên có tuổi nào lại sẵn sàng bước vào công việc dẫn chương trình lễ trao giải Oscar trong điều kiện như vậy, trừ khi đó là một người cởi mở và chào đón mọi thể loại ghét bỏ sẽ quăng vào mặt họ. Nhân tiện, ai mà thoát khỏi cơn thịnh nộ bầy đàn cho nổi — chí ít không phải là người sẽ tạo ra cái kiểu tỷ suất người xem mà họ tìm kiếm. Không người dẫn không chừng lại tốt hơn.

Đối với những người yêu điện ảnh đích thực, đối với những người theo dõi Oscar trung thành, việc thiếu đi người dẫn chương trình là sự cải tổ ít gây phiền hà nhất. Đài ABC và các nhà sản xuất chương trình đã chặt chém rất nhiều truyền thống Oscar mà chúng ta yêu mến. Cũng y như vậy, cùng với cuộc cách mạng đang diễn ra trong bản thân việc phát hành phim, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên điện ảnh Mỹ khi buổi truyền hình lễ trao giải Oscar cần tiến hóa. Nhưng chúng ta hy vọng Viện Hàn lâm không tự hại mình bằng quá nhiều những sự tân trang diện mạo vội vã cùng một lúc khi thích ứng với hoàn cảnh mới.

Niềm vui của êkíp 12 Years a Slave trên sân khấu khi nhận giải Oscar Phim hay nhất năm 2014. Đây cũng là buổi lễ trao giải Oscar có tỷ suất cao nhất kể từ năm 2004 trở lại đây

Dù thế nào, sẽ có những người biểu diễn trong chương trình và có thể có tiếng thuyết minh “xin chào mừng Lady Gaga và Bradley Cooper” và chương trình sẽ diễn ra như thường lệ mà không cần ai phải bước ra và pha trò giữa những tiết mục đó. Cũng sẽ có những người được trọng vọng làm công việc trao giải có thể giúp buổi lễ tiến triển. Có sự hứa hẹn rằng chương trình sẽ được giữ trong vòng dưới ba tiếng đồng hồ, và bây giờ chúng ta có những bộ phim “đại chúng” được đề cử (làm như thể chuyện đó chưa từng xảy ra trước đây, hàng trăm lần rồi), để thử xem việc có hay không có những bộ phim đại chúng sẽ thúc đẩy tỷ suất người xem.

Câu hỏi sẽ là liệu tỷ suất đó có thể từ mức thấp nhất mọi thời đại của năm ngoái tăng lên hay không.

Hugh Jackman (giữa) cùng Beyonce (bên trái anh) và Amanda Seyfried (bên phải) trong một màn trình diễn trên sân khấu lễ trao giải Oscar 2009 do anh dẫn chương trình

2018: 26,5 triệu, The Shape of Water (Jimmy Kimmel)
2017: 32,9 triệu, Moonlight (Jimmy Kimmel)
2016: 34,4 triệu, Spotlight (Chris Rock)
2015: 37,3 triệu, Birdman (Neil Patrick Harris)
2014: 43,7 triệu, 12 Years a Slave (Ellen DeGeneres)
2013: 40,3 triệu, Argo (Seth MacFarlane)
2012: 39,3 triệu, The Artist (Billy Crystal)
2011: 37,9 triệu, The King’s Speech (Anne Hathaway/James Franco)
2010: 41,3 triệu, The Hurt Locker (Steve Martin/Alec Baldwin)
2009: 36,3 triệu, Slumdog Millionaire (Hugh Jackman)
2008: 32,0 triệu, No Country For Old Men (Jon Stewart)
2007: 40,2 triệu, The Departed (Ellen DeGeneres)
2006: 38,9 triệu, Crash (Jon Stewart)
2005: 42,1 triệu, Million Dollar Baby (Chris Rock)
2004: 43,5 triệu, The Lord of the Rings: The Return of the King (Billy Crystal)
[Nguồn: Deadline]

Seth MacFarlane (giữa) hát trên sân khấu với Joseph Gordon-Levitt (trái) và Daniel Radcliffe khi anh dẫn chương trình trao giải Oscar 2013

Sẽ thật thú vị xem liệu những thay đổi lớn của buổi truyền hình trực tiếp này có ảnh hưởng đến tỷ suất người xem hay không nhé. Một điều ta có thể chắc chắn là: Twitter sẽ ngập ngụa vì Twitter lúc nào mà chả ngập ngụa. Về mọi chuyện trên đời. Quanh năm suốt tháng.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Awards Daily


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.