Nhân vật & Sự kiện

Giải mã kết thúc của Inception

19/04/2011

Cái kết của Inception có làm bạn rối tung? Bài phân tích của Kofi Outlaw trên trang Screen Rant sẽ mở bung những nút thắt trong phim.

Cobb (trái), do Leonardo DiCaprio đóng

Nhiều người đã vượt qua thử thách đầu óc đầy ấn tượng này. Một số phân vân, một số thậm chí cảm thấy não bộ bị đánh thức bởi một trải nghiệm điện ảnh thú vị và thách thức tư duy nhất sẽ còn ám ảnh mãi.

Tôi nhận thấy phần lớn khán giả xem Inception đã phải gấp lại vấn đề họ hiểu bộ phim đến đâu (Nolan hẳn là tự hào về điều này lắm). Tuy nhiên, chúng tôi sẵn lòng đưa ra một vài phân tích cho những bạn vẫn còn muốn tìm cho mình câu trả lời.

Chúng tôi chia bài thành các hạng mục riêng, phòng trường hợp bạn hứng thú tìm hiểu khía cạnh nào hơn:

• Nguyên tắc của thế giới trong mơ
• Các nhân vật trong mơ và vai trò của mỗi người
• Lý giải kết thúc phim

NGUYÊN TẮC

Joseph Gordon Levitt trong vai Arthur

Trước hết, chúng ta hãy nói về các nguyên tắc của thế giới trong mơ mà Nolan đã tạo ra trong phim. Các hành động lướt qua trên màn ảnh, chúng ta rất dễ bỏ qua một số chi tiết - nhưng khi đèn bật sáng, chúng ta bắt đầu nghĩ ngợi, và câu hỏi giấc mơ nào của ai cũng xồ ra tắp lự (cùng vô vàn thắc mắc khác).

Hãy ghi nhớ tiền đề cơ bản: Cobb (trích đoạt viên) và nhóm của anh ta là những tay lừa đảo có hạng, và cũng giống như bất kỳ tay lừa đảo nào công việc của họ là tạo ra một thực tế giả và nhào nặn nó để gây hoang mang và (hoặc) đánh lừa đối tượng mục tiêu (ở đây là trùm tư bản Robert Fischer, do Cillian Murphy thủ vai). Nolan đưa khái niệm nguyên thủy nhất về lừa đảo tiến xa thêm một bước khi biến Cobb và các cộng sự thành những kẻ cắp giấc mơ, nhưng suy cho cùng về cơ bản vẫn là lừa đảo/trộm cắp đó thôi.

Các tầng mơ và thời gian mơ

Nolan tung hỏa mù nhằm làm bạn hoa mắt nhưng chúng thực sự không quan trọng. Tất cả những gì bạn cần nắm là các khái niệm cơ bản sau:

Việc mơ tiếp trong khi đang mơ đưa bạn rơi vào một tầng mơ sâu hơn. Càng dấn vào sâu, đầu óc bạn càng xa rời hiện thực. Chúng ta có thể hình dung thế này: càng ngủ say thì càng khó thức giấc và giấc mơ dần trở nên giống thực và sống động hơn. Nếu bạn ngủ sâu đến một mức nào đó, thậm chí những tác động đánh thức thông thường chẳng nhằm nhò gì với bạn, cụ thể như cảm giác rơi tự do ("cú thúc"), nghe tiếng gọi hay ngay cả nhu cầu cần phải vào nhà vệ sinh.

Một khi rơi vào viễn thức (Limbo), cực kỳ khó để bạn thức giấc, và giấc mơ trở nên rất thực đến sống động, đến nỗi đầu óc không chút cố gắng thức tỉnh nào nữa - nó chấp nhận giấc mơ như hiện thực vậy, hệt như rơi vào tình trạng hôn mê.

Khi tỉnh lại từ viễn thức bạn không nhớ rằng có một "thế giới thực" đang tồn tại - cũng giống như bạn chợt tỉnh giữa cơn mơ và đơn giản chấp nhận cái đang diễn ra. Thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này vô cùng khó, điều này lý giải chuyện vợ chồng Cobb và Mal bị đánh lừa trong viễn thức về khoảng thời gian tưởng như hàng thập kỷ.

Thời gian lại là một nhân tố khác. Ở trạng thái mơ càng lâu, khả năng tưởng tượng và nắm bắt mọi sự việc trong mơ của bạn càng lanh lẹ. Sự gia tăng này theo cấp lũy thừa, dẫn đến thời gian chuyển từ phút thành giờ, thành ngày, thành năm ở mỗi tầng mơ sâu hơn. Đó là lý do tại sao Cobb và nhóm của mình có thể hoàn thành phi vụ Fischer trong khi chiếc xe còn đang rơi tự do trong không trung, trước khi đám binh lính kịp xâm nhập vào pháo đài tuyết, trước khi Arthur cho nổ tung thang máy, và tất cả phải diễn ra gói gọn trong khoảng thời gian chuyến bay từ Sydney, Australia tới Los Angeles.

Robert Fischer, do Cillian Murphy thủ vai

Trong viễn thức, trí não vận động quá nhanh khiến khoảng thời gian thực tế tính bằng phút được hiểu như đã hàng năm trôi qua rồi. Khi Saito "chết" vì vết thương do trúng đạn từ tầng mơ thứ nhất, ông rơi vào viễn thức, và khoảng thời gian vài phút để Cobb và Ariadne (Ellen Page đóng) theo tìm Saito trong viễn thức tưởng chừng như hàng thập kỷ đối với ông. Thêm khoảng thời gian Cobb nỗ lực trục xuất ảnh chiếu của Mal khỏi tiềm thức của mình, Saito bắt đầu cảm nhận mình như một ông già.

Mal (ở đây là "linh hồn") đâm Cobb một nhát vào lúc cao trào của phim, đã đẩy Cobb vào viễn thức và dạt vào bờ biển có căn nhà của Saito trong viễn thức. Khi Cobb phải "thức" lần nữa trong viễn thức, đầu óc anh rối bời cũng như bộ não già nua của ông già Saito. Nhờ ký ức của Saito về con totem của Cobb và màn đối thoại gợi ra những câu then chốt - như "đặt niềm tin", "một lão già lòng đầy hối tiếc, chờ đợi cái chết trong cô đơn"... - Cobb và Saito lần ra cuộc đối thoại đầy ý nghĩa họ đã từng trao đổi và nhận ra rằng có một thế giới thực tế họ đã từng sống trước khi rơi vào viễn thức, nơi mà cả hai vẫn còn những khát khao cháy bỏng cần phải hoàn thành (những đứa con của Cobb, sự nghiệp của Saito). Một khi họ nhận ra đó là viễn thức, họ có thể đánh thức chính mình (rất có khả năng là nã thẳng một phát súng vào đầu).

CÁC NHÂN VẬT - CÁC TẦNG MƠ

Eames (phải) - người muôn mặt (Tom Hardy đóng)

Trích đoạt viên – một bậc thầy lừa đảo, người biết rõ làm thế nào để thâm nhập dẫn dụ mục tiêu tiết lộ những bí mật sâu kín nhất trong đầu họ. Trên thực tế một kẻ trích đoạt dùng chiêu kinh điển - tạo ra một hiện trường sắp đặt giả để đánh lừa đối tượng tiết lộ bí mật. Cobb (do Leonardo DiCaprio đóng) sử dụng chiêu thức lừa đảo giống như nhân vật của George Clooney trong Oceans 11, và chỉ mình Cobb biết thực thi công việc của mình ở cấp độ tiềm thức. Gạt sang một bên sự lôi cuốn của anh ta, kẻ trích đoạt (như tôi đã nói) là một tay lừa đảo kinh điển.

Kiến trúc sư – là người thiết kế cấu trúc trong giấc mơ mà trích đoạt viên dẫn dụ mục tiêu vào. Hình dung người này giống như nhà thiết kế chương trình trò chơi điện tử, ngoại trừ việc ở đây kiến trúc sư còn tạo ra các "tầng nấc" trong một giấc mơ, hoàn thiện các chi tiết thẩm mỹ và hiệu quả tác động xúc giác. Mục tiêu (còn được gọi là "đối tượng") được đưa vào công trình mơ này và bổ sung những chi tiết được lấy từ tiềm thức và ký ức của chính họ, nhằm thuyết phục mục tiêu rằng giấc mơ được kiến trúc sư dựng nên này là thật - hoặc chí ít là mục tiêu tin rằng đây là giấc mơ của chính mình.

Kiến trúc sư có thể nhào nặn những công trình kiến trúc có ngoài đời thật và bẻ cong các thuyết vật lý để tạo ra những nghịch lý như một cầu thang vô tận, biến thế giới trong mơ thành mê cung. Một khi giấc mơ giống như mê cung thì có hai khả năng, một là mục tiêu lạc lối trong mê cung, và nhận ra họ đang ở một nơi không có thật; hai là, mục tiêu làm chủ mê lộ, dẫn trích đoạt viên thẳng tới "miếng phô-mai" - bí mật họ đang che giấu.

Tầng mơ thứ hai trong phim

Người mơ - kiến trúc sư và người mơ không phải lúc nào cũng là cùng một người. Kiến trúc sư thiết kế thế giới trong mơ/mê cung và có thể truyền cho một người mơ riêng rẽ. Đầu óc người mơ làm chủ giấc mơ đó và mục tiêu được đặt vào trong mơ để trích đoạt viên dẫn dụ. Người mơ để cho mục tiêu trám tiềm thức của mình vào trong mơ, và một khi người mơ không duy trì được sự ổn định của giấc mơ, tiềm thức của mục tiêu sẽ nhận ra đầu óc mình đang bị kẻ khác xâm nhập, họ sẽ gắng định vị và trục xuất kẻ lạ mặt để thoát ra.

Khi bạn đi vào giấc mơ chung, việc nhận dạng ai đang mơ trở nên khó khăn - đặc biệt khi Cobb và các cộng sự chọn dẫn dắt Fischer bằng ba tầng mơ riêng biệt. Một khi chuỗi mơ ba tầng này bắt đầu, cách tốt nhất để theo dấu người mơ là giữ người này còn thức và không theo toàn đội mơ xuống tầng tiếp theo - người mơ không thể xuống tầng mơ sâu hơn, bằng không tầng mơ họ nắm giữ sẽ kết thúc.

Sau đây chúng ta làm rõ ai mơ tầng mơ nào trong phi vụ Fischer:

1. Thành phố trong mưa - đây là giấc mơ của nhà hóa học Yusuf (Dileep Rao). Yusuf uống khá nhiều champagne ở "thế giới thực" trên máy bay, vì vậy khi ông ta ngủ sẽ có trạng thái mắc tiểu (do đó kích thích ra cảnh mưa rơi). Yusuf là người mơ tầng mơ 1 nên ông ta phải ở lại tầng đó, vì vậy ông cũng là người lái chiếc xe.

2. Khách sạn - Arthur (Joseph Gordon Levitt) là người mơ ra cảnh khách sạn, nên anh phải thức khi những người còn lại trong nhóm mơ tiếp vào tầng mơ tuyết phủ. Khi chiếc xe Yusuf lái văng ra khỏi cây cầu và rơi trong không trung, cơ thể Arthur trong xe cũng lơ lửng, tạo ra trạng thái không trọng lực chập chờn - giống như cơ thể người mơ bị rung lắc, tạo tác động vật lý lên giấc mơ của người đó, do đầu óc (tiền đình) cảm nhận sự thay đổi của trọng lực.

3. Pháo đài tuyết - đến lượt người muôn mặt Eames (Tom Hardy) mơ. Câu hỏi đặt ra là tại sao trọng lực trong thế giới băng tuyết bao phủ này không bị chập chờn khi cơ thể của Eames trôi nổi trong khách sạn không trọng lực. Ừm, bạn chỉ có thể lý giải do cơ thể Eames không bị rung lắc hoặc đầu óc anh ta thích ứng với những thay đổi tác động lên cơ thể, hoặc càng mơ sâu thì khả năng nhận tác động của trọng lực yếu đi. Hoặc bạn có thể cho rằng đây là một lỗ hổng rành rành trong kịch bản. Thành thật mà nói, nó đáng ngờ.

4. Limbo - viễn thức là một tầng mơ hoàn toàn vô cấu trúc - một nơi đơn thuần (và ngẫu nhiên) phản ánh tiềm thức. Ariadne đã khám phá ra từ sớm sự thật là người trích đoạt có thể mang theo những nhân tố thuộc về tiềm thức của chính mình vào các tầng mơ nếu họ bất cẩn, và vì Cobb đã từng ở trong viễn thức và có một tiềm thức dữ dội cào xé, viễn thức họ rơi vào là ký ức của anh về thành phố anh và người vợ Mal đã cùng xây nên cho riêng họ.

Nếu bạn là người thiên về tư duy hình ảnh, thì trang Cinema Blend đã mô phỏng hình họa chi tiết các tầng mơ trong Inception:

Mục tiêu - trong phim Fischer con (Cillain Murphy) là mục tiêu của Cobb và cộng sự. Mục tiêu được đưa vào giấc mơ của người mơ, và khi mục tiêu không chắc chắn anh ta đang mơ, sẽ dẫn đến ngộ nhận thế giới của người mơ tạo ra là thực đồng thời biến nó thành cảm giác thân thuộc nhờ thêm vào những chi tiết và bí mật trong tiềm thức của riêng họ. Trích đoạt viên sử dụng những chi tiết này và nhiều thủ thuật kích thích thần kinh để lèo lái mục tiêu trong mê cung, dẫn thẳng đến bí mật mà trích đoạt viên muốn đánh cắp.

Như đã nói, mục tiêu nghĩ rằng anh ta còn thức, và cho rằng thế giới trong mơ là thực và củng cố lòng tin bằng cách "chiếu" góc nhìn tỉnh táo về thế giới vào trong mơ - vì thế các nhân vật ảnh chiếu xuất hiện ở thành phố trong mơ... Do mánh khóe của trích đoạt viên, mục tiêu hòa mình vào thực tế ảo trong mơ, dẫn tới hoặc họ nhận ra đây chỉ là mơ, hoặc mở toang đầu óc để lộ ra những bí mật.

Ảnh chiếu - Cảm giác giấc mơ giống như thật một phần nhờ khả năng cấu trúc một thế giới giả mạo y thật của não bộ và ta tương tác trong đó. Thông thường, giấc mơ tái hiện một thành phố hoặc một khu vực dân cư nào đó với con người đi đi lại lại. Trong Inception, những người được mục tiêu vô thức tạo ra cư trú trong giấc mơ gọi là "những ảnh chiếu".

Như trong phim đã giải thích, ảnh chiếu không phải xuất phát từ ý thức của mục tiêu - họ chỉ là biểu thị của ảo ảnh về hiện thực của mục tiêu. Nếu mục tiêu đã được rèn luyện để tự bảo vệ trước sự xâm nhập của các trích đoạt viên, tiềm thức của họ sẽ luôn sản sinh ra sự phòng vệ trước đám tội phạm trí tuệ dưới dạng các đơn vị bảo vệ được vũ trang tấn công những kẻ xâm nhập. Riêng trường hợp của Cobb, Mal ("linh hồn") là một ảnh chiếu tồn tại do Cobb cần ghi nhớ về người vợ quá cố. Mal đã muốn Cobb ở lại viễn thức - tiềm thức của Cobb cố kéo anh trở lại nơi mà anh có thể "bên cô".

Cánh cửa dẫn tới căn phòng chứa "điều bí mật" trong pháo đài

Người muôn mặt - Eames (Tom Hardy) là bậc thầy giả mạo chữ viết và phong cách của mọi người. Trong giấc mơ, anh ta thậm chí có thể giả cả diện mạo. Đây chính là chìa khóa trong kế hoạch của Cobb: ở tầng mơ thứ nhất (thành phố trong mưa) Eames đóng giả Peter Browning (Tom Berenger), cố vấn tin cậy của Robert Fischer.

Sử dụng hình ảnh của Peter Browning, Eames dàn dựng rất tinh vi và đánh lừa Fischer tạo ra một phiên bản chú Peter trong tiềm thức (được thấy trong khách sạn - tầng mơ thứ hai). Tại đây chú Peter khéo léo thúc đẩy Fischer đi sâu hơn vào mê lộ do nhóm Cobb tạo ra (tầng mơ thứ ba, pháo đài tuyết phủ) để tìm "điều bí mật" - tức là ý tưởng khởi nguyên Saito thuê Cobb gieo cấy. Về cơ bản, Người muôn mặt đã đánh lừa Fischer sử dụng chính tiềm thức của mình chống lại mình.

Mal cảm nhận thế giới cô và Cobb đã xây dựng nên trong viễn thức là có thật

Mal (và linh hồn của cô) - Mal là nhân vật chất chứa tất cả những ý niệm và câu hỏi phức tạp về thực tại mà bộ phim đặt ra. Mal không chỉ nghĩ mà còn cảm nhận rằng thế giới mà cô và Cobb đã xây dựng nên trong viễn thức là có thật - nó nuôi dưỡng cảm xúc của cô và khiến cô hạnh phúc. Khi Cobb gieo ý tưởng "Thế giới này không có thật" vào đầu óc cô, anh chỉ muốn nó sẽ giúp đánh thức vợ mình khỏi viễn thức. Thay vì thế, việc anh cho ý tưởng này bám rễ trong đầu óc Mal đã hủy hoại cảm xúc viên mãn và mối liên kết cô đã từng có - và một khi nó bị phá vỡ, sẽ không thể nào liền lại được.

Ngay cả khi trở lại cuộc sống gia đình với chồng con, Mal vẫn không thể cảm nhận cảm xúc thực tại với những gắn kết tình yêu và mối liên hệ với người thân. Vì ý tưởng khởi nguyên đó, Mal không cảm nhận giá trị của mối liên kết và tình thân - với ý nghĩ thực tại giả mạo này chỉ mang đến liên kết và cảm xúc giả mạo - chỉ còn cô và Cobb, tình yêu của họ là thật mà thôi. Cô thúc đẩy việc tìm đến một tầng cao hơn nơi những nghi ngờ dai dẳng sẽ bị xóa nhòa và cô sẽ lại sống trong hạnh phúc. Do đó, với ý nghĩ Cobb bị lạc mất trong thực tại giả mạo, cô dàn xếp vụ tự sát trong khách sạn và đẩy Cobb vào thế bị tình nghi mưu sát nhằm buộc Cobb theo mình. Có vẻ như ý tưởng Cobb cấy vào đầu Mal đã dẫn cô tới cái chết, và mối dằn vặt này khiến linh hồn của Mal luôn tồn tại trong tiềm thức của anh.

Cao trào của phim, Mal đã đưa ra một câu hỏi hóc búa cho Cobb (và cả khán giả), rằng có thể nào tồn tại những tổ chức vô hình đưa ta vào mê hồn trận của những giấc mơ không. Câu hỏi này khiến chúng ta suy nghĩ có thể nào cái thực tại ảo trong phim đặt ra lại không phải là mơ - một nơi chứa đầy những điều tuyệt vời - một thế giới tưởng tượng mà chúng ta, những người xem phim cùng chia sẻ và lĩnh hội khác nhau, thả vào đó những tiềm thức và cách hiểu riêng. Thật là một bộ phim siêu trí tuệ.

KẾT THÚC PHIM

Có hàng tá giả thuyết được đưa ra trên mạng xung quanh cái kết thúc phim Inception, trong đó có hai giả thuyết gây tranh luận sôi nổi nhất là Cobb vẫn còn kẹt lại trong mơ hay thực tế là anh đã trở về nhà đoàn tụ cùng các con trong "thế giới thật".

Kết phim Inception có chủ ý buộc bạn phải suy nghĩ và đặt câu hỏi về bản chất của thực tại. Câu hỏi quan trọng không phải là "Cobb còn trong mơ không?" - mà quan trọng là thật sự nhân vật Cobb từ một gã luôn bị ám ảnh với "phân định thực - hư" cuối cùng trở thành một con người gác lại tất cả chất vấn và chấp nhận rằng điều gì khiến anh thực sự hạnh phúc là có thật.

Với những ai muốn tìm kiếm câu trả lời cụ thể hơn thế, thì hãy đọc tiếp:

Sau hai lần xem tôi có thể nói với các bạn rằng thời điểm Cobb và Saito (có vẻ là) thức dậy từ viễn thức, Nolan chủ ý đưa bộ phim tới một cái kết mơ hồ và để mở lối cho người xem suy nghĩ và tự lý giải theo cách hiểu của mình - hai giả thuyết phim đặt ra đều trùng khớp.

Cobb căng thẳng theo dõi totem quay

Khi Cobb và Saito thức giấc, các nhân vật không còn đối thoại nhiều với nhau và chỉ còn một vài cảnh hoặc hình ảnh có thể giải thích cụ thể hay làm sáng tỏ một cách hiểu. Phải chăng Cobb còn trong mơ và tất cả đồng đội cùng gia đình của anh (có thể kể cả Saito) chỉ là ảnh chiếu? Hay công việc của nhóm đã hoàn thành, mọi người trở về với thực tại và hạnh phúc mãi về sau? Có một vài mảnh ghép làm cơ sở chúng tôi có thể cho bạn thấy:

• Saito thực sự quyền lực tới mức có thể giải quyết những vấn đề của Cobb chỉ bằng một cú điện thoại hay tiềm thức của Cobb trong viễn thức đang phản ánh khát khao được trở về nhà? Bạn có thể không phục, nhưng nên nhớ Saito là một người đàn ông giàu có và đầy quyền lực (ông ta mua cả hãng hàng không cái một), điều này đủ thuyết phục rằng ông ta có thể xé rào cho những rắc rối dính líu tới luật pháp của Cobb. Người giàu chẳng phải toàn làm vậy ư!

• Có chuyện gì bất thường với nhân viên xuất nhập cảnh? Sau hai lần xem, tôi có kết luận anh ta chỉ là một nhân viên xuất nhập cảnh đơn thuần. Nếu anh ta có nhìn chằm chằm vào Cobb thì chẳng qua là anh ta đang làm công việc của mình. Ai mà chẳng bị săm soi khi làm thủ tục.

• Cha của Cobb (Michael Caine) thu xếp ra đón anh ở sân bay hay ông chỉ là ảnh chiếu trong đầu Cobb? Ở điểm này thì các bạn nghĩ ngợi nhiều quá rồi. Có điện thoại ở trên máy bay, và Cobb có thể dễ dàng gọi người thân ra đón. Hơn nữa đây là một phi vụ phức tạp, chuyện gọi người đón là một việc nên làm.

• Trong mơ Cobb đóng bộ lễ phục hầm hố mà không có ở "thế giới thực" cũng như cảnh kết ở sân bay - có nghĩa kết phim là thực tại? Những chi tiết như vậy là bằng chứng thuyết phục, rằng có một thế giới thực Cobb vẫn đang sống - ở đó anh không mặc những bộ bảnh bao.

• Có giả thiết Cobb sử dụng totem của Mal khiến nó không còn hiệu lực và vì vậy chẳng bao giờ anh biết mình đang tỉnh hay mơ. Xin nhắc lại, chúng ta đa nghi quá. Chỉ có hai người biết được trọng lượng và cảm nhận được totem đó là Mal và Cobb, sau khi Mal chết, chỉ còn Cobb là người duy nhất cảm nhận được vật này. Vì vậy, Cobb hiển nhiên có thể dùng nó để phân định thực - hư.

• Cảnh cuối phim, các con của Cobb trông có vẻ sàn sàn cỡ tuổi và ăn mặc giống trong ký ức của anh về chúng - có nghĩa là anh đang mơ ư? Vic Holtreman trong nhóm chúng tôi đã xem xét cẩn thận và thấy tuy quần áo giống nhưng giày của bọn trẻ lại khác. Về vấn đề tuổi tác: kiểm tra trên IMDB, thực tế có hai cặp diễn viên nhí vào vai con của Cobb. Bé gái Phillipa có hai giai đoạn là 3 tuổi và 5 tuổi, trong khí đó, cậu con trai James là 20 tháng tuổi và 3 tuổi. Điều này cho thấy dù rất tinh vi, nhưng vẫn có sự khác biệt giữa những đứa trẻ trong ký ức của Cobb và trong cảnh đoàn tụ.

• Con quay tiếp tục xoay tròn hay sẽ đổ nếu Nolan không cắt cảnh? Rất tiếc, chúng tôi chẳng thể chắc chắn mặc dù nó cũng đã bắt đầu lảo đảo và điều này chẳng bao giờ có trong mơ.

Cobb chăm chú nhìn totem, tay lăm lăm khẩu súng

Ở đầu phim, sau phi vụ đầu tiên - nhóm của Cobb đột nhập vào giấc mơ của Saito, chúng ta thấy Cobb ngồi trong khách sạn một mình, thả con quay và chăm chú nhìn nó, tay lăm lăm khẩu súng. Anh ta sẵn sàng thổi tung não mình nếu nó cứ quay hoài, để "đánh thức" khỏi cơn mơ. Thật ám ảnh!

Suốt bộ phim, Cobb tiếp tục nỗi ám ảnh về con quay và phân định thực - hư, nhưng cuối phim, anh xoáy con quay và bỏ đi trước khi kịp xem nó có dừng hay không. Các con anh đang chạy tới và Cobb chẳng còn muốn quan tâm xem đây là mơ hay tỉnh. Anh chỉ muốn ở bên các con mình, cho dù đang ở bất cứ đâu. Mối dây tình cảm và khao khát này đủ thực với anh rồi.

Cuối phim, cảnh Cobb bỏ mặc con quay cũng là khúc khải hoàn của nhân vật. Theo một cách nào đó, bộ phim tự nó là một mê cung được thiết kế để gieo một ý tưởng đơn sơ chân thực vào đầu khán giả: "hiện thực" chỉ là một khái niệm tương đối.

Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Screen Rant


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.