Yêu quý Hoàn Châu Cách Cách từ những ngày đầu tiên lên sóng
trên kênh Hà Nội vào năm 1999, tôi cũng có những đánh giá khắt khe riêng
về những yếu tố này của bản làm lại. Thành thật mà nói, phản ứng theo
bản năng của tôi là không thích, nhưng sau khi xem các tập đầu
tiên tôi thấy phim cũng có một số điểm sáng nhất định, dù không đủ để
làm tôi thích như bản gốc. Nhưng từ đầu dự án phim đến nay, luôn có một
điều tôi không thể chấp nhận được, đó là việc Quỳnh Dao đánh đổi cái thần thái của lịch sử để có được cái mà bà cho rằng là một câu chuyện hay.
Vẫn biết toàn bộ kịch bản là sự hư cấu những câu chuyện xảy ra trong
triều nhà Thanh đời vua Càn Long. Nhưng, tôi muốn nói tới nhân vật Ban
Kiệt Minh (Benjamin), một hoạ sĩ người nước ngoài bỗng nhiên xuất hiện
trong Tử cấm thành của Càn Long, nói tiếng Hán như gió, vô tư trở thành
huynh đệ với Ngũ A Ca, sau này thì tương tư Tiểu Yến Tử và thỉnh thoảng
thì lại đệm vài câu tiếng Anh vào cho lời thoại thêm “phong phú”. (Mà
tiếng Anh cũng là tiếng Anh...hiện đại chứ không phải tiếng Anh thế kỷ
18!)
Thích tìm hiểu lịch sử, nhưng tôi không dám nhận mình là
giỏi lịch sử của một nước nào cả. Thật ra nhắc đến lịch sử thì tôi thừa
nhận mình hơi “bất bình thường” một chút. Tôi yêu sử theo cái kiểu
thích thời đại nào thì tìm hiểu, thành ra biết mỗi chỗ một ít. Tôi từng
dành hàng tiếng đồng hồ để tìm thông tin về mẹ của Vĩnh Kỳ hay đọc tử vi
của các nhân vật. Nhưng cũng chính vì thích tìm hiểu những chi tiết
chẳng ai quan tâm này tôi rất kỵ việc phim, truyện bóp méo lịch sử chỉ
vì họ lười đi tìm hiểu hoặc (tệ hơn hết) vì sự bóp méo đó nó “tiện” cho
câu chuyện.
Ban Kiệt Minh và Ngũ A Ca đấu kiếm kiểu Tây
Tất nhiên, tác giả vẫn có quyền hư cấu lịch sử trong sáng tác kịch bản
để làm câu chuyện trở nên kịch tính hơn hay hấp dẫn hơn. Nhưng để được
xem là một phim có bối cảnh lịch sử nghiêm túc (không phài phim châm
biếm) thì vẫn phải giữ được tính chân thực về thời đại đó. Người xem vẫn
phải nhận ra một phần của lịch sử trong những hư cấu. Cho rằng Càn Long
là một người cha yêu thương con thì khán giả còn có thể tưởng tượng và
chấp nhận được, nhưng nói ông là người đàn ông chung tình nhất quả đất
thì hơi có vấn đề! Hay như Quỳnh Dao đã làm, đó là tự nhiên cho Càn Long
nuôi một “thằng Tây” không biết để làm gì, cho hắn tự do ra vào cung
như đi…chợ, rồi mang đủ trò chơi, đồ vật, phong cách Tây vào cung “đầu
độc” đứa con quý tử của ông.
Một Càn Long nổi tiếng với
thái độ coi Trung Quốc như cái rốn của vũ trụ, coi thường văn hóa phương
Tây thì việc tiếp nhận một người Tây mắt xanh tóc vàng sống trong cung
cũng là ép lịch sử lắm rồi! Làm sao ông có thể để hắn chơi thân với
người con trai lớn nhất còn sống của ông (lúc đó), được ông hết mực sủng
ái, có nhiều khả năng nối ngôi ông nhất? Mai kia hắn sẽ còn dạy con gái
của ông nói tiếng Anh, trong khi tiếng Hán Tiểu Yến Tử nói còn…chưa
sõi! Vậy mà vẫn chấp nhận được! Đó còn là Càn Long của lịch sử nữa
không, hay chỉ một vai diễn một ông vua tình cờ có tên là Càn Long?!
Tôi cũng không thể không nhắc tới màn ảo thuật của Tiểu Yến Tử ở tập
một. Sau màn mãi võ của Liễu Thanh, Liễu Hồng, dường như nàng Tiểu Yến
Tử của chúng ta nhận ra rằng mình võ công có hạn, thế nên thay vì múa võ
phụ hoạ cô rút ra một mảnh vải nhung màu đen đặc trưng của các ảo thuật
gia hiện đại, vẫy vẫy pha trò. Tiểu Yến Tử chưa đến nỗi cầm cái mũ rồi
“úm ba la” ra con thỏ, nhưng những trò ảo thuật của nàng, ta ngỡ chỉ có
thể xuất hiện trong gánh xiếc hiện đại! Thật sự là không ai rõ qua màn
ảo thuật này, Quỳnh Dao đang muốn thể hiện điều gì? Sẽ chẳng ai kêu ca
nếu Tiểu Yến Tử làm xiếc kiểu Trung Quốc, nhưng ảo thuật ư? Thật ra Tiểu
Yến Tử dư sức làm xiếc đấy chứ! Sao cứ phải "sính ngoại" làm gì?
Tiểu Yến Tử cùng màn ảo thuật "đi trước thời đại" khó hiểu
Còn quá nhiều chi tiết hiện đại nữa, như việc Tiểu Yến Tử bị đánh đòn, Ban Kiệt Minh vô tư xông vào phòng ngủ của cách cách, đắp thuốc cho Tiểu Yến Tử (vào vết thương mà ai cũng biết là ở đâu), hay Tiểu Yến Tử mặc nguyên một lớp quần áo mặc bên trong ngang nhiên ra phòng khách tiếp Vĩnh Kỳ, Nhĩ Thái, Ban Kiệt Minh. Con trai con gái không hề ngại “đụng tay đụng chân”, khi yêu rồi thì cứ hôn thoả thích!
"Tôi làm phim cho người hiện đại xem, không phải cho người triều Thanh.
Vì vậy, ngôn ngữ hiện đại là điều hoàn toàn có thể hiểu được," Quỳnh Dao
viết trên blog.
Thật không? Nếu mai này có người làm phim về
nước Anh thời Elizabeth I và Shakespeare rồi đưa phong cách hip-hop vào
rồi cho nhân vật nói những câu như "Yo, dude, I'm gonna, like, hit the
pub" thì có bị "ném đá" không?
Có thể nói ngoài ngôn ngữ ra thì những yếu tố khác của bộ phim cũng đi theo "chủ nghĩa hiện đại" này. Nếu làm phim cổ trang để đưa
ngôn ngữ, hành động, phong cách hiện đại vào thì sao không làm phim hiện
đại hẳn cho đỡ tốn tiền? Nếu phải "hiện đại hóa" lịch sử, phải chăng
đang cho rằng khán giả không đủ “trình” để thưởng thức và trân trọng
những gì chân thực nhất với lịch sử, vì thế đoàn làm phim phải làm cho
nó "dễ hiểu" hơn? Làm phim cổ trang làm gì nếu không phải là cho người
xem được sống lại với thời đó với đúng những tập tục, sinh hoạt, phong
cách của thời đại đó?
Đương nhiên, Tân Hoàn Châu Cách Cách không
phải là phim lịch sử, không ai bắt nó phải đúng với lịch sử 100%. Có
những sự thật lịch sử mà người hâm mộ không muốn được đưa lên màn ảnh là
đằng khác, điển hình là việc Ngũ A Ca Vĩnh Kỳ thực sự có tận…ba vợ. Cái
quan trọng vẫn là sắc thái của thời đại lịch sử phải được giữ nguyên.
Qua bản gốc Hoàn Châu Cách Cách, Quỳnh Dao cho thấy bà có thể
kết hợp những tư tưởng hiện đại với bối cảnh Thanh triều mà vẫn giữ được
những đặc trưng của thời đại này. Với những gì tôi được thấy ở Tân Hoàn Châu Cách Cách từ
trước tới nay, các diễn viên dường như khắp người toát ra phong cách
hiện đại, chỉ có khoác trên mình bộ trang phục nhà Thanh. Khi xem phim
cổ trang mà nhân vật có hành xử quá ư hiện đại, từ cử chỉ đến lời nói,
đến mức người xem có cảm giác đây là một lễ hội hoá trang hoành tráng,
thì những lời chỉ trích phải chăng cũng là có lý?
© Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi