Trước khi đi thẳng vào "năm
điều mất vui", tôi muốn kể một chút về những gì tôi còn nhớ như in khi
đi xem phim ngoài rạp từ lúc nhỏ xíu. Đủ loại rạp: ban đầu là rạp chiếu
phim lưu động ngoài trời đặt ở sân vận động, nhà văn hóa của quận, của
thành phố; rồi tới rạp trong nhà mà cửa vào phòng chiếu là những tấm màn
nhung, mãi sau này mới có cửa gỗ cách âm. Chỗ bán vé lúc nào cũng bát
nháo, chen lấn, thường là một phòng hình vuông nhỏ xíu có một - hai ô
cửa tò vò trổ ra ngoài, đủ cho người mua người bán chuyền tay nhau vé -
tiền và cho âm thanh vọng qua. (Hiển nhiên là rất nhiều người kể từng bị
móc ví ở đây.)
Vào trong rạp rồi thì độ dốc của khán phòng không
đủ, trẻ con thường phải ngồi lên đùi người lớn mới có thể thấy màn
hình. Trong giờ chiếu sẽ có đủ thứ tạp âm, xì xồ có, oang oang cũng có,
tôi nghe cả tiếng quát của những người quản lý phòng chiếu cùng ánh đèn
pin loang loáng rọi vào khu mất trật tự. Đến lúc ra về cũng tiếp tục là
cảnh chen lấn, và không chỉ có thế, tôi còn nghe những tiếng la oai oái
vì lúc này mới phát hiện ghế ngồi hoặc tựa tay có dính bã kẹo cao su.
Nói ra thì cũng là...
chuyện ngày xưa. Sau này các rạp chiếu cứ hiện đại, hiện đại dần, và hạ
tầng bắt đầu không thua kém những cụm rạp nổi tiếng thế giới. Tôi hào
hứng trở lại với những háo hức về phim ảnh, những giây phút đắm chìm vào
thế giới trong phim, nhưng vẫn có những điều phiền toái kéo ngược tôi
trở lại cảm giác... ngày xưa.
1. Vào rạp trễ giờThôi thì đủ lý do: đi muộn, kẹt xe, gửi xe lâu,
mải la cà ở tầng ẩm thực... đợi suất sau thì lâu quá. Và thế là trailer,
nội quy nhà rạp đã chiếu chán chê (cũng phải mất 5-10'), đèn trần, đèn
lối đi tắt cả... phim bắt đầu chiếu, vẫn có những cặp, những nhóm lô nhô
vào rạp. Một số thì lặng lẽ, một số huyên náo hơn, tìm hàng, tìm ghế,
xin phép đi vào trong... những ai ngồi phía sau được phen nháo nhác,
nghiêng ngó để tìm khoảng trống giữa những tấm lưng kẻo lỡ mất đoạn hay.
2. Dù có phụ đề, bạn vẫn phải nghe thuyết minh
Yên vị rồi, bạn chắc mẩm
giờ này chắc không ai ra vào nữa, bỗng xung quanh bắt đầu có tiếng
"thuyết minh". Nếu không rơi vào những đoạn hành động, đuổi bắt, đua xe,
cháy nổ thì bạn dễ dàng nghe được những mẩu đối thoại này. Đó có thể là
một đôi nam thanh nữ tú, cô gái thỏ thẻ gì đó (chắc chỉ đủ chàng trai
nghe) và chàng trai bắt đầu giải thích. "Em hiểu chưa? Thế này... thế
này này..."; cũng có khi cô gái chẳng hỏi han gì nhưng chàng trai cũng
"mở máy chứng tỏ" (thế mới lạ). Đó cũng có thể là một nhóm bạn, vô tư kể
chuyện gì đó chẳng liên quan đến phim ảnh. Cá biệt, khi đi xem hoạt
hình, tôi từng gặp tình huống người mẹ vô tư đọc phụ đề cho con nhỏ chưa
đến tuổi biết chữ (hoặc đọc không kịp), không cần biết xung quanh có
ai.
3. Ghế ngồi cứ như phim 4D
Bạn biết đấy, phim 4D tức
là ghế biết chuyển động và đủ thứ chi phối vào chỗ bạn ngồi, theo đúng
tình huống trên phim. Nhưng ở đây là phim 2D, 3D ghế bạn vẫn rung như
thường. Một số người có thói quen ngồi đạp chân lên lưng ghế trước, rung
đùi, và người ngồi trước lãnh đủ. Nếu bạn đang xem phim kinh dị thì còn
ghê hơn, tưởng tượng một bàn chân từ đâu xuất hiện ngay chỗ khuỷu tay
bạn - nhờ thói quen gác chân vào khe ghế của một số khán giả "hồn nhiên
như ở nhà". Đó là lý do tôi cứ luôn chọn chỗ ngồi xa nhất, trên cùng để
khỏi bị làm phiền từ sau lưng - cho dù mắt cận.
4. Điện thoại đổ chuông, hội thoại như... trong phim
Có thể bạn không cao, nhưng ai cũng phải ngước nhìn
Chuyện quên tắt điện thoại,
quên chuyển chế độ im lặng đôi khi có thể bỏ qua do sơ ý hay đãng trí.
Nhưng bốc máy lên và hồ hởi đàm thoại tại chỗ lại là chuyện khác. Một số
bạn cho rằng lấy tay che miệng, che điện thoại, cúi thấp người là đủ
hình thành một bốt điện thoại cách âm, cho đến khi bị nhắc nhở.
5. Ra về sớmNếu đến muộn đã phiền, thì ra về sớm còn phiền
hơn. Tâm lý "ra trước kẻo đông, lấy xe cho lẹ" dường như còn ăn sâu lắm,
nên khi phim còn chưa kết thúc, mới có hơi hướng 'happy ending' thôi là
đã có những bóng lô nhô. Số lượng những cái đầu lô nhô tăng dần cho đến
khi đoạn giới thiệu cuối phim (credit) bắt đầu chạy. Một số phim khá là
"ác", lồng ghép những cảnh vui, đoạn kết, và cả những đoạn hậu trường -
quay hỏng vào khúc này, và thế là đám đông ra về khựng lại, ngoái xem.
Chỉ khổ những ai học đòi theo "phong cách Tây" ngồi xem cho tới hết,
trước mắt họ là cả rừng lưng, đầu nhấp nhô. Thói quen ra về sớm cũng
khiến những nhân viên vệ sinh của rạp tranh thủ vào dọn dẹp khi màn hình
còn chưa tắt, vậy là bạn có muốn nán lại xem cho tới hết hay nghe nhạc
phim cũng khó, như thể bị "đuổi khéo" vậy.
Tôi nhớ mãi lần xem phim
Wanted tại rạp
Sony Mediage ở Odaiba, Tokyo năm 2008. Khán giả ngồi trật tự cho đến khi
màn hình tắt ngấm, đèn trần và đèn lối đi bật lên mới lục tục chậm rãi
ra về. Tôi nhớ cả cái cách họ xếp hàng mua vé, rất nhanh gọn. Họ luôn
tìm hiểu phim muốn xem, giờ chiếu ở quầy thông tin trước khi xếp hàng,
để đến lượt chỉ việc nói suất chiếu, chọn ghế rồi trả tiền. Ở Việt Nam
quầy thông tin, lịch chiếu rạp nào cũng sẵn có, thậm chí có thể xem
trước qua website từ nhà, nhưng ngay cả khi mua vé vẫn phải có những chờ
đợi, ùn tắc không đáng có.
Có một điều tôi thấy mừng, đó là những tiếng nhắc
nhở giờ đây có thể vang lên từ bất cứ "điểm nóng" nào mà không cần đợi
sự can thiệp của nhân viên rạp chiếu. Mỗi người một tiếng nói khẽ thôi
mà có sức lan tỏa lớn. Có lẽ rồi đây tôi sẽ không còn phải đi xa và chọn
những rạp vắng khách nhất trong chuỗi rạp để xem phim nữa.
© Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi