Movie Blogs

Pieta: Ẩn số vô cùng

20/08/2014

Tôi bắt đầu bài viết này bằng việc kể lại một câu chuyện nho nhỏ.

Ngoài đại dương, trên một con tàu đánh cá, có mười hai người thủy thủ trẻ. Tai nạn xảy ra khi họ đang buông lưới và bị một con cá voi lớn nuốt chửng. Trong nỗ lực giải cứu, người ta đã bắt và mổ bụng con cá ấy. Tuy nhiên chỉ còn duy nhất một người chàng trai sống sót. Lớp da trên người anh đã bị dịch vị của con cá làm mục nát. Không thể nhận ra anh là ai, người ta quyết định chọn ngẫu nhiên một gương mặt trong số những người bị nạn và tái tạo lại diện mạo của anh theo nguyên mẫu đó.

Kí ức kinh hoàng khiến người thủy thủ mất trí nhớ. Anh ta được đưa về gia đình người có nhân dạng được lấy làm nguyên mẫu kia, và bất đắc dĩ phải sống cuộc đời bị xếp đặt ấy. Gia đình chàng thủy thủ ấy chỉ còn một người mẹ trẻ. Bất lực vì mất trí nhớ, bị ép buộc sống một cuộc đời không chắc là của mình, người thủy thủ nảy sinh hoài nghi về người mẹ kia. Anh ra bày những trò đùa ác độc, hành hạ người mẹ ấy, không tin chị ta là mẹ mình. Nhưng người mẹ vẫn bao dung và nhẫn nhịn. Cho tới một ngày, tình mẫu tử thiêng liêng ấy đã giúp người con trai tìm được sự thanh thản cho chính mình.

Khi xem bộ phim của Kim Ki Duk, tôi đã có cảm giác vừa lạ vừa quen với câu chuyện trên (vốn là một chương trong bộ truyện tranh Black Jack của tác giả Osamu Tezuka).

Một tay đòi nợ thuê tàn nhẫn, ngày ngày đi đáo nợ của những gia đình thợ cơ khí nghèo sống chui lủi trong những căn nhà lụp xụp nồng nặc mùi dầu máy. Quy tắc của hắn vô cùng đơn giản: Đã dám vay thì dám trả. Không trả được thì phải chịu tàn phế. Bao gia đình ấm êm đã tan nát dưới gót giày của hắn, bao giọt nước mắt đã rơi, máu người đã đổ… Nhưng với hắn, những điều ấy chẳng có nghĩa lý gì. Rồi một ngày kia, một người phụ nữ tự xưng là mẹ hắn xuất hiện, âm thầm đi theo hắn như một cái bóng không rời, luôn miệng xin lỗi vì đã vứt bỏ hắn một lần…

Dường như vấn đề của bộ phim đã quá rõ ràng. Một người mẹ khao khát được bù đắp lại cho đứa con thất lạc bấy lâu những yêu thương đã mất, và một người đàn ông 30 tuổi lần đầu tiên biết đến cảm giác được yêu thương. Tình mẫu tử sẽ chiến thắng mọi khoảng cách về không gian và thời gian, chữa lành mọi vết thương cũ xưa… Bộ phim sẽ là một cái gì đó, dù có phảng phất đau buồn, nhưng sẽ vấn ấm áp dư vị của hạnh phúc…

Poster phim mô phỏng lại bức tượng cùng tên của Micheal Langelo

Nhưng rõ ràng, chẳng có bất cứ thứ gì trong Pieta diễn ra suôn sẻ và nhẹ nhàng như thế. Nó cũng giống như bất kỳ bộ phim nào từng được làm của Kim Ki Duk, nhiều cay đắng, nhiều thù hận, nhiều nỗi đau và sự chuộc tội muộn màng. Yêu thương cũng có ở đó, nhưng quá ít ỏi, và méo mó, tới độ nó chỉ càng khiến ta thêm đau lòng.

Giống như câu chuyện về chàng thủy thủ tôi đã kể lúc ban đầu, người mẹ trong Pieta cũng trẻ trung và xinh đẹp, còn “con trai” cô, cũng là một kẻ không có quá khứ, cũng chẳng còn tương lai. Anh ta chỉ sống trong những khoảng hiện tại nhỏ bé, bắt đầu bằng việc thức dậy vào buổi sáng, đòi nợ, ăn, ngủ, mộng tinh, và thứ dậy vào buổi sáng hôm sau. Thế giới của anh ta là khu lao động nghèo với những dãy hàng sắt san sát bên nhau, tầm nhìn của anh ta bó hẹp trong những con đường la liệt phế liệu, những khuôn mặt khổ sở, đôi khi cả đau đớn, và suy nghĩ của anh ta chỉ dừng lại ở một chữ “TIỀN”. Anh ra sẽ làm tất cả để có nó, cho dù khi nó đã nằm trong tay anh ta, anh ta cũng sẽ chẳng làm gì hơn ngoài việc đem nó đưa cho ông chủ.

Rồi một ngày, trong cái đầu ấy, xuất hiện danh từ “mẹ”. Danh từ ấy đại diện cho một người phụ nữ kỳ lạ lúc nào cũng lẵng nhẵng bám theo anh ta. Ban đầu nó chẳng là gì, rồi trở thành một trò đùa ác, rồi thành một sự phiền phức… Nhưng khoảnh khắc khi Gang Do nhìn ra ngoài ô cửa sổ phản chiếu bóng hình thành phố bên dưới để kiếm tìm bóng hình người phụ nữ ấy, “mẹ” trở thành biểu tượng của nỗi đau.

Mi Son giống như vừa bước ra từ một góc khuất giữa hai bức tường,
không có bất kỳ một mối liên hệ khả dĩ, không thân thích

Không đau đớn sao được khi người ấy đã vứt bỏ anh, đã xóa trắng tuổi thơ anh bằng những tháng ngày dài không cảm xúc, biến anh trở thành một cỗ máy sinh học không hơn. Và cũng không có gì ngạc nhiên, khi nhanh chóng, nỗi đau ấy đẩy Gang Do đến nhu cầu được làm tổn thương người “mẹ” ấy, hạ nhục bà, làm mọi cách để bà sợ hãi, để vơi đi cơn uất ức dồn nén trong lòng. Bạo lực kết hợp với giận dữ và cuồng nộ, có vẻ như Gang-do đã dồn được người phụ nữ ấy vào chân tường, cũng là gián tiếp vứt bỏ hết những đau đớn trong anh, để bắt đầu từ một bình minh nọ, anh quay về làm một đứa trẻ được yêu thương.

Người mẹ trong Pieta là một ẩn số vô cùng. Vô cùng lớn, vô cùng bất ngờ. Đôi khi tôi vẫn tự hỏi, liệu tình yêu có thể dẫn một người mẹ đi tới những đâu? Và dường như tôi đã tìm thấy câu trả lời.

Mi Son qua lời tự thuật, là một người mẹ trẻ dại dột vì quá hoảng sợ đã vứt bỏ con trai mình, và bây giờ đang tìm cách chuộc lại lỗi lầm của khoảng thời gian đó. Người đàn bà ấy giống như vừa bước ra từ một góc khuất giữa hai bức tường, không có bất kỳ một mối liên hệ khả dĩ, không thân thích. Không ai có thể khẳng định bà không phải mẹ của Gang Do, cũng như không ai dám chắc điều ngược lại. Nhưng có quan trọng gì đâu, khi bà yêu thương Gang Do, và Gang Do tin vào tình yêu ấy.

Không ai có thể khẳng định bà không phải mẹ của Gang Do, cũng như không ai dám chắc điều ngược lại.
Nhưng có quan trọng gì đâu, khi bà yêu thương Gang Do, và Gang Do tin vào tình yêu ấy

Đôi lúc trong bộ phim, Kim Ki Duk thuyết phục tôi tin vào điều gọi là sức mạnh của tình mẫu tử, và tính chất hướng thiện tuyệt đối của tình cảm ấy. Về phần nào đấy, thì niềm tin của tôi vẫn không hề bị phản bội cho tới phút cuối cùng.

Đó là những người mẹ khóc bên mộ con, khóc bên xác con – những người con họ dứt ruột đẻ ra và nuôi lớn, những đứa con vén lại mái tóc cho mẹ chỉ để bà nhìn xinh đẹp hơn, những đứa con cuối cùng đều lìa đời chỉ vì một chữ “tiền” lạnh ngắt. Đó là một người mẹ khác, vì yêu thương mà sinh thù hận, vì thù hận mà dấn thân cho một kế hoạch trả thù, một người mẹ đi lang thang như thể tự bứt mình ra khỏi không gian và thời gian, bứt mình khỏi cả cuộc sống.

Phụ nữ được sinh ra để yêu thương và bao dung. Sự yêu thương và bao dung to lớn tới độ xóa nhòa ranh giới của hận thù. Tình yêu của người mẹ đã khiến lòng thù hận biến thành nỗi xót thương một đứa trẻ thiếu vắng tình thương, lớn lên trở thành một người đàn ông 30 tuổi vẫn bị mộng tinh khi ngủ. Tình yêu ấy dường như đủ sức cứu rỗi cả nhân loại, nhưng rồi kết cục vẫn không thể cứu vớt được tâm hồn người phụ nữ ấy. Cô vẫn khóc, đôi lúc cho con trai, đôi lúc cho mình, và có lẽ đôi lúc cho cả kẻ thù kia.

Một đứa trẻ sợ hãi điều gì? Có điều nào trong đó là một ngày kia thức dậy không thấy mẹ bên mình? Với Gang Do, một người đàn ông 30 bỗng nhiên nhỏ lại trong vòng tay mẹ, thì đó dường như là nỗi ám ảnh anh từng phút giờ, nhất là khi, mẹ chính là điểm yếu, là người có nguy cơ phải hứng chịu mọi hậu quả từ những sai lầm của anh. Tôi đã khóc khi Gang Do ngồi bơ vơ nơi chân cầu thang, kiệt quệ trong nỗi tuyệt vọng rằng mẹ sẽ không quay về, và anh sẽ một lần nữa phải sống cảnh đời cô đơn vừa mới bỏ lại đằng sau.

Gang Do giống như một chú cừu bơ vơ, dần dà bị dẫn tới cửa lò mổ mà vẫn ngây thơ không hay biết kẻ đang cầm dây dắt mình kia không phải thiên thần. Tôi đã cầu mong sao bí mật ấy đừng bao giờ bị đưa ra ánh sáng, ít nhất là với Gang Do. Hãy để anh sống với chút yêu thương ít ỏi ấy, mang theo nó đến cuối cuộc đời mình, giữ nó trong tim như ánh lửa soi đường. Nhưng rõ ràng điều đó là không thể. Chỉ còn lại Gang Do, giành lấy chiếc áo “mẹ đan”, như giành lấy tình yêu thương vốn dĩ không thuộc về mình, nằm ôm lấy “mẹ” trong cái hố bên bờ sông.

Gang Do thực hiện lời hứa cuối cùng với "mẹ"

Là anh muốn được mãi mãi ở bên “mẹ”, là anh đang hờn dỗi “mẹ” vì đã bỏ rơi, đã lừa dối mình, hay đơn thuần là anh đang ngủ một giấc dài sau quãng đời mỏi mệt?

Không dưới hai lần, phim của Kim Ki Duk khép lại bằng những cảnh phim lúc tờ mờ sáng. Một bình minh đang ló rạng, chỉ có điều Gang Do không còn cơ hội được nhìn thấy bình minh ấy, cũng chính là anh đã bắt trượt tấm vé để làm lại cuộc đời. Tất cả những gì còn lại nơi anh, chỉ là một cuộc “tự hành hình”, và vệt máu đỏ kéo dài trên con đường cao tốc, như một vết cắt nhức nhối vào trái tim tất cả những người đã từng biết đến câu chuyện đời anh.

Ra là vậy, yêu thương và thù hận sao cách nhau quá mong manh. Tâm hồn mẹ bao la mà sao cũng quá nhiều ích kỉ. Và sám hối muộn màng tại sao lại cách quá xa sự an bình thanh thản. Thế mới biết rằng cuộc sống này thật quá khó khăn.

Pieta (2012)
Thời lượng: 104 phút
Đạo diễn và kịch bản: Kim Ki Duk
Các diễn viên chính:
Jo Min Soo ... Mi Son
Lee Jung Jin... Gang Do

© Anh Phan @Quaivatdienanh.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.