Nhân vật & Sự kiện

5 thời đại của King Kong

13/03/2017

Kể từ phim King Kong đầu tiên năm 1933, động vật linh trưởng khổng lồ biết lý lẽ, hay đấm ngực thình thình, tát trực thăng lộn nhào biến hóa khác nhau với những thế hệ khác nhau, hiện thân khoa học lẫn hư cấu. Kong như một tấm vải bạt trên đó vẽ nên những vấn đề kinh tế và chính trị của thời đại. Nó lừng lững đe dọa lớn hơn bao giờ hết (cùng dàn diễn viên toàn sao) trong Kong: Skull Island (ra rạp ngày 10/3 ở Việt Nam với tựa Kong: Đảo Đầu Lâu).

Hãy nhìn lại những phiên bản Kong và đề tài đi cùng với tiếng gầm thét của nó.



King Kong (1933)

Cốt truyện Nhà làm phim phiêu lưu mạo hiểm (Robert Armstrong) gặp một cô gái đang trong vận rủi (Fay Wray) trên đường phố sau khi cô này bị bắt gặp ăn cắp một trái táo, và thuyết phục cô cùng anh giong thuyền đến một hòn đảo xa xôi nơi anh có kế hoạch quay một bộ phim. Đó là Skull Island, mà, ngoài khủng long và những loài thú săn mồi khác, còn có một cư dân cực kỳ to lớn và lông lá.

Kong Sinh vật được làm từ hoạt hình stop-motion bằng kỹ xảo có cảm giác đi trước thời đại, nó đủ to lớn để cần chiếu màn ảnh rộng nhưng không choán hết màn ảnh. Và trận chiến trên đỉnh tòa nhà Empire State là một trong những cảnh tượng đáng nhớ nhất trên phim.

Thời đại Phim ra đời giữa thời Đại suy thoái, và Kong có thể là một ẩn dụ cho cuộc sống bất ổn của người Mỹ, những giấc mơ của họ sụp đổ. Nhưng giới phê bình và học giả còn nhìn thấy ẩn ý phân biệt chủng tộc: một khỉ đột đen khổng lồ trở nên mê đắm cô gái da trắng bị xem là dã man. Sau đó nó bị xiềng xích lại để đưa đi khỏi khu rừng quê hương.

Cô gái Một Fay Wray tóc vàng óng ả, có chỗ trong lịch sử điện ảnh nhờ vai diễn này và tiếng thét kinh hoàng của cô khi Kong lần đầu đến với cô.

Kong đánh bạn với thằn lằn khổng lồ trong phim năm 1962

King Kong vs. Godzilla (1962)

Cốt truyện Bộ phim Nhật của Ishiro Honda từ Toho kể hai câu chuyện song song. Truyện thứ nhất kể lãnh đạo một hãng dược tìm cách bắt và sử dụng Kong làm quảng cáo. Truyện kia, thủy thủ của một tàu ngầm đụng phải tảng băng trôi đã giam cầm Godzilla nhiều năm. Nó thoát ra, và anh thủy thủ sát cánh cùng Kong trong trận chiến tối hậu.

Kong Phiên bản này thể hiện một con người-trong-lốt-khỉ đột có tính thẩm mỹ thường thấy trong các phim kaiju, tức quái vật, của Toho. Thiết kế không thỏa đáng khiến Kong này thuộc vào số những tạo hình Kong kém thuyết phục nhất.

Thời đại Nỗi lo sợ hạt nhân thập niên 1950 đã mở đường cho Godzilla, và những quan ngại đó có bằng chứng trong phim này. Kết hợp nỗi sợ hãi trước những gì mà Kong đại diện, và những khủng hoảng tiếp theo miêu tả chi tiết chuyện gì xảy ra khi con người can thiệp vào thiên nhiên.

Cô gái Một hành khách bị Kong chộp lấy từ tàu hỏa làm con tin. Nhưng phần lớn nó mải bận đánh nhau với bạch tuột khổng lồ và, tất nhiên, Godzilla.

Kong và Jessica Lange, trong bản phim năm 1976

King Kong (1976)

Cốt truyện Một nhà điều hành công ty dầu mỏ (Charles Grodin) tập hợp một nhóm để thám hiểm một hòn đảo xa xôi mà anh ta tin rằng rất giàu dầu mỏ. Hòn đảo có chút dầu nhưng còn có cả một con khỉ đột to tướng. Phim có một phần tiếp theo không thành công bằng, King Kong Lives, năm 1986.

Kong Cũng trong hoàn cảnh người mặc lốt khỉ, nhưng nhờ thiết kế của chuyên gia hóa trang Rick Baker, sinh vật này trông rất thuyết phục. Rất nhiều mặt nạ cho phép nó kết nối cảm xúc với khán giả.

Thời đại Nước Mỹ đang trải qua khủng hoảng năng lượng, và bộ phim chỉ thẳng ngón tay vào cái ý tưởng rút cạn tài nguyên thiên nhiên của các nơi cho gã khổng lồ kinh tế này. Phim còn cập nhật phiên bản năm 1933 bằng việc để Kong trèo lên đỉnh tháp đôi World Trade Center, một cảnh tượng mà giờ đây xem lại thật là chua xót.

Cô gái Ở đây là một Jessica Lange tóc vàng óng, là một nữ diễn viên giàu tham vọng dự phần vào những cuộc chạm trán nhạy cảm có thể thấy trong một phim Kong vì nó phải lòng cô quá nặng. Trong một cảnh, nó đưa cô tắm sạch bùn dưới thác nước và dùng chính hơi thở của nó để làm khô cô gái.

Kong trong phim 2005 với bạn bè bò sát và Naomi Watts bé tí

King Kong (2005)

Cốt truyện Bản làm lại kinh phí lớn của Peter Jackson lấy bối cảnh cùng năm với bản gốc năm 1933, nhưng lần này nhà làm phim Carl Denham do Jack Black đóng, và anh thuê một nữ diễn viên tạp kỹ (Naomi Watts) để quay phim trên Skull Island.

Kong Đây là Kong giống khỉ đột nhất trong tất cả các Kong. Sinh vật này không đi thẳng mà dùng tay chân dài ngoẵng của nó quăng mình đi. Nó được cho phong cách con người nhờ tiến bộ kỹ thuật số bắt hình động và diễn xuất của Andy Serkis. Trong phiên bản dài ba tiếng đồng hồ này cuối cùng Kong cũng lên tới đỉnh tòa nhà Empire State.

Thời đại Tuy lấy bối cảnh cùng thời với bản gốc, bản làm lại này cho thấy tầng lớp giàu mới đang tan vỡ bằng kỹ xảo hình ảnh. Hiệu ứng của Kong do Weta Digital sáng tạo, bốn năm sau đó cũng công ty này đã giúp đưa Avatar của James Cameron thành kiệt tác hoành tráng.

Cô gái Naomi Watts là một nữ diễn viên tóc vàng khác nữa có giấc mơ sự nghiệp lớn. Cô cũng kết nối với Kong.


Kong: Skull Island

Cốt truyện Năm 1973, và một tổ chức bí mật gọi là Monarch phát hiện một hòn đảo bí ẩn. Một nhóm được cử đến đó điều tra, và mau chóng có tiếng chân nện thình thình, nhai rau ráu và đập nát máy bay trực thăng.

Kong Con vật kếch xù cao hơn ngọn cây có thể thả người ta rơi vào mồm nó như kẹo bạc hà Mentos. Khi lần đầu chúng ta thấy nó, nó là một hiểm họa.

Thời đại Giai đoạn cuối chiến tranh Việt Nam, và hình ảnh của bộ phim gợi ý một dạng Apocalypse Now, với khỉ đột khổng lồ. Đây là cùng thời điểm bắt đầu chương trình Landsat, NASA vẽ bản đồ trái đất từ vũ trụ, đem đến khả năng phát hiện điều chưa biết trên hành tinh chúng ta. Phim còn chạm đến những quan ngại khí hậu đã bắt đầu tích tụ trong giai đoạn đó.

Cô gái Brie Larson, phóng viên ảnh chiến trường tóc nâu nhận những nhiệm vụ khó khăn, nhưng không nhiệm vụ nào sánh được với nhiệm vụ này. Mối quan hệ của cô với Kong thật dịu dàng nếu như ít lãng mạn bằng các phim trước.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.