Nhân vật & Sự kiện

Mặt tối của nền công nghiệp anime Nhật Bản

21/07/2019

Pikachu phóng điện tấn công nước Mỹ năm 1998 và làm thay đổi cuộc sống của cả một thế hệ.

Cơn sốt anime bắt đầu từ đầu thế kỷ 20 với các nữ sinh trung học có phép thuật Thủy thủ Mặt trăng đi cứu các hành tinh xa xôi; hải tặc, người máy và người cá tìm kiếm một kho báu huyền thoại trong One Piece; và cậu bé Ash Ketchum trong nhiệm vụ cao cả “bắt hết chúng nó” của Pokémon.

Những bộ phim kinh điển này và nhiều phim khác dẫn dắt cuộc tấn công; từ năm 2002 đến 2017, ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản đã tăng gấp đôi quy mô lên hơn 19 tỉ đôla hàng năm. Một trong những anime nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất, Neon Genesis Evangelion, cuối cùng đã ra mắt trên Netflix trong tháng này, đánh dấu kết thúc nhiều năm trông đợi và là đỉnh cao mới cho phạm vi toàn cầu của anime.

Nhưng thành công bề ngoài của anime che giấu một thực tế kinh tế tiềm ẩn đáng lo ngại: Nhiều họa sĩ hoạt hình đằng sau phép màu trên màn ảnh sống bần cùng và phải đối mặt với điều kiện làm việc có thể dẫn đến cháy sạch và thậm chí tự tử.

Mâu thuẫn căng thẳng giữa một cấu trúc công nghiệp tàn nhẫn và chủ nghĩa duy mỹ nghệ thuật của anime buộc các họa sĩ phải chịu đựng sự bóc lột vì nghệ thuật, mà trước mắt không thấy có giải pháp nào.

Cậu bé Ash Ketchum trong nhiệm vụ cao cả “bắt hết chúng nó” của phim Pokémon: The First Movie năm 1998, khởi đầu cuộc tấn công chinh phục thế giới của anime Nhật Bản

Vấn đề lao động nô lệ anime

Anime được vẽ tay gần như hoàn toàn. Cần có kỹ năng để tạo hoạt hình vẽ tay và kinh nghiệm để vẽ được nhanh.

Shingo Adachi, một nhà làm phim hoạt hình và thiết kế nhân vật cho Sword Art Online, một anime truyền hình nổi tiếng, cho biết sự thiếu hụt tài năng là một vấn đề nghiêm trọng đang diễn ra — với gần 200 phim hoạt hình truyền hình được sản xuất ở Nhật Bản mỗi năm, không có đủ họa sĩ hoạt hình lành nghề để quay vòng. Thay vào đó, các hãng phim dựa vào một nguồn lớn những người làm việc tự do đam mê anime, cơ bản không được trả lương.

Ở cấp độ đầu vào là “những họa sĩ lơ lửng”, thường là những người làm việc tự do. Họ là những người thực hiện tất cả bản vẽ riêng lẻ sau khi các đạo diễn cấp cao đưa ra bảng phân cảnh (storyboard) và các “họa sĩ chủ chốt” lớp giữa vẽ các khung hình quan trọng trong mỗi cảnh.

“Những họa sĩ lơ lửng” kiếm được khoảng 200 yen mỗi bản vẽ — chưa tới 2 đôla. Sẽ không tệ nếu mỗi họa sĩ có thể tạo ra 200 bức vẽ mỗi ngày, nhưng mỗi bản vẽ có thể mất hơn một giờ. Đó là còn chưa nói đến sự chú ý tỉ mỉ đến chi tiết trong anime vốn thường bị hoạt hình phương Tây bỏ qua, như thức ăn, kiến trúc và phong cảnh, có thể tốn gấp bốn hoặc năm lần thời gian trung bình để vẽ.

Ảnh chụp storyboard phim Attack on Titan của đạo diễn Shinji Higuchi tại Toho Studios ở Tokyo ngày 11/7/2014

Adachi nói: “Dù bạn thăng tiến và trở thành họa sĩ chính, bạn cũng sẽ chẳng kiếm được nhiều tiền. Và ngay cả khi phim của bạn thành công lớn, như Attack on Titan, bạn cũng sẽ không được gì trong đó. ... Đây là vấn đề về cấu trúc trong ngành công nghiệp anime. Không có [công việc họa sĩ hoạt hình] trong mơ nào.”

Điều kiện làm việc thật nghiệt ngã. Các họa sĩ hoạt hình thường ngủ gục tại bàn làm việc của họ. Henry Thurlow, một họa sĩ hoạt hình người Mỹ sống và làm việc ở Nhật Bản, nói với BuzzFeed News rằng anh đã phải nhập viện nhiều lần vì bệnh do kiệt sức.

Xưởng hoạt hình Madhouse gần đây đã bị buộc tội phạm luật lao động: Nhân viên đã làm việc gần 400 giờ mỗi tháng và 37 ngày liên tục mà không có một ngày nghỉ. Vụ việc một họa sĩ hoạt hình nam tự tử hồi năm 2014 đã được phân loại là sự cố liên quan đến công việc sau khi các nhà điều tra phát hiện anh ta đã làm việc hơn 600 giờ trong tháng dẫn đến cái chết của anh này.

Attack on Titan: loạt anime truyền hình cực kỳ thành công của Nhật Bản

Một phần lý do tại sao các hãng phim sử dụng họa sĩ tự do là họ không cần phải lo lắng về luật lao động. Vì những người làm việc tự do là các nhà thầu độc lập, các công ty có thể áp thời hạn kiệt sức trong khi tiết kiệm được tiền nhờ không phải cung cấp phúc lợi.

Zokoani, một họa sĩ hoạt hình tại Studio Yuraki and Douga Kobo, nói: “Vấn đề với anime là mất quá nhiều thời gian để thực hiện. Nó cực kỳ tỉ mỉ. Một khung — một cảnh — sẽ cần ba đến bốn họa sĩ hoạt hình thực hiện. Tôi ra các bản vẽ thô, và sau đó hai người khác sẽ kiểm tra nó, một họa sĩ hoạt hình cao cấp hơn và đạo diễn. Sau đó, nó được gửi lại cho tôi và tôi tinh chỉnh. Sau đó, nó được gửi cho một người khác, một họa sĩ tự do, và họ thực hiện các bản vẽ cuối cùng.”

Theo Hiệp hội những nhà sáng tạo hoạt hình Nhật Bản, một họa sĩ hoạt hình ở Nhật Bản kiếm được trung bình 1,1 triệu yen (~ 10.000 USD) mỗi năm ở độ tuổi 20, 2,1 triệu yen (~ 19.000 USD) ở độ tuổi 30, và có thể sống được nhưng đạm bạc với 3,5 triệu yen (~ 31.000 USD) trong độ tuổi 40 và 50 của họ. Chuẩn nghèo ở Nhật Bản là 2,2 triệu yen.

Cảnh trong phim The Silence Voice: những khung hình duy mỹ nghệ thuật điển hình của anime Nhật Bản, một xuất phẩm của Kyoto Animation. Vụ phóng hỏa làm chết rất nhiều người xảy ra ngày 18/7 vẫn đang trong vòng điều tra, nhưng những thông tin ban đầu đã cho thấy khớp với mặt tối của nền công nghiệp này

Các họa sĩ hoạt hình kiếm sống bằng bất kỳ cách nào họ có thể. Terumi Nishii, một họa sĩ hoạt hình và thiết kế trò chơi tự do, kiếm được phần lớn thu nhập từ hoạt hình trò chơi điện tử vì cô phải chăm sóc cha mẹ. Với mức lương họa sĩ hoạt hình, cô sẽ không nuôi nổi bản thân.

C.K., một họa sĩ hoạt hình và thiết kế nhân vật không muốn nêu tên, nói: “Khi còn trẻ, tôi thật sự đau khổ. May mắn thay, gia đình tôi đến từ Tokyo, vì vậy tôi có thể ở với bố mẹ và bằng cách nào đó chỉ đủ sống. Là một họa sĩ hoạt hình tự do, tôi kiếm được 70.000 yen (~ 650 USD) mỗi tháng.”

Sự độc đáo trong cấu trúc của anime xuất phát từ Osamu Tezuka, tác giả của Astro Boy và là “thánh truyện tranh”. Tezuka chịu trách nhiệm cho một danh mục vô tận những đổi mới và tiền lệ trong manga, truyện tranh Nhật Bản, anime truyền hình, hoạt hình điện ảnh. Đầu những năm 1960, với các nhà đài không muốn mạo hiểm với phim hoạt hình dài tập, Tezuka đã bán tống bán tháo phim của ông để đưa nó lên sóng.

Triển lãm Astro Boy tại trung tâm mua sắm Shanghai IAPM ngày 29/7/2015, ở Thượng Hải, Trung Quốc

Michael Crandol, giáo sư nghiên cứu về Nhật Bản tại Đại học Leiden, cho biết. “Về cơ bản, Tezuka và công ty của ông sẽ chịu tổn thất cho một phim hoạt hình nào đó. Họ đã lên kế hoạch bù đắp tổn thất bằng đồ chơi, nhân vật, và vật phẩm ăn theo Astro Boy, kẹo có thương hiệu... Nhưng khi kịch bản cá biệt đó có hiệu quả với Tezuka và các đài truyền hình, nó đã trở thành cách làm chung.”

Công ty của Tezuka đã bù đắp được thâm hụt và loạt phim truyền hình đó là một thành công, nhưng ông vô tình tạo ra một tiền lệ nguy hiểm: khiến những người theo bước chân ông không thể kiếm được lương đủ sống. Trong một nghiên cứu gần đây Diane Wei Lewis chỉ ra rằng phụ nữ, những người thường xuyên làm hoạt hình tại nhà, đặc biệt dễ bị bóc lột và thậm chí được trả ít hơn.

Ngày nay, khi các ủy ban sản xuất ấn định ngân sách cho các phim hoạt hình truyền hình, một tiền lệ được thiết lập từ lâu để giữ chi phí thấp. Doanh thu được ăn chia giữa đài truyền hình, nhà xuất bản truyện tranh, và các công ty đồ chơi. Crandol cho biết, “Các công ty mẹ kiếm tiền từ các thỏa thuận về vật phẩm ăn theo, nhưng ngân sách dành cho các họa sĩ hoạt hình bậc bình thường là riêng.”

Cảnh trong phim In This Corner of the World: cái nhìn từ một Nhật Bản tiền chiến thanh bình thôn dã và một Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh quyết chiến đấu giành chiến thắng. Và rồi những quả bom Mỹ rơi xuống – chủ đề hết sức khó khăn vẫn có thể chuyển tải mượt mà qua nghệ thuật anime

Thurlow cho biết, “Những mức giá này thật vô lý vì chúng vẫn dựa trên những gì Tezuka nghĩ ra. Và hồi đó, các bản vẽ rất đơn giản... một cái đầu tròn và chấm hai con mắt, và có thể bạn có thể vẽ trong 10 phút. Tôi có thể kiếm được tiền với tốc độ đó... nhưng anime Nhật Bản, [bây giờ] một bản vẽ rất chi tiết. Bạn làm việc trong một giờ với giá hai đôla.”

Thurlow nói thêm rằng có dự kiến bạn sẽ bỏ việc khi kết hôn. “Vì khi đã kết hôn, bạn cần dành thời gian cho người bạn đời của mình. Bạn có không thể làm việc toàn thời gian và không kiếm được gì.”

Cái giá của nghệ thuật

Thành quả nghệ thuật không gây thất vọng. Bộ phim hoạt hình năm 2016 Your Name, câu chuyện tình lãng mạn hoán đổi thân xác đã trở thành thành công phòng vé lớn nhất của một anime, thể hiện hàng loạt cảnh quan được kết xuất tuyệt đẹp xứng đáng là một phòng trưng bày nghệ thuật.

Ảnh chụp màn hình từ bộ phim hoạt hình năm 2016 Your Name cho thấy những chiếc bánh việt quất mềm mịn với bơ và sirô

Chỉ riêng miêu tả món ăn thôi đã xứng đáng một danh sách ý tưởng nghệ thuật “Mười món ăn hàng đầu ở Tokyo”: ramen dầu với thịt lợn và trứng luộc; bánh kếp mềm mịn với sirô rắc đầy dứa và đào; hộp cơm bento thủ công với đầy đủ món trứng tráng ngọt Nhật Bản, xúc xích, cà chua chín mọng, và mận ngâm.

Crandol chỉ ra rằng bạn có thể nhận diện mọi phông nền là một tòa nhà hoặc địa điểm thực tế ở Tokyo trong Your Name.

Nghệ thuật là một trong những nét hấp dẫn của anime. Ian Condry xác định một số đặc điểm khác trong cuốn sách The Soul of Anime: đề tài người lớn, nội dung đồ họa, sự hợp nhất thể loại mang tính cách tân chẳng hạn bản phối lại samurai-hip-hop Samurai Champloo và tinh thần dân chủ của anime, nơi người hâm mộ tham gia làm nghệ thuật thông qua phụ đề của người hâm mộ, sáng tác vẽ của người hâm mộ (fan art) và tiểu thuyết của người hâm mộ (fanfiction).

Trong lịch sử, vật phẩm ăn theo tạo ra nhiều doanh thu hơn truyền hình hoặc phim điện ảnh, nhưng khi sự phổ biến của anime tăng vọt ở nước ngoài, bản thân anime chiếm một phần lớn hơn nhiều trong doanh thu. Chỉ riêng video ở nước ngoài đã chiếm khoảng một nửa doanh thu toàn cầu trong năm 2017. Tuy nhiên, ngân sách keo kiệt và tiền lương không đủ sống thì vẫn thế.

Bản phối lại samurai-hip-hop Samurai Champloo: loạt anime truyền hình đem lại nguồn cảm hứng ‘fan art’

Khi các công ty phương Tây như Netflix tham gia vào thị trường, họ sẽ phải trả theo cái giá rẻ mạt, lâu đời ở Nhật Bản. Các đài truyền hình, các công ty vật phẩm ăn theo, và các dịch vụ phát trực tuyến nước ngoài thu được lợi nhuận, còn không chỉ các họa sĩ hoạt hình chật vật mà toàn bộ hãng phim bóp mồm bóp miệng với ngân sách eo hẹp.

Giải pháp không đơn giản là các họa sĩ hoạt hình đòi hỏi mức lương cao hơn. Một báo cáo năm 2016 của Teikoku Databank đã tiết lộ doanh thu giảm 40% trong 10 năm qua ở 230 hãng phim hoạt hình chính của Nhật Bản. “Để đạt được sự phát triển hơn nữa cho ngành công nghiệp hoạt hình, có nhu cầu cấp thiết là phải cải thiện cơ sở kinh tế của các họa sĩ và cải cách triệt để cơ cấu lợi nhuận của toàn bộ ngành công nghiệp,” báo cáo nêu.

Là người sáng lập một xưởng nhỏ, D’art Shtajio, Thurlow giải thích rằng việc đặt mức lương cao hơn mà không có sự thay đổi lớn hơn trong cơ cấu ngành sẽ khiến cho ông và hầu hết các hãng phim khác đi đến phá sản do những hạn chế về ngân sách. Ngành công nghiệp sẽ hợp nhất thành “Big Anime”, một thế giới nơi một vài hãng phim lớn tạo ra các bản “hit” theo phong cách Hollywood, với tiếp thị đại chúng và nội dung chung được đo ni đóng giày theo mẫu số chung thấp nhất.

Có thể nhận diện mọi phông nền là một tòa nhà hoặc địa điểm thực tế ở Tokyo trong Your Name

Với các họa sĩ hoạt hình cấp thấp bị đẩy ra khỏi công việc, tinh thần sáng tạo, đam mê của anime sẽ bị mục ruỗng. Suy cho cùng, không có lý do gì để trở thành một họa sĩ hoạt hình ngoài việc bạn yêu thích nó.

Zakoani nói: “Là niềm đam mê. Vì ở đó không có bất kỳ lợi nhuận nào [từ] làm việc. Chỉ vì tôi thực sự thích làm việc đó. Tôi chỉ cảm thấy mình cần phải làm. Bởi vì khi bạn thấy phim của mình được phát sóng, và bạn biết bạn đã làm cho bộ phim, đó là cảm giác tuyệt vời nhất trên đời.”

Thurlow đã từ bỏ mọi thứ để đến Nhật Bản vẽ những bộ phim mà anh yêu thích. Trải nghiệm này đã chứng minh khác xa với cuộc sống làm họa sĩ người Mỹ của anh, nơi anh từng làm việc cho các phim truyền hình thiếu sự phức tạp tương tự trong nghệ thuật, câu chuyện và chủ đề: Dora the Explorer and BeavisButt-Head nếu anh may mắn. “Các họa sĩ chổng mông mà vẽ vì giấc mơ này,” anh nói.

Nishii đã lên tiếng trên Twitter với một khuyến nghị chắc nịch:

Bất luận bạn thích anime đến mức nào, đừng nên đến Nhật Bản và tham gia vào ngành anime. Bởi vì ngành công nghiệp hoạt hình này luôn làm việc quá sức
— NISHII_terumi (@ Nishiiterumi1) ngày 22 tháng 4 năm 2019

Adachi đồng ý. “Thành thật mà nói, tôi sẽ không gợi ý... nó là một cấu trúc kim tự tháp, nhiều người ở dưới đáy làm việc để ủng hộ một ít người ở phía trên. Tôi không thấy tương lai tươi sáng.”

Cuộc tranh luận về tính kinh tế của ngành công nghiệp này sôi sục, thường là trên Twitter. Giải pháp một phần có thể là cho các hãng phim quốc tế phá vỡ chuẩn mực văn hóa đã được thiết lập và cung cấp cho các hãng phim hoạt hình ngân sách giống như các hãng phim phương Tây. Một mô hình khác có thể cho phép các họa sĩ hoạt hình giữ quyền đối với bản vẽ của họ và nhận tiền bản quyền.

Một tổ chức, Dự án Hệ thống làm anime mới, quyên tiền để cung cấp một mạng lưới an sinh và giảm vấn nạn cháy sạch cho các họa sĩ hoạt hình mới nổi. Dự án đã cung cấp nhà ở giá cả phải chăng cho các họa sĩ hoạt hình đã tiếp tục chỉ đạo các phần phim Naruto, Attack on Titan và các phim hoạt hình hàng đầu khác.

Jun Sugawara, người sáng lập dự án, cho biết ông bắt đầu dự án với tư cách là một nhà thiết kế đồ họa muốn hỗ trợ các họa sĩ đồng nghiệp. Ông nói, “Cần có thiên tài để tạo ra hoạt hình vẽ tay tuyệt đẹp, vậy mà kỹ năng của các họa sĩ hoạt hình không được coi trọng.” Tổ chức này đang mở rộng với Giải thưởng Anime Grand Prix, cuộc thi dành cho các bộ phim hoạt hình ngắn và các video ca nhạc được thuê làm với mức lương sống được.

Cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp trong loạt anime truyền hình kinh điển Neon Genesis Evangelion đã lên Netflix tháng này

Các họa sĩ hoạt hình đang mang một gánh nặng gần như không chịu nổi vì lợi ích của hoạt hình vẽ tay đẹp mắt. Vì những chiếc bánh mềm mịn, phong cảnh hoàng hôn tươi tốt, và những cuộc phiêu lưu xuyên thời gian, không gian, thể loại và văn hóa. Vì tất cả mọi thứ bạn xem và yêu thích, các họa sĩ hoạt hình phải trả giá.

Nhưng chúng quyến rũ thật.

C.K. đã lớn lên ở Anh do công việc của cha mình. Không có tiếng Anh để giao tiếp, anh dành cả ngày để vẽ truyện tranh, lật các trang trong cuốn sổ tay để thấy các bức vẽ trở nên sống động.

“Tôi không bao giờ có thể quên cảm giác đó,” anh nói. “Khi bạn làm hình động cho một nhân vật tĩnh trên trang giấy, bạn có thể thấy họ di chuyển, cười, khóc, tức giận... đó là sự quyến rũ của hoạt hình. Khi tôi thấy tác phẩm vẽ tay của mình được chia sẻ và thấy không chỉ ở nước tôi mà trên khắp thế giới, tôi cảm thấy hạnh phúc.”

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vox


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.