Nhân vật & Sự kiện

Hành trình sự nghiệp của Thành Long

21/08/2011

Điểm lại những bộ phim chủ chốt trong sự nghiệp lâu dài của Thành Long và ước tính những tổn thương mà anh gánh chịu vì nghiệp giải trí.

Đại tiểu Hoàng Thiên Phách (1962)

Thành Long ra mắt trên màn ảnh khi mới tám tuổi trong bộ phim đen trắng Hồng Kông này. Anh tới Học viện Hý kịch Trung Quốc học diễn xuất, nhào lộn, võ thuật, và duy trì như vậy trong thập kỷ tiếp theo.

Suốt khoảng thời gian này anh tiếp tục xuất hiện với vai phụ trong các bộ phim võ thuật không có tiếng tăm, nhưng chẳng bao lâu sau anh bắt đầu thực hiện những điều to tát hơn…

Anh có bị thương không? Anh vẫn bình yên vô sự, nhưng ngay khi tuổi còn trẻ anh đã tự tin trong kỹ thuật giao đấu.

Long tranh hổ đấu (1973)

Chẳng bao lâu sau, Thành Long xuất hiện trong những bộ phim võ thuật chủ đạo. Năm 1972, anh làm diễn viên đóng thế trong Tinh võ môn của Lý Tiểu Long, trước khi vào vai tên côn đồ trong ngục trong bộ phim cuối cùng của huyền thoại võ thuật này.

Hãy xem Lý Tiểu Long thâm nhập một cuộc đấu võ được tổ chức trên một hòn đảo bí mật của nhân vật phản diện. Thành Long được trao vinh dự lớn, ấy là được người đàn ông vĩ đại – Lý Tiểu Long – vặn cổ, trước khi kế nhiệm vị trí thần tượng phim võ thuật quốc tế sau sự ra đi sớm của bậc tiền bối.

Anh có bị thương không? Cú vặn cổ có vẻ không gây bất cứ tổn hại lâu dài nào.

Lý Tiểu Long và Thành Long trong Long tranh hổ đấu

Nữ cảnh sát (1973)

Cũng trong năm đó, hoài bão của Thành Long bộc lộ khi anh giành được vai diễn đáng chú ý trong bộ phim hành động này. Khi ấy anh 17 tuổi.

Cốt truyện đơn giản kể về một chàng trai trẻ bí mật tập luyện võ thuật, và sử dụng những kỹ thuật đó để bảo vệ một cửa hàng địa phương trước một toán cướp. Từ đó, sự góp mặt của Thành Long trong bộ phim bị thổi phồng vì mục đích tiếp thị.

Anh có bị thương không? Lúc này anh vẫn tránh được thương tổn…

Xà hình điêu thủ (Snake In The Eagle’s Shadow) (1978)

Thành Long tiếp tục làm việc đều đặn trong những năm trước, tuy nhiên Xà hình điêu thủ là thành công then chốt trong buổi đầu sự nghiệp của anh. Bộ phim tôn lên kỹ thuật diễn hài cũng như tài giao đấu của Thành Long, góp phần đưa anh lên vị trí ngôi sao.

Thành Long thừa nhận anh thấy mình là người kế tục ngôi vị diễn hài của Buster Keaton và Charlie Chaplin, và nguồn cảm hứng đó sớm được bộc lộ trong bộ phim này.

Anh có bị thương không? Anh bị một thanh kiếm thật xẹt qua, song những vết thương ngoài da là chuyện nhỏ trong bề dày thương tích của Thành Long.

Xà hình điêu thủ Túy quyền, những bộ phim then chốt trong buổi đầu sự nghiệp của Thành Long

Túy quyền (1978)

Một trong những vai diễn mẫu mực ở giai đoạn kiến tạo sự nghiệp của Thành Long, đồng thời bộc lộ tài vừa chọc cười vừa đánh nhau của anh.

Sau nhiều lần vướng vào rắc rối, Hoàng Phi Hồng (Thành Long) cải thiện bản thân bằng cách học Túy quyền từ người thầy nghiêm khắc Tô Khất Nhi. Kiểu giao đấu này (trong đó kỹ thuật đòi hỏi phải bắt chước bộ dáng và động tác của người say bí tỉ) là phương tiện hoàn hảo cho các kỹ năng diễn xuất của Thành Long.

Anh có bị thương không? Thành Long bị thương nặng ở trán trong một cảnh đánh nhau, khiến anh gần như bị mù một mắt.

Soái đệ xuất mã (The Young Master) (1980)

Đây là bộ phim đầu tiên Thành Long một mình làm đạo diễn (trước đó anh đồng đạo diễn bộ phim Tiếu quyền quái chiêu năm 1979). Câu chuyện kể về sự ganh đua và chuộc lỗi giữa huynh đệ, khi A Long (Thành Long) bất mãn vì phát hiện đại sư huynh Hổ ca chiến đấu cho một môn phái đối địch trong cuộc đấu võ.

Khi lỗi lầm của Hổ ca bị phát giác, anh bị xua đuổi trong hổ thẹn và A Long đi tìm anh. Đó không phải là một chuyến đi không có những màn giao đấu bằng tay không, những người bị hiểu lầm, những tên tội phạm nguy hiểm cùng những nghĩ suy.

Anh có bị thương không? Đây là một trong số các dự án mà Thành Long bị vỡ mũi.

The Big Brawl (1980)

The Big Brawl – nỗ lực đầu tiên bất thành ở Hollywood

Đây là nỗ lực đầu tiên của Thành Long nhằm gia nhập thị trường Hollywood, nhưng không thành công, vì phim chỉ đạt doanh thu khiêm tốn 8 triệu USD tại phòng vé Mỹ.

Có lẽ không tránh được việc phim lấy bối cảnh thập niên 1930, và đạo diễn Robert Clouse đã làm dịu phong cách hành động mang đậm dấu ấn cá nhân của Thành Long. Không kể bối cảnh thời đại, cốt truyện tương đối thuận lợi với Thành Long, trong đó anh bảo vệ quán ăn của gia đình mình trước bọn du côn (bằng cách đánh nhau).

Anh có bị thương không? Chỉ có giấc mơ Mỹ của Thành Long bị tổn thương.

The Cannonball Run (1981)

Sau thất bại của The Big Brawl, Thành Long buộc phải tìm kiếm sự ủng hộ chung trong bộ phim hài về đua xe việt dã này. Các tay đua gồm có Burt Reynolds và Dom DeLuise trong một chiếc xe cứu thương cải tiến, và Roger Moore trong một chiếc Aston Martin theo kiểu Bond.

Thành Long vào vai diễn cùng tên, tay đua xe Subaru, đi cùng diễn viên hài Hồng Kông Hứa Quan Văn trong chiếc ô tô công nghệ cao này. Thành Long được dịp bộc lộ kỹ năng võ thuật của anh trong nháy mắt khi xe của họ bị công trình xây dựng ngáng đường. Anh xuất hiện trở lại trong phần tiếp theo vài năm sau đó.

Anh bị thương ở mũi.

Long thiếu gia (1982)

Thành Long trở về Hồng Kông viết kịch bản, đạo diễn và đóng phim trong một tác phẩm hành động khác làm vừa lòng công chúng. Thành Long lại vào vai anh chàng xui xẻo chỉ muốn hoàn thành một việc đơn giản (ở đây là đưa thư tình cho bạn gái) nhưng cuối cùng đi theo một toán cướp.

Uy lực của Thành Long trong những pha hành động thực phi thường, và một lần nữa anh góp mặt trong phim hành động thuần túy với những màn diễn hài. Lịch quay phim kéo dài sau khi Thành Long cầu toàn khăng khăng diễn đi diễn lại rất nhiều lần.

Anh có bị thương không? Thành Long bị choáng sau khi ngã xuống từ một tháp người cao ngất ngưởng.

Kế hoạch A (1983)

Áp phích phim Kế hoạch A

Đây là bộ phim Hồng Kông chủ chốt khác của con người đa nghề này. Một lần nữa Thành Long đóng vai chính, đạo diễn, diễn xuất, liều mạng trong các cảnh nguy hiểm, và bộ phim lấy bối cảnh những năm 1900 lý giải ảnh hưởng của anh trong thời kỳ này.

Thành Long vào vai đội trưởng một đội hải quan đối phó với sự đe dọa của cướp biển, song thực chất đó chỉ là cái cớ khác cho anh để quay cuồng với vũ đạo hành động mới mẻ hơn và những cú tiếp đất đúng lúc.

Anh có bị thương không? Thành Long bị thương nặng trong một pha nguy hiểm đòi hỏi anh treo mình trên một tháp đồng hồ trước khi rơi gần 20m xuyên qua hai màn đỡ, gãy năm xương sườn và bị thương ở đầu. Sau đó, anh thử lại lần nữa, bị vỡ mũi và giãn một dây chằng ở cổ. Anh điên thực rồi!

Câu chuyện cảnh sát (1985)

Một bộ phim chủ chốt khác trong sự nghiệp của Thành Long, tác phẩm ly kỳ về cảnh sát chứng kiến Trần Gia Câu (Thành Long) trong nhiệm vụ đánh bại tên trùm tội phạm địa phương. Anh lại làm đạo diễn, bộ phim nổi tiếng ở Trung Quốc, đạt giải Kim Tượng Hồng Kông dành cho Phim xuất sắc nhất.

Đây là lời đáp trả ấn tượng trước trải nghiệm cay đắng của một bộ phim Mỹ khác hy vọng thành công vang dội song cuối cùng thất bại, The Protector. Trong khi Câu chuyện cảnh sát có thể thiếu sự cứng cỏi lúc cam go của những bộ phim tội phạm tuyệt vời nhất, phim gần như không thay đổi trong những cảnh hành động.

Anh có bị thương không? Anh thoát nạn trong một vụ rượt đuổi xe xuống dốc xuyên qua khu nhà lụp xụp được xây có chủ ý đang có các diễn viên đóng thế ở đó, nhưng anh chịu các vết thương nặng nhất khi quay cảnh chiến đấu cao trào ở khu thương mại. Vài người bị thương trong các cảnh kính vỡ tan còn Thành Long bị gãy một số chỗ ở lưng và bỏng tay khi va vào một cây cột có đèn điện xung quanh.

Long huynh hổ đệ (1987)

Một trong những loạt phim quan trọng của Thành Long, anh vào vai “phi ưng châu Á” Jackie, tay phiêu lưu kiểu Indiana Jones (có trợ thủ vụng về là đủ bộ) trong chuyến đi qua châu Âu. Anh giữ một thanh kiếm của bộ lạc châu Phi, cũng là phần mấu chốt trong “áo giáp của Thượng Đế”, và anh phải ngăn cản những kẻ xấu xa kiếm đủ bộ sưu tập.

Phim có cảm giác hơi khác so với một số cuộc phiêu lưu lúc đầu của Thành Long, phần lớn do các địa điểm ở Nam Tư.

Anh có bị thương không? Một pha tương đối đơn giản gây ra vết thương nặng chưa từng thấy của Thành Long. Ngôi sao này cận kề với tử thần sau khi rơi từ một cành cây gãy và vỡ một lỗ trên sọ não. Thính lực của tai phải giảm vĩnh viễn.

Câu chuyện cảnh sát 2 (1988)

Câu chuyện cảnh sát – loạt phim không thể không nhắc tới trong sự nghiệp của Thành Long

Thành Long không bao giờ tránh né các phần tiếp theo trong sự nghiệp trải dài sáu thập kỷ của mình, anh lại diễn vai Trần Gia Câu trong phần hai này. Bộ phim cũng thành công ở phòng vé, và nhận được những bài phê bình tích cực.

Trần Gia Câu bị giáng chức thành cảnh sát giao thông và sống trầm lặng hơn, nhưng tình trạng đó sớm thay đổi khi tên tội phạm bị anh tống vào tù trong phần đầu, Chu Thao, được thả ra, ốm sắp chết và thề báo thù.

Anh có bị thương không? Phần sau đầu của anh bị rách khi bị một chiếc ghế đang bay đánh trúng, anh cũng bị thương ở đầu khi đụng vào một bảng quảng cáo (tất nhiên là từ trên nóc xe buýt).

Kỳ tích (1989)

Thành Long vẫn làm đạo diễn cho bản làm lại không chặt chẽ của bộ phim Pocketful Of Miracles của Frank Capra. Anh vào vai một chàng trai đơn thuần trở thành thủ lĩnh xã hội đen sau một dịp may bất ngờ khi anh mua hoa từ một người bán dạo trên phố.

Bộ phim cổ trang cường điệu này không hợp với vũ đạo đầy sức sống của Thành Long, và Kỳ tích thu về không bù đủ kinh phí bỏ ra.

Anh có bị thương không? Một pha nguy hiểm liên quan đến xích lô khiến anh bị thanh gỗ đập qua mắt.

Kế hoạch Phi ưng (1991)

Kế hoạch Phi ưng – phần tiếp theo của Long huynh hổ đệ

Ở đây Thành Long sử dụng tài năng của mình cho một phần tiếp theo khác. Những điểm tương tự với loạt phim Indiana Jones còn rõ ràng hơn trong bộ phim này, khi nhân vật “phi ưng châu Á” của Thành Long truy tìm kho vàng của Đức Quốc xã.

Bộ phim chu du qua các địa điểm ở Tây Ban Nha, Ma-rốc và Philippines, mặc dù ở phòng vé, tác phẩm không thu về thỏa đáng so với kinh phí khổng lồ đã bỏ ra.

Anh có bị thương không? Thành Long ngã từ trên cao khi trượt dọc theo một sợi dây, làm cho xương ức của anh bị thương trong quá trình quay phim (các tin tức khác nhau cho hay anh bị vỡ hoặc trật khớp xương ức).

Câu chuyện cảnh sát 3: Cảnh sát siêu cấp (1992)

Mãi mãi hâm mộ loạt phim này, Thành Long lại đóng vai Trần Gia Câu trong Cảnh sát siêu cấp (hay Câu chuyện cảnh sát 3). Trong phần này, Trần Gia Câu hợp sức với giám đốc Tổ chức Cảnh sát Quốc tế Dương Kiến Hoa (Dương Tử Quỳnh) để hạ bệ – bạn thử đoán xem! – một tên trùm ma túy tàn bạo.

Câu chuyện không độc đáo đến mức khiến người ta sửng sốt, nhưng Thành Long (không làm đạo diễn bộ phim này) đã chứng tỏ anh vẫn là diễn viên hành động tốt bụng bậc thầy.

Anh có bị thương không? Một trong những cảnh ngoạn mục nhất của Thành Long: anh bị trật khớp vai sau cú va chạm với một chiếc máy bay lên thẳng!

City Hunter (1993)

Thành Long tiếp tục hưởng niềm vui trong phim hành động với tác phẩm chuyển thể từ truyện tranh khờ khạo mà thú vị này. Đã làm chủ dòng phim bắt chước Indiana Jones, dường như Thành Long thử làm phim giống như Bond.

Ruy Saeba (Thành Long) là một mật vụ được giao nhiệm vụ tìm kiếm cô con gái mất tích của tổng giám đốc một tờ báo. Cuộc tìm kiếm đưa anh lên một chiếc tàu khách xa hoa, đầy những con bạc, những phụ nữ quyến rũ và tên khủng bố kỳ cục.

Anh có bị thương không? Thành Long bị thương ở vai và đầu gối trong bộ phim này.

Áp phích phim City Huter Tổ trọng án

Tổ trọng án (1993)

Không liên qua đến loạt phim Câu chuyện cảnh sát, bộ phim tâm lý dựa trên câu chuyện có thật này chú trọng đấu súng hơn so với các bộ phim trước của Thành Long, và thiếu vắng nhiều khiếu hài hước đặc trưng của anh.

Thành Long vào vai một thanh tra cảnh sát được thuê để tìm một thương nhân bị bắt cóc. Trong phim, vụ việc được giải quyết, nhưng đáng tiếc điều này không xảy ra với vụ việc ngoài đời thực.

Anh có bị thương không? Bất chấp sự thay đổi về phương pháp, Thành Long vẫn thành công trong việc làm mình bị thương nặng. Trong một cảnh, anh bị kẹp giữa hai chiếc xe hơi và bị gãy cả hai chân.

Túy quyền 2 (1994)

Người say mê các phần tiếp theo, Thành Long, lại vào vai Hoàng Phi Hồng trong phần hai của bộ phim nổi tiếng trước kia Túy quyền. Cốt truyện, thành thật mà nói là kỳ quặc, kể về Thành Long cố gắng ngăn chặn Lãnh sự quán Anh đánh cắp những cổ vật Trung Quốc quý giá.

Anh trở lại với phong cách hài hước trong bộ phim này, khi anh phát hiện ra rằng uống rượu say quả thực giúp ích cho “túy quyền” của anh.

Anh có bị thương không? Ngoại trừ ảnh hưởng của rượu, có vẻ anh an toàn quay xong bộ phim này.

Náo loạn phố Bronx (1995)

Bộ phim hành động Hồng Kông này đã góp phần giới thiệu Thành Long với tư cách là một ngôi sao ở phương Tây. Có thể là nhờ phim lấy bối cảnh Mỹ (dù được quay ở Vancouver).

Đây là bằng chứng vững chắc cho việc sức hấp dẫn của Thành Long không nằm trong âm mưu phức tạp hay sự nhanh nhẹn, mà ở những cảnh đánh nhau ngoạn mục, những pha rượt đuổi táo bạo bằng ô tô và những cảnh nguy hiểm đến nghẹt thở.

Anh có bị thương không? Máy quay ghi lại Thành Long bị vỡ mắt cá chân sau một cú nhảy. Lúc nào cũng chuyên nghiệp, Thành Long nhờ các diễn viên vẽ thành hình chiếc giày, và tiếp tục quay phim.

Náo loạn phố Bronx Chàng trai tốt bụng, những bộ phim
đưa tên tuổi của Thành Long đến với khán giả phương Tây

Chàng trai tốt bụng (1997)

Nối tiếp thành công của Náo loạn phố Bronx, Thành Long rõ ràng nhắm tới khán giả có tư tưởng tiến bộ ở phương Tây hiện nay với bộ phim hành động Hồng Kông này. Lần này, anh có thể vào vai một đầu bếp nổi tiếng, tuy nhiên Thành Long sa vào công thức có thể đoán trước, một lần nữa lao vào những tên cướp hung ác.

Quyết định thực hiện bộ phim bằng tiếng Anh khiến Chàng trai tốt bụng có cảm giác hơi lai căng nửa mùa, hơn là trò giải trí ngờ nghệch thích thú mà những người hâm mộ mong đợi.

Anh có bị thương không? Vâng, chiếc mũi thép của Thành Long bị vỡ lần nữa.

Tôi là ai? (1998)

Thành Long trở lại vai trò viết kịch bản, đạo diễn và diễn xuất mạnh mẽ, ấn tượng, trong một cố gắng khác nhằm quảng bá hơn nữa thương hiệu Thành Long.

Trong bộ phim này anh vào vai Bourne, một siêu điệp viên bị mất trí nhớ cố gắng khám phá thân phận của mình trong khi trong khi đối phó với nhiều kiểu nhân viên CIA không đáng tin. Miễn là bạn thay thực trạng khó khăn của Bourne bằng tất cả những yếu tố tồi tệ nhất của phim hành động thập niên 1980, bạn sẽ hình dung ra bộ phim này.

Anh có bị thương không? Giá trị của anh bị tổn hại một chút.

Giờ cao điểm (1998)

Giờ cao điểm – thành công thực sự đầu tiên ở Hollywood của Thành Long

Thành Long đạt được thành công thực sự đầu tiên ở Hollywood (đúng là vậy, dù hay hay dở) với bộ phim hài hành động có sự giao thoa văn hóa này (không ngạc nhiên với những ai dõi theo sự nghiệp của anh cho tới nay, khi có hai phần tiếp theo).

Ác cảm với Chris Tucker sẽ tác động đáng kể đến khả năng chấp nhận bộ phim này của bạn, nhưng không phủ nhận thực tế là tác phẩm tạo ấn tượng khá cân bằng giữa những kỹ năng hành động độc nhất vô nhị của Thành Long với những thông lệ Hollywood.

Anh có bị thương không? Anh chứng tỏ bản năng sinh tồn không thể vượt qua được của mình qua việc cộng tác với Tucker suốt phim, và trở lại trong hai phần tiếp theo.

Trưa Thượng Hải (2000)

Thành Long tiếp tục tấn công Hollywood với bộ phim mang hơi hướng Viễn Tây thú vị một cách đáng kinh ngạc. Thật hữu ích khi anh cộng tác với diễn viên rất được mến mộ Owen Wilson, người đã tạo nên một nhóm cuốn hút hơn nhiều so với Tucker.

Bộ phim hào nhoáng có kinh phí lớn làm mất đi chút hồi hộp nguyên sơ trong những pha nguy hiểm tuyệt vời nhất của Thành Long ở Hồng Kông, tuy nhiên vẫn có những cảnh tuyệt vời đầy sinh lực và sống động hơn nhiều so với mong đợi của bạn về một tác phẩm khiêm tốn bỗng nhiên trở thành phim hè đình đám.

Anh có bị thương không? Những ông chủ quan tâm đến sức khỏe và an toàn ở Mỹ không cho phép điều đó xảy ra.

Giờ cao điểm 2 (2001)

Phần tiếp theo của bộ phim cực kỳ nổi tiếng hẳn là không phải nghĩ ngợi gì đối với ông vua của các loạt phim như Thành Long, nhất là khi phần đầu thành công vang dội ở phòng vé. Phần hai không làm thất vọng về mặt này, đạt doanh thu ấn tượng không kém (350 triệu USD).

Không chỉ vậy, những người hâm mộ vui sướng đã hào hứng đón nhận phần đầu, nhưng không thực sự đòi hỏi gì để làm dịu bớt tính tiêu cực của những điểm không cuốn hút trong lần trở lại này. Một số cảnh hài hước trên đường đua cũng gây chút khó chịu…

Anh có bị thương không? Thành Long vẫn bình an vô sự.

Bộ vest Tuxedo (2002)

Thành Long được khán giả nhí đặc biệt yêu thích

Với năng khiếu diễn hài và sở trường về những pha ẩu đả uy lực, không ngạc nhiên khi Thành Long được khán giả nhí nhất mực yêu thích, mặc dù những bộ phim đó không được người hâm mộ trung thành ưa thích cho lắm.

Ví dụ rõ ràng là Bộ vest Tuxedo. Thành Long vào vai một tài xế bị nhầm với nhân vật siêu điệp viên của Jason Issacs. Khi anh mặc bộ trang phục buổi tối – bộ vest tuxedo, bộ vest cho anh sức mạnh để thực hiện tất cả các kiểu động tác của cơ thể. Thực hổ thẹn khi bộ đồ đưa anh đi suốt phim mà không có nhiều sự sôi nổi từ nỗ lực tối đa của anh.

Anh có bị thương không? Trong bộ tuxedo này thì không.

Hiệp sĩ Thượng Hải (2003)

Thành Long và Owen Wilson lại đội mũ cao bồi và tới London để tìm một viên kim cương bị mất tích trong phần tiếp theo của Trưa Thượng Hải thú vị một cách đáng kinh ngạc. Thật tốt khi Thành Long đọ sức với người trợ thủ khó ưa Chân Tử Đan, người cũng có tài năng võ thuật thiên phú như một số bạn diễn gần đây của anh.

Các nhân vật người Anh cuốn hút với cảm xúc tương tự các khuôn mẫu trong Giờ cao điểm, nhưng khó mà phàn nàn khi bạn đứng trước một tác phẩm giải trí khéo léo như vậy.

Anh có bị thương không? Anh vẫn bộc lộ sự dẻo dai phi thường, xét tới anh đã 48 tuổi khi đóng bộ phim này.

Huy hiệu rồng (2003)

Mặt trái của sự gia nhập Hollywood của Thành Long là những bộ phim nhỏ như thế này ra đời hàng loạt. Những người lo lắng rằng một số tác phẩm gần đây của Thành Long đã giảm bớt những cảnh hành động nguyên sơ, bị sỉ nhục bởi dây cáp và đồ họa vi tính như trong bộ phim này.

Cốt truyện tinh tế kể về Thành Long săn đuổi một nửa còn lại của chiếc huy hiệu ma thuật với Lee Evans và Clair Forlani theo sát nút.

Anh có bị thương không? Anh bị đau (ơn trời là không nặng lắm) khi một sợi dây cáp bị đứt và đập vào mặt anh.

Áp phích phim Huy hiệu rồng 80 ngày vòng quanh thế giới

80 ngày vòng quanh thế giới (2004)

Trong tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của Jules Verne bị đánh giá sai này, Thành Long vào vai trợ thủ Passepartout của Phileas Fogg (Steve Coogan), dù kịch bản có khuynh hướng lấy đó làm phương tiện cho Thành Long hơn là chuyển thể trọn vẹn cuốn tiểu thuyết.

Không hẳn là tồi: Coogan xứng đáng với một bộ phim hay hơn, và Cécile De France là người bạn đường dũng cảm, nhưng chẳng có gì trong tác phẩm công phu này khiến cảm xúc thăng hoa, đặc biệt là những vai khách mời khiến người ta chê bai.

Anh có bị thương không? Không trong bộ phim này.

Tân câu chuyện cảnh sát (2004)

Dù thiên về sự nghiệp ở Hollywood, Thành Long không quay lưng lại với điện ảnh Hồng Kông, bằng chứng là bộ phim tội phạm ly kỳ này. Ngoại trừ tiêu đề, tác phẩm này chẳng liên quan gì đến những bộ phim Câu chuyện cảnh sát trước đó.

Tuy nhiên, ít nhất chúng ta được thấy anh trở lại với một vài cảnh hành động ấn tượng, khi anh làm lu mờ những chú hề thường là vai phụ trong phim: anh vào vai một thanh tra cảnh sát nghiện rượu cố gắng chuộc tội bằng cách thu phục một băng nhóm gây rối.

Anh có bị thương không? Nếu không kể một số cảnh nguy hiểm thì anh vô sự.

Giờ cao điểm 3 (2007)

Lúc này, có cảm giác loạt phim đặc biệt nhạt nhẽo. Tuy vẫn thành công vừa phải ở phòng vé nhưng không thế sánh bằng các phần trước (và quỷ quái là phần này tiêu tốn kinh phí nhiều hơn hai phần trước).

Dàn diễn viên phụ hấp dẫn (Max von Sydow, Roman Polanski, nổi bật trong các quảng cáo của M & S) cũng không đỡ nổi bộ phim hành động nhàm chán, tiếp tục mô típ giao thoa văn hóa.

Anh có bị thương không? Thành Long không sao, nhưng loạt phim có vẻ tử thương rồi.

Vua Kung Fu (2008)

Vua Kung Fu – bộ phim hội tụ hai ngôi sao Thành Long và Lý Liên Kiệt

Lý Liên Kiệt là người trợ thủ đấu khẩu với Thành Long trong bộ phim võ thuật trẻ con này. Dù có lẽ đây không phải là tác phẩm hoành tráng mà người hâm mộ những bậc thầy về võ thuật hy vọng, song lại vui vẻ hơn so với một số tác phẩm trước của Thành Long.

Kịch bản kể về cậu thiếu niên người Mỹ xuyên qua một cách kỳ diệu trở về một ngôi làng Trung Quốc xa xưa, nơi cậu phải tìm một nhóm trợ thủ và giải thoát cho Mỹ Hầu Vương. Hành động ấn tượng, thế là đủ khiến người hâm mộ hài lòng, Thành Long cùng Lý Liên Kiệt diễn xuất rất tuyệt.

Anh có bị thương không? Anh khỏe mạnh trong bộ phim này.

Kung Fu Panda (2008)

Thành Long chỉ nằm trong danh sách diễn viên được thuê lồng tiếng cho bộ phim hoạt hình hài hước gồm toàn sao của DreamWorks, trong đó Jack Black, Dustin Hoffman và Angelina Jolie được trả công cao nhất.

Thành Long vào vai Hầu ca, thành viên trong nhóm Ngũ đại Hào kiệt, và anh mang tới chút chân thực phụ họa hơn là gây ảnh hưởng lớn. Nghĩa là, bộ phim hoạt hình táo bạo này có một tấm lòng rộng rãi, không thiếu tiếng cười và vài cảnh đánh nhau với vũ đạo tuyệt đỉnh.

Anh có bị thương không? Anh bình an vô sự.

The Spy Next Door (2010)

Khi Thành Long tìm được những bộ phim phù hợp với trẻ em, anh diễn chỉ vì khán giả nhí trong bộ phim này. Anh vào vai một điệp viên, người rốt cuộc trông nom ba đứa trẻ ầm ĩ nhà hàng xóm, vận dụng các kỹ năng và thiết bị của mình để quản chúng, sau đó đưa chúng tham gia một nhiệm vụ: Điệp viên nhí.

Tất nhiên đây không phải là phim dành cho người lớn, nhưng nếu bạn phải trông trẻ vài giờ, có lẽ bạn cũng nên để Thành Long mê hoặc đầu óc non nớt của chúng.

Anh có bị thương không? Chắc chắn là không.

Thành Long – ông vua của phim gia đình

The Karate Kid (2010)

Dù thực ra bộ phim phải mang tựa đề The Kung Fu Kid, tác phẩm làm lại này nhận được các bài bình luận tích cực đáng ngạc nhiên, củng cố vị trí ông vua của phim gia đình có thêm các cảnh đánh nhau của Thành Long.

Trong bộ phim này anh thủ vai Ngài Miyagi của Pat Morita (được đổi tên là Hàn tiên sinh), và thể hiện hiểu biết phong phú trong vai sư phụ của cậu bé người Mỹ ở Bắc Kinh do Jaden Smith đóng. Tuy nhiên, đáng tiếc là Thành Long chỉ có một cảnh đánh nhau.

Anh có bị thương không? Không, nhưng biểu hiện xuất sắc ở phòng vé chẳng hại gì đến uy tín của anh ở dòng phim chính.

Kung Fu Panda 2 (2011)

Thành Long trở lại với điện ảnh (ít nhất là qua giọng nói) trong Kung Fu Panda 2. Khi Po và Ngũ đại Hào kiệt hợp sức để chiến đấu với sự đe dọa của một con công xấu xa, DreamWorks còn đưa nhiều ngôi sao hơn vào vai phụ (Gary Oldman, Dương Tử Quỳnh, Danny McBride, Jean Claude Van Damme).

Mặc dù tập hợp nhiều nhân vật hơn và những khuôn mẫu sôi nổi, phần tiếp theo này cố gắng duy trì sự cuốn hút của phần đầu, đồng thời sử dụng hiệu quả công nghệ 3D.

Anh có bị thương không? Tin đồn Thành Long bị vấp và xước đầu gối khi bước vào phòng thu vẫn chưa được chứng thực.


Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Total Film

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.