Một câu chuyện tình khởi đầu khá đơn giản - Anna, cô du học sinh
người Anh đến Los Angeles để học đại học, gặp và yêu Jacob - một sinh
viên người Mỹ bình thường.
Họ có khởi đầu tốt đẹp như bao đôi tình nhân khác, nhưng đến khi hết hạn
visa, Anna vì muốn ở lại thêm với Jacob vài tháng đã vi phạm luật nhập
cảnh, và khi cô bay sang Anh để dự đám cưới của một người bạn rồi quay
về Mỹ, cô bị cấm vào nước Mỹ và phải quay về Anh ngay lập tức. Đa phần
chiều dài bộ phim nói về trở ngại của Anna và Jacob để duy trì tình cảm
của họ khi phải ở cách nhau 8 múi giờ đồng hồ và nhiều ngàn dặm.
Nếu
nói đây là phim Mỹ tôi trông đợi nhất năm nay cũng đúng, và khi vào rạp
tôi đã chuẩn bị tinh thần để thích phim rồi - tức là phim đã có 50% cơ
hội gây ấn tượng mạnh, đối với tôi.
Thế nhưng phim không hoàn tất
được một nửa cơ hội còn lại! Tôi rất tiếc, vì đây là kiểu dựng phim tôi
thích, kiểu nội dung tôi thích, nhưng cuối cùng tôi lại không thích
được!
Đâu đó trong khoảng thời gian xem phim vài năm vừa qua, tôi nhận ra rằng
có rất nhiều phim cảnh đẹp nhưng quay không đẹp. Một thước phim đẹp,
theo tôi, là một thước phim giàu cảm xúc, chỉ trong vài giây ngắn ngủi
người xem đã có thể cảm nhận được cả tâm hồn của bộ phim.
Like Crazy
đi theo phong cách ngẫu hứng với những cảnh quay tracking shot, các
đoạn hội thoại do diễn viên tự nghĩ ra chứ không dựa theo kịch bản,
những cảnh không theo thứ tự không gian hay thời gian để miêu tả cảm xúc
của hai nhân vật chính qua những giai đoạn khác nhau. Thế nhưng những
cảnh phim đó không để lại nhiều ấn tượng. Ừ thì hai người cùng nhau chạy
chơi trên bãi biển, dạo phố giữa Santa Monica, nhưng những cảnh ấy chỉ
dừng lại ở mức "dễ thương" chứ không khiến người xem cảm nhận được mối
tình của cả hai qua cái mức dễ thương đó. Nói tóm lại
Like Crazy
có thể sẽ hay hơn nhiều nếu tình yêu của cả hai dừng lại thành mối tình
sinh viên nhiều tiếc nuối, chia tay nhau, đường ai nấy đi...
Bởi
vì qua suốt chiều dài bộ phim, tôi vẫn không cảm nhận được tình cảm của
họ là tình yêu. Mà nếu nó có là tình yêu thì cũng không phải kiểu tình
yêu của những người là vợ chồng dành cho nhau. Nó có cái nông nổi đáng
yêu tràn đầy sức sống của tuổi trẻ nhưng hoàn toàn thiếu đi sự chín chắn
khôn ngoan cần thiết cho hôn nhân. Khi bộ phim ép tình yêu đó vào một
cuộc hôn nhân, tôi chỉ có thể tự hỏi nếu đã không yêu nhau, không cần
nhau đủ, thì tại sao lại phải ép buộc nhau vào hôn ước làm gì? Còn nếu
đã thực sự yêu nhau, tại sao khi không có người kia ở bên cạnh, họ lại
sẵn sàng hẹn hò, thậm chí sống chung, với người khác? Tôi có thể hiểu
được việc hai người yêu xa nhau và trong khoảng thời gian đó, họ rung
động, họ rơi vào những cám dỗ, nhưng hai nhân vật trong phim không có
nhau vẫn sống khỏe (nhất là Jacob). Chỉ là có đôi lúc họ nhớ về nhau như
nhớ về một tình yêu đẹp trong dĩ vãng thôi. Tình yêu không đủ sức
thuyết phục để đưa hai người đi qua những khó khăn trở ngại mà họ gặp
phải, và khi đối đầu với những khó khăn đó, họ buông xuôi, họ bằng lòng
sống với người khác. Tôi không lên án điều này; bất kỳ ai cũng có quyền
đi tìm hạnh phúc riêng cho mình. Sự chung thủy nếu không xuất phát từ
tình cảm thật lòng dành cho nhau mà chỉ vì nghĩa vụ thì chẳng còn ý
nghĩa.
Nhưng nếu đã như thế thì đừng có cái khởi đầu "chúng ta hãy kết hôn đi."
Để rồi phải trải qua bao nhiêu rắc rối khổ sở, mà lại không tìm được
bất kỳ niềm hạnh phúc nào giữa những khổ sở đó.
Drake Doremus có định hướng về phong cách làm phim khá tốt, nhưng cảm xúc gượng ép khiến người ta cảm thấy
đây là bộ phim của một sinh viên điện ảnh vẫn còn đang trau dồi kiến
thức của mình, và
Like Crazy cuối cùng cũng chỉ giống như một bài tập. Có đẹp và có dễ thương, nhưng vẫn chỉ là một bài tập.
Trang IMDB Đạo diễn: Drake Doremus
Kịch bản: Drake Doremus, Ben York Jones
Thông tin thêm: Grand Jury Prize ở Liên hoan phim Sundance.
© Hạnh Nguyên @Quaivatdienanh.com
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi