Nhân vật & Sự kiện

Biên niên những cột mốc Làn sóng truyền hình Hàn đánh chiếm thế giới

20/09/2021

Hàn Quốc đã lặng lẽ trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Hollywood, tạo ra âm nhạc, phim truyền hình cực kỳ nổi tiếng, và các xu hướng làm đẹp và thời trang có sức hấp dẫn toàn cầu.

Khi đại dịch khiến du lịch quốc tế dừng lại và buộc người ta phải ở yên tại chỗ, nhiều người dựa vào giải trí để khám phá thế giới bên ngoài ngôi nhà họ. Và có lẽ không có quốc gia nào tỏa sáng trên ánh đèn sân khấu toàn cầu trong hơn một năm rưỡi qua bằng Hàn Quốc.

Các nghệ sĩ Kpop như BTS và Blackpink đã trở thành những cái tên quen thuộc khi người ta dành nhiều thời gian trực tuyến hơn. Xuất khẩu thực phẩm của Hàn Quốc — được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ các bài đăng trên mạng xã hội của những người nổi tiếng châu Á và sự nổi tiếng của bộ phim Parasite — đạt mức cao kỷ lục, với việc Mỹ trở thành nhà nhập khẩu thực phẩm Hàn Quốc hàng đầu vào năm 2020, trong khi các xu hướng ẩm thực Hàn Quốc như mukbang và cà phê dalgona được chào đón để giúp lãng quên nỗi cô đơn giãn cách. Và khi hết chương trình để xem, nhiều người tình cờ xem phim truyền hình Hàn Quốc — và bị cuốn hút kể từ đó.

Đối với những người không quen thuộc, phim truyền hình Hàn Quốc — gọi tắt là K-drama — là các chương trình truyền hình có kịch bản của Hàn Quốc. Đôi khi chúng được gọi là phim bộ ngôn tình Hàn Quốc, nhưng miêu tả đó gây hiểu lầm vì K-drama thực sự bao gồm nhiều thể loại, từ khoa học giả tưởng và lãng mạn đến kinh dị và cổ trang, và đủ thứ pha trộn thể loại. Hầu hết có số tập hữu hạn (thường từ 16 đến 24, mặc dù một vài — đặc biệt là phim cổ trang và gia đình — chạy hơn 50 tập) và thường được hoàn thành trong một mùa duy nhất, với một số ngoại lệ đáng chú ý (sẽ nói thêm về điều đó sau).

Ahn Jae Wook (phải) và Choi Jin Sin trong phim Ước mơ vươn tới vì sao

K-drama nói chung nổi tiếng là có giá trị sản xuất cao, cốt truyện căng thẳng và thường hấp dẫn, cùng diễn xuất chất lượng giúp xây dựng mối liên kết cảm xúc giữa các nhân vật và khán giả. Chúng cũng có xu hướng thân thiện với khán giả gia đình hơn các chương trình truyền hình phương Tây (ví dụ: không có khỏa thân và tình dục), khiến cho K-drama dễ chấp nhận hơn cho mọi lứa tuổi và quốc gia, đặc biệt là những quốc gia bảo thủ hơn về mặt xã hội. Đồng thời, cách kể chuyện táo bạo và khéo léo, trong đó K-drama giải quyết các vấn đề xã hội, đấu tranh cá nhân, và các chủ đề phổ quát như gia đình, tình bạn và tình yêu tạo nên nội dung sâu sắc và gây được tiếng vang với khán giả xuyên biên giới địa lý. Nói một cách dễ hiểu, K-drama khiến chúng ta cảm thấy đỡ cô đơn hơn và thường khai thác thành công những trải nghiệm và cảm xúc chung ở con người chúng ta.

Chúng cũng có tính tương tác. Tiến sĩ Dal-Yong Jin, giáo sư truyền thông tại Đại học Simon Fraser và là một trong những học giả hàng đầu thế giới về văn hóa đại chúng Hàn Quốc nói: “Những người sáng tạo Hàn Quốc vẫn làm phim truyền hình từng ngày.” Nếu tỷ suất người xem thấp, những người sáng tạo chương trình sẽ thay đổi cốt truyện và nếu tỷ suất cao, họ có thể quyết định kéo dài số tập từ 16 lên 24, Jin giải thích. Điều này giúp đảm bảo bộ phim sẽ được khán giả đón nhận nồng nhiệt, nhưng cũng có nghĩa là các tập phim thường được quay và chỉnh sửa cùng trong tuần phát sóng.

Tiến sĩ Dal-Yong Jin, giáo sư truyền thông tại Đại học Simon Fraser và là một trong những học giả hàng đầu thế giới về văn hóa đại chúng Hàn Quốc lập luận rằng điểm khởi đầu của Hallyu bắt đầu sớm hơn, vào năm 1993, khi Trung Quốc phát sóng phim bộ truyền hình Hàn Quốc Jealousy (ảnh)

Mặc dù gần đây K-drama thành công ở Mỹ, nhưng phim bộ Hàn Quốc đã phổ biến ở châu Á nhiều năm nay. Trên thực tế, K-drama từ lâu đã là một trong những động lực chính của Làn sóng Hàn, hay “Hallyu”, thuật ngữ được các nhà báo Bắc Kinh đặt ra lần đầu tiên vào những năm 1990 để chỉ sự phổ biến ngày càng tăng của K-drama, K-pop, và các mặt hàng xuất khẩu văn hóa khác của Hàn Quốc. Kể từ đó, Làn sóng Hàn đã nhanh chóng lan rộng khắp nơi trên toàn cầu, nhưng rất khó để xác định chính xác thời điểm K-drama bắt đầu ăn khách bên ngoài Hàn Quốc. Một số nguồn tin chỉ ra thành công năm 1997 của phim bộ gia đình What Is Love? và phim bộ lãng mạn Star in My Heart (tức Ước mơ vươn tới vì sao) với khán giả Trung Quốc là điểm khởi đầu của Hallyu; Jin lập luận rằng bắt đầu sớm hơn, vào năm 1993, khi Trung Quốc phát sóng phim bộ truyền hình Hàn Quốc Jealousy (Jiltu).

Hạt mầm Hallyu đã được gieo trồng còn trước đó nữa. Theo Tiến sĩ Jung Bong Choi, cựu giáo sư nghiên cứu điện ảnh tại Đại học New York, các nhà điều hành đài truyền hình Hàn Quốc trong những năm 1980 và 1990 thường đi công tác đến Nhật Bản để lấy cảm hứng từ phong cách và cấu trúc của phim truyền hình nước này, nơi “đi tiên phong định dạng phim bộ ngắn 12 tập” và đa dạng thể loại.

Chính phủ Hàn Quốc cũng giúp đặt nền móng cho Làn sóng Hàn đang lên bằng cách phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng phát thanh truyền hình của đất nước và cho phép các chương trình cạnh tranh nhau. Jin cho biết: “Hàn Quốc chỉ có ba đài truyền hình vào đầu những năm 1990, nhưng chính phủ Hàn Quốc đã quyết định cấp phép mở một đài khác — SBS vào năm 1991 — và nhiều kênh truyền hình cáp vào năm 1995.

Bản tình ca mùa đông phát sóng ở Nhật năm 2003, ngay lập tức trở thành bom tấn truyền hình ăn khách, thu hút hơn 20 phần trăm người xem trên khắp đất nước — một tỷ suất thực tế chưa từng có vào thời điểm đó. Bae Yong Joon (phải), nam chính trong bộ phim, nhận biệt danh trìu mến “Yonsama”

Năm 1993, khi Hàn Quốc bầu tổng thống dân sự đầu tiên trong hơn 30 năm, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học và chuyên gia trẻ của Hàn Quốc, cảm thấy được giải phóng thoát khỏi sự kiểm duyệt kéo dài hàng thập kỷ dưới sự cai trị của quân đội, đã nhận việc làm trong lĩnh vực văn hóa. Khi chính quyền của Tổng thống Kim Young Sam mở ra kỷ nguyên mới toàn cầu hóa, nhiều thanh niên Hàn Quốc cũng đã đi du lịch nước ngoài và mang về những gì họ đã học được ở nước ngoài, góp phần vào sự tái sinh văn hóa của đất nước.

Như Choi chỉ ra, trong khi Nhật Bản bắt đầu ngày càng hướng nội khi nền kinh tế của họ đi vào suy thoái, thì Hàn Quốc lại có cách tiếp cận ngược lại. Tất cả điều này trùng hợp với khởi đầu trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, vốn đã tạo ra nhu cầu lớn về nội dung văn hóa đại chúng — và Hàn Quốc đã có mặt để cung cấp nội dung đó. Trung Quốc nhận thấy các chương trình truyền hình của Mỹ không phù hợp với các giá trị của họ và không muốn nhập nội dung từ Nhật Bản, đất nước từng đô hộ họ làm thuộc địa. Nhưng nội dung của Hàn Quốc đồng bộ với mong muốn xã hội của Trung Quốc và điều này hóa ra lại là một lợi ích to lớn cho ngành giải trí của Hàn Quốc, Choi giải thích.

Nhật Bản, từ lâu được coi là nơi cung cấp những bộ phim hấp dẫn ở châu Á, cũng không tránh khỏi cơn sốt K-drama. Khi phim bộ tình cảm đẫm nước mắt Bản tình ca mùa đông được phát sóng ở đó vào năm 2003, ngay lập tức trở thành bom tấn truyền hình ăn khách, thu hút hơn 20 phần trăm người xem trên khắp đất nước — một tỷ suất thực tế chưa từng có vào thời điểm đó. Rất nhiều phụ nữ Nhật Bản trung niên phát cuồng vì nam diễn viên Hàn Quốc Bae Yong Joon, đóng vai nam chính trong bộ phim, đặt biệt danh trìu mến cho anh là “Yonsama” (có nghĩa là “Hoàng tử Yong”). Sự nổi tiếng đáng kinh ngạc của nam diễn viên thậm chí còn khiến Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Junichiro Koizumi phải thốt lên rằng: “Yon-sama còn nổi tiếng hơn cả tôi.” Bộ phim đã cải thiện đáng kể hình ảnh về Hàn Quốc và Triều Tiên ở nhiều công dân Nhật Bản, thậm chí nâng cao vị thế xã hội của những Hàn kiều Zainichi ở Nhật Bản, những người lâu nay phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và bị gạt ra ngoài lề xã hội Nhật Bản.

Tượng hai nhân vật của Bản tình ca mùa đông tại điểm quay bộ phim trên đảo Nami, nơi đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của những người mê K-drama

Những phim bộ truyền hình khác từ những năm 2000, như Autumn in My Heart, Princess Hours, My Girl, Coffee Prince, và Full House, đã củng cố sự phổ biến của K-drama khắp châu Á, từ Kazakhstan đến Thái Lan, Indonesia và Philippines. Một báo cáo năm 2011 của Cơ quan Văn hóa và Thông tin Hàn Quốc ghi nhận: “Ở nhiều thành phố châu Á, phim truyền hình Hàn Quốc dường như đang ảnh hưởng đến lối sống và hành vi của người tiêu dùng, điều này nói lên sức hấp dẫn văn hóa của chúng. Nhiều người hâm mộ phim truyền hình Hàn Quốc đã chi tiêu để chia sẻ những lựa chọn thời trang của các nhân vật hư cấu sành điệu và khao khát cuộc sống thành phố mà họ đang sống.” Từ đó, củng cố vị thế của Hàn Quốc trong hệ tư tưởng văn hóa châu Á.

Làn sóng K-drama cũng nhanh chóng mở rộng ra bên ngoài châu Á, đáng chú ý nhất là với phim bộ lịch sử Jewel in the Palace / Nàng Dae Jang Geum năm 2003 — K-drama đầu tiên thực sự trở thành ‘hit’ toàn cầu. Câu chuyện về một người phụ nữ chăm chỉ vươn lên từ khởi đầu khiêm tốn trở thành ngự y đầu tiên trong triều đại Joseon dường như đã gây được cảm tình với khán giả trên khắp thế giới, nhiều người trong số họ đã rút ra sự tương đồng giữa bộ phim này với các cuộc đấu tranh chính trị ở chính đất nước họ và quan niệm về vai trò giới tính. Bộ phim cuối cùng đã được phát sóng ở 91 quốc gia và tỷ suất người xem đạt 90% ở Iran, khơi dậy sự quan tâm toàn quốc đối với ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc, đồng thời mở đường cho sự thành công của các phim bộ truyền hình cổ trang khác, bao gồm Nữ hoàng Seondeok Jumong. Không có bạo lực và tình dục đã giúp K-drama lan rộng ra các quốc gia khác khắp Trung Đông, bao gồm Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Bahrain, UAE, Iraq, Qatar và Ảrập Saudi.

Jewel in the Palace / Nàng Dae Jang Geum năm 2003 — K-drama đầu tiên thực sự trở thành ‘hit’ toàn cầu

Ở Mỹ Latinh, nhiều khán giả bị K-drama mê hoặc phần lớn là do những cảnh quay đầy cảm xúc và những tình tiết phức tạp, mà họ thấy giống với phim bộ truyền hình của họ. Các đài truyền hình Hàn Quốc cố tình bán một số K-drama hay nhất của mình cho các đài truyền hình Mỹ Latinh với giá thấp nhất là 1 đôla mỗi tập, khiến chúng có giá cả phải chăng hơn nhiều so với phim bộ truyền hình thường có giá hàng nghìn đôla mỗi tập. Phương pháp tiếp cận có chủ ý của các đài truyền hình Hàn Quốc nhằm quảng bá nội dung Hàn Quốc khắp châu Mỹ Latinh đã mang lại hiệu quả, vì nhiều K-drama như Nấc thang lên thiên đường, My Fair LadyAll About Eve có tỷ suất người xem cao hơn so với phim truyền hình địa phương. Khi cựu tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun đến thăm Mexico vào năm 2005, một nhóm người hâm mộ K-drama địa phương đã tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài khách sạn của ông để cầu xin ông cử các diễn viên Hàn Quốc Jang Dong Gun và Ahn Jae Wook sang thăm.

Điều thú vị là làn sóng K-drama ở Mỹ Latinh được các nhân viên người Latinh làm việc ở các siêu thị Hàn Quốc trên khắp nước Mỹ quảng bá. Khi các cộng đồng người nhập cư Hàn Quốc mọc lên khắp đất nước vào những năm 80, các siêu thị do người Hàn Quốc làm chủ (chẳng hạn như chuỗi cửa hàng tạp hóa hiện nay H Mart) đã sao chép K-drama vào băng VHS (và sau đó là DVD) và cho khách hàng Hàn Quốc thuê, những người tìm kiếm nội dung quen thuộc từ quê nhà. Choi giải thích: “Các siêu thị Hàn Quốc này đã thuê nhiều lao động nhập cư từ Mỹ Latinh, đặc biệt là Mexico, và để ý thấy các nhân viên người Mexico được giao nhiệm vụ sao chép phim truyền hình Hàn vào băng VHS, chắc chắn cũng xem chúng. “Các giá trị của lòng trung thành, sự tận tâm và đức hy sinh đã chinh phục trái tim của những người không phải là người phương Tây. Đó là sức mạnh của phim truyền hình Hàn Quốc.”

Các đài truyền hình Hàn Quốc cố tình bán một số K-drama hay nhất của mình cho các đài truyền hình Mỹ Latinh với giá thấp nhất là 1 đôla mỗi tập, nhằm quảng bá nội dung Hàn Quốc khắp châu Mỹ Latinh, vì nhiều K-drama như Nấc thang lên thiên đường có tỷ suất người xem cao hơn so với phim truyền hình địa phương

Phần lớn nhờ vào các trực tuyến như Viki (được tập đoàn Rakuten của Nhật Bản mua lại vào năm 2013) và DramaFever giúp người xem có thể xem trực tuyến hợp pháp nội dung Hàn Quốc với phụ đề tiếng Anh, K-drama bắt đầu phát triển ở phương Tây trong những năm 2010. Các hạ tầng này cũng hình thành mối quan hệ phân phối với Netflix và Hulu, cho phép họ tiếp cận nhiều khán giả hơn nữa. Sau khi Warner Bros., hãng đã mua lại DramaFever, đột ngột đóng cửa dịch vụ vào năm 2018, Netflix bắt đầu đầu tư mạnh vào phim truyền hình Hàn và công chiếu phim bộ truyền hình Hàn Quốc nguyên tác đầu tiên đề tài zombie, Kingdom, vào tháng 1 năm 2019, được khen ngợi nhiệt liệt.

Rồi năm 2020 đến và trở thành một năm quan trọng của K-drama. Viki đã chứng kiến ​​lượng người đăng ký thuê bao ở Bắc Mỹ tăng 42% từ năm 2019 đến năm 2020, trong khi KOCOWA, chuyên cung cấp nội dung tiếng Hàn độc quyền, cũng chứng kiến ​​mức tiêu thụ nội dung của họ tăng đột biến trong cùng thời gian, thực tế là trưởng nhóm tiếp thị sản phẩm Justine McKay đã ghi nhận một phần nhờ thành công về phê bình và thương mại của Parasite Minari. “Người Mỹ bắt đầu tìm kiếm nhiều nội dung Hàn Quốc có sự góp mặt của những diễn viên tuyệt vời này,” cô nói.

Người phát ngôn của Netflix tiết lộ rằng lượt xem nội dung Hàn Quốc trên khắp châu Á tăng gấp bốn lần vào năm 2020 so với năm 2019. Đáng chú ý, bom tấn lãng mạn-hài Hạ cánh nơi anh đã đứng trong tốp 10 tại Nhật Bản suốt 229 ngày và là phim truyền hình được xem nhiều thứ sáu trên Netflix ở Mỹ trong khoảng thời gian từ ngày 21 đến 27 tháng 3 năm 2020. Khán giả yêu thích Điên thì có sao / It’s Okay to Not Be Okay, bộ phim lọt vào top 10 Netflix năm ngoái ở Canada, Australia, New Zealand, Nigeria và Nga, như cũng như nhiều quốc gia ở Mỹ Latinh và châu Á. K-drama kinh dị Sweet Home / Thế giới ma quái đã được 22 triệu thuê bao theo dõi trong bốn tuần đầu tiên trên Netflix và được xếp hạng #3 trên hạ tầng này ở Mỹ và toàn cầu ngay sau khi phát hành.

Netflix bắt đầu đầu tư mạnh vào K-drama và công chiếu phim bộ truyền hình Hàn Quốc nguyên tác đầu tiên đề tài zombie, Kingdom, vào tháng 1 năm 2019, được khen ngợi nhiệt liệt

Quay trở lại năm 2014, Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) đã công bố một nghiên cứu ước tính rằng khoảng 18 triệu người Mỹ đã xem phim truyền hình Hàn. Người ta chỉ có thể cho rằng con số đó hiện nay cao hơn rất nhiều.

Cơn cuồng K-drama thực sự đã thành cơn sốt, đến cả nơi cô lập nhất trên thế giới như Bắc Triều Tiên, các bản sao phim truyền hình Hàn Quốc đã được nhập lậu vào nước này từ những năm 1990 và văn hóa đại chúng Hàn Quốc giờ đây được xem như là một mối đe dọa ngày càng tăng. Ngoài ra, K-drama đã tạo ra các bản làm lại của Mỹ như The Good Doctor (hiện ở mùa thứ năm) và truyền cảm hứng cho một số cộng đồng trực tuyến trên Facebook và Clubhouse.

K-drama cũng thúc đẩy đáng kể (không có ý định chơi chữ) du lịch đến Hàn Quốc, với khảo sát của Tổ chức Du lịch Hàn Quốc năm 2017 cho thấy khoảng một nửa số khách du lịch nước ngoài ở Hàn Quốc quyết định đến thăm đất nước này sau khi xem phim truyền hình và điện ảnh Hàn Quốc. Địa điểm quay những K-drama ăn khách đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hàn Quốc, và bắt đầu từ đầu những năm 2000, rất nhiều phụ nữ châu Á — say mê các nam chính Hàn Quốc mạnh mẽ, điển trai và lãng mạn mà họ thấy trong K-drama — đã mạo hiểm đến đất nước này trong hy vọng hẹn hò và kết hôn với đàn ông Hàn Quốc. K-drama cũng đã thúc đẩy sự phát triển ngành y tế đang bùng nổ của Hàn Quốc khi hàng năm có vô số khách du lịch đến thăm đất nước này để phẫu thuật thẩm mỹ những mong trông giống diễn viên Hàn Quốc hơn.

Hạ cánh nơi anh đã đứng trong tốp 10 tại Nhật Bản suốt 229 ngày và là phim truyền hình được xem nhiều thứ sáu trên Netflix ở Mỹ trong khoảng thời gian từ ngày 21 đến 27 tháng 3 năm 2020

Và xem ra mức độ phổ biến toàn cầu của K-drama sẽ chỉ tiếp tục phát triển. Hiện tại, K-drama trên Netflix được lồng tiếng và làm phụ đề bằng hơn 30 ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Thụy Điển, tiếng Hindi, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Bahasa Indonesia. Hồi đầu năm, khổng lồ giải trí này đã công bố đầu tư 500 triệu đôla vào nội dung Hàn Quốc vào năm 2021. Apple TV+ và Disney+ cũng đang làm theo, với việc Apple TV+ bổ sung ít nhất hai K-drama nguyên tác, Dr. Brain Pachinko, vào cuối năm nay và sau đó làm việc với các nhà sản xuất địa phương để tạo ra nhiều nội dung Hàn Quốc hơn.

Khi K-drama tiếp tục thu hút khán giả khắp mọi nơi, liệu toàn cầu hóa ngày càng gia tăng có ảnh hưởng đến cách chúng được tạo ra trong tương lai không? Sự phổ biến của phim tội phạm Mỹ như CSI ở Hàn Quốc dường như đã dẫn đến những phim bộ tương tự, chẳng hạn như Stranger / Khu rừng bí mậtVoice / Giọng nói, cả hai đều thành công rực rỡ với khán giả trong nước.

Trong một thế giới mà ngày càng có nhiều khán giả xem K-drama, thị hiếu và sở thích của họ chỉ dẫn cho loại nội dung được thực hiện. Sarah Kim, phó chủ tịch Kinh doanh nội dung và Giám đốc điều hành khu vực châu Á tại Viki cho biết: “Khán giả trẻ hiện đang dẫn đầu xu hướng tích cực sử dụng các loại nền tảng khác nhau để xem nội dung. Do đó, các đài và hãng phim sản xuất có thể thử những chất liệu mới mẻ ngoài lãng mạn hài và phim truyền hình gia đình, cũng như khám phá nhiều cách để giới thiệu không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở bên ngoài Hàn Quốc.”

Điên thì có sao / It’s Okay to Not Be Okay lọt vào top 10 Netflix năm ngoái ở Canada, Australia, New Zealand, Nigeria và Nga, như cũng như nhiều quốc gia ở Mỹ Latinh và châu Á

Chúng ta cũng bắt đầu thấy nhiều K-drama được làm mới cho nhiều mùa, giống như các chương trình truyền hình của Mỹ. Jin nói: “Chúng tôi gọi đây là hiệu ứng Netflix. Nhiều người Hàn Quốc đột nhiên bắt đầu xem phim bộ truyền hình Mỹ trên Netflix và tìm hiểu hệ thống theo mùa.” Theo McKay, động lực để kéo dài tuổi thọ của một chương trình chủ yếu là tài chính: “Việc tiếp tục một cốt truyện sẽ hiệu quả hơn so với bắt đầu sản xuất một chương trình hoàn toàn mới.”

Chúng ta có thể mong đợi sẽ thấy nhiều thay đổi như vậy trong tương lai. Nhưng có lẽ đó là do văn hóa đại chúng Hàn Quốc có năng lực thích nghi hết sức ấn tượng và được định hình bởi những tác động bên ngoài đã giúp nó trở nên phổ biến rộng rãi như ngày nay. Mặc dù có nhiều yếu tố khác đã góp phần vào sự trỗi dậy của văn hóa đại chúng Hàn Quốc trên toàn thế giới, nhưng một sợi dây chung xuyên suốt mọi khía cạnh của Làn sóng Hàn là sự cởi mở của Hàn Quốc để học hỏi từ các nền văn hóa khác, kết hợp thành công các yếu tố Đông và Tây để tạo ra cái mới có sức hấp dẫn đại chúng.

Lee Min Ho trong Pachinko sắp tới của Apple TV+

Ngay cả khi các nhân vật trong K-drama trò chuyện bằng ngôn ngữ mà bạn không hiểu, bản thân xuất phẩm thường là đủ hấp dẫn để thuyết phục bạn vượt qua “rào cản phụ đề cao một inch”, như nhà làm phim nổi tiếng Hàn Quốc Bong Joon Ho đã đề cập. Mỗi tập phim đều kết thúc lơ lửng lại càng khiến bạn muốn nhiều hơn nữa. Chúc ‘cày phim’ vui vẻ!

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Elle


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.