Nhân vật & Sự kiện

Những đạo diễn nữ phá vỡ cấm kỵ trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc

21/02/2020

Những câu chuyện chưa kể của những nhà làm phim nữ xuất chúng của Nhật Bản và Trung Quốc cuối cùng cũng được đưa ra ánh sáng.

Đạo diễn Ngụy Thì Dục

Đã thay đổi rất nhiều trong vòng 18 năm qua, theo đạo diễn Ngụy Thì Dục. Năm 2001, nhận ra những nhà tiên phong nữ của điện ảnh Trung Quốc liên tục bị sót khỏi những sách lịch sử, cô tự mình viết lại câu chuyện. “Có rất ít điều về các đạo diễn nữ. Tôi biết họ đã tồn tại nhưng khi học và đọc về họ, về căn bản họ không xuất hiện,” cô nói.

Năm 2009, Ngụy Thì Dục đã xuất bản cuốn sách có các cuộc phỏng vấn với 27 đạo diễn nữ Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như một số tạp chí học thuật về chủ đề phụ nữ Trung Quốc trong phim. Cô đã ghi lại công việc của các nữ đạo diễn như Tazuko Sakane, sinh năm 1904 tại Nhật Bản, vào năm 1936 đã viết: “Tôi muốn miêu tả hình dáng thật của phụ nữ, nhìn từ cõi phụ nữ.” Cô cũng viết về Trần Ba Nhi, nữ diễn viên và có lẽ là người phụ nữ Trung Quốc duy nhất làm giám đốc sản xuất trong những năm 1940; Tanaka Kinuyo, lần đầu đạo diễn vào năm 1953; cũng như Đổng Khắc Na và Vương Thiếu Nham, cả hai đều nổi danh trong thập niên 1960 và 1970. “[Tôi phải] viết lại toàn bộ lịch sử điện ảnh,” cô Ngụy nói.

Trần Ba Nhi, trên bìa tạp chí Liangyou năm 1930, là một diễn viên, đạo diễn, biên kịch và giảng viên Trung Quốc

Chỉ có một vấn đề chính: công chúng không quan tâm đến nghiên cứu của Ngụy Thì Dục. “Cuốn sách về cơ bản không gây ra tác động gì, chưa có ai đọc loại sách đó,” cô nói với BBC Culture.

Mặc dù sức tiếp thu ban đầu chậm, nhưng hóa ra những nỗ lực của cô không phải là vô ích. Trong khi giảng dạy các lớp điện ảnh với tư cách là phó giáo sư tại Đại học Thành Thị ở Hồng Kông, Ngụy Thì Dục bắt đầu để ý thấy ngày càng có nhiều sinh viên nữ trong thính giả của mình, và họ muốn biết về những người phụ nữ đến trước họ. Các nhà làm phim nữ trẻ bắt đầu đọc và chia sẻ tác phẩm của cô.

Động lực tích tụ dần rộng rãi hơn, với việc Ngụy Thì Dục được mời phát biểu về nghiên cứu của cô. “Năm ngoái tôi [đã] có buổi nói chuyện, có 300 người trong hội trường, kín chỗ, và tiêu đề là ‘Đạo diễn nữ Trung Quốc từ 1916’. Bạn khó có thể tưởng tượng được điều đó!” cô ấy, cười và lắc đầu kinh ngạc.

Nữ diễn viên Nhật Bản Kinuyo Tanaka, trong phim Ugetsu, cũng là một đạo diễn tên tuổi

Các chuyên gia điện ảnh bắt đầu sử dụng tác phẩm của Ngụy Thì Dục để cập nhật kiến thức về lịch sử điện ảnh toàn cầu. Một trong những tác phẩm nổi bật nhất của cô với vai trò đạo diễn là bộ phim tài liệu Golden Gate Girls, kỷ niệm sự nghiệp của Ngũ Cẩm Hà, nữ đạo diễn phim đầu tiên của Trung Quốc, người nổi bật trong những năm 1930 và 1940 ở cả Trung Quốc và Hollywood. “Tôi đã chiếu [Golden Gate Girls] ở Paris vào tháng 12 [năm 2018], một học giả điện ảnh đã nghiên cứu việc này cả đời đã đến gặp tôi sau đó và nói rằng anh ấy rất cảm động khi xem nó – anh ấy không biết gì về bà cả,” cô nói.

Ngũ Cẩm Hà không chỉ bị sót khỏi lịch sử ở phương Tây. Vào những ngày đầu nghiên cứu, Ngụy Thì Dục nói, “Tôi đã nhìn qua kho phim Hồng Kông và bắt gặp tên của Ngũ Cẩm Hà, bà [được vinh danh] là nữ anh hùng dân tộc vào 1937 – tôi tìm được một bài báo nói vậy. Nhưng đó là thứ duy nhất tôi tìm thấy!” Mất nhiều năm làm việc với các nhà nghiên cứu, nhà sử học và nhà báo để khám phá sự nghiệp phi thường của bà cho bộ phim tài liệu. Có thời điểm, nhóm nghiên cứu thậm chí đã phải giải cứu hàng trăm bức ảnh về cuộc sống của Ngũ Cẩm Hà từ một thùng rác ở San Francisco. Cùng nhau, họ phát hiện ra Ngũ Cẩm Hà đã đi khắp thế giới và khám phá những chủ đề cấm kỵ vào thời điểm mà nhiều phụ nữ thậm chí không có việc làm, đạo diễn chín phim truyện ở Mỹ và Hồng Kông, bao gồm National Heroine, bộ phim về một nữ phi công chiến đấu cho đất nước mình.

Nữ đạo diễn phim đầu tiên của Trung Quốc Ngũ Cẩm Hà (ở giữa) đạo diễn Lady from the Blue Lagoon năm 1947

Tua nhanh đến ngày nay, và Ngụy Thì Dục tự hào khoe tạp chí Life số tháng 3 năm 2019, với một bài dài về Ngụy Thì Dục và tác phẩm của cô kỷ niệm Ngũ Cẩm Hà. Điều này đặc biệt thú vị đối với Ngụy Thì Dục, không chỉ bởi vì cuối cùng sự nghiệp của các nhà làm phim nữ cũng được kể lại, mà bởi vì tạp chí viết tiếng Trung, và thông tin kiểm duyệt chặt chẽ ở trong nước, khiến việc chia sẻ câu chuyện của Ngũ Cẩm Hà trở nên đặc biệt khó khăn.

Theo Ngụy Thì Dục dường như đã có một sự thay đổi trong suy nghĩ. Vào ngày 8 tháng 3 năm 2019 – Ngày Quốc tế Phụ nữ – các bài báo được lan truyền trên mạng xã hội lớn nhất của Trung Quốc WeChat có tiêu đề, “Điện ảnh Trung Quốc chỉ đầy đủ với 100 đạo diễn nữ này”, “60 đạo diễn nữ độc lập của Trung Quốc” (trong đó có Ngụy) và “100 phim hay nhất trong lịch sử của đạo diễn nữ”. Đây là một hiện tượng mới: “Điều này là chưa từng thấy! [Ngày Quốc tế Phụ nữ] thường sẽ là về cảm ơn phụ nữ đã làm việc nhà nhưng không có gì như thế này, kỷ niệm các đạo diễn nữ,” Ngụy Thì Dục nói.

Vào ngày Quốc tế Phụ nữ 2019, những câu chuyện chưa được kể trước đây của các nữ đạo diễn Trung Quốc được lan truyền trên WeChat

Tất cả những sự kiện này – các cuộc trò chuyện trên WeChat, số lượng nữ sinh viên trong các lớp điện ảnh tăng lên, sự quan tâm của giới truyền thông đối với Ngũ Cẩm Hà – báo hiệu một xu hướng rõ ràng, sự thèm muốn biết thêm thông tin về phụ nữ trong phim ảnh và sự chấp nhận ngày càng tăng đối với phụ nữ với tư cách là nhà làm phim.

Tỏ lòng kính trọng

Điều gì lôi kéo thế giới bất ngờ quan tâm đến các tài năng làm phim nữ Trung Quốc? Ngụy Thì Dục tin rằng một phần của câu trả lời nằm ở các khởi động phong trào nữ quyền đã càn quét toàn cầu trong những năm gần đây như #MeToo. “#MeToo thực sự khiến mọi người tập trung… giờ nếu tôi nói ‘Tôi là một người theo chủ nghĩa nữ quyền’ mọi người hiểu rõ hơn [về ý nghĩa của nó]. Các vấn đề liên quan đến phụ nữ đang lưu hành trên WeChat,” cô nói.

Nhà làm phim Ngụy Thì Dục biên tập phim mới của cô – ở đằng sau là áp phích Ngũ Cẩm Hà

Khắp Trung Quốc, số lượng lớn liên hoan phim tưởng nhớ các nữ đạo diễn cũng đang giúp thay đổi cuộc trò chuyện. Một ví dụ là Liên hoan phim Phụ nữ Trung Quốc, một sự kiện diễn ra hai năm một lần ở Bắc Kinh và Hồng Kông, khai mạc vào năm 2013. Mục đích của liên hoan là làm nổi bật tác phẩm của các nhà làm phim nữ trên toàn cầu và mở ra thảo luận ở Trung Quốc và Hồng Kong về quyền của phụ nữ. Phiên bản Hồng Kông 2019 được tổ chức vào tháng 3, và các bộ phim nổi bật bao gồm Ava, phim của nhà làm phim người Canada gốc Iran Sadaf Foroughi kể về một cô gái đến tuổi dậy thì ở Iran và #FemalePleasure, bộ phim tài liệu về năm phụ nữ trong cộng đồng gia trưởng phá vỡ sự im lặng về tình trạng bị ngược đãi của họ.

Các liên hoan như thế đặc biệt thú vị đối với các nhà làm phim trẻ như Nicola Fan. Các rạp chiếu phim nghệ thuật về cơ bản là không tồn tại ở Hồng Kông và không có liên hoan phim, khó có thể tiếp cận loại nội dung này. Phát biểu sau Liên hoan phim Phụ nữ Trung Quốc tại Hồng Kông vào tháng 3 năm 2019, cô nói, “Liên hoan phim Phụ nữ Trung Quốc rất thú vị bởi vì nó mang đến những bộ phim tài liệu phong phú [do đạo diễn nữ làm] tới Hồng Kông và Trung Quốc. Nó cho khán giả xem những bộ phim như Ava khá lạ thường – bạn không được xem loại phim đó ở rạp. Hồng Kông bị cuốn hút vào những phim Avengers hay siêu anh hùng lớn. Không có liên hoan phim tôi sẽ không biết về [những bộ phim như Ava].”

Nhà làm phim mới nổi Sharon Yeung muốn làm phim “về trải nghiệm của phụ nữ”

Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ đáng kể mà các nhà làm phim nữ đang làm ở Trung Quốc và Hồng Kông vẫn có những thách thức lớn. Công nghệ có thể đã khiến làm phim trở nên rẻ hơn và dễ dàng hơn, nhưng không có nhiều rạp chiếu phim nghệ thuật hoặc quỹ công, vẫn khó khăn cho các nhà làm phim mới nổi để tạo dựng tên tuổi cho mình. Nhà làm phim trẻ Sharon Yeung nói, “Hiện tại rất nhiều người trong chúng tôi đang vung máy quay và quay bất cứ thứ gì, nhưng tôi ngạc nhiên khi [chúng tôi] kiếm được ít ra sao... Những người mới đang chật vật. Phim đến từ những tên tuổi lâu đời vẫn thế. Marvel, siêu anh hùng, kinh phí lớn – đó là những gì người ta đi xem.”

Và phong trào #MeToo có thể nâng cao nhận thức, nhưng nó vẫn còn một chặng đường dài phải đi ở Trung Quốc và Hồng Kông. Một trong những nạn nhân đầu tiên lên tiếng sau khi #MeToo lan truyền, vận động viên Lữ Lệ Dao, 23 tuổi, đã bị công chúng và giới truyền thông bêu riếu vào năm 2018 vì tiết lộ hành vi lạm dụng tình dục của huấn luyện viên cũ. Nhiều phụ nữ đã bị dọa nạt rút trở vào im lặng.

Các nhà làm phim nữ đang được công nhận nhiều hơn – tạp chí Life của Trung Quốc có bài tiêu điểm về Ngũ Cẩm Hà và một cuộc phỏng vấn với đạo diễn Ngụy Thì Dục

Li Dan, người sáng lập Liên hoan phim Phụ nữ Trung Quốc, tin rằng phim là một cách quan trọng để tiếp cận người dân Trung Quốc và khuyến khích các cuộc tranh luận công khai về các loại vấn đề này. “[Ở Trung Quốc] chúng tôi không thể truyền bá bất kỳ thông tin nào thông qua các phương tiện truyền thông chính thống hoặc các phương tiện truyền thông lớn mới, tất cả đều được kiểm soát hoặc kiểm duyệt,” ông nói. “Tuy nhiên, phim là một cách tốt để [làm cho] các vấn đề xã hội trở thành đại trà.”

Bất chấp những thách thức vẫn phải đối mặt, Fan tin rằng đây là một thời điểm thú vị cho phụ nữ trong phim, với lý do sự gia tăng của các bộ phim bom tấn lớn có sự tham gia của các diễn viên nữ chính và đạo diễn bởi các nhà làm phim nữ: “Tâm điểm luôn là Batman, Superman: nam giới. Thật đáng khích lệ khi xem những bộ phim như Wonder Woman đến từ Hollywood, nó giúp khán giả yêu cầu sự đa dạng lớn hơn trong các câu chuyện,” bà nói.

Cảnh trong phim tài liệu Golden Gate Girls của Ngụy Thì Dục

Đúng vậy, ba trong số 10 bộ phim có doanh thu cao nhất năm 2018 tại Trung Quốc đạo diễn bởi nữ giới, và phụ nữ đang thay đổi mọi thứ. Đạo diễn Trần An Kỳ đã đích thân thách thức sự kỳ thị đối với phụ nữ trong các bộ phim mà cô đạo diễn. “Khi tôi bắt đầu làm việc [trong ngành điện ảnh], phụ nữ trên trường quay được thông báo rằng họ không được phép ngồi lên hộp máy quay vì họ sẽ mang lại điều xui xẻo cho bộ phim. Khi tôi [đạo diễn] bộ phim đầu tiên của tôi, tôi sẽ cố tình ngồi vào các hộp. Không ai dám nói gì cả – Tôi là đạo diễn!” Trần An Kỳ nói.

Khi nói đến tương lai, điều duy nhất không thay đổi chóng mặt là giấc mơ của các nhà làm phim trẻ ở Trung Quốc và Hồng Kông ngày nay, gợi lại giấc mơ của những người phụ nữ trong những năm 1930. Giống như đạo diễn Nhật Bản Tazuko Sakane vào năm 1936, Sharon Yeung cũng muốn sử dụng quan điểm của mình về thế giới để làm phim: “Tôi muốn làm phim về trải nghiệm của phụ nữ,” cô nói.

Đạo diễn Trung Quốc Trần An Kỳ đã thách thức sự kỳ thị với phụ nữ trong phim

“Thật thú vị khi ngày càng có nhiều bộ phim về điều đó và tôi nóng lòng được làm nhiều hơn, đặc biệt là từ góc nhìn phương Đông. Nó chỉ thật sự chưa được khám phá, chúng tôi đã xem những bộ phim được làm bởi nam giới suốt những năm qua và chúng tôi sắp khám phá tất cả những góc nhìn mới này.”

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: BBC


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.