Nhân vật & Sự kiện

Jean-Luc Godard (1930-2022): Nhà đạo diễn táo bạo đã định hình điện ảnh Pháp Làn Sóng Mới

15/09/2022

Nhà làm phim hai quốc tịch Pháp-Thụy Sĩ và người khiêu khích tư duy lại triệt để phim ảnh và ảnh hưởng lâu dài lên loại hình nghệ thuật này.

Jean-Luc Godard, đạo diễn cách tân táo bạo và khiêu khích với phong cách quay phim độc đáo, phong cách kể chuyện rời rạc và thiên hướng chính trị cấp tiến đã thay đổi nghề làm phim trong những năm 1960, để lại ảnh hưởng lâu dài, qua đời hôm thứ ba 13/9 tại nhà riêng ở Rolle, Thụy Sĩ. Ông được 91 tuổi.

Jean-Luc Godard năm 1964. “Tôi luôn nhầm lẫn điện ảnh với cuộc sống,” ông nói. “Với tôi cuộc sống chỉ là một phần của những bộ phim”

Cố vấn pháp lý lâu năm của ông, Patrick Jeanneret, cho biết Godard được trợ tử, do mắc phải “nhiều bệnh lý gây tàn phế.”

Jeanneret nói trong phỏng vấn qua điện thoại: “Ông ấy không thể sống như bạn và tôi, vì vậy ông đã quyết định với sự sáng suốt tuyệt vời, vì ông đã có cả cuộc đời của mình, để nói: ‘Thế là đủ rồi.’” Godard muốn chết một cách đường hoàng, Jeanneret nói, và “đó chính xác là điều ông ấy đã làm.”

Là bậc thầy về biểu tượng cũng như phim ảnh, Godard từng nhận xét: “Một bộ phim gồm mở bài, thân bài và kết luận, mặc dù không nhất thiết phải theo thứ tự đó.”

Thực tế, ông hiếm khi xáo trộn dòng thời gian trong phim của mình, thay vì vậy ông thích nhảy tới trước qua các câu chuyện bằng cách “cắt cảnh” hình elip, mà ông rất hay sử dụng đến mức thành một công cụ được chấp nhận rộng rãi. Ông còn không bao giờ thấy chán làm cái việc phân rã các hình thức đã có và tập hợp lại theo những cách luôn mới mẻ, thường xuyên dí dỏm, đôi khi trừu tượng nhưng kích thích không ngừng.

Jean-Paul Belmondo và Jean Seberg trong phim Breathless năm 1959. Bộ phim đại diện cho Làn Sóng Mới của Pháp

Là một nhà phê bình trẻ vào những năm 1950, Godard là một trong số những cây bút biểu tượng đã giúp biến một ấn phẩm mới mang tên Cahiers du Cinéma thành thế lực phê bình quét sạch những vệ binh bảo thủ của nền điện ảnh nghệ thuật châu Âu và thay bằng những người hùng mới phần lớn rút ra từ hàng ngũ điện ảnh thương mại Mỹ — các đạo diễn như Alfred Hitchcock và Howard Hawks.

Khi phim truyện đầu tiên do ông làm đạo diễn, Breathless (À Bout de Souffle), được phát hành vào năm 1960, Godard đã cùng một số đồng nghiệp ở Cahiers tham gia một phong trào mà báo chí Pháp đã sớm dán nhãn la Nouvelle Vague — Làn Sóng Mới.

Đối với Godard, cũng như những người bạn và cộng sự trong Làn Sóng Mới như François Truffaut, Claude Chabrol, Jacques Rivette và Eric Rohmer, “truyền thống phẩm chất” mà nền điện ảnh Pháp lâu đời đề ra là một ngõ cụt về mặt thẩm mỹ. Theo họ, nó đã bị kiềm hãm bởi những ảnh hưởng văn chương và thể hiện rỗng tuếch về tay nghề cần phải hạ bệ đi để nhường chỗ cho xinê mới, một nền điện ảnh xuất phát từ cá tính và sở thích của đạo diễn.

Jean Seberg và Godard tại tiệc ra mắt phim Breathless ở Paris năm 1960

Mặc dù Breathless không phải là bộ phim Làn Sóng Mới đầu tiên (trước đó đã có Beau Serge năm 1958 của Chabrol và 400 Blows năm 1959 của Truffaut), nó đã trở thành đại diện cho phong trào này. Một cách không biện giải, Godard đã đặt kỹ thuật dẫn chuyện và nhân vật liền kề nhau thừa hưởng thể loại và chất liệu cảm xúc lấy ra từ cuộc sống cá nhân của nhà làm phim, ở dạng gần giống như nhật ký.

Bộ phim kể chuyện một kẻ ăn cắp vặt ở Paris (Jean-Paul Belmondo) trộm cắp để gom góp đủ tiền chạy đến Rome với cô sinh viên người Mỹ (Jean Seberg), người có vẻ thờ ơ trước tình cảm của anh ta dù đang mang thai với anh ta.

Breathless là sự lai ghép nghệ thuật dường như nắm bắt được những gián đoạn và xung đột của cuộc sống hiện đại, một nửa nằm trong thế giới công chúng giả tạo do truyền thông tạo ra và một nửa nằm trong vùng sâu thẳm nhất của ý thức. Trong giai đoạn sau này, cấp tiến hơn của Godard, ông đi đến giả thuyết rằng không có phân biệt thực sự giữa hai cõi ấy.

Nhà phê bình Richard Brody viết trong Everything Is Cinema: The Working Life of Jean-Luc Godard: “Sau Breathless, bất cứ thẩm mỹ nghệ thuật nào cũng có thể xuất hiện trong rạp chiếu phim. Bộ phim chuyển động với tốc độ của tâm trí và dường như, không giống bất cứ điều gì trước đó, là đoạn ghi âm trực tiếp suy nghĩ của một người trong thời gian thực.

Godard chỉ đạo Jean-Paul Belmondo trên trường quay Breathless

“Đó còn là một thành công vĩ đại, một hiện tượng bước ngoặt,” Brody nói thêm. “Hơn bất kỳ sự kiện nào cùng thời, Breathless đã truyền cảm hứng cho các đạo diễn khác làm phim theo cách mới và khơi dậy mong muốn làm phim của những người trẻ tuổi. Ngay lập tức đưa điện ảnh trở thành loại hình nghệ thuật chính của một thế hệ mới.”

Là người đàn ông thấp bé, mảnh khảnh, thường xuyên cau có, đeo cặp kính đen gọng dày và luôn có mặt điếu thuốc lá hoặc xì gà, Godard hiếm khi trả lời phỏng vấn. Mà hễ trả lời phỏng vấn, ông thường làm chệch hướng những câu hỏi thăm dò cuộc sống và nghệ thuật của mình.

Câu hỏi của một nhà báo vào năm 1980 về quyết định rời Paris năm 1974 để đến Grenoble, trên dãy Alps của Pháp, và sau đó đến Thụy Sĩ, đã khơi ra một số giải thích mâu thuẫn — bao gồm chèn một khẳng định của Godard rằng vào một ngày bất chợt nảy ra, ông đã “cứ thế nhảy lên xe và lái vào đường cao tốc.”

Đó là miêu tả một cảnh nổi tiếng trong Breathless, nhân vật của Jean-Paul Belmondo bốc đồng trộm một chiếc ô tô ở Marseille và lái xe về vùng nông thôn mà không có kế hoạch.

Weekend năm 1967 kết thúc giai đoạn đầu sự nghiệp của Godard, sau đó ông lao vào chính trị

“Vấn đề khi nói chuyện với mọi người là tôi luôn nhầm lẫn điện ảnh với cuộc sống,” Godard nói trong cuộc phỏng vấn đó. “Với tôi cuộc sống chỉ là một phần của những bộ phim.”

Năm 2010, Godard, vốn bất hòa với Hollywood suốt bao lâu, được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh trao giải Oscar danh dự thành tựu trọn đời, nhưng không phải là không có tranh cãi. Giải thưởng này đã làm sống lại những cáo buộc âm ỉ từ lâu rằng Godard có quan điểm bài Do Thái.

Ông không đến buổi lễ, và sau đó khi người ta hỏi rằng giải thưởng ấy có ý nghĩa như thế nào đối với ông, Godard đáp thẳng thừng.

“Không có gì,” ông nói. “Nếu Viện Hàn lâm thích làm điều đó, thì cứ để họ làm.”

Sinh ra trong giàu có

Jean-Luc Godard sinh ngày 3 tháng 12 năm 1930 tại Paris, là con thứ hai trong gia đình có bốn người con theo đạo Tin lành cực kỳ giàu có. Người cha gốc Pháp của ông, Paul-Jean, là một bác sĩ lỗi lạc, và mẹ ông, Odile Monod, là con gái một chủ ngân hàng hàng đầu Thụy Sĩ. Godard cho rằng cha mẹ đã truyền cho ông tình yêu văn chương; ban đầu ông đã muốn trở thành một tiểu thuyết gia.

Godard trên trường quay Pierrot le Fou những năm 1960

Paul-Jean Godard, đã trở thành công dân Thụy Sĩ, mở một phòng khám ở Nyon, Thụy Sĩ, và Jean-Luc trải qua thời thơ ấu ở đó, thăm các dinh thự của gia đình ông ở cả hai bên hồ Geneva của Pháp và của Thụy Sĩ và ở đó cho đến khi kết thúc Thế chiến II.

Sau khi nước Pháp được giải phóng, ở tuổi thiếu niên ông trở về Paris theo học trường trung học Lycée Buffon, sau đó đăng ký vào đại học Sorbonne năm 1949, dự định học ngành dân tộc học. Nhưng ông lại đắm mình vào điện ảnh, dành phần lớn thời gian ở Cinémathèque Française, một phòng chiếu và lưu trữ phim phi lợi nhuận, và trong các cộng đồng điện ảnh của Khu Latinh.

Chính tại Cinémathèque, ông đã làm quen với André Bazin, nhà phê bình và lý luận điện ảnh có ảnh hưởng, và những người đam mê điện ảnh trẻ khác trong vòng giao tế xã hội của ông, bao gồm Truffaut, Rohmer và Rivette. Ông bắt đầu viết bài bình luận cho tạp chí La Gazette du Cinéma vào năm 1952 dưới bút danh Hans Lucas, và sau đó tham gia cùng Truffaut, Rohmer và Rivette với tư cách là cộng tác viên cho Cahiers du Cinema do Bazin sáng lập.

Khi cha mẹ từ chối chu cấp, hy vọng ông sẽ tự chịu trách nhiệm hơn, Godard bắt đầu ăn cắp tiền — từ các thành viên trong gia đình, bạn bè của họ và thậm chí từ tòa soạn Cahiers du Cinema. Chuyện này diễn ra suốt năm năm.

Vợ của Godard, Anna Karina, đóng chính trong Band of Outsiders năm 1964, nhân vật của cô có những điểm tương đồng với mẹ của Godard

Ông đã phân phối chỗ tiền lấy được cho các nhà làm phim đồng nghiệp, cho Rivette vay đủ tiền để thực hiện bộ phim đầu tay Paris Belongs to Us.

Vào năm 2007 Godard nói với The Guardian: “Tôi chôm tiền để có thể xem phim và làm phim.”

Sau khi mẹ ông kiếm cho ông một công việc với một đài truyền hình Thụy Sĩ, Godard đã ăn cắp của chủ mình và phải vào tù ở Zurich năm 1952. Cha ông nhanh chóng giúp ông được trả tự do, nhưng chỉ sau khi Godard đồng ý dành vài tháng trong bệnh viện tâm thần.

Godard bị cha mẹ ghẻ lạnh, và khi mẹ ông qua đời trong một tai nạn giao thông năm 1954, ông đã không dự đám tang.

Một thập kỷ sau, Godard bày tỏ lòng kính trọng mẹ mình trong Band of Outsiders, bộ phim kể về hai tên trộm phải lòng cô gái trẻ sống trong một biệt thự. Vai nữ chính, do Anna Karina, một người mẫu Đan Mạch, vợ của Godard (vợ đầu tiên của ông) thời điểm đó đóng, có tên giống mẹ ông, Odile, và giống mẹ ông, nhân vật này ghét phim.

Cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp gắn liền nhau trong suốt sự nghiệp của Godard. Hôn nhân đầu tiên của ông, năm 1961, với Karina, kết thúc bằng ly hôn năm 1964. (Bà mất năm 2019.) Năm 1967, ở tuổi 36, Godard kết hôn với Anne Wiazemsky, nữ diễn viên kém ông 16 tuổi, người đóng vai chính trong phim La Chinoise của ông. Bà Wiazemsky, qua đời năm 2017, đã viết hai cuốn sách về cuộc hôn nhân của họ, kết thúc vào năm 1979. Cách đây 12 năm, Godard kết hôn với Anne-Marie Miéville, sống với ông đến nay.

Năm 1967, ở tuổi 36, Godard kết hôn với Anne Wiazemsky, nữ diễn viên kém ông 16 tuổi, người đóng vai chính trong phim La Chinoise của ông (ảnh trên, trái)

Godard đã phát triển bản phác thảo Breathless vào năm 1959, lấy cảm hứng từ một mẩu báo Truffaut đưa cho ông. Về diễn viên, ông chọn Belmondo, con trai của một nhà điêu khắc nổi tiếng mới bắt đầu sự nghiệp diễn xuất và Seberg, một nữ diễn viên người Mỹ mà các nhà phê bình ở Cahiers ngưỡng mộ diễn xuất của cô trong hai bộ phim của Otto Preminger, Saint Joan (1957) và Bonjour Tristesse (1958).

Godard vẫn được biết đến nhiều nhất với Breathless và khoảng một chục bộ phim mà ông thực hiện liên tiếp sau đó, kết thúc với Weekend năm 1967. Khán giả phổ quát nhận ra chủ nghĩa lãng mạn cam chịu nơi nhân vật trung tâm của Belmondo trong Breathless, một tên tội phạm đáng thương đồng nhất mình với chủ nghĩa lãng mạn cam chịu ở các nhân vật do Humphrey Bogart thủ vai trong các bộ phim Mỹ mà Godard và các đồng nghiệp của ông ở Cahiers ngưỡng mộ.

Ở chừng mực nào đó, Breathless, được sản xuất với kinh phí 70.000 đôla, dường như đã đáp ứng được tuyên ngôn khinh miệt nổi tiếng của Godard, “Tất cả những gì bạn cần để làm một bộ phim là một cô gái và một khẩu súng.” Nhưng nhịp điệu giật cục — với những cảnh đôi khi không theo trình tự — khiến khán giả mê mẩn và rối rắm.

Viết vài năm sau khi bộ phim được phát hành, nhà phê bình văn hóa Susan Sontag đã ví tác động của Breathless đối với điện ảnh giống như tác động của trường phái Lập thể đối với hội họa truyền thống. Và khi trình chiếu Breathless phục chế năm 2000, nhà tiểu luận kiêm tiểu thuyết gia Philip Lopate cho biết ông cảm thấy phấn khích trước bộ phim y như lần đầu tiên xem nó 40 năm trước.

Le Petit Soldat, chỉ trích hành vi của nước Pháp trong cuộc kháng chiến giành độc lập của Algeria, đã bị cấm ở Pháp trong ba năm

Những bộ phim tiên phong tuyệt vời khác cũng được phát hành cùng thời điểm: L’Avventura (1960) của Michelangelo Antonioni, The 400 Blows của Truffaut (1959) và The Virgin Spring (1960) của Ingmar Bergman. “Tuy nhiên, dường như chỉ Breathless mới là bước đột phá mang tính cách mạng đối với nền điện ảnh trước đây,” Lopate viết trên The New York Times. “Đó dường như là một kiểu kể chuyện mới, với những chuyển cảnh xấc xược, lạc đề, trích dẫn, trong những câu chuyện hài và tán tỉnh người xem.”

Bộ phim đã thành công quốc tế, một trong những thành công thương mại mở rộng trong sự nghiệp của Godard. Thậm chí còn có phiên bản làm lại của Mỹ năm 1983 với Richard Gere đóng.

Đi vào chính trị

Nhưng thay vì lặp lại công thức chiến thắng của Breathless, Godard đã đưa yếu tố chính trị cấp tiến vào bộ phim tiếp theo của mình, Le Petit Soldat xám xịt, u ám, bộ phim chỉ trích hành vi của nước Pháp trong cuộc chiến giành độc lập của Algeria. Bộ phim bị cấm chiếu rạp ở Pháp trong ba năm, trong thời gian đó, Godard đạo diễn phim nhạc kịch màn ảnh rộng, đầy màu sắc cho Hollywood, A Woman Is a Woman (1961), với Karina đóng chính, và My Life to Live khắc nghiệt chịu ảnh hưởng Scandinavia, đã đưa cô vào vai một bà nội trợ Paris, người trôi giạt vào cuộc đời gái mại dâm.

Năm 1963, nhà sản xuất người Ý Carlo Ponti đã đề nghị cho Godard một khoản kinh phí khổng lồ và sự tham gia của Brigitte Bardot, khi đó đang ở đỉnh cao nổi tiếng quốc tế, để tạo ra phiên bản điện ảnh cho cuốn tiểu thuyết Il Disprezzo của Alberto Moravia. Kết quả là Contempt, câu chuyện về một nhà biên kịch (do Michel Piccoli thủ vai), được một nhà sản xuất ăn hối lộ người Mỹ (Jack Palance) thuê viết kịch bản Odyssey quay ở Rome do một đạo diễn kỳ cựu của Hollywood (Fritz Lang, đóng vai chính mình) chỉ đạo.

Brigitte Bardot trên trường quay Contempt

Nhà biên kịch đấu tranh để duy trì sự chính trực với công việc và với vợ mình (nhà sản xuất dường như có mưu đồ cho cả hai), nhưng nhận thấy lòng tự tôn của anh dần dần mất đi. Giữa những màn pháo hoa thông thường của Godard — gồm những cảnh quay Bardot khỏa thân, được chèn vào để đáp ứng các yêu cầu theo hợp đồng với Ponti — Contempt vẫn giữ được cảm giác trầm lắng về bi kịch của con người khiến nó trở thành kiệt tác trong thời kỳ đầu của Godard trong mắt giới nhà phê bình.

Khi những năm 1960 bắt đầu, Godard tiếp tục làm việc với tốc độ chóng mặt, tạo phác thảo cho các tuyển tập phim — bao gồm RoGoPaG (1963) và Paris vu Par (1965) — cùng với các phim như Band of Outsiders (1964), Une Femme Mariée (1964), Pierrot le Fou (1965) và Masculin Féminin (1966).

Trong phim Alphaville (1965), ông đã gảy lên một nhân vật của điện ảnh đại chúng Pháp, thám tử tư kiêm mật vụ Lemmy Caution, cùng với nam diễn viên người Mỹ xa xứ Eddie Constantine, đã đóng vai Caution (hoặc các biến thể của nhân vật này) trong nhiều bộ phim, và thả anh vào một tương lai hậu tận thế do một máy tính khổng lồ cai trị.

Bất chấp những đổi mới về phong cách của mình, tại thời điểm này, Godard đã nhìn thế giới trong ý nghĩa hão huyền xưa cũ: như cuộc đấu tranh của một cá nhân anh hùng chống lại các thế lực luật lệ và áp bức.

Godard, thứ hai từ trái sang, đã bế mạc Liên hoan phim Cannes năm 1968 cùng với các nhà làm phim đồng nghiệp (từ trái sang) Claude Lelouch, François Truffaut, Louis Malle và Roman Polanski

Điều đó đã thay đổi vào tháng 2 năm 1968, khi ông cùng với một số đồng nghiệp Làn Sóng Mới, đứng ra phản đối quyết định của Bộ trưởng Văn hóa Pháp, André Malraux, buộc Henri Langlois từ chức giám đốc Cinémathèque Française, viện phim tư liệu mà Langlois đã giúp thành lập vào năm 1936.

Các cuộc biểu tình tràn ngập đường phố và tăng nhanh theo sự sốt ruột đòi hỏi tái cấu trúc chung xã hội Pháp.

Vào cuối tháng 4, các cuộc biểu tình đã trở nên bạo lực. Hai tuần sau, Godard cùng với Truffaut, Alain Resnais, Claude Lelouch, Louis Malle và các nhân vật điện ảnh khác bế mạc Liên hoan phim Cannes. Các cuộc biểu tình vào tháng 5 năm 1968 đang diễn ra sôi nổi, và ông Godard đã đu theo, đả kích các nhà làm phim đồng nghiệp không thể hiện đủ tình đoàn kết với các sinh viên và công nhân đang biểu tình ở Pháp.

Về phần mình, Godard từ bỏ điện ảnh thương mại và lao vào chính trị cực đoan, bắt tay thực hiện một loạt phim, được tài trợ mau chóng và quay bằng phim16 mm tiết kiệm, cố gắng bỏ phim hư cấu lại sau lưng. Sau một cặp phim dạy đời dữ dằn, Un Film Comme les Autres (1968) và Le Gai Savoir (1969), và một dự án đẻ non với Rolling Stones, được phát hành theo mong muốn của Godard là Sympathy for the Devil (1968), ông cùng với nhà làm phim Jean-Pierre Gorin thành lập một tập thể gọi là Dziga Vertov Group, theo tên nhà làm phim Liên Xô có những công trình tạo ra một dạng phim tài liệu chính trị mới mà họ rất ngưỡng mộ.

Godard trên trường quay Sympathy for the Devil (1968)

Các bộ phim trong thời kỳ này, bao gồm The Wind From the East (1970), Struggle in Italy (1971) và Vladimir and Rosa (1970), không được phát hành hoặc được chấp nhận rộng rãi, mặc dù chúng vẫn có giá trị tạo tác từ một thời kỳ đầy biến động và giúp mở đường cho những bộ phim không kém phần khiêu khích nhưng ít hạn chế về hệ tư tưởng sau đó.

Một nỗ lực năm 1972 nhằm đưa các nét đặc trưng của Vertov Group trở thành xu hướng chính với bộ phim 35mm Tout Va Bien, với sự tham gia của Jane Fonda và Yves Montand, không thành công về mặt thương mại, mặc dù dẫn đến một phim ngắn, Letter to Jane, chỉ ra con đường tiến tới màn ba cuối sự nghiệp của Godard.

Khi máy quay xem xét kỹ lưỡng bức ảnh tĩnh của Fonda chụp ở Hà Nội, Việt Nam, Godard, đọc lời bình, phân tích biểu cảm của cô và cố gắng sắp xếp bức ảnh thời sự này trong bối cảnh những bức ảnh công chúng được chụp cho các bộ phim Hollywood, bao gồm một cảnh quay cha cô, Henry Fonda, trong vai Tom Joad, anh hùng của Chùm nho uất hận.

‘Trở thành người lớn’

Godard sẽ đưa cách tiếp cận tối giản và cấu trúc tùy bút này vào lĩnh vực nghệ thuật video đang lên, với các tác phẩm như Numéro Deux (đồng biên kịch với Miéville) và phim bộ truyền hình sáu tập Six Fois Deux / Sur et Sous la Communication.

Nỗ lực năm 1972 nhằm đưa các nét đặc trưng của Vertov Group trở thành xu hướng chính với bộ phim 35mm Tout Va Bien, với sự tham gia của Jane Fonda và Yves Montand

Những tác phẩm ngắt quãng triệt để này sử dụng nhiều lớp nhạc nền dày đặc và tan biến nhanh để thoát khỏi các câu chuyện tuyến tính và các lập luận lớp lang, thay vào đó đưa người xem vào hàng loạt ấn tượng mâu thuẫn, các trích dẫn ô hợp, chơi chữ phức tạp và bình phẩm nghịch lý.

Godard nói về bộ phim truyền hình này, thu hút rất nhiều công luận nhưng ít người xem: “Thậm chí không phải là một bản phác thảo. Đó là cục tẩy, tờ giấy để tạo ra bản phác thảo.”

Năm 1979, Godard lại di dân, lần này đến Rolle, Thụy Sĩ, ông có một ngôi nhà và phòng chế tác ở đó — cùng một ngôi nhà khác ở ngoại ô Paris — cho phần còn lại của sự nghiệp.

Bắt đầu làm phim chính thống trở lại vào năm 1980, với Sauve Qui Peut (La Vie) (phát hành tựa tiếng Anh là Every Man for Himself), Godard thường xuyên di chuyển qua lại giữa phim truyện chiếu rạp với các ngôi sao lớn (Détective, với Johnny Hallyday; Nouvelle Vague, với Alain Delon; và Hélas Pour Moi, với Gérard Depardieu) và phim ngắn và video thông thường hơn dành cho truyền hình và chiếu liên hoan phim.

Những tác phẩm đó thường có cảnh Godard vào vai chính mình bình luận về những bộ phim vừa mới hoàn thành (Scénario du Film ‘Passion’, 1982), liến thoắng tại nhà ông ở Thụy Sĩ với Miéville (Soft and Hard 1986), phỏng vấn những người nổi tiếng (Meetin' WA, 1986, với Woody Allen) hoặc suy ngẫm về cái chết của chính mình (JLG / JLG — Autoportrait de Décembre, 1995).

Nouvelle Vague với Alain Delon

Năm 1988, ông bắt đầu một trong những dự án tham vọng nhất của mình, phim bộ bảy phần về lịch sử điện ảnh, Histoire (s) du Cinéma, mà ông đã hoàn thành vào năm 1998. Tác phẩm dày đặc, ám chỉ điên cuồng này bao gồm các đoạn phim — mọi thứ từ tác phẩm kinh điển của Hollywood đến phim khiêu dâm hạng nặng và cảnh quay trại tập trung — đi kèm trích đoạn nhạc cổ điển và những suy ngẫm ngoài màn ảnh của Godard về đạo đức của việc tạo hình và vai trò của điện ảnh trong thế kỷ 20.

Trong một phỏng vấn năm 1992 với The New York Times, Godard nói: “Khi làm phim Breathless, tôi là một đứa con nít trong điện ảnh. Bây giờ tôi đang trở thành người lớn. Tôi cảm thấy mình có thể tốt hơn. Tôi nghĩ nghệ sĩ khi lớn lên sẽ khám phá ra những gì họ có thể làm được.”

Càng có tuổi, dường như Godard càng không khoan dung hơn với các đạo diễn khác. Ông cãi nhau gay gắt với Truffaut, từng là một người bạn thân nhất trong số các đạo diễn Làn Sóng Mới.

Godard đặc biệt gay gắt với Steven Spielberg. Trong bộ phim In Praise of Love năm 2001, ông miêu tả các đại diện của Spielberg đang cố gắng mua quyền làm phim về những ký ức của một cặp vợ chồng Do Thái đã chiến đấu trong Kháng chiến Pháp. Nhận xét về độ chanh chua của bộ phim, nhà phê bình A.O. Scott của The New York Times đã viết vào năm 2002 rằng nó “hoàn tất hành trình của Godard từ chỗ là một trong những người cấp tiến vĩ đại nhất của điện ảnh thành một trong những kẻ phản động gàn dở nhất.”

In Praise of Love năm 2001, Godard miêu tả các đại diện của Spielberg đang cố gắng mua quyền làm phim về những ký ức của một cặp vợ chồng Do Thái đã chiến đấu trong Kháng chiến Pháp

Tính cách của Godard cũng khó gần như nhiều bộ phim của ông. Các nhà viết tiểu sử lấp đầy từng trang những chi tiết thù hận và ly khai của ông. Ông và Truffaut đã cãi nhau sau khi phát hành Day for Night của Truffaut năm 1973 và không bao giờ hòa lại cho tới khi Truffaut chết vì u não năm 1984. Khi một người phỏng vấn chương trình trò chuyện tái hợp Godard và Karina vào năm 1987, sự thờ ơ của Godard khi trả lời câu hỏi về chuyện tình cảm của họ đã khiến bà Karina phải rời trường quay bỏ về.

Đối với những cáo buộc bài Do Thái, nổi lên ở nhiều thời điểm khác nhau trong sự nghiệp của Godard, được những nhận xét lẫn một số bộ phim của ông châm thêm dầu vào lửa, Godard đã đưa ra một câu trả lời khó nắm bắt cho người phỏng vấn vào năm 2010.

Ông nói: “Tất cả các dân tộc ở Địa Trung Hải đều là người Semite. Vì vậy, antisemite có nghĩa là bài-Địa Trung Hải. Cách nói này áp dụng cho người Do Thái chỉ sau nạn Holocaust và Thế chiến hai. Nó không chính xác và không có nghĩa gì cả.”

Tuy nhiên, bất kể những sai sót cá nhân của ông và thực tế là rất ít phim của ông tìm được khán giả chủ lưu, Godard đã là và vẫn là một người có ảnh hưởng quan trọng đối với các nhà làm phim đầy tham vọng. Ví dụ, Quentin Tarantino đã đặt tên cho công ty sản xuất mà ông thành lập vào năm 1991 là A Band Apart, theo tên bộ phim Band of Outsiders của Godard. (Bande à Part là tựa tiếng Pháp.)

Godard năm 2010. Càng có tuổi, dường như ông càng khó chịu với các đạo diễn khác

“Đối với tôi, Godard đã làm với điện ảnh những gì Bob Dylan đã làm với âm nhạc,” Tarantino từng nói. “Cả hai đều đã cách mạng hóa hình thức của mình.”

Godard khẳng định dù thất vọng với Hollywood đương đại nhưng ông vẫn say mê những đạo diễn vĩ đại của Mỹ trong quá khứ.

“Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể làm tốt hơn những bộ phim dở, nhưng không tốt hơn những bộ phim hay,” ông nói trong một phỏng vấn của The New York Times năm 1989. “Bản thân tôi, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm tốt hơn John Ford hay Orson Welles, nhưng tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ làm những gì mà Godard có mặt trên đời để làm.”

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.