Nhân vật & Sự kiện

Duncan Jones tiếp nối Moon bằng phim khoa học viễn tưởng siêu thực ly kỳ

23/04/2011

Khi phim đầu tay Moon của anh được trình chiếu tại Liên hoan phim Sundance tháng 1/2009, đạo diễn người Anh Duncan Jones đã nhận được sự hưởng ứng mà hầu hết các nhà làm phim lần đầu ra mắt đều mơ ước. Giới phê bình ca ngợi, khán giả bàn tán và bộ phim - một phim chính kịch khoa học viễn tưởng trầm mặc chỉ với một diễn viên duy nhất, Sam Rockwell - nhanh chóng được Sony Pictures Classics mua, nhờ đó mà phim đạt được vị trí nổi bật vào mùa hè.

Người ta còn tiếp tục xôn xao rỉ tai nhau sau khi phim ra mắt tại các rạp; Moon thu về gần 7 triệu USD toàn cầu (lời 2 triệu USD so với kinh phí) và thâu tóm nhiều giải thưởng cuối năm, trong đó có giải BAFTA cho hạng mục Phim Độc lập Anh hay nhất. Quan trọng hơn, bộ phim này đã củng cố vị trí một nhà làm phim đáng chú ý của Jones 39 tuổi trong giới nghệ thuật, mục tiêu tối thượng trong các kế hoạch của anh. "Moon hiển nhiên sinh ra để là một phim xuất sắc," anh nói qua điện thoại từ Los Angeles. "Phản hồi rất tốt và nhờ đó tôi được gặp gỡ nhiều người và nhận được một số đề nghị."

Đạo diễn Duncan Jones

Một trong những người anh gặp gỡ sau phim Moon là nam diễn viên Jake Gyllenhaal. Jones đến buổi gặp gỡ để thuyết phục ngôi sao Prince of Persia nhận kịch bản mà anh đang phát triển, nhưng Gyllenhaal lại có kế hoạch riêng trong đầu. "Jake nói với tôi, 'Tôi bị mê hoặc bởi bộ phim tên Source Code này và tôi cho là anh cũng thích nó,' Jones nhớ lại. "Rồi anh ấy chuyền kịch bản cho tôi xem và tôi thực sự rất thích. Sau đó, mọi thứ đến rất nhanh chóng, bởi các nhà sản xuất đã có kịch bản mà họ thích và khoảng thời gian thích hợp mà Jake có thể quay. Và tôi được mời tham gia chuyến tàu đang chạy, cứ cho là vậy. Nội như thế cũng đã là một trải nghiệm rất khác so với Moon."

Jones có lẽ đã nhảy lên chuyến tàu tốc hành Source Code khi bánh xe bắt đầu lăn, nhưng với biên kịch Ben Ripley của phim, dự án này đã bị trì hoãn nhiều lần. Ý tưởng cho bộ phim nảy ra trong đầu Riley khoảng năm năm trước khi anh quyết định thử sức ở thể loại khoa học viễn tưởng sau khi đã sáng tác vài phim kinh dị và ly kỳ vẫn bị kẹt ở nhiều giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển. "Tôi có ý niệm mơ hồ về việc kể một câu chuyện phi tuyến tính giống như Groundhog Day hay Rashomon bằng cách sử dụng một công nghệ khoa học viễn tưởng đặc biệt," anh giải thích. "Tôi bắt đầu nghiền ngẫm ý tưởng về một công nghệ cơ bản là cho phép người ta chết đi sống lại nhiều lần trong một tình huống khắc nghiệt, nhằm hiểu rõ tình huống đó. Ban đầu, chuyện phim đi theo hướng thường thấy, nhưng rồi tôi nhanh chóng nhận ra phim sẽ hấp dẫn hơn nhiều với bí ẩn là việc nhân vật chính bị rơi vào một tình huống mà không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ngay khi tôi làm thế, kịch bản liền sống dậy."

Suốt một năm ròng, Ripley sáng tác ra câu chuyện xoay quanh Colter Stevens (Gyllenhaal), một phi công quân sự bị ép tham gia một nhiệm vụ cực kỳ nhạy cảm. Một quả bom đã nổ tung chiếc tàu tốc hành ở ngoại ô Chicago và thủ phạm dự định sẽ tấn công lần nữa từ trung tâm thành phố của gió này chỉ trong vài giờ sau đó. May thay, một nhóm nghiên cứu quân sự tối mật đã sáng chế ra một phương thức độc đáo gọi là "mã nguồn" có thể giúp chính quyền ngăn chặn một sự kiện 11/9 khác. Bằng cách sử dụng trí nhớ tạm thời của một hành khách - một giáo viên trung học bình thường - trên con tàu định mệnh, các nhà khoa học dùng kỹ thuật số tái hiện tám phút trước vụ nổ. Sau đó họ chuyển trí não của Colter vào cơ thể người giáo viên nọ và giao cho anh nhiệm vụ điều tra danh tính của thủ phạm. Chuyện gì sẽ xảy ra khi tám phút của anh qua đi? À, anh chàng tội nghiệp sẽ bị nổ tung thành từng mảnh cùng những người khác trên tàu (trong đó có cả cô gái đáng yêu ngồi kế bên do Michelle Monaghan đóng) và phải bắt đầu lại nhiệm vụ từ đầu.

Duncan Jones chỉ đạo Michelle Monaghan và Jake Gyllenhaal trên phim trường Source Code

Nếu ý tưởng trên nghe có vẻ phức tạp, Ripley tiết lộ những kịch bản nháp ban đầu của anh còn khó hiểu hơn đối với khán giả. "Những bản nháp đó còn mang tính công nghệ và khoa học nhiều hơn. Trong suốt quá trình phát triển, chúng tôi nhận thấy nếu loại thứ đó ra thì phim trở nên đáng tin hơn." Ripley cũng dành thời gian truyền tải thêm cảm xúc vào mối quan hệ giữa Colter và mắt xích liên kết anh với thế giới thực, nhà khoa học Carol Goodwin (Vera Farmiga đóng). "Ban đầu những cuộc trò chuyện của họ giống như phi hành gia đang nói chuyện với Trung tâm điều khiển không gian - rất cứng nhắc và giống một nhiệm vụ quân sự hơn, bởi vì đó là cách mà tôi nghĩ Colter sẽ hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Anh là một người lính và theo như anh biết, anh vẫn đang trong một trận chiến."

Sau 12 tháng trời sống cùng kịch bản, Ripley đã cảm thấy sẵn sàng để đưa Source Code ra thị trường Hollywood, nơi phim được Universal tiếp nhận vào tháng 1/2007 với sự tham gia của Topher Grace. Nhưng hai năm trôi qua và hãng này từ chối cho phim bấm máy. Năm 2009, kịch bản được chuyển qua cho công ty Vendome Pictures mới thành lập và Gyllenhaal gia nhập. Sau đó không lâu là cuộc gặp gỡ giữa nam diễn viên này với Jones và, đến tháng 11/2009, Source Code đi vào thực hiện với ngày bấm máy vào mùa xuân 2010. (Vendome hợp tác với Summit Entertainment để phân phối bộ phim, ra rạp ngày 1/4).

"Source Code luôn có đà tiến," Ripley nói về hành trình qua các hãng phim của kịch bản của anh. "Kể cả có mất vài năm để được thực hiện thì mọi thứ vẫn diễn ra."

Với câu chuyện về người đàn ông đơn độc bị tổ chức thuê mình sử dụng và lạm dụng, Source Code chia sẻ nhiều mối liên quan về đề tài này với Moon (trong phim này, quân đội thay cho tập đoàn khai thác không gian trong phim trước), nhưng Jones cho biết kịch bản thu hút anh ở chỗ những khác biệt đáng kể giữa hai bộ phim. "Phim này có nhiều hơn một diễn viên, với những ai mới xem," anh cười. "Và rõ ràng tôi có thể thấy cơ hội làm những việc mà tôi không thể làm với Moon. Ví dụ, tôi là một game thủ kỳ cựu và tôi nhận thấy ý tưởng về một nhân vật lặp đi lặp lại một sự kiện nhiều lần là ý tưởng độc đáo giống như bạn có nhiều "mạng" để hoàn tất một vòng chơi. Do đó tôi bắt đầu nghĩ cách bày tỏ sự tôn trọng với ngành công nghiệp trò chơi điện tử trong thế giới điện ảnh. Trong kịch bản gốc, phim ít kịch tính hơn vì chiếc tàu rời ga cực kỳ chậm và anh ta chỉ việc bước xuống. Chúng tôi cố gắng đưa cảnh này không chỉ là một sự việc bằng cách đặt máy quay trên vai Jake và sau đó xoay vòng để chúng ta ở phía trước Jake khi anh lao khỏi chiếc tàu đang chạy. Đó là sự tôn trọng tôi dành cho dòng game Grand Theft Auto.

Ngoài những ý tưởng lấy cảm hứng từ trò chơi điện tử, Jones bước vào Source Code với ý định đem đến nhiều chất hài hước hơn cho bộ phim. "Jake và tôi trước đó đã đồng tình là kịch bản khá nghiêm túc, và một trong những cách chúng tôi nghĩ ra để nâng tầm bộ phim đó là thêm vào chút hài hước. Chúng tôi tạo ra không khí tự nhiên trong quá trình quay phim và Jake cùng tôi không ngừng nói về việc dẫn dắt mọi thứ như thế nào."

Nhà biên kịch Ben Ripley

Ripley dành vài ngày ở phim trường Montreal trong quá trình sản xuất và xác nhận rằng đạo diễn và diễn viên chính dành rất nhiều thời gian đào bới kịch bản để tìm sự hài hước. "Hầu hết cảnh hài hước bạn thấy trong phim là kết quả sự ứng biến giữa Jake và Duncan," nhà biên kịch nói. "Trong kịch bản có khá ít cảnh đó, bởi hầu hết sức lực đều dành cả cho các yếu tố ly kỳ chủ đạo. Tôi rất vui vì họ đã thêm vào chút hài hước và nhìn họ hợp tác tốt cũng rất thú vị. Dĩ nhiên, trừ cuộc phỏng vấn này ra, thì tôi luôn là người hưởng công trạng!"

Với Jones, việc lồng ghép tính hài hước trong quá trình thực hiện không chỉ có lợi cho bộ phim, mà còn cho cả vai của diễn viên chính. "Điều tôi tự hào nhất đó là tôi đã giúp Jake thực hiện một bộ phim mà bạn thấy anh phát huy năng lực rõ nhất. Rõ ràng anh là một anh chàng đẹp trai khác thường, nhưng cũng tài năng một cách khác thường, và xem anh diễn một vai chính nhẹ nhàng rất thích hợp với anh. Đại loại như Harrison Ford trong vai Indiana Jones - chỉ là làm việc mà anh giỏi."

Hơn cả ngài tiến sĩ Jones, Colter của Gylleenhaal khiến ta nhớ đến hình tượng anh hùng kinh điển của Hitchcock, mẫu người có khả năng giữ được máu hài hước kể cả khi bị đẩy vào những tình huống phi thường. "Anh không phải người đầu tiên nhắc đến Hitchcock và đó chính xác là cảm giác mà tôi cố lồng vào Source Code," Jones cho biết. "Cảm giác đó đã tự bộc lộ qua kỹ thuật quay phim, trang phục của Jake, hậu cảnh và âm nhạc. Tôi nói với nhạc sĩ Chris Bacon rất nhiều về việc làm sao dẫn dắt phần nhạc theo hướng đó." (Jones có kinh nghiệm dày dạn về thảo luận âm nhạc với các chuyên gia - cha anh là thần tượng nhạc rock David Bowie.)

Bất chấp việc tận hưởng trải nghiệm khi là một đạo diễn "được thuê" làm một phim Hollywood - đặc biệt là khoản thù lao cao hơn đi kèm - Jones vẫn háo hức muốn tiếp nối Source Code bằng một dự án tự làm khác, kể cả điều đó đồng nghĩa với việc tự bỏ tiền túi ra lần nữa. Song, anh vẫn không ngần ngại thừa nhận sự thích thú nếu được đạo diễn một phim bom tấn trong tương lai. "Tôi chắc chắn sẽ làm được điều đó, nhưng trước hết phải giắt lưng một hoặc hai phim của riêng mình. Tôi nghĩ một đạo diễn như Darren Aronosfky cũng thấy vậy. Anh ấy đã tự gây dựng sự nghiệp và chứng tỏ mình có tài. Nếu tôi được như vậy, tức là làm cho một hãng phim lớn của Hollywood, tôi cũng muốn tự chuẩn bị như Darren đã làm."

Về phần Ripley, anh đã chuyển từ một người mới vào nghề viết truyện viễn tưởng thành một tác giả thể loại này được săn đón. Anh nhắm chừng khoảng bốn trong số năm đơn đặt hàng sau Source Code đều thuộc khoa học viễn tưởng. Không tồi đối với một người ít hứng thú với công nghệ, chỉ vừa mới nâng cấp lên dùng điện thoại thông minh và vẫn chưa xài Facebook hay Twitter. (Ngược lại, Jones có một trang Twitter với gần 40.000 người theo (follower). "Có vẻ như họ nghĩ tôi biết mình đang làm gì với thể loại này," anh nói và bật cười. "Tôi đang thực hiện một dự án của Legendary Pictures lấy bối cảnh Roswell năm 1947, về sự kiện người ngoài hành tinh đổ bộ nổi tiếng. Nhưng bộ phim đề cập tới sự kiện này một cách nghiêm túc, tựa như 13 Days đã làm với Cuộc hủng hoảng tên lửa Cuba. Phim nói về một nhóm người ở New Mexico và những gì xảy ra trên hành lang quyền lực ở thủ đô Washington."

Bất kể kịch bản nào của anh sẽ được "bật đèn xanh" tiếp theo, Ripley đều hy vọng sẽ có được đạo diễn thích hợp giống như Source Code đã bổ trợ cho tài năng của Jones. "Tôi xem Moon sau khi biết anh ấy thích thú với Source Code và bị ấn tượng mạnh. Vì thế tôi luôn tin tưởng rằng Duncan sẽ làm tốt và không phải tự chỉ cho mình cách đạo diễn phim trong phim của tôi. Anh ấy rất tôn trọng sự toàn vẹn của câu chuyện và đồng thời thêm vào chút mơ hồ mà tôi cho là khán giả rời khỏi rạp vẫn còn tranh luận. Cuối cùng thì chỉ là bạn đang cố gắng giải trí cho khán giả, và nếu bạn gây được sự cộng hưởng bằng các nhân vật hay tình tiết khiến khán giả phải suy nghĩ sâu hơn, đó là tất cả những gì bạn có thể mong đợi."


Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film Journal

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.