Nhân vật & Sự kiện

Phim bộ truyền hình Trung Quốc ngày càng nổi tiếng ở nước ngoài nhưng phim điện ảnh là câu chuyện khác

18/06/2021

Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành cường quốc giải trí toàn cầu, cho ra đời nhiều phim bộ truyền hình dài tập và phim điện ảnh chất lượng cao.

Các tác phẩm cầu kỳ và hoành tráng có giá hơn 100 triệu nhân dân tệ (15 triệu USD) không phải là bất thường ở Trung Quốc. Trường An 12 canh giờ (2019) và Hữu Phỉ (2020) được đưa tin tốn 600 triệu nhân dân tệ để thực hiện.

Hữu Phỉ (2020) được đưa tin tốn 600 triệu nhân dân tệ để thực hiện

Khán giả lớn nhất bên ngoài Trung Quốc cho những tác phẩm này là Đông Nam Á vì họ đã quen thuộc với văn hóa Trung Hoa, nhưng những năm gần đây phim truyền hình do Trung Quốc sản xuất đã thu hút sự chú ý ở những nơi khác.

Phim truyền hình Trung Quốc làm lại quốc tế ngày càng trở nên phổ biến. Đầu năm nay, đài truyền hình Hàn Quốc JTBC thông báo họ đã mua quyền làm lại phim bộ truyền hình ăn khách của Trung Quốc 30 chưa phải là hết.

Do Linmon Pictures có trụ sở tại Thượng Hải sản xuất, bộ phim nói về các vấn đề gia đình, tình cảm và sự nghiệp của ba người phụ nữ ngoài 30 ở Thượng Hải và cách họ chiến thắng trong một thành phố ám ảnh bởi địa vị. Loạt phim cộng hưởng mạnh với khán giả, đặc biệt là phụ nữ bị áp lực kết hôn trong một xã hội coi thường phụ nữ độc thân trên 30 tuổi.

Một cảnh từ phim bộ truyền hình Trung Quốc 30 chưa phải là hết sẽ được một công ty sản xuất của Hàn Quốc làm lại

Cinderella is Online của Fuji TV, phiên bản làm lại A Smile is Beautiful (2016) của Shanghai Gcoo Entertainment, đã được phát sóng ở Nhật Bản vào đầu năm nay. Mr Queen của đài truyền hình tvN Hàn Quốc, làm lại Go Princess Go (2015) của Beijing Le Young Media, đã được trình chiếu vào tháng 2.

Tony Coombs, đồng giám đốc điều hành Harvest Pictures ở Australia, nhìn thấy tiềm năng của các nhân vật dân gian Trung Quốc. Harvest đang làm một phim hoạt hình, Girl Of Ashima, dựa trên câu chuyện thần thoại về một cô gái xinh đẹp từ Vân Nam, Trung Quốc, trốn khỏi cuộc hôn nhân ép buộc, nhưng sau đó chết đuối và trở thành một vị thần đá. Coombs nói rằng kịch bản tôn trọng môi trường và văn hóa Vân Nam.

“Trong khi sử dụng chủ đề nghệ thuật và phong cách quốc tế cho các nhân vật và môi trường của bộ phim, chúng tôi đang tìm kiếm lời khuyên chuyên nghiệp từ người ở Trung Quốc,” anh nói. “Lui Yi, đồng biên kịch cho loạt [phim] Chiến lang, giúp chúng tôi về các khía cạnh văn hóa Ashima.”

Một cảnh trong phim Cinderella is Online, phiên bản Fuji TV Nhật Bản làm lại A Smile is Beautiful của Trung Quốc sản xuất

Coombs cho biết thêm cách tiếp cận tương tự sẽ được sử dụng cho bộ phim hoạt hình ba phần sắp tới của hãng về hầu vương, nhân vật thần thoại trong tiểu thuyết Tây du ký thế kỷ 16 của Trung Quốc.

Bước đột phá quốc tế đối với phim truyền hình Trung Quốc đến vào năm 2015 khi Netflix mua phim bộ đầu tiên của Trung Quốc, Hậu cung Chân Hoàn truyện sản xuất năm 2011. Số liệu của chính phủ cho thấy trong cùng năm đó, Trung Quốc đã xuất khẩu 381 phim bộ truyền hình dài tập trị giá 377 triệu nhân dân tệ, lần đầu tiên vượt mức nhập khẩu sau một thập kỷ.

Họ cũng chỉ ra giá trị xuất khẩu của các phim bộ truyền hình Trung Quốc đã tăng lên 510 triệu nhân dân tệ vào năm 2016 và 633 triệu nhân dân tệ vào năm 2017.

Một cảnh từ Hậu cung Chân Hoàn truyện, phim bộ truyền hình đầu tiên của Trung Quốc chiếu trên Netflix

Alice Leung, tổng giám đốc phân phối quốc tế của dịch vụ trực tuyến iQiyi, cho biết ngày càng nhiều đài truyền hình quốc tế tiếp cận, gồm cả Kplus từ Việt Nam. Các đài này muốn mua quyền phát sóng các xuất phẩm của Trung Quốc đã tạo ra truyền miệng lan truyền trên mạng. (iQiyi là câu trả lời của Trung Quốc cho Netflix.)

Thành công vượt bậc trên phạm vi quốc tế của phim truyền hình Trung Quốc đã kéo theo nạn vi phạm bản quyền tràn lan. Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng trong vòng một giờ kể từ khi một bộ phim truyền hình ăn khách của Trung Quốc phát sóng, phụ đề tiếng Việt đã có sẵn trên mạng.

Leung nói kể từ năm 2018, iQiyi đã bố trí các chương trình phát sóng đồi thời ở Trung Quốc và Đông Nam Á để chống vi phạm bản quyền. Cô nói: “Các chương trình phát sóng ở nước ngoài đều có phụ đề hoặc lồng tiếng.”

Một cảnh từ phim bộ Love Is Sweet của iQiyi 

Chen Xiao, phó chủ tịch cấp cao của iQiyi, cho biết sự ngưỡng mộ của quốc tế đối với xuất phẩm Trung Quốc từ phim truyền hình cổ trang đã mở rộng sang phim hài lãng mạn và các chương trình tạp kỹ. Ông nói khi sản xuất các xuất phẩm nhắm đến cả thị trường trong nước và nước ngoài, điều quan trọng là giữ cho bối cảnh mơ hồ.

“Ví dụ, đối với phim bộ lãng mạn Love Is Sweet (2020) của chúng tôi, địa điểm không được xác định cụ thể,” ông cho biết. “Có thể nói bộ phim lấy bối cảnh ở Thượng Hải, Singapore hoặc Hàn Quốc. Phim đã làm ăn rất tốt ở Đông Nam Á.”

Giáo sư Emilie Yeh Yueh-yu, giám đốc Trung tâm Công nghiệp Điện ảnh và Sáng tạo tại Đại học Lĩnh Nam Hồng Kông, cho biết các chương trình truyền hình Trung Quốc đang bắt kịp các xuất phẩm của Hàn Quốc, lấy ví dụ như Diên Hy công lược, phim bộ truyền hình được tìm kiếm nhiều nhất thế giới năm 2018. Do iQiyi và Huanyu Film đồng sản xuất, bộ phim truyền kỳ kể về những mưu cung đấu giữa các phi tần của Hoàng đế Càn Long nhà Thanh.

Cảnh trong Diên Hy công lược, phim bộ truyền hình Trung Quốc được tìm kiếm nhiều nhất thế giới năm 2018

Cô nói: “Có rất nhiều tài năng ở Trung Quốc, những người có thể viết những câu chuyện cảm động và thú vị, đồng thời tạo ra những tác phẩm gây được tiếng vang toàn cầu.”

Các nhà sản xuất Deer Squad của iQiyi, phim bộ hoạt hình đầu tiên do Trung Quốc sản xuất được chiếu trên mạng truyền hình dành cho trẻ em Nickelodeon của Mỹ, đã rất nỗ lực để tạo ra các tuyến truyện tôn trọng nhạy cảm văn hóa địa phương lẫn nước ngoài.

Được trình chiếu trên iQiyi từ tháng 7 năm 2020 và phát sóng lần đầu trên Nickelodeon vào tháng 1, Deer Squad kể về bốn con nai cứu động vật và con người gặp nạn trong khu rừng của chúng. Yang Xiaoxuan, trưởng bộ phận đầu tư và hoạt hình nguyên tác của iQiyi, cho biết Deer Squad được sáng tạo hướng đến khán giả toàn cầu.

Deer Squad là phim bộ hoạt hình đầu tiên do Trung Quốc sản xuất được chiếu trên mạng truyền hình dành cho trẻ em Nickelodeon của Mỹ

Yang nói: “Hươu là loài động vật có triển vọng hứa hẹn với cả Trung Quốc lẫn phương Tây vì chúng cùng ông già Noel phát quà Giáng sinh.”

Cô nói, các tuyến truyện có thể liên quan đến các bậc cha mẹ phương Tây đã được sửa đổi. “Các nhân vật hoạt hình Trung Quốc thích thể hiện sự dũng cảm tuyệt vời của mình. Tuy nhiên, phim hoạt hình của Mỹ hướng đến việc trẻ em có thể xem mà không cần sự hiện diện của phụ huynh.”

Với phần thứ ba dự kiến ​​sản xuất vào năm 2022, Yang cho biết Deer Squad đã nhận được phản ứng tích cực trong và ngoài nước. “Ở Anh, nó đánh bại [phim bộ hoạt hình của Anh] Peppa Pig một số ngày nhất định.” Yang cho biết thêm iQiyi sẽ tăng số tập cho mỗi mùa từ 40 lên 52, và sẽ tăng thêm trong tương lai.

Cô cho biết thêm: “Tom and Jerry của Mỹ vẫn đang được sản xuất và chiếu 80 năm sau. Chúng tôi phải kiên trì sản xuất đầu ra để [giúp phát triển Deer Squad thành một thương hiệu toàn cầu].”.

Một cảnh trong Chiến lang 2, phim đứng đầu phòng vé ở Trung Quốc nhưng chỉ kiếm được 2,7 triệu đôla tại các rạp chiếu phim Bắc Mỹ

Trong khi truyền hình Trung Quốc ngày càng phổ biến ở nước ngoài, phim điện ảnh Trung Quốc lại không có được khả năng tiếp cận ở nước ngoài như vậy. Đó là vì chúng thường là phương tiện tuyên truyền chính trị, các nhà phê bình nói.

Theo People’s Daily, doanh thu phòng vé nước ngoài của phim điện ảnh do Trung Quốc sản xuất đã tăng từ 187 triệu nhân dân tệ năm 2014 lên 425 triệu nhân dân tệ năm 2017, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ so với 25,8 tỉ nhân dân tệ phim nước ngoài đạt doanh thu phòng vé Trung Quốc ở năm tương ứng.

Phim Trung Quốc có doanh thu cao nhất năm đó, Chiến lang 2, chỉ kiếm được 2,7 triệu đôla ở Bắc Mỹ. Operation Red Sea, đứng đầu phòng vé nội địa năm 2018, chỉ thu về 1,5 triệu đôla ở Bắc Mỹ.

Operation Red Sea, đứng đầu phòng vé nội địa năm 2018, chỉ thu về 1,5 triệu đôla ở Bắc Mỹ

Năm 2019, bom tấn khoa học viễn tưởng Lưu lạc địa cầu kiếm được 4,4 tỉ nhân dân tệ tại phòng vé nội địa, nhưng chỉ 5,3 triệu đôla ở Bắc Mỹ.

Aynne Kokas, tác giả cuốn Hollywood Made in China và là trợ lý giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Virginia Mỹ, cho biết các nhà sản xuất phim Trung Quốc phải đối mặt với ràng buộc kép trong việc sản xuất những bộ phim có tính thương mại đáp ứng được yêu cầu của các nhà kiểm duyệt Trung Quốc.

Bà nói: “Nội dung chính trị [từ Trung Quốc] có xu hướng đưa ra thách thức ở nước ngoài. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình định khung rõ ràng ngành điện ảnh là một công cụ của quyền lực nhà nước Trung Quốc và những nỗ lực sâu rộng của chính phủ Trung Quốc trong việc cấu trúc nội dung ngành điện ảnh, khiến khán giả quốc tế ngờ vực.”

Giáo sư nghiên cứu truyền thông Aynne Kokas cho biết chủ nghĩa dân tộc lộ liễu trong phim Trung Quốc như Lưu lạc địa cầu khiến người xem ở nước ngoài mất hứng

Bà trích dẫn các phim yêu nước như Chiến lang 2Lưu lạc địa cầu, trong đó miêu tả người Trung Quốc như những vị cứu tinh trong khi hạ thấp những người thuộc các quốc tịch khác. “[Cả hai phim] đều khiến khán giả nước ngoài quan ngại tầm nhìn chính trị của chúng về tương lai của Trung Quốc,” bà nói thêm.

Chris Berry, giáo sư nghiên cứu điện ảnh tại King’s College, London, cho rằng phim điện ảnh do Trung Quốc sản xuất có ít cơ hội thành công trên trường quốc tế. “Tại Vương quốc Anh nơi tôi sinh sống, rất nhiều phim Trung Quốc được chiếu tại các rạp chiếu phim chỉ được quảng cáo cho những người nói tiếng Trung Quốc,” ông nói.

“Theo kinh nghiệm của tôi ở châu Âu, 95% khán giả của các liên hoan phim Trung Quốc ở nước ngoài là người Trung Quốc sống ở nước ngoài. Khán giả phương Tây không nhận biết các sao Hoa ngữ. Họ không mấy biết về văn hóa Trung Quốc.”

Nezha, phim hoạt hình có doanh thu cao nhất trong lịch sử Trung Quốc, kể về cuộc phiêu lưu của một nhân vật thần thoại Trung Quốc, hầu như không được biết đến ở nước ngoài

Ví dụ, Nezha, phim hoạt hình có doanh thu cao nhất trong lịch sử Trung Quốc, kể về cuộc phiêu lưu của một nhân vật thần thoại Trung Quốc, hầu như không được biết đến ở nước ngoài, ông nói. “Không đủ người không phải người Trung Quốc biết cậu ta là ai hoặc thậm chí cách phát âm tên của cậu ta. Hoa Mộc Lan là một trong số ít những nhân vật văn hóa Trung Quốc được biết đến trên toàn cầu, nhưng trớ trêu thay, chính Hollywood đã làm nên tên tuổi của Hoa Mộc Lan.”

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.