Nhân vật & Sự kiện

Ai là nhà sản xuất Boyhood?

06/03/2015

Đầu tháng 9/2001, Barack Obama là thống đốc. Trung tâm Thương mại Quốc tế vẫn còn. Và đạo diễn Richard Linklater ngồi trong một nhà hàng ở Venice, trầm tư một ý tưởng phim rất cá nhân.

Ông gọi đó là “Dự án 12 năm.”

Đạo diễn Richard Linklater và diễn viên Ellar Coltrane năm 2 tuổi

Đạo diễn Linklater, với bộ phim thử nghiệm Waking Life đang trình chiếu tại Liên hoan phim Venice năm đó, nói với các bạn của mình – John Sloss, đạo diễn đồng thời thỉnh thoảng là nhà sản xuất của ông, cùng Jonathan Sehring, một nhà sản xuất khác – về dự án dõi theo một cậu bé và gia đình của cậu qua cái mà ông gọi là nhà tù tuổi trẻ, từ lớp một tới trung học. Obama trở thành tổng thống và cuộc chiến chống khủng bố hậu 11/9 là một số trong những sự kiện hiện diện trong bối cảnh phim.

Ý tưởng của đạo diễn Linklater là táo bạo. Ông muốn quay theo thời gian thực, ghi hình các diễn viên trong một vài tuần mỗi năm khi họ thêm tuổi. Không có cách gì để đảm bảo rằng các diễn viên này sẽ hiện diện trong suốt 12 năm – các hợp đồng cá nhân thường chỉ giới hạn tới bảy năm – thế nên thành công sẽ dựa trên sự tin tưởng. Còn về vốn, hãng IFC của Sehring sẽ phải xoay xở khoảng 200.000 USD mỗi năm, chủ yếu xin từ các nhà tài trợ tại nơi mà hồi đó gọi là Rainbow Media.

Trong 15 phút, Sloss và Sehring đồng ý luôn. Và cùng nhau, ba người họ trở thành những nhà sản xuất Boyhood, bộ phim giành hàng tá giải thưởng và đề cử gần đây, bao gồm phim hay nhất từ Hiệp hội Sản xuất Hoa Kỳ vừa rồi, đã đưa Boyhood trở thành một ứng cử viên hàng đầu để thắng phim hay nhất tại Giải thưởng Viện Hàn lâm trao ngày 22/2 vừa qua.*

Từ trên, theo chiều kim đồng hồ: Ellar Coltrane, cậu bé trung tâm của bộ phim Boyhood, với Ethan Hawke, người đóng vai cha; làm việc ở máy vi tính năm 7 tuổi; với Patricia Arquette, trong vai mẹ cậu; với Hawke; ở tuổi 18; và năm 9 tuổi
Đầu xuôi, đuôi lọt – bộ phim đã được vinh danh tại Giải Quả cầu vàng.

Cả hai người này đều bị Hiệp hội các nhà sản xuất bỏ qua, nơi có chính sách kín gần sáu trang bao trùm việc ai được xem là một nhà sản xuất. Hiệp hội nhà sản xuất quyết định ghi nhận trách nhiệm của Boyhood cho đạo diễn Linklater và Cathleen Sutherland, người ban đầu là quản lý sản xuất suất và theo cùng tiến độ phim.

Sự vướng mắc về ghi nhận công sức là phổ biến ở Hollywood, và quyết định xem ai được công nhận là nhà sản xuất cho mục đích trao giải là đặc biệt khó khăn, vì chức danh này bao gồm ti tỉ trách nhiệm. Tiêu biểu là, hệ thống này ưu ái những nhà sản xuất có mặt lúc đầu, giữa hoặc cuối dự án, ghi điểm cho những người chịu trách nhiệm trên phim trường – những người giám sát đoàn làm phim? Những người lựa chọn hóa trang và làm tóc? – Những việc Sloss và Sehring không làm.

Nhưng một dự án không theo lệ thường như dự án của đạo diễn Linklater đã dấy lên một vấn đề sâu hơn: liệu có công thức nào có thể tính toán được sự đóng góp của một nhà sản xuất cho bộ phim vận hành bên ngoài quy chuẩn không. Đối với Boyhood, Sloss và Sehring, được chỉ định là nhà sản xuất từ ban đầu, có thể coi là lực lượng sáng tạo thực sự: họ phải lặp đi lặp lại trách nhiệm phát triển và tiền sản xuất thông thường – tạo lại hợp đồng, tái đảm bảo tài chính, tái thông qua kinh phí - trong khi đạo diễn Linklater trông nom việc ghi hình trong hai tuần định kỳ và kể câu chuyện của mình trong một thời lượng lớn dần cùng dàn diễn viên.

Từ trái qua, John Sloss, Richard Linklater, Ellar Coltrane, Cathleen Sutherland,
Patricia Arquette, Ethan Hawke và Jonathan Sehring tại Giải thưởng Gotham 2014

Trong một bài phát biểu, Vance Van Petten, giám đốc điều hành của hiệp hội các nhà sản xuất, ghi nhận rằng Sehring và Sloss “đóng vai trò then chốt”. Nhưng ông cũng bổ sung rằng tổ chức của ông nghiên cứu “những đóng góp suốt cả quá trình sản xuất, bao gồm phát triển kịch bản, tuyển diễn viên, chuẩn bị, quay phim và giám sát hiện trường.” Như vậy, “những nhà sản xuất lão làng” đánh giá Boyhood quyết định rằng “hai ông Sloss và Sehring không đạt được tiêu chuẩn của hiệp hội.”

Sáu trong số 10 phim được đề cử giải thưởng PGA (giải thưởng của Hiệp hội các nhà sản xuất điện ảnh Mỹ) đều có những nhà sản xuất bị bỏ qua. Thực sự là vậy, Gone Girl, với bốn nhà sản xuất, thì chỉ một, Cean Chaffin, được hiệp hội ghi nhận, những quyết định này có thể báo điềm cho quyết định của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh, nhà tổ chức trao giải Oscars.

Đạo diễn Linklater, trong một bài phát biểu đã nói về Sloss và Sehring, “là không thể thiếu để thực hiện được Boyhood trong suốt 12 năm qua và tôi rất vui được ghi nhận với vai trò sản xuất cùng với họ.” Liệu hai người này cuối cùng có được ghi nhận bởi những những người trao giải, Linklater cho biết tiếp, “phụ thuộc vào những tổ chức đó.”

Hai nhà sản xuất phim Aviator Graham King (trái) và Charles Evans Jr.

Trong những năm qua, Viện hàn lâm thỉnh thoảng đưa ra những đề cử Oscar với ghi nhận cho nhà sản xuất là “sẽ được xác định sau.” Để tránh gỡ rối phút cuối kiểu như vậy, vào năm ngoái nhánh sản xuất của viện quyết định rằng sẽ bắt đầu đánh giá trước những đề danh cho những đề cử tiềm năng.

Những tranh luận về đề danh có thể trở nên xấu xí. Năm 2006, nhà sản xuất Bob Yari kiện cả Viện hàn lâm và hiệp hội nhà sản xuất khi không thừa nhận đóng góp của ông trong Crash, bộ phim thắng giải Oscar. Ông đã thua kiện.

Trước đó một năm, một nhà sản xuất của The Aviator, Charles Evans Jr., gần như phải bon chen theo nghĩa đen để được công nhận. Tại giải Quả cầu vàng năm 2005, ít phút sau khi The Aviator được xướng tên phim hay nhất, ông chen qua một bảo vệ để vào ảnh với những nhà sản xuất khác. Giống như ông Yari, ông này cũng không được đề danh cho giải thưởng của Viện hàn lâm.

Đạo diễn Linklater nhận Quả cầu vàng phim hay nhất cho Boyhood

Viện Hàn lâm mới đây đã nới lỏng cổ cồn một chút. Năm ngoái, họ cho phép bốn nhà sản xuất của The Wolf of Wall Street, trong khi hiệp hội nhà sản xuất chỉ đề danh ba người. Cả hai tổ chức này đều ghi nhận năm nhà sản xuất đối với bộ phim giành chiến thắng 12 Years a Slave.

Đối với Sehring và Sloss, đến năm 2001 họ đã là cộng sự sản xuất những bộ phim kỹ thuật số không thông thường thông qua một công ty, InDigEnt, hãng họ cùng cộng tác với nhà làm phim độc lập, Gary Winick, đã qua đời năm 2011.

Một dự án thủa ban đầu của InDigEnt mà họ thực hiện với tư cách nhà sản xuất chỉ đạo là bộ phim Tape của đạo diễn Linklater, dựa trên một vở kịch về những người bạn trung học, với Ethan Hawke trong vai chính. Dự án này thắt chặt thêm mối liên hệ của họ với Linklater, người vừa hiền lành lại vô cùng độc lập.

Đạo diễn Linklater trên trường quay Boyhood

Làm việc ở Autin, bang Texas, Linklater yêu cầu từ những nhà sản xuất của ông, có lẽ hơn bất cứ thứ gì, là không gian sáng tạo. Ông chắc chắn có được điều này từ Sehring và Sloss. Hai người không dành khoảng thời gian đặc biệt nào trên trường phim. Tuy nhiên cả hai vẫn đem lại dịch vụ phi thường khi trở đi trở lại, năm này qua năm khác, tái lập một dự án mà thực ra được dựng từ 12 sản phẩm liên tục.

Mặc dù họ không cập nhật từng ngày, Sehring và Sloss xem bản mở rộng của bộ phim do Linklater tập hợp lại từng năm. Nhưng chỉ đến tháng 10/2013, khi “Dự án 12 năm” trở thành Boyhood để tránh nhầm lẫn với 12 Years a Slave mới phát hành, bộ phim mới chính thức hợp nhất.

Từ đó, hai người đã luôn tận tâm trong việc quảng bá và phân phối Boyhood. Họ tham dự sự kiện phát hành DVD của bộ phim tại Chateau Marmont, làm công việc mà những nhà sản xuất vẫn làm.

Từ trái qua: Jonathan Sehring, Cathleen Sutherland và John Sloss tham dự sự kiện phát hành DVD Boyhood của Paramount Home Media Distribution hôm 7/1/2015 tại Chateau Marmont ở Los Angeles, California
Họ vùn vụt từ cà phê vườn tới lối vào thảm đỏ, để ý tới đám đông lớn bất ngờ, hướng về đạo diễn Linklater – và tắm mình trong vinh quang, chưa bao giờ màng tới sự ghi nhận đi cùng với một trong những bộ phim đã được yêu mến trong mùa giải thưởng.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


* Rốt cuộc, tượng vàng Oscar dành cho phim hay nhất đã về tay Birdman. Xem tin Oscar 2015 đã thuộc về toàn nam, toàn da trắng và... Birdman thắng cả hai danh hiệu cao quý nhất!

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.