Nhân vật & Sự kiện

100 năm điện ảnh Hồng Kông

16/02/2015

Mọi câu chuyện vĩ đại đều có một chút bí ẩn, và câu chuyện về điện ảnh Hồng Kông cũng thế.

Điện ảnh được cho là đã tìm đến khu vực này vào đầu năm 1898, khi hãng phim Mỹ Edison gửi một nhóm quay phim tới châu Á, và trở về với những thước phim về các địa danh cột mốc của Hồng Kông, trong đó có Đỉnh núi Thái Bình (The Peak) và Tòa nhà chính phủ (Government House). Còn có những rạp chiếu phim ở quận trung tâm, ở đó các diễn viên không có việc làm được thuê để lồng tiếng trực tiếp cho các phim nước ngoài.

Hai nhà điện ảnh tiên phong của Hồng Kông Lê Dân Vỹ (trái) và Lê Bắc Hải [Ảnh: Hong Kong Film Archive]

Nhưng chẳng còn lại dấu tích gì của những phim được làm ở Hồng Kông trước Thế chiến II – những phim lưu trữ bị phá hủy trong cuộc xung đột – các nguyên tác của hãng phim địa phương vẫn là nguồn tranh cãi trong giới sử gia điện ảnh.

Bắt đầu từ Con Vịt


Tuy nhiên, nhiều sử gia điện ảnh đều chỉ ra năm 1909 và một bộ phim nhỏ có tựa Stealing A Roast Duck. Vào lúc đó Hồng Kông đã là một vùng đất bùng nổ, sinh động, phát triển cảng và các định chế tài chính được thiết lập cho sự phát triển của Hồng Kông thế kỷ tiếp theo.

Stealing A Roast Duck được cho là do Lương Thiếu Ba, xuất thân được đào tạo về sân khấu, làm đạo diễn, sử dụng máy quay phim mượn của ông bầu người Mỹ Benjamin Brodsky đóng ở Thượng Hải. Bộ phim ngắn này theo chân một tên trộm ăn cắp một con vịt và rồi bị rượt đuổi trên phố, với các diễn viên Lương Thiếu Ba, Lê Bắc Hải và Hoàng Tụng Dân.

Nghiêm San San là nữ diễn viên điện ảnh đầu tiên của Trung Quốc khi cô đóng vai
hầu thiếp trong phim
Trang Tử thí thê / Zhuangzi Tests His Wife

Sử gia điện ảnh Yu Mo-wan viết rằng nhà làm phim đã quá cố Quan Văn Thanh tuyên bố ông đã xem bộ phim ngắn này ở California năm 1917, cùng với một phim khác có tựa là Trang Tử thí thê / Zhuangzi Tests His Wife.

Sau Thế chiến II, nhờ có Lê Dân Vỹ cùng với anh mình là Lê Bắc Hải khởi nghiệp cho người khổng lồ Lianhua Film Company năm 1930, Hồng Kông nổi lên thành một thế lực áp đảo trong điện ảnh châu Á – và ảnh hưởng của các nhà làm phim Hồng Kông bắt đầu mở rộng ra thế giới.

Vẫn sống và năng động

Khi các hãng phim lớn như Thiệu Thị và Cathay được thành lập vào thập niên 1950, các nhà làm phim Hồng Kông như Hồ Kim Thuyên và Trương Triệt bắt đầu phát triển phong cách riêng của mình. Ảnh hưởng lớn nhất của họ là trong sự phát triển của thể loại phim kiếm hiệp – một thể loại được hãng Gia Hòa (Golden Harvest) mở rộng vào đầu thập niên 1970.

Lý Tiểu Long và Thành Long sau này, trở thành những siêu sao quốc tế, và xưởng chế tạo nhân tài là đài truyền hình TVB từ thập niên 1980 sản xuất ra những tài năng như Ngô Vũ Sâm và Từ Khắc cũng như các diễn viên mà tên tuổi của họ trở nên phổ biến, trong đó có Trương Quốc Vinh, Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc.

Cảnh trong phim Father and Son (1981) của đạo diễn Phương Dục Bình
trở thành Phim xuất xắc của giải Kim Tượng lần thứ 1, tổ chức năm 1982

Mặc dù số lượng xuất phẩm đã suy giảm kể từ thời kỳ đỉnh cao của thập niên 1980 – thời mà mỗi năm có 300 phim được làm ra – Hồng Kông vẫn tiếp tục có những nhà làm phim xuất sắc và những phim đáng chú ý.

Những cái tên như Đỗ Kỳ Phong – với phim Election – và cặp đôi Lưu Vỹ Cường và Mạch Triệu Huy, đã sáng tạo nên loạt phim Vô gian đạo / Infernal Affairs, cho thấy điện ảnh Hồng Kông vẫn sống và năng động khi bước vào năm tuổi thứ 100.

100 năm phim

The Wild, Wild Rose (1960, đạo diễn Vương Thiên Lâm)

Thật can đảm trong việc đưa nhạc kịch Carmen và lấy bối cảnh những ngõ hẻm tối tăm của khu đèn đỏ khét tiếng Wan Chai ở Hồng Kông lên phim. Nhưng Vương Thiên Lâm đã khôn ngoan làm bộ phim này đặt lên vai nữ diễn viên Cát Lan, đảm nhận vai diễn trên tựa phim. Đạo diễn Vương đã tạo nên tuyệt tác kiểu phim ‘noir’, pha trộn câu chuyện tình yêu đối nghịch với hiện thực khắc nghiệt của đời sống ở một đô thị tàn bạo.

Mãnh long quá giang / Way Of The Dragon (1972, đạo diễn Lý Tiểu Long)

Lúc đó đã là siêu sao điện ảnh Hồng Kông, Lý Tiểu Long bùng nổ trên màn ảnh quốc tế với một tác phẩm pha trộn độc đáo hài và võ thuật hành động. Anh đóng vai một người Hồng Kông đối đầu với Mafia ở Italy khi chúng uy hiếp vũ lực một chủ nhà hàng Trung Quốc. Lý Tiểu Long toàn quyền kiểm soát, đạo diễn, đóng chính, viết kịch bản và biên đạo hành động đối với bom tấn thứ ba của hãng Gia Hòa này. Trận đấu tay đôi với Chuck Norris – bên trong Đấu trường La Mã – vẫn còn làm ‘fan’ phim võ thuật hồn phi phách tán. Đây là bộ phim lần đầu tiên khiến Hollywood phải hướng về Hồng Kông.

Trùng Khánh Sâm Lâm / Chungking Express (1994, đạo diễn Vương Gia Vệ)

Bộ phim đã trở thành định nghĩa ‘phong cách’ Vương Gia Vệ. Máy quay của Christopher Doyle nán lại một cách đáng yêu trên những con phố, quán rượu và quán cà phê rồi tập trung va hai câu chuyện tình, một có vẻ đã kết thúc bi đát và một chỉ mới bắt đầu. Đạo diễn Vương Gia Vệ một sự pha trộn thần kỳ giữa sáng và tối. Có đôi lúc khó hiểu – đạo diễn đã tự thừa nhận – nhưng tất cả cấu thành thách thức.

Đội bóng Thiếu lâm / Shaolin Soccer (2001, đạo diễn Châu Tinh Trì)

Phim này là ví dụ hoàn hảo về thương hiệu hài của Châu Tinh Trì. Phim theo chân một băng võ sư sử dụng kỹ năng xuất chúng của mình để thành công trên sân bóng. Phim vừa ngớ ngẩn vừa ấn tượng và, lúc nào cũng thế, Châu Tinh Trì ngả nón trước một số những tuyệt tác của điện ảnh Hồng Kông. Và trọng tâm của bộ phim ca ngợi chiến thắng của người lép vế, và mặc dù hài hước thiên vị khán giả Hồng Kông, phim vẫn có sức hấp dẫn phổ quát.

Vô gian đạo / Infernal Affairs (2002, đạo diễn: Lưu Vỹ Cường và Mạch Triệu Huy)

Năm 2002 - theo giới phê bình lẫn người hâm mộ - dường như điện ảnh Hồng Kông bùng nổ trên mọi khía cạnh chủ đề cớm-đối đầu-xã hội đen. Nhưng Lưu Vỹ Cường và Mạch Triệu Huy tiến lên một tầm mới với câu chuyện sử thi về mưu đồ gian trá giữa cớm và tội phạm khi hai bên thâm nhập thế giới của nhau. Lưu Đức Hoa và Lương Triều Vỹ tỏa sáng trong hai vai chính. Không ai nghi ngờ gì việc Hollywood sẽ làm lại câu chuyện này, khi bộ phim The Departed của Martin Scorsese đã thắng giải Oscar.

100 năm – Những tên tuổi

• Lê Dân Vỹ

Thường được gọi là 'cha đẻ' của điện ảnh Hồng Kông, Lê Dân Vỹ (1893-1953) được đào tạo về sân khấu và làm một nhà nhiếp ảnh trước khi cùng anh trai Lê Bắc Hải làm bộ phim Trang Tử thí thê / Zhuangzi Tests His Wife năm 1913. Họ lập ra Minxin Film Company năm 1923 và sản xuất bộ phim Rogue (1925), phim điện ảnh dài đầu tiên của Hồng Kông, và cũng là phim bom tấn đầu tiên. Dù về sau Lê Dân Vỹ mở hãng siêu phim đầu tiên của Hồng Kông, Lianhua Film Company, có lẽ ông nổi tiếng nhất vì những màn táo bạo trong khi làm phim tài liệu về các chiến dịch quân sự của Tôn Trung Sơn chống quân triều đình nhà Thanh vào những năm 1920.

• Thiệu Dật Phu

Con người đã gần như một tay vạch ra hướng đi của điện ảnh Hồng Kông thời kỳ hậu chiến này bắt đầu sự nghiệp của mình ở South Seas Film Studio năm 1930. Thiệu Dật Phu thực sự tạo dấu ấn vào thập niên 1950, dẫn dắt thương hiệu người khổng lồ Thiệu Thị (Shaw Brothers Studio) khi hãng này sản xuất hết phim thành công đình đám này đến phim thành công đình đám khác, trên gần như tất cả các thể loại phim. Hơn 900 phim dài mang chữ ký của ông là nhà lãnh đạo hãng phim, trong khi đó đài truyền hình do ông sáng lập năm 1967, TVB, trở thành thao trường cho những nhà làm phim ưu tú nhất của vùng đất này. Nhiều năm qua Thiệu Dật Phu còn đóng góp tài sản từ các hãng phim của ông cho từ thiện.

• Trâu Văn Hoài

Trâu Văn Hoài, trái,cùng Lý Tiểu Long

Khi Trâu Văn Hoài mở hãng Gia Hòa năm 1970, ông nói ông muốn tìm những nhà làm phim tài năng nhất của Hồng Kông và cho họ cơ hội làm phim của chính mình. Những người đi theo ông – từ Lý Tiểu Long đến Từ Khắc và Ngô Vũ Sâm – đã giúp Gia Hòa thống trị phòng vé Hồng Kông suốt thập niên 1970 và 1980 khi Trâu Văn Hoài thống lĩnh thể loại phim võ hiệp và phim ly kỳ đã trở thành dấu ấn của điện ảnh Hồng Kông. Ông còn là nhà sản xuất Hồng Kông đầu tiên thử vươn ra điện ảnh quốc tế, tạo khuôn mẫu cho việc đồng sản xuất vẫn còn đang được thực hiện đến ngày nay.

• Châu Tinh Trì

Châu Tinh Trì, phải, trong phim Tuyệt đỉnh kungfu

Tài năng độc đáo của Châu Tinh Trì đã tạo ra những doanh thu phòng vé gây sửng sốt – vào cái lúc mà không có ngôi sao nào lớn hơn ở châu Á. Châu Tinh Trì bắt đầu phát triển thương hiệu hài của mình trong khi còn học đào tạo diễn xuất tại đài TVB những năm 1980. Qua những phim như Đội bóng Thiếu lâm / Shaolin Soccer (2001) và Tuyệt đỉnh kung fu / Kung Fu Hustle (2004), anh trở thành người thường xuyên thắng giải tại Giải thưởng điện ảnh Hồng Kông, với tư cách diễn viên và đạo diễn.

• Thành Long

Thành Long, trái, trong phim Câu chuyện cảnh sát

Thành Long nói anh mơ trở thành một ngôi sao, từ những ngày đầu là thành viên của một đoàn nhạc kịch Trung Quốc đến lúc anh làm diễn viên đóng thế nhìn những người như Lý Tiểu Long biểu diễn phép màu. Hơn 100 phim về sau – và với hơn hàng trăm triệu đôla doanh thu phòng vé – Thành Long đã trở thành một trong những ngôi sao hái ra tiền nhất thế giới. Từ bộ phim đoạt giải thưởng Câu chuyện cảnh sát / Police Story (1985) đến những thành công vang dội quốc tế như Rush Hour (1998), hóa thân đa dạng của Thành Long đã trở thành huyền thoại và anh mở rộng tài năng của mình sang lĩnh vực điều hành sản xuất.

100 năm – Những cột mốc lịch sử

• 1909: Được xem là phim điện ảnh đầu tiên của Hồng Kông, phim ngắn Stealing A Roast Duck, do Lương Thiếu Ba đạo diễn và Benjamin Brodsky (Mỹ) sản xuất.

1913: Lê Dân Vỹ thành lập công ty điện ảnh Huamei với Brodsky và ông viết kịch bản, sản xuất và đạo diễn bộ phim dài 15 phút Trang Tử thí thê / Zhuangzi Tests His Wife.

Cảnh trong phim The Burning of the Red Lotus Monastery (1928) của Mingxin Film Company

• 1923: Lê Dân Vỹ thành lập hãng Minxin – hãng phim đầu tiên của Trung Quốc – làm phim tài liệu về các chiến dịch quân sự của nhà chính trị có tầm ảnh hưởng của Trung Quốc Tôn Trung Sơn.

• 1924: Minxin sản xuất phim truyện dài đầu tiên của Hồng Kông, Rogue.

• 1934: China Silent and Sound Pictures Production Company phát hành phim Hồng Kông đầu tiên nói tiếng Quảng Đông, A Fool's Wedding Night.

1945-1950: Các nhà làm phim trở về sau chiến tranh, và ngành điện ảnh nở rộ, sản xuất trên 180 phim mỗi năm, hầu hết là phim tâm lý – trong đó có Madame Butterfly (1948), phim màu 35mm đầu tiên quay ở Hồng Kông – và phim hài.

Cảnh trong phim Street Angel (1937)

• 1959: Thiệu Dật Phu thành lập hãng Thiệu Thị ở Vịnh Nước Trong (Clear Water Bay) và phim của hãng này nhanh chóng chiếm lĩnh phòng vé Hồng Kông.

• 1960-1965: Các đạo diễn Hồ Kim Thuyên và Trương Triệt giúp tạo dựng thể loại phim võ hiệp thành một thế lực của điện ảnh Hồng Kông.

• 1971: Cựu điều hành hãng Thiệu Thị là Trâu Văn Hoài thành lập hãng Gia Hòa (Golden Harvest) và bắt đầu làm phim với Lý Tiểu Long.

• 1973: Lý Tiểu Long qua đời ở tuổi 32, trước khi bộ phim đột phá quốc tế của anh Long tranh hổ đấu / Enter The Dragon được phát hành. Phim này đã thành công vang dội toàn cầu.

Lý Tiểu Long, trái, và Chuck Noris trong phim Long tranh hổ đấu

• 1978: Túy quyền / Drunken Master của Thành Long định hình tên tuổi anh là siêu sao lớn nhất của Hồng Kông.

1982: Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông (còn gọi là giải Kim Tượng) đầu tiên – danh hiệu Phim hay nhất thuộc về phim của đạo diễn thế hệ Làn sóng mới Phương Dục Bình, Father And Son.

• 1997: Happy Together đưa Vương Gia Vệ trở thành đạo diễn Hồng Kông đầu tiên nhận giải đạo diễn xuất sắc tại Cannes.

• 2001: Edko Pictures đồng sản xuất Ngọa hổ tàng long / Crouching Tiger, Hidden Dragon, bộ phim đoạt bốn giải Oscar (trong đó có phim nước ngoài xuất sắc) và thu về gần 250 triệu đôla toàn cầu.

Cảnh trong phim Happy Together (1997), với hai diễn viên Trương Quốc Vinh, trái, và Lương Triều Vỹ - bộ phim
đã đưa Vương Gia Vệ trở thành đạo diễn Hồng Kông đầu tiên đoạt giải đạo diễn xuất sắc tại Cannes

• 2002: Vô gian đạo / Infernal Affairs của Lưu Vỹ Cường và Mạch Triệu Huy càn quét bảy giải Kim Tượng. Sau đó bộ phim được Martin Scorsese làm lại với tựa đề The Departed đoạt giải Oscar năm 2006.

• 2008: Các xuất phẩm đồng sản xuất với Trung Quốc Đại lục vạch đường cho Hồng Kông, và đạo diễn Ngô Vũ Sâm thể hiện điều đó trong siêu phẩm Đại chiến Xích Bích phần 1 / Red Cliff Part One.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Screen Daily


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.