Nhân vật & Sự kiện

Akira: Nhìn lại tương lai

23/07/2018

Kỷ niệm 30 năm phát hành phiên bản hoạt hình câu chuyện khoa học giả tưởng kinh điển của Katsuhiro Otomo tại Nhật Bản, Japan Times nghiên cứu ảnh hưởng lâu bền của bộ phim này trên toàn thế giới.

Akira bắt đầu với một tia sáng khổng lồ, báo hiệu vụ nổ tàn phá Tokyo thập niên 1980 và bắt đầu Thế chiến III. Sau đó phim nhảy vọt đến năm 2019, năm mà siêu đô thị này đã xây dựng lại thành Neo-Tokyo và đang chuẩn bị làm nước chủ nhà Thế vận hội (nghe quen không?).

Tia sáng khổng lồ báo hiệu vụ nổ tàn phá Tokyo thập niên 1980

Quay trở lại thế giới thực, Akira đã châm ngòi một vụ nổ kiểu khác. Bộ phim ra rạp ở Nhật vào tháng 7 năm 1988, đã truyền cảm hứng cho một thế hệ những nhà sáng tạo ở Nhật Bản và giúp tiếp sức cho việc thưởng thức anime ở phương Tây. Giống như nhân vật phản diện Tetsuo của bộ phim, Akira đã thấm vào mọi nền văn hóa đại chúng có thể tưởng tượng được: từ nhạc khiêu vũ đến các thương hiệu thời trang trẻ cho đến Ready Player One của Steven Spielberg.

Đồng thời, Akira có thể được miêu tả là một hiện tượng đơn nhất, không thể lặp lại, được tạo ra vào thời điểm tham vọng và ngân sách trong ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản ở mức cao chưa từng có.

Ba thập kỷ sau khi bộ phim ra đời, với viễn cảnh 2019 phi-cyberpunk lù lù hiện ra ở chân trời, điều đáng hỏi là tại sao chúng ta vẫn còn nói về Akira và bộ phim này có ý nghĩa gì ở ngày nay.

Kaneda trên chiếc mô tô của mình ở cảnh rượt đuổi mở màn trong anime AKIRA ©1988

Sự ra đời của một kinh điển

Akira lần đầu tiên được sinh ra vào tháng 12 năm 1982 là một manga đăng nhiều kỳ trên Young Magazine của Kodansha. Do Katsuhiro Otomo sáng tác, người gốc Tome, tỉnh Miyagi, lần đầu xuất hiện với tư cách là tác giả và họa sĩ vẽ manga vào năm 1973.

Rốt cuộc loạt manga này đã trở thành kiệt tác của Otomo, xuất bản trong tám năm và thành bộ sách sáu cuốn. Tuy nhiên, các chủ đề chi phối bộ manga độc đáo này cũng từng có mặt trong các tác phẩm trước đây của tác giả, như Fireball Domu, trong đó có các thành phố hậu tận thế, những cuộc nổi dậy, mô tô điên loạn và sức mạnh siêu nhiên. Giống như Akira, những tác phẩm trước đó cũng thể hiện nét vẽ phức tạp và tốc độ xinê.

Lấy bối cảnh năm 2019 ở thành phố Neo-Tokyo hậu tận thế, Akira xoay quanh một băng nhóm xe mô tô trở nên gắn với số phận của thành phố khi một thành viên, Tetsuo, gấu ó với một cậu bé kỳ lạ sử dụng sức mạnh siêu nhiên. Cuộc chạm trán này kích hoạt một tiềm năng tiềm tàng trong Tetsuo: một sức mạnh nguy hiểm từng do Akira sử dụng, đứa trẻ được đồn đoán là sở hữu nó, có liên quan đến việc phá hủy thành phố và khởi đầu Thế chiến III.

Nhân vật Tetsuo

Akira thành công vang dội với độc giả của Young Magazine. Trong vòng vài năm sau khi xuất bản thành manga nhiều kỳ trên tạp chí, tác phẩm của Otomo đã được quyết định trở thành một bộ phim hoạt hình — và không phải là một phim tầm thường. Akira đã được cấp ngân sách lớn nhất so với bất kỳ bộ phim hoạt hình nào cho đến thời điểm đó — hơn 1 tỉ yen.

Trong một phỏng vấn năm 1988 ghi lại Otomo khá là thờ ơ về việc bộ phim hình thành như thế nào, nói rằng, “Trước đây tôi đã làm hoạt hình và biết một số người trong nghề, nên tôi cho rằng, tại sao không tìm cách làm thành phim hoạt hình?”

Trong thực tế, làm bộ phim hoạt hình tốn kém nhất từng được thực hiện khó khăn hơn ông nghĩ rất nhiều. Không một công ty đơn lẻ nào có nguồn lực tài chính, cũng như nhân lực, để tạo ra một dự án ở quy mô của Akira. Thay vào đó, nhiều công ty, bao gồm cả nhà xuất bản Kodansha, nhà phát hành Toho và hãng phim hoạt hình TMS, đã hợp tác để hình thành nên cái mà họ gọi là Ủy ban Akira. (Cách làm chia sẻ ngân sách và rủi ro trong sản xuất anime thông qua cái gọi là ủy ban sản xuất giờ đây là tiêu chuẩn trong khắp ngành công nghiệp anime.)

Những đứa trẻ già nua trong cuộc thí nghiệm khoa học cho chính phủ trong phim

Ủy ban có thể cung cấp vốn được rồi, nhưng Akira vẫn còn, nói một cách sáng tạo, trong tay của Otomo. Tác giả manga này, đã chỉ đạo hai phim hoạt hình ngắn trước khi đạo diễn phim dài, đóng vai trò đạo diễn và đồng biên kịch, và tất cả các khía cạnh của việc sản xuất đều qua ông.

Akira mang bản sắc của Otomo, thấm nhuần giọng điệu và niềm đam mê của ông, nhiều đến mức phát biểu với cả một thế hệ có cùng mối quan tâm,” Helen McCarthy, đồng tác giả của Bách khoa toàn thư anime, nói.

Việc sản xuất bộ phim đã tập hợp một số họa sĩ hoạt hình tài năng nhất trong ngành, bao gồm Koji Morimoto, Hiroyuki Okiura, Toshiyuki Inoue và Takashi Nakamura — những cái tên vẫn kích thích tuyến nước bọt của nhiều ‘fan anime’ ngày nay.

Trong những năm 1960, Osamu Tezuka, người tạo ra Tetsuwan Atomu (còn được gọi là Astro Boy) đã làm ra khuôn mẫu mà các xuất phẩm hoạt hình Nhật Bản nói chung vẫn tuân theo: Không thể cạnh tranh với khổng lồ hoạt hình Disney và những đấu thủ khác về ngân sách, các hãng phim anime buộc phải sử dụng “hoạt hình hạn chế”, trong đó người vẽ minh họa sẽ sáng tác hoạt hình nhiều phong cách mà kém hiện thực với tốc độ khung hình ít hơn để tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Những khung hình tương phản ánh sáng trong phim làm bật lên cái dữ dội của câu chuyện

Tuy nhiên, Akira thì khác. Ngân sách khổng lồ dành cho những việc xa xỉ của êkíp làm phim hiếm khi được sử dụng trong lịch sử hoạt hình Nhật Bản, bao gồm ghi âm lồng tiếng trước để đồng bộ hóa nhép miệng hoàn hảo, sử dụng từ đầu tạo hình vi tính cơ bản và, quan trọng nhất, là số lượng khung hình ‘khủng’ làm cho phim mượt vô đối.

Kuni Tomita, họa sĩ hoạt hình chính của bộ phim, nói rằng để đáp ứng chuẩn chính xác của Otomo là “khó đến mức không tưởng”.

“(Họa sĩ) chúng tôi hồi đó còn không sử dụng máy tính,” cô nói. “Tất cả được vẽ tay. Nghĩ thôi cũng đủ thấy là một công trình phi thường. Rất nhiều cống hiến.”

Joe Peacock, một nhà sưu tập Akira sở hữu một số lượng đáng kể các khung hình từ bộ phim, đồng ý.

“Một trăm sáu mươi ngàn khung hình hoạt hình — toàn bộ đều được vẽ tay,” Peacock nói. “Càng biết nhiều, càng nhận ra rằng bộ phim này thực sự không tồn tại.”

Cảnh quan thành phố Neo-Tokyo trong anime AKIRA © 1988

Akira được phát hành vào ngày 16 tháng 7 năm 1988, và nói chung được đón nhận nồng nhiệt.

“Càng biết rõ tác phẩm của Otomo, sự mong đợi của bạn càng cao,” Nozomi Omori viết trong Kinema Junpo, tạp chí về kỷ lục điện ảnh của Nhật Bản. “Và phiên bản điện ảnh của Akira đáp ứng những kỳ vọng đó một cách tuyệt vời.”

Asahi Shimbun đã miêu tả bối cảnh của bộ phim, Neo-Tokyo, là “hiện thực” và “mê mẩn”.

Trong số báo Kinema Junpo cuối năm, Akira đứng ở vị trí thứ 4 trong cuộc bình chọn những bộ phim yêu thích của độc giả năm 1988. Đó là một cuộc cạnh tranh khá khốc liệt trong hạng mục hoạt hình — My Neighbor TotoroGrave of the Fireflies của Studio Ghibli cũng được phát hành cùng năm đó.

Vào thời điểm kết thúc chiếu rạp ở Nhật, Akira kiếm được 750 triệu yen ở phòng vé — ít hơn ngân sách khổng lồ của bộ phim, nhưng quá đủ để được coi là một ‘hit’.

Được vẽ tay hoàn toàn với độ tỉ mỉ đáp ứng chuẩn chính xác của Otomo

Tuy nhiên, lời khen ngợi cho bộ phim không phổ quát. Asahi Shimbun dẫn lời khán giả xem rạp phàn nàn rằng câu chuyện khó theo dõi. Mặc dù bản thân đã làm phim, Tomita vẫn có thể hiểu được tại sao.

“Trông rất tuyệt vời,” nhà hoạt hình nói. “Tôi không thể tin nổi hoạt hình cao cấp đến thế và mọi thứ. Tuy nhiên, rốt cuộc tôi không biết chuyện gì xảy ra trong truyện phim.”

Nhìn chung, Akira đã làm tốt ở Nhật Bản. Song, để bảo đảm danh tiếng là một huyền thoại, Akira sẽ phải sang phương Tây.

Ảnh hưởng ở nước ngoài

Ngày nay, nhượng quyền phát hành phim hoạt hình Nhật Bản ở nước ngoài là một ngành công nghiệp hàng triệu đôla. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1980, ngoài một số phim được phương Tây hóa mạnh, anime thực sự chưa từng được biết tới. Tuy nhiên, chuyện đã thay đổi.

Đặc tả những thí nghiệm khủng khiếp trên con người

Ở Mỹ, Akira chính thức công chiếu vào ngày Giáng sinh năm 1989. Một giai đoạn phát hành bán đại trà đã đưa bộ phim đến các thành phố lớn trên khắp nước Mỹ vào đầu năm 1990 trước khi được phát hành rộng hơn ở các rạp chiếu phim nghệ thuật trong cùng năm. Otomo đã đến Mỹ cho buổi chiếu ra mắt ở New York vào tháng 10 năm đó.

Bộ phim Streamline Pictures phát hành, một nhà nhượng quyền phát hành phim anime đầu tiên của Mỹ do Carl Macek sáng lập, người đã tìm thấy thành công trong việc chuyển thể một nhóm các rôbô khổng lồ từ Nhật Bản thành Robotech vào đầu những năm 80. Sau đó Streamline cũng phát hành bộ phim trên video.

Ở Anh, Akira được chiếu tại Viện Nghệ thuật Đương đại London vào tháng 1 năm 1991. Tham gia buổi chiếu ra mắt là Laurence Guinness, từ hãng thu âm Island Records, người đã thuyết phục công ty mua quyền phát hành video gia đình bộ phim — một quyết định mà McCarthy nói “kích hoạt anime bùng nổ ở Anh.”

“Tác động (của bộ phim) là rất lớn,” McCarthy nói. “Có những bài báo, lo lắng rằng những thanh thiếu niên bất mãn sẽ bị để lại sẹo và trở nên méo mó bởi chuyến đi “phương Đông quá khích” này, và sốc và kính sợ sự tuyệt vời tuyệt đối của bộ phim với tư cách là một tác phẩm hoạt hình và là một tác phẩm nghệ thuật.”

Là một trong những bộ phim chính trị, khiêu khích, táo bạo, giàu trí tưởng tượng nhất từng được thực hiện

Ngoài tiếng Anh, rốt cuộc bộ phim còn được lồng tiếng Đức (hai lần), tiếng Pháp (hai lần), tiếng Tây Ban Nha (ba lần) và phụ đề sang nhiều ngôn ngữ khác. Phim được cập nhật một bản tiếng Ý trong năm nay.

Một số nhà phê bình chính thống lúc đó bài bác bộ phim.

Viết cho tuần báo Chicago Reader, Jonathan Rosenbaum gọi bộ phim là “tràng giang đại hải” và “tương đương với những trò chơi máy tính trì độn nhất có thể.”

Tuy nhiên, những người khác có vẻ hưởng ứng.

Viết cho Variety, Edna Fainaru gọi bộ phim là một “thành tựu tay nghề nổi bật” với “thiết kế giàu trí tưởng tượng và chi tiết.”

Richard Harrington của tờ Washington Post đã viết rằng phim “có tính khiêu khích về mặt trí tuệ và hấp dẫn về mặt cảm xúc.”

Các nhân vật của Akira có thể có sức mạnh siêu nhiên, nhưng họ không phải là siêu anh hùng. Họ là những đứa trẻ mồ côi, thành phần rác rưởi, bị ruồng bỏ bên lề xã hội — những nhân vật mà khán giả khắp thế giới đều thấy có thể liên hệ

Roger Ebert gọi bộ phim là “hết sức máu me, cực kỳ khủng khiếp, nhưng giải trí.”

Trong khi đó, những ‘fan’ khoa học giả tưởng nào đã nạp đầy các bộ phim xuất sắc như Blade Runner, tiểu thuyết của William Gibson và một lượng nhỏ anime mà họ có thể tiếp cận lúc đó giờ đây miêu tả Akira là bộ phim làm thay đổi cuộc đời.

“Tôi đã chết lặng vì bộ phim,” McCarthy nói. “Ba mươi năm trôi qua và đó vẫn là một trong những bộ phim chính trị, khiêu khích, táo bạo, giàu trí tưởng tượng nhất từng được thực hiện.”

Carl Gustav Horn, biên tập manga tại Dark Horse Comics, đồng ý.

“Chỉ có thể cảm nhận bộ phim như một gói tổng thể,” Horn nói. “Thật là thú vị ... bộ phim này sẽ làm thiên hạ mê mẩn.”

Tầm nhìn hậu tận thế về Neo-Tokyo là không thể cưỡng

Mặc cho (hay có lẽ vì) không khí nguy hiểm, gai góc của bộ phim, tầm nhìn hậu tận thế về Neo-Tokyo là không thể cưỡng.

“Người hâm mộ Mỹ sẽ bắt đầu gọi thành phố quê hương của họ là ‘Neo-Dallas’ cho mà xem,” Horn nói. “Sử dụng tiền tố đó có nghĩa là bạn đang nhìn sự việc từ kiều... ‘Tôi ước gì thành phố của tôi cũng ngầu và cyberpunk như thế.”

McCarthy chắc chắn đã thấy những sự tương đồng trong một viễn cảnh như vậy.

“Bộ phim tưởng tượng Tokyo u uất một cách đau đớn đến mức mọi người sẽ giết chóc — hoặc bị giết — để sống ở đó,” cô nói.

Akira là ‘cool Japan’ trước khi thuật ngữ này được các quan chức chính phủ chính thức chấp nhận. Không giống như các nhân vật dễ thương của Pokemon cuối cùng đã trở thành đại sứ văn hóa của Nhật Bản một thập kỷ sau đó, Akira cực đoan có lưỡi sắc — được mài sắc thêm bởi bối cảnh lịch sử của thời kỳ này.

Neo-Tokyo tương phản giữa xa hoa lộng lẫy công nghệ cao và đổ nát, hoang tàng và bạo loạn

“Đó là thời kỳ, ít nhất là ở Mỹ, Nhật Bản được coi là một mối đe dọa kinh tế, kiểu đe dọa mà người Mỹ nghĩ về Trung Quốc bây giờ,” Horn nói. “Ngày nay người ta nói về ‘quyền lực mềm’, nhưng hồi đó thì là cảm giác quyền lực sẽ trở nên quá mạnh. Bạn biết xe của họ, bạn biết đồ điện tử của họ, bây giờ đến phim của họ... trong thời của Akira, có rung cảm lan tỏa kỳ lạ. Bạn biết đấy, không chừng Nhật Bản thực sự sẽ tiếp quản.”

Dường như một phân khúc khán giả nhất định sẽ hoan nghênh sự tiếp quản đó. Trong vài năm sau khi bộ phim phát hành, một số nhà phân phối, theo sự dẫn dắt của Streamline, thiết lập cửa hàng cấp phép và phát hành anime ở phương Tây.

Ghost in the Shell, một anime thành công khác với chủ đề cyberpunk ra mắt năm 1995, còn được đồng sản xuất với nguồn vốn từ nhà phân phối Manga Entertainment của Anh, vốn dĩ ban đầu tách ra từ Island Records để phát hành Akira.

Cảnh đua xe mô tô phân khối lớn trong Akira

Di sản lâu dài

30 năm qua, Akira chưa bao giờ thực sự biến mất. Ảnh hưởng lâu dài của bộ phim ở Hollywood đã được ghi nhận đầy đủ, với sự ra đời của những phim như The Matrix, Inception, Looper, Chronicle Stranger Things, theo cách nào đó đều lấy cảm hứng từ Akira.

Gần đây nhất, chiếc xe mô tô nổi tiếng của bộ phim xuất hiện trong Ready Player One. Năm 2002, Warner Bros. mua quyền làm lại Akira người đóng nhưng dự án kẹt trong tình trạng triển khai lơ lửng.

Ở Nhật Bản, những người đã làm việc dưới sự chỉ đạo của Otomo — Satoshi Kon, Takashi Nakamura và Hiroyuki Okiura, nêu một vài cái tên — đã tự mình trở thành những đạo diễn anime được ca ngợi.

Akira còn ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của văn hóa đại chúng. Vào đầu những năm 90, quảng cáo cho bản phát hành video gia đình lên đài cáp như MTV. Ngay sau đó, một đoạn phim được sử dụng trong video ca nhạc cho ca khúc Scream của Michael và Janet Jackson.

Phong cách cyberpunk mà Akira thể hiện đã ảnh hưởng đến rất nhiều phim giả tưởng của phương Tây

Nhiều năm sau, Kanye West tái dựng một số cảnh phim trong video của anh cho ca khúc Stronger, sau đó tweet rằng “Akira There Will Be Blood là hai bộ phim yêu thích nhất mọi thời đại của tôi.”

Trong khi đó, các ca khúc nhịp tương phản sấm sét và lồng tiếng Anh của bộ phim đi vào các ca khúc của các nghệ sĩ như Underworld, Sunbeam, Atari Teenage Riot, Pop Will Eat Itself, Sonic Subjunkies và nhiều nữa.

Akira thậm chí còn ảnh hưởng đến cách ăn mặc. Viên nang đáp miếng vá mang tính biểu tượng của bộ phim - “có lợi cho sức khỏe, có hại cho giáo dục” — đã xuất hiện trên hàng trăm áo jacket da bao năm qua.

Vào năm 2017, thương hiệu thời trang trẻ Supreme đã tung ra loạt áo sơ mi, áo len chui đầu và áo jacket có hình ảnh Akira. Bộ sưu tập được bán sạch trong vài phút.

Đối với một số người, sự chấp nhận văn hóa này rất sâu sắc.

Viên nang đáp miếng vá mang tính biểu tượng của bộ phim trên trang phục của nhân vật trong phim

“Phim hoạt hình và truyện tranh trước đây dành cho dân ghiền và bọn ngớ ngẩn và những kẻ thất bại,” Peacock nói. “Bây giờ nếu bạn nhìn xung quanh, ý tôi là, chúng ta đã thắng.”

Nói vậy, nếu Akira có thể được xem là anime đầu tiên loại này, nó cũng có thể, theo nhiều cách, được xem là anime cuối cùng.

Akira được phát hành vào năm 1988 ở đỉnh điểm bong bóng kinh tế của Nhật Bản, khi chi hơn 1 tỉ yen cho một bộ phim hoạt hình chẳng phải là làm chuyện lố bịch.

Một vài năm sau đó, “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản diễn ra. Mặc dù các bộ phim và truyện anime hậu-Akira sau đó bám víu cùng chủ đề cyberpunk, không ai đạt được mức hoành tráng tương đương — hay như người sưu tầm Cel gọi là ‘khía cạnh ôi-Chúa-ơi’ của bộ phim.

“Có vấn đề này, mà gần như đã trở thành sáo mòn,” Horn nói. “Nói tới anime, đi, người ta bảo ‘Tôi đã xem Akira, còn gì khác giống Akira không?’ Và bạn trả lời, à, anh biết rồi đấy, thực sự là không.”

Neo-Tokyo của Otomo không chỉ đầy ắp công nghệ cao, mà còn là đô thị của sự ngổn ngang, bất mãn và bất ổn

Otomo dường như cũng không quan tâm đến việc lặp lại chính mình. Nhà đạo diễn — được trao Huân chương Nghệ thuật và Văn chương của Pháp năm 2005 — tiếp tục viết hoặc đạo diễn một số phim anime khác, nhưng không tác phẩm nào có phong cách cyberpunk tương tự. Steamboy của ông phát hành năm 2004, về một số phương diện có giá trị cạnh tranh với Akira, nhưng cốt truyện bị các nhà phê bình chê bai.

Với tất cả sự hoành tráng (và mặc dù câu chuyện đôi khi khó hiểu), Akira cuối cùng đã kết nối với khán giả ở mức độ xa hơn chỉ là một phim hoạt hình hào nhoáng.

Neo-Tokyo của Otomo không chỉ đầy ắp công nghệ cao, mà còn là đô thị của sự ngổn ngang, bất mãn và bất ổn.

Dựa trên các sự kiện thực tế, Otomo gợi lên tâm trạng hậu chiến, hậu-bom nguyên tử của những năm 1950, các phong trào sinh viên của thập niên 60 và làn sóng “tôn giáo mới” trong thập niên 70 và 80.

Những câu hỏi về thanh thiếu niên đô thị, công bằng xã hội, tham nhũng và sự cả tin của công chúng trong Akira vẫn chưa được trả lời

“(Otomo đặt ra) những câu hỏi về thanh thiếu niên đô thị, công bằng xã hội, tham nhũng và sự cả tin của công chúng vẫn chưa được trả lời,” McCarthy nói.

Nhà đạo diễn không chỉ tiên tri về Thế vận hội Tokyo 2020, mà cả mối nguy của sự sùng bái các giáo phái — Aum Shinrikyo đã thực hiện cuộc tấn công bằng khí độc sarin trên các tuyến tàu điện ngầm của Tokyo chỉ vài năm sau đó — và sự bất ổn lung lay của xã hội mà, ít nhất vào những năm 1980, gần như trơ lì.

Các nhân vật của Akira có thể có sức mạnh siêu nhiên, nhưng họ không phải là siêu anh hùng. Họ là những đứa trẻ mồ côi, thành phần rác rưởi, bị ruồng bỏ bên lề xã hội — những nhân vật mà khán giả khắp thế giới đều thấy có thể liên hệ.

“Đó là những người ngoài vòng xã hội — những người không thuộc về — vẽ họ có hứng hơn,” Otomo cho biết trong một phỏng vấn quảng bá sự hợp tác với thương hiệu thời trang Supreme năm 2017.


Ba thập kỷ qua đã cho thấy, xem những nhân vật như thế cũng có hứng hơn.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Japan Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.