"There's nothing wrong with being scared, Norman, as long as you don't
let it change who you are." (tạm dịch: “Sợ chẳng có gì là sai cả, Norman
à, miễn là cháu đừng để nó làm thay đổi con người mình.”) Câu dặn dò từ
người bà đã mất của Norman nên, và cần, được toàn bộ người dân trong
thị trấn Blithe Hollow ghi nhớ để không bao giờ tái phạm những lỗi lầm
dẫn đến bi kịch của vùng đất này. Và có lẽ không chỉ có họ mới cần khắc
ghi câu nói đó.
Đến từ Laika, công ty đã tạo bước đột phá năm 2009 bằng
Coraline – bộ phim đầu tiên áp dụng 3D cho hoạt hình stop-motion,
ParaNorman / Norman & Giác quan thứ 6 đã khiến nhiều người mong đợi. Trong đó có cả tôi, vì
Coraline là bộ phim hoạt hình đầu tiên làm tôi vừa thích thú vừa thực sự thấy đáng sợ.
Lần đầu xem trailer, tôi vô tình không thấy dòng giới thiệu có nhắc đến
Coraline
nên từng không muốn đi xem phim này. Với tôi lúc đó, đây chỉ là một
phim theo dòng chảy “biến kinh dị thành đáng yêu” hiện nay kể về một cậu
bé bị kỳ thị trở thành người hùng cứu nơi mình sống khỏi xác sống thông
thường. Đúng, vẫn có những đứa trẻ, vẫn có sự kỳ thị, vẫn có xác sống,
nhưng tôi không ngờ được đây lại còn là một câu chuyện về nỗi sợ và sai
lầm chết người, sự giận dữ và nỗi đau hóa thù hận, tình bạn và tình cảm
gia đình được thuật lại một cách mê hoặc, trong đó sự kinh dị và hài
hước được kết hợp khéo léo mà không bị hòa tan vào nhau.
Phim hoạt hình cho trẻ em thường tránh đề cập đến cái chết, đặc biệt là cái chết của trẻ em. Nhưng
ParaNorman
không như thế. Cái chết được đề cập một cách khá chân thực trong phim
làm nhiều lúc tôi phải quay lưng lại xem ở những hàng ghế sau các em
thiếu nhi phản ứng như thế nào. Nhưng cũng kỳ lạ thay, không biết vì các
em xem cùng rạp với tôi trưởng thành trước tuổi, hay vì sự hài hước
trong trẻo thuần túy được cài vào khéo léo đến mức mà tôi chỉ thấy các
em cười khanh khách mắt chăm chú nhìn lên màn ảnh, chỉ thốt lên “ghê
quá” khi Norman sau khi giằng quyển sách khỏi tay người chú đã mất của
hình bị cái xác này đè lên người và liếm vào mặt.
Khán giả nhỏ
tuổi có được một bộ phim về sự dũng cảm, tình bạn, và gia đình đáng nhớ,
nhưng những khán giả lớn hơn còn nhận được nhiều hơn thế. Có những chi
tiết nhỏ nhặt nhưng làm người xem phải đau đáu suy nghĩ khi đã về đến
nhà.
Tình bạn đẹp giữa Neil và Norman
Lời nguyền trong phim là phép ẩn dụ về vòng xoáy “kẻ bắt nạt nào cũng
từng là người bị bắt nạt”, một vòng xoáy được vận hành bằng nỗi sợ.
Chính nỗi sợ những gì khác thường đã biến người dân Blithe Hollow trở
nên xa cách, móc mỉa, hiếp đáp, và làm những điều tồi tệ hơn nữa với
những con người khác biệt, để rồi chính họ phải nhận lấy lời nguyền ám
ảnh suốt 300 năm từ nạn nhân của mình. Cũng chính nỗi sợ đã tước đi khả
năng nhớ ánh sáng đẹp tươi khi còn sống của nhân vật bị hại này, để lại
chỉ toàn những gì đau thương đã biến thành phẫn nộ, giam cầm một linh
hồn đáng thương trong bóng tối thù hận. “Tha thứ” giờ đây là một khái
niệm xa xỉ, và người ta khó mà trách được nhân vật.
Khi xem
ParaNorman, tôi không đừng nghĩ đến câu John Blake đã nói với Bruce trong
The Dark Knight Rises về sự giận dữ thấm tận vào xương tủy không thể nói quên là quên.
Mãi
đến khi có một người khác có hoàn cảnh tương tự, Norman, dám mang vết
thương lòng nặng nề của nhân vật xa xưa kia ra ánh sáng thì sự giải
thoát thật sự mới xuất hiện. Hình ảnh linh hồn này dựa vào vai Norman mà
nhắm mắt thật an lành quả làm người ta không thể không xúc động.
Ngoài
những chủ đề chính, phim còn mang đến sự mỉa mai khéo léo về không ít
vấn đề khác đang xuất hiện trong thời đại ngày nay. Một trong số đó là
cảnh cha của Norman thấy máy ảnh hỏng thì than phiền rằng giờ ông ta
chẳng có cách nào lưu giữ lại khoảnh khắc cậu diễn kịch trong khi mẹ câu
say mê ngồi thưởng thức vở kịch. Đơn giản thôi, nhưng cũng khiến người
xem giật mình nhớ lại từ khi nào mà các thiết bị công nghệ này biến một
bộ phận trong chúng ta quên thưởng thức những gì trước mắt bằng chính
đôi mắt, đôi tai và tâm hồn mình.
Norman ngay cả khi đánh răng cũng thể hiện được niềm đam mê xác sống
Nhân vật chính Norman không chỉ đáng nhớ vì lòng dũng cảm và khả năng
đặc biệt, mà còn vì đam mê của cậu với xác sống. Hình ảnh xác sống xuất
hiện từ cách trang trí căn phòng đến những vật dụng cậu dùng hàng ngày
và những phim cậu xem. Cậu thích những thứ kinh dị siêu nhiên đó, nhưng
cũng chính khả năng siêu nhiên của mình đã khiến cậu bị mọi người xa
lánh và bắt nạt, ngoài Neil.
Neil là một nhân vật bạn thân đáng
chú ý. Cậu cũng bị các học sinh khác chọc ghẹo vì mập, nhưng chính sự
hồn nhiên của cậu đã phần nào xoa dịu được Norman trong lúc cả hai cùng
bị bắt nạt. Ít ra với tôi, Neil chính là hiện thân của những sự tích cực
chúng ta hằng ao ước: không ngại khó, dũng cảm, hài hước, và tình yêu
thú vật trong trẻo. Cảnh cậu chơi cùng chú chó đã mất dù không thể nhìn
thấy nó là một trong những cảnh khó quên.
Tôi thật sự thích gia
đình của Norman. Họ có thể không hiểu cậu, không tin cậu có khả năng
siêu nhiên lúc đầu, nhưng đến khi cần thiết, họ vẫn hành động vì lợi ích
và sự an toàn của Norman. Tôi thích người mẹ dịu dàng ân cần của cậu,
thấy thú vị với người chị đỏng đảnh nhưng thương em của cậu, nhưng ấn
tượng nhất vẫn là cha cậu. Khi cậu buồn bã than với mẹ rằng làm cha thì
không nên sợ con mình, mẹ cậu đã cho cậu biết ông không sợ cậu, mà sợ
những gì xảy đến với cậu. Và chỉ một câu nói “Vì sao lại phải là con?”
của ông khi thấy cậu gánh vác trách nhiệm quá nặng nề đã làm tôi thương
ông quá đỗi.
Gia đình của Norman
Có lẽ không thể không nhắc đến dàn xác sống trong phim. Tôi từng nghĩ họ
hoặc là nhóm nhân vật phản diện của phim hoặc sát cánh cùng cậu chống
một thế lực phản diện khác, nhưng thì ra họ còn đóng vai trò quan trọng
hơn như thế. Khác với những xác sống vô hồn khát não thường thấy, ở họ
người xem chỉ nhìn thấy một nét buồn và bất lực phảng phất. Họ cũng là
những người đi tìm sự giải thoát, đi tìm sự chuộc lỗi. Tội nghiệp hơn
nữa là họ đã gặp phải những hậu nhân đáng gờm của mình, những người gặp
xác sống không chạy tán loạn mà xúm vào tẩn cho một trận ra trò.
Tuy không đạt được mức quyến rũ đầy mê hoặc của
Coraline (tôi còn nhớ mình đã từng mê mẩn khu vườn trong
Coraline đến thế nào) nhưng
ParaNorman
vẫn đáng được khen ngợi về mặt hình ảnh. Những khung hình gọn ghẽ, màu
sắc phù hợp với diễn tiến câu chuyện, đã giúp bộ phim hoàn thành tốt
nhiệm vụ kể chuyện của mình. Ấn tượng nhất với tôi vẫn là những đoạn ở
nghĩa địa và đoạn đối đầu cuối phim. Mạnh mẽ, táo bạo, và đầy cảm xúc,
như chính bản thân câu chuyện này.
Jon Brion đã trở thành tên nhà
soạn nhạc phim thứ ba mà tôi buộc mình phải ghi nhớ, sau Daft Punk và
Hans Zimmer. Có lẽ vẫn còn một chặng đường đáng kể để Jon trở thành “phù
thủy nhạc phim” như Hans hay tạo ra những giai điệu làm lu mờ cả phần
hình ảnh ấn tượng trong
Tron: Legacy như Daft Punk, nhưng anh
đã khiến người ta phải nhớ đến tên mình. Những giai điệu da diết như
được chính ánh chiều tà gảy lên hay dồn dập như chính nhịp tim của nhân
vật vào những đoạn cao trào đã khiến tôi phải tròn mắt trong suốt thời
gian xem phim. Đến khi những dòng "credits" khép lại câu chuyện điện ảnh
này, anh vẫn bắt tôi phải ngồi lại ghế vì
Oh, and One More Thing.
Vẫn còn một vài yếu tố chưa tròn vẹn, nhưng
ParaNorman
đã mang đến cho tôi, và nhiều khán giả khác, một tác phẩm đáng nhớ về
nhiều phương diện. Nỗi chán chường khi thấy Pixar đang dần không giữ
được phong độ của mình nay đã được
ParaNorman xóa bớt. Giai điệu da diết của
Norman’s Walk
chắc chắn sẽ còn đọng lại rất lâu trong tôi, cũng như câu nói của
Norman: “Đôi khi chúng ta dành quá nhiều thời gian để nhớ những kẻ làm
tổn thương mình mà quên mất những ai yêu thương mình.”
© Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi