Nhân vật & Sự kiện

Đề tài công sở thịnh hành trên màn ảnh nhỏ Hàn Quốc

02/02/2015

Mãi đến gần đây, thế giới đời thường của dân văn phòng chưa bao giờ là tâm điểm chú ý trên màn ảnh nhỏ, ngay cả ở một đất nước nổi tiếng làm việc khắc nghiệt nhất.

Quá thường là, công sở chỉ để làm nền cho một câu chuyện tình lọ lem giữa cậu chủ đẹp trai thừa kế tập đoàn lớn với một nữ nhân viên bình thường.

Misaeng của tvN

Nhưng giờ đây, khán giả Hàn háo hức muốn xem và thông cảm với những con người bình thường vật lộn để sinh tồn nơi công sở ― dù cho phim thiếu đi mạch lãng mạn hay diễn viên hạng A.

“Phim truyền hình Misaeng (Incomplete Life) thoát hẳn ra khỏi khuôn sáo,” Lee Jae Yoon, 34 tuổi, nhân viên một hãng tư vấn, nói. “Không như nhiều phim truyền hình đã có, bộ phim này miêu tả cuộc sống của tôi và các đồng nghiệp chính xác đến mức xem phim như thể là trở vô văn phòng làm việc vậy.”

Misaeng, câu chuyện về những cuộc đời không hoàn hảo

Ở tuyến đầu những phim đề tài công sở năm 2014 là Misaeng, dựa theo truyện tranh trên mạng (webtoon) cùng tên của Yoon Tae Ho.

Khi Jung Yoon Jung, một trong những biên kịch của bộ phim này, bắt đầu viết kịch bản, nghe nói cô được các chuyên gia trong nghề khuyến cáo rằng Misaeng sẽ không thể thành công trên truyền hình được đâu.

Sân thượng tòa nhà công ty, nơi các nhân viên tìm đến những lúc đầy tâm trạng

Nhưng trái với sự tim tưởng đó của họ, bộ phim dài 20 tập này đã trở thành một thành công hiện tượng vì sự miêu tả chân thực cuộc sống hàng ngày của dân văn phòng bình thường.

Tập cuối phát sóng tháng 12/2014, bộ phim đạt tỷ suất người xem 8,2%, một tỷ suất hiếm có đối với phim truyền hình cáp.

Bản thân câu chuyện quá độc đáo ― cốt truyện xoay quanh một anh chàng kết cuộc làm nhân viên có hợp đồng ở một công ty thương mại lớn sau khi không thể trở thành một kỳ thủ baduk (Go) chuyên nghiệp.

Vai chính Jang Geu Rae chật vật để sinh tồn trong thế giới kinh doanh hiện đại ngày nay. Misaeng nghĩa đen là “không còn sống”, và đấy là điều xảy ra với tất cả các nhân vật, từng người đều có những sai lầm chí mạng. Thế nhưng, đây là những nhân vật có thể liên hệ và sự khắc họa chân thực về công sở tẻ nhạt xem ra đã hấp dẫn khán giả Hàn.

Vai chính Jang Geu Rae do Im Si Wan thể hiện

Queen of the Office lên tiếng cho người lao động thời vụ

Một phim đề tài công sở khác đã thu hút được sự chú ý là Queen of the Office (2013), phát sóng trên KBS TV. Vai chính Miss Kim, lao động thời vụ tại một công ty thực phẩm, do nữ diễn viên đầy kinh nghiệm Kim Hye Soo thể hiện. Bộ phim này dựa theo phim truyền hình Nhật tựa đề Pride of the Temp.

Sự nổi tiếng của bộ phim chủ yếu đến từ việc Miss Kim không phải là một người lao động thời vụ thường tình hy vọng có được một công việc toàn thời gian. Thay vì thế, cô bắt đầu làm việc lúc 9 giờ sáng và rời công ty lúc 6 chiều. Cô không quan tâm đến thủ đoạn công sở hay tìm cách lấy lòng cấp trên.

Nếu sếp yêu cầu cô tham gia ăn uống sau giờ làm việc, Miss Kim đòi trả tiền làm việc ngoài giờ. Khi sếp đề nghị cô một vị trí làm việc toàn thời gian, cô nhất định từ chối và nói, “Tôi không có ý định trở thành nô lệ.”

Miss Kim của Kim Hye Soo trong Queen of the Office

Bí quyết đằng sau việc sống theo ý mình đó là Miss Kim là một lao động thời vụ không thể thay thế có 170 chứng chỉ kỹ năng khác nhau, và nói được ít nhất bảy ngoại ngữ.

“Không phải ai cũng có thể như Miss Kim,” Kwak Yoon Jeong, một nhân viên văn phòng 28 tuổi rất thích xem phim này, nói. “Thực tế, bạn phải làm việc cật lực ở văn phòng, chơi trò chính trị văn phòng và đi uống với đồng nghiệp nếu bạn không muốn bị bỏ lại đằng sau.”

Đề tài công sở đang thịnh hành

Đề tài công sở còn xuất hiện trong các chương trình tạp kỹ và hài.

First Day of Work, chương trình truyền hình thực tế của tvN năm 2014 theo chân tám nhân vật nổi tiếng lần đầu trong đời trở thành lao động văn phòng. Họ làm việc ở những công ty lớn như nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động hoặc chuỗi kinh doanh thực phẩm. Trong chương trình, Park Joon Hyung của nhóm Kpop g.o.d luôn đi làm muộn, còn ca sĩ rap Eun Ji Won gặp rắc rối vì ăn mặc không chuyên nghiệp.

Các cảnh trong chương trình tạp kỹ First Day of Work của tvN

Trong khi đó, Let It Be là ca khúc được yêu thích nhất trong Gag Concert, chương trình hài lâu đời nhất. Sử dụng giai điệu ca khúc của nhóm The Beatles, các nghệ sĩ hài hát về niềm vui nỗi buồn đời công sở ― bao gồm thứ hai buồn chán, ngày lĩnh lương và chính trị văn phòng ― châm chọc và mỉa mai.

Một chương trình tạp kỹ mới có tên Invisible Man, trong đó một nhóm người nổi tiếng, bao gồm diễn viên hài Kang Ho Dong, tham quan một công ty và tham gia vào các trò chơi và nhiệm vụ để khiến nhân viên cười.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Herald


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.