Nhân vật & Sự kiện

'Thánh đường điện ảnh' ArcLight Hollywood đã khép - thiên đường thôi đã lỡ, xót đau người tình si!

19/04/2021

Hôm thứ hai 12/4, Deadline đưa tin ArcLight Cinemas và Pacific Theaters sẽ đóng cửa vĩnh viễn. Lập tức, các nhà làm phim, người hâm mộ và nhân viên cũ đã lên Twitter để công khai thương tiếc sự mất mát này, với các phản ứng khác nhau, từ những lời ta thán đến đau buồn đến phủ nhận — và cả một số tưởng nhớ vô giá.

Một rạp Cinerama Dome của ArcLight Cinemas im lìm và vắng tanh vào ngày 20/3/2020

Tuy các rạp Pacific và ArcLight không phải là những thương vong đầu tiên — hoặc bi thảm nhất — của đại dịch virus corona, việc chúng đóng cửa vẫn giáng một đòn bất ngờ vào người hâm mộ điện ảnh. Nhân viên của ArcLight Hollywood đã bị ngừng việc khi nhà hát đóng cửa hồi tháng 3 năm ngoái, mới tháng trước còn được ban quản lý cho biết nhà hát có kế hoạch mở cửa lại khi việc kinh có lãi trở lại. Thế nên, khi các nhân viên biết về việc đóng cửa từ bài báo của Deadline hôm thứ hai, một số người đã miêu tả cảm giác “bị che mắt”. “Tất cả chúng tôi đều vào chat nhóm, ‘Có thật không?’,” Nick Earl, cựu dẫn chương trình ở rạp, nói thêm.

Đau đớn biết mấy khi đột ngột phát hiện ra bạn sẽ thất nghiệp (hơn bao giờ hết), nhưng thứ mà những nhân viên này mất không chỉ là một công việc — mà là một tổ chức ở Los Angeles và một cộng đồng điện ảnh thịnh vượng. Khai trương vào năm 2002, ArcLight nổi tiếng là nơi đưa những nhạy cảm độc lập vào một định dạng thương mại, nơi các nhà làm phim và người hâm mộ thường xuyên hòa quyện, và với Cinerama Dome, thậm chí còn chứa đựng một chút lịch sử. Giữa những ngổn ngang của Los Angeles, ArcLight Hollywood nằm ở vị trí trung tâm và do đó đóng vai trò như một trung tâm thực sự dành cho những người mê điện ảnh trong toàn thành phố.

Với tin ArcLight Cinemas và Pacific Theatres sẽ đóng cửa vĩnh viễn, một công ty khởi nghiệp công nghệ ở Los Angeles sử dụng phần mềm thực tế tăng cường để tỏ lòng kính trọng lịch sử ẩn chứa của Cinerama Dome mang tính biểu tượng trên Đại lộ Sunset ở Hollywood. Ảnh trên tái hiện khai trương Cinerama Dome của Pacific Theatres mới xây dựng khi công chiếu It’s a Mad, Mad, Mad, Mad World ngày 7/11/1963

ArcLight — “Thánh đường điện ảnh”

Giờ đây, thật dễ dàng xem một số chính sách đặc thù ArcLight là chuyện đương nhiên — chỗ ngồi chỉ định, không có quảng cáo, chủ động can thiệp xử lý để hạn chế sự quấy rầy — nhưng hồi nhà hát này mới mở cửa, những chính sách như thế chưa được phổ biến rộng rãi. Tất cả chúng được định ra với mục đích mang đến cho khán giả trải nghiệm xem phim cao cấp — một trải nghiệm xứng với giá vé 14 đôla. Nhiều fan của rạp hát này sẽ nói với bạn là đáng tiền: “Tôi nhớ lần đầu tiên đến đó và cố gắng tìm ra cái gì đáng để trả thêm những đồng đôla đó cho một vé,” đạo diễn của Honey Boy, Alma Ha’rel viết trong bài tri ân trên Los Angeles Times. “Phải ghé nơi này một lần thì mới hiểu vì sao nó là thánh đường điện ảnh.”

Niềm đam mê và sự chú ý đến từng chi tiết kéo dài từ hàng ghế ngồi lên đến màn hình. Nhà hát tự hào thành thạo các khía cạnh kỹ thuật trình chiếu phim. “Có những tiêu chuẩn mà các hãng phim muốn các rạp chiếu theo kịp, và chúng tôi đảm bảo vượt xa những tiêu chuẩn đó, liên quan đến mức độ ánh sáng phát ra từ máy chiếu và dạng hình ảnh,” Mike Celestino, một người vận hành máy chiếu phim làm việc tại ArcLight từ năm 2007 đến năm 2015 (và hiện là người tổ chức chương trình phát thanh trực tuyến Who’s the Bossk của Chiến tranh giữa các vì sao), nói.

THE HUNGER GAMES của Lionsgate bằng hộp đèn nền ghép do Olson Visual thực hiện tại tại ArcLight Sherman Oaks, ArcLight Pasadena và ArcLight Beach Cities ở Nam California. Những bức tường gồm các hộp đèn nền ghép thành một áp phích khổng lồ liền lạc, nổi bật khi nhìn thấy

Và chính sự tỉ mỉ đó đã giúp ArcLight trở thành điểm đến của chính các nhà làm phim. Theo Celestino, các nhà làm phim thường đến ArcLight vào đêm mở màn phim của họ để đảm bảo rạp chiếu đúng. “Không phải vì họ không tin chúng tôi,” Celestino nói. “Mà vì họ biết mọi người sẽ đến đó và họ biết chúng tôi có khả năng chơi đúng.”

Bất luận phim lớn hay nhỏ, rạp chiếu đều khiến những buổi khai mạc trở nên đặc biệt, với phần Hỏi & Đáp như ở liên hoan phim (đôi khi say sưa), những buổi giới thiệu phim nhiệt tình, và thỉnh thoảng trưng bày trang phục của các bộ phim. “Tôi sẽ luôn nhớ dãy áp phích ‘Sắp chiếu’ ở tầng trên, và khi chúng tôi tổ chức buổi ra mắt Dear White People mùa một, tất cả chúng đều được thay thế bằng áp phích Dear White People mùa một,” nhà vận hành chương trình Dear White People Jaclyn Moore, một người thường xuyên của ArcLight, nhớ lại. “Toàn bộ nơi này có sự phô bày và những nghi thức long trọng, và nó khiến bạn cảm thấy đi xem phim là một sự kiện.”

Tuy nhiên, theo nhiều cách, đổi mới mang dấu ấn của rạp là đưa tựa bộ phim yêu thích của nhân viên lên thẻ tên của họ. Làm như vậy đã quảng cáo rằng đội ngũ nhân viên gồm toàn những người yêu phim và nó mời mọc người đi xem phim bắt chuyện với nhân viên. “[Tại ArcLight,] họ thực sự ủng hộ việc thuê những người yêu thích điện ảnh,” Gariana Abeyta, một người vận hành máy chiếu lâu năm tại địa điểm Hollywood trong những ngày đầu của rạp chiếu. “Đó là kiểu người mà bạn thấy ở cửa hàng cho thuê video. Khi họ thuê tôi, họ biết rõ tôi hiểu về phim.”

Giờ đây, thật dễ dàng xem một số chính sách đặc thù ArcLight là chuyện đương nhiên — chỗ ngồi chỉ định, không có quảng cáo, chủ động can thiệp xử lý để hạn chế sự quấy rầy — nhưng hồi nhà hát này mới mở cửa, những chính sách như thế chưa được phổ biến rộng rãi

‘Trại hè’ dành cho các nhà sáng tạo trẻ

Các cựu nhân viên nói rằng chủ đề chung của những bộ phim yêu thích đã giúp hình thành một cộng đồng điện ảnh sôi động. Nick Earl, một diễn viên đang lên cho biết: “Điều mà tôi yêu thích khi làm việc tại ArcLight là: Tất cả những người tôi làm việc cùng đều là nhà sáng tạo trẻ như tôi.” Earl sẽ tiếp tục cộng tác với các đồng nghiệp ArcLight cũ trong một bộ phim ngắn và thực sự đang tham gia một buổi đọc kịch do một đồng nghiệp ArcLight cũ tổ chức vào ngày Vulture nói chuyện với anh. “Làm việc ở đó giống như đi trại hè với tất cả những nghệ sĩ trẻ tuyệt vời này, những người muốn làm điều tương tự như tôi.”

Celestino nhớ lại việc được ArcLight tuyển dụng ngay sau khi theo học ở trường điện ảnh và nghĩ, “ArcLight là nhà thờ của tôi và tôi đang trở thành một linh mục.” Nhân viên có thể đắm mình trong phim bằng cách xem phim bom tấn, phim độc lập và kinh điển ở đó và bàn luận về chúng với những người hâm mộ đồng nghiệp. Nhưng làm việc tại ArcLight cũng có lợi ích là đưa nhân viên đến gần với các ngôi sao. Abeyta nói: “Bạn chưa bao giờ biết mình sẽ gặp được ai. Đó là nơi những người làm phim và người đóng phim thích đến xem phim.”

Nữ diễn viên Amber Benson (giữa), nhà làm phim Claire Carre và Phó chủ tịch điều hành Arclight Gretchen McCourt tại buổi hỏi đáp cho bộ phim Embers ở ArcLight Hollywood ngày 7/8/2016

Các nhân viên mà Vulture trao đổi đều có những câu chuyện về những lần ngôi sao hạng A của Hollywood ghé qua rạp chiếu phim, nhưng đây không phải là kiểu trải nghiệm người nổi tiếng thông thường. Tại ArcLight, các nhà làm phim và diễn viên — dù đến đó vì công việc hay để giải trí — thường háo hức bàn luận về phim ảnh với các nhân viên và khán giả đi xem. Abeyta nhớ lại: “Khi chúng tôi chiếu The Master, Paul Thomas Anderson đã vào buồng chiếu để kiểm tra mọi thứ. Và anh ấy đúng là chàng trai nhẹ nhàng, khiêm tốn nhất. Anh gõ cửa và nói: “Xin chào, tôi là Paul.” Và anh ấy đã ngồi đó cả đêm và nói chuyện phim ảnh với chúng tôi.”

Đối với những người có tham vọng nổi tiếng ở Hollywood, những trải nghiệm này khiến việc thâm nhập vào ngành trở nên dễ tiếp cận hơn. “Tôi đã học được rất nhiều điều từ tất cả các buổi ra mắt phim diễn ra ở đó và phần Hỏi & Đáp. Bạn có thể nhìn vào nội tình hoạt động,” người phục vụ quầycà phê Sydney Gabel nói. Giống như Earl, Gabel đã làm một phim ngắn với một số đồng nghiệp ArcLight của cô và thậm chí còn được công chiếu nó tại rạp này. “Thật đặc biệt khi được xem nó trên màn chiếu thực sự ở ArcLight với tất cả đồng nghiệp của tôi, những người đã giúp tạo ra bộ phim.”

Một khán giả lượt qua hàng đống lựa chọn phim tại ArcLight Hollywood vào tháng 4 năm 2011. Rạp chiếu này đại diện cho ngành công nghiệp điện ảnh sống động, hòa quyện giữa Hollywood thực với Hollywood lý tưởng

Vầy có nghĩa là chúng ta không thể có rạp hát đẹp?

Tại thời điểm này trong đại dịch, không có tổn thất nào là hoàn toàn bất ngờ — ít nhất là với tất cả các rạp chiếu phim, vốn đã ở vị trí bấp bênh trước COVID nhờ sự gia tăng của việc phát trực tuyến. Nhưng bởi vì ArcLight được yêu thích rộng khắp và tạo ra một thị trường ngách độc đáo như vậy, nên nhiều người đã nghĩ nếu có rạp chiếu nào miễn dịch kép được với phát trực tuyến lẫn COVID, thì chỉ có thể là ArcLight. “Tôi biết chuyện buồn như thế này luôn xảy ra với các rạp chiếu độc lập nhỏ, nhưng tôi không ngờ lại có thể xảy ra với chúng tôi,” nhân viên rạp Sarah Gwen nói. “Nên nó khiến tôi lo lắng cho tương lai của ngành chiếu bóng.”

Trong khi nhiều rạp khác vẫn đứng vững, việc mất đi những rạp độc đáo, được yêu thích như ArcLight để lại một lỗ hổng to tướng cho cộng đồng. Abeyta nói: “Tôi cảm thấy các rạp khác đã trở nên đồng nhất quá lâu, và đó là lý do tại sao ArcLight trở nên đặc biệt. Thật là sốc. Mọi người ở Los Angeles như đứt hơi bởi chuyện này. Tôi biết có vẻ ngớ ngẩn, nhưng đó là một nơi đặc biệt và Los Angles đang rất thương tiếc.”

Lên phim Once Upon a Time ... in Hollywood của Quentin Tarantino

Các nhân viên cũ khác cũng bày tỏ sự nghi ngờ tương tự về tương lai của ngành chiếu bóng. Nhưng thấy sự phản đối kịch liệt của những người yêu mến và ủng hộ nhà hát — nhiều người thấy mình được động viên đến nỗi nhanh chóng bắt đầu mơ tưởng một người mua sẽ sà vào và ít nhất, cứu được ArcLight Hollywood. Gabel nói: “Tôi rất hy vọng có thể một chuỗi rạp chiếu khác sẽ đến. Và nếu chúng ta có thể duy trì việc xây dựng rạp chiếu phim mới và giữ cho nó tồn tại, có lẽ nó sẽ tồn tại lâu dài… Tôi hy vọng.”

Caryn Coleman, giám đốc chương trình và các dự án đặc biệt tại Nhà hát Nitehawk ở Brooklyn, cho biết cô “tan nát cõi lòng” trước tin ArcLight đóng cửa, nhưng cô không nghĩ tương lai của ngành nói chung đáng lo đến thế. “Theo tôi, đó không phải là dấu hiệu đáng ngại quá lớn vì rất nhiều không gian điện ảnh của chúng ta vẫn đang tồn tại,” cô viết cho Vulture trong một email. “Tôi cho rằng điều tôi sẽ để tâm là những gì sẽ xảy ra từ sáu tháng đến một năm kể từ bây giờ để xem tác động của đại dịch lên những không gian vật lý. Tuy nhiên, tôi có hơi lạc quan. Tôi thấy tất cả những thách thức mà ngành công nghiệp điện ảnh đang phải đối mặt mang đến nhiều cơ hội cho sự tiến hóa hơn là hồi chuông báo tử của chúng ta.”

Tuy nhiên, hy vọng về tương lai của ngành chiếu bóng không làm giảm bớt gánh nặng của tổn thất cụ thể này — và, đặc biệt là, tổn thất này ở thời điểm hiện tại. Tiêm phòng đang trở nên phổ biến rộng rãi, đóng cửa ArcLight diễn ra ngay khi việc quay lại với các rạp chiếu phim nằm trong tầm mắt.

Nhiều người đã nghĩ nếu có rạp chiếu nào miễn dịch kép được với phát trực tuyến lẫn COVID, thì chỉ có thể là ArcLight

Gabel nói: “[Trước đại dịch] tôi đã mong đợi rời ArcLight và bước vào một phần mới trong sự nghiệp của mình. Nhưng tôi không mong đợi nó rời bỏ tôi. Tôi thực sự hy vọng sẽ sớm được đi uống nước và xem Cruella. Đó là điều duy nhất về Los Angeles mà tôi trông đợi sau đại dịch — được gặp lại tất cả bạn bè và được ở đó một lần nữa. Vì vậy, tôi thực sự rất buồn. Nhưng tôi sẽ cố gắng khắc ghi những kỷ niệm dấu yêu.”

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vulture


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.