Hồng Kông từng là một trong những nền điện ảnh đặc sắc nhất thế giới.
Mặc dù có vay mượn nhiều từ di sản Đại lục, điện ảnh Hồng Kông đã giúp
phổ biến toàn bộ các thể loại phim như kung fu và kiếm hiệp ngoài việc
tạo ra các thể loại địa phương cụ thể như phim hài
mo lei tau (tạm dịch: hài không đầu không đuôi) và phim hành động anh hùng đẫm máu.
Trong thời hoàng kim từ giữa thập niên 80 đến giữa thập niên 90, phim
Hồng Kông thống trị phòng vé ở Đông Á và tận hưởng danh tiếng được sùng
bái ở phương Tây.
Bất chấp quy mô của thành phố, Hồng Kông đã xuất
khẩu nhiều phim hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới trừ Hoa Kỳ.
Các ngôi sao địa phương Thành Long và Ngô Vũ Sâm đã trở thành những
người nổi tiếng ở Hollywood, còn những người như Châu Nhuận Phát và Lý
Liên Kiệt cũng có cơ hội tỏa sáng ở nước Mỹ. Theo nhà sử học điện ảnh
David Bordwell, vào thời kỳ đỉnh cao, Hồng Kông đã sản xuất ra “nền điện
ảnh được cho là giàu năng lượng, giàu trí tưởng tượng và được yêu thích
nhất thế giới.”
Làm thế nào điện ảnh Hồng Kông có thể đạt được
những đỉnh cao chóng mặt đó và tại sao lại rơi xuống trạng thái gần như
không đáng màng trong những năm gần đây?
Lý Tiểu Long trong phim cuối cùng, Enter The Dragon, phim hợp tác sản xuất Mỹ và Hồng Kông
|
Phim giả tưởng đầu tiên được làm ở Hồng Kông được số đông chấp nhận là
Chuang Tsi Tests His Wife,
sản xuất năm 1913. Dù tới năm 1939 các hãng phim trong vùng đang sản
xuất hơn 100 phim mỗi năm, nói tiếng Quảng Đông và Quan thoại, khu vực
này khi đó còn là thuộc địa của Anh đã đứng thứ hai chỉ sau Thượng Hải
về tầm quan trọng điện ảnh.
Điều đó đã thay đổi sau cuộc Nội
chiến lần thứ 2 năm 1949, khiến nền công nghiệp điện ảnh Trung Quốc sa
lầy và chứng kiến nhiều nhà làm phim di chuyển về phương nam.
Hồng
Kông ở vào vị trí lý tưởng để tận dụng hoàn cảnh. Khu vực có một hệ
thống hãng phim được thiết lập và là thuộc địa của Anh, nó có thể truy
cập vào kho và thiết bị phim phương Tây. Chính phủ tin vào nền pháp trị
và chỉ tác động nhẹ khi nói đến việc điều tiết nền công nghiệp điện ảnh —
cho đến năm 1988, ở Hồng Kông thậm chí không có bất kỳ cấp độ phân loại
phim nào.
Trịnh Phối Phối trong phim kiếm hiệp kinh điển Come Drink With Me của Hồ Kim Thuyên
|
Các nhà làm phim địa phương đã tận dụng tất cả những điều đó và phát
triển mạnh. Với cộng đồng người Hoa trải khắp Thái Lan, Malaysia,
Singapore và Indonesia — chưa kể Đài Loan — phim Hồng Kông có khán giả
háo hức xem khắp châu Á. Vào thập niên 60, các hãng phim bắt chước các
bộ phim samurai thời đại kịch nổi tiếng của Nhật Bản, sản xuất các tác
phẩm Hoa ngữ tương đương như
Come Drink With Me (
Đại túy hiệp) (1966) và
The One-Armed Swordsman (
Độc tí đao) (1967).
Rồi Lý Tiểu Long xuất hiện. Một biểu tượng quốc tế cho đến ngày nay, vai diễn đột phá cho Lý Tiểu Long là trong
The Big Boss (
Đường Sơn đại huynh) (1971), đã lập kỷ lục phòng vé khắp châu Á. Phim tiếp theo của Lý Tiểu Long,
Fists of Fury (
Tinh võ môn) (1972), đã phá vỡ những kỷ lục đó và bộ phim cuối cùng của anh,
Enter the Dragon (
Long tranh hổ đấu) (1973), được phát hành sau đó, biến anh thành một ngôi sao quốc tế kể cả sau khi anh qua đời.
Five Fingers of Death / Đệ nhất quyền vương của Thiệu Thị Huynh Đệ (1972)
|
Gần như đồng thời,
Five Fingers of Death / Đệ nhất quyền vương của Thiệu Thị Huynh Đệ (1972) đến Mỹ cùng năm với
Enter the Dragon.
Rất nổi tiếng, những bộ phim này cùng nhau đã giúp đưa phim Hồng Kông
ra khỏi các rạp chiếu phim ở khu phố người Hoa ở những nơi như New York,
San Francisco và Vancouver và đến gần hơn với đám đông. Mang phong cách
nước ngoài nhưng có thể hiểu được, tác động của chúng lớn đến mức các
nhà làm phim địa phương sản xuất phim kung fu dành riêng cho khán giả
quốc tế thậm chí không chiếu ở Hồng Kông.
Trong bối cảnh của
những cú đá nhanh như chớp và những cú đấm chết người, một cuộc cách
mạng lặng lẽ hơn đã xảy ra. Những bộ phim kiếm hiệp kinh phí lớn rất nổi
tiếng hầu như chỉ được quay bằng tiếng phổ thông — cộng đồng nói tiếng
Quảng Đông và thị trường nhỏ hơn nhiều. Bây giờ có vẻ lạ nhưng vào năm
1972, Hồng Kông không sản xuất phim tiếng Quảng Đông nào cả.
Châu Nhuận Phát trong phim Hồng Kông biểu tượng A Better Tomorrow (Bản sắc anh hùng) của Ngô Vũ Sâm
|
Điều này đột ngột thay đổi vào năm 1973 khi bộ phim hài
The House of 72 Tenants / 72 khách trọ
được phát hành, đứng đầu các bảng xếp hạng phòng vé và lập kỷ lục mới
tại Hồng Kông. Những phim hài nói tiếng Quảng Đông sau đó của Hứa Quan
Văn đã khẳng định xu hướng —
Games Gamblers Play / Quỷ mã song tinh của ông vượt kỷ lục phòng vé mới của
72 Tenants
ngay năm sau. Việc thành lập Liên hoan phim quốc tế Hồng Kông vào năm
1977 đã tăng khả năng tiếp cận điện ảnh địa phương từ nước ngoài và thúc
đẩy cân nhắc xa hơn về di sản điện ảnh của thành phố.
Những điều
trên đã tạo nên bối cảnh cho Làn Sóng Mới Hồng Kông — những bộ phim của
Hứa An Hoa và Từ Khắc, đã chứng minh rằng có nhiều thứ cho điện ảnh địa
phương hơn là những đòn chưởng — và điện ảnh Hồng Kông thời hoàng kim.
Giai
đoạn này, thường được coi là kéo dài từ năm 1986 đến 1993, đã thấy phim
Hồng Kông tiếp tục thống trị thị trường địa phương và khu vực. Phần lớn
lính mới gia nhập ngành công nghiệp điện ảnh đã học ở nước ngoài và họ
mang theo sự đánh giá cao tiêu chuẩn làm phim của phương Tây, giúp nâng
cao hơn nữa các bộ phim Hồng Kông trên các đối thủ trong khu vực. Kết
quả là, theo đạo diễn Vương Tinh, “tinh thần phương Đông trong một bao
bì phương Tây”.
Trùng Khánh Sâm Lâm của Vương Gia Vệ có ngôi sao nhạc pop người Nhật
Bản gốc Đài Loan Takeshi Kaneshiro trong vai một cảnh sát Hồng Kông nói
nặng giọng Quảng Đông
|
Đông Á điên cuồng với sản phẩm lai này và các nhà sản xuất Hồng Kông đã
làm hết sức để thu hút họ. Diễn viên hàng đầu đã được tuyển dụng từ khắp
khu vực — như Dương Tử Quỳnh (Malaysia), Lâm Thanh Hà (Đài Loan) và
Oshima Yukari (Nhật Bản). Trêu chọc chủ nghĩa cơ hội này,
Chungking Express (
Trùng Khánh Sâm Lâm)
của Vương Gia Vệ có ngôi sao nhạc pop người Nhật Bản gốc Đài Loan
Takeshi Kaneshiro trong vai một cảnh sát Hồng Kông nói nặng giọng Quảng
Đông, tình cờ đã học tiếng Nhật trong thời gian học ở Đài Loan.
Các
bản cắt khác nhau đã được thực hiện để thu hút các thị trường khác
nhau. Các nhà phân phối Đài Loan và Hàn Quốc muốn có nhiều hành động
hơn, vì vậy các cảnh chiến đấu được mở rộng cho các phiên bản phim của
họ. Với sự nhạy cảm của các bên kiểm duyệt ở Malaysia và Singapore, các
yếu tố hình sự của một số bộ phim nhất định đã được giảm nhẹ — các cảnh
quay thêm được quay cho chuỗi phim
Young and Dangerous / Người trong giang hồ giải thích rằng các nhân vật chính của “anh hùng” xã hội đen thực ra là cảnh sát nằm vùng.
Thành công của Jurassic Park báo trước cái kết cho thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Hồng Kông
|
Thật không may, thời tươi đẹp không thể kéo dài. Bước ngoặt là năm 1993 khi
Jurassic Park
nện chân vào tầm ngắm và đứng đầu phòng vé Hồng Kông. Cùng năm, Đài
Loan, thị trường bên ngoài sinh lợi nhất từ trước tới đó, đã chứng kiến
sự ra đời của truyền hình cáp và vệ tinh, lôi kéo người xem ở nhà thay
vì đến rạp chiếu phim.
Từ những năm 1980, thị trường quốc tế đã
dần chiếm hơn một nửa doanh thu rạp của Hollywood. Với dân số khổng lồ
và người tiêu dùng ngày càng thịnh vượng, Đông Á là mục tiêu chính để mở
rộng hơn nữa. Thành công của
Jurassic Park được tiếp nối với
The Fugitive (1993),
Speed (1994) và
True Lies
(1994). Đồng thời, các hãng phim Mỹ bắt đầu đầu tư vào rạp chiếu phim ở
Nhật Bản và các thị trường lớn khác, giúp họ đẩy mạnh sản phẩm của mình
hơn. Bản thân Hồng Kông cũng không tránh khỏi cơn khát phim bom tấn Mỹ
này, tiếp tục ngốn ngấu ngày càng nhiều doanh thu phòng vé.
Tập đoàn New World Development đồng ý bảo tồn rạp hát có lịch sử 68
năm State Theatre ở khu North Point khi nhà phát triển địa ốc Hồng Kông
này chuẩn bị thâu tóm phần còn lại xung quanh theo một kế hoạch chỉnh
trang đô thị nhiều tỉ đôla
|
Sự xuất hiện của các cụm rạp chiếu phim hiện đại ở Hồng Kông vào những
năm 90 cũng là một vấn đề. Mặc dù cung cấp âm thanh tối tân, chỗ ngồi và
màn chiếu hiện đại, các cụm rạp chiếu này đã làm thiệt hại cho các
phòng chiếu phim cũ có thể chứa hơn 1.000 khách hàng. Điều đó có nghĩa
là ngay cả khi số lượng rạp chiếu phim tăng lên, số lượng chỗ ngồi — và
vé có sẵn để bán — thực ra giảm đi.
Một vấn đề lớn về cấu trúc là
hạ tầng. Khi số lượng ghế đang giảm thì chi phí cũng bắt đầu tăng vọt.
Phần lớn trong số này là do các ngôi sao yêu cầu mức lương cao hơn bao
giờ hết – vào đầu những năm 90, mức lương triệu đô của Lý Liên Kiệt,
được đưa tin là có thể ăn hết một phần ba ngân sách sản xuất, cắt giảm
biên lợi nhuận. Khi giá bất động sản Hồng Kông tăng cao không thể tin
nổi, các chuỗi rạp chiếu phim luôn chuyển gánh nặng tiền thuê cao hơn
cho khách hàng thông qua giá vé cao hơn, tạo động lực cho họ tìm kiếm
giải trí ở nơi khác.
Rắc rối của các hãng phim Hồng Kông dày lên với vi phạm bản quyền đặc
hữu. Đã là một vấn đề trong những năm 80, căn bệnh này \lan truyền mạnh
mẽ vào những năm 90 nhờ vào sự phát triển của VCD (Video Compact Disc).
Những tay buôn lậu phim khéo tới nỗi Vương Văn Tuyển, nhà sản xuất của
chuỗi phim
Young and Dangerous, đã có thể mua một bản phim lậu của
Young and Dangerous 4 ngay trong ngày ra mắt năm 1997.
Trong
những năm sản xuất đỉnh vào đầu thập niên 90, tính bình quân đầu người
thì Hồng Kông có ngành công nghiệp điện ảnh hoạt động mạnh nhất hành
tinh. Nó là một chỉ số thường được sử dụng để hô hào sức mạnh từng có
của ngành công nghiệp. Trên giấy tờ có vẻ ấn tượng, nhưng thực sự, đây
là một nguồn nhược điểm lớn vì nhiều trong số hàng trăm phim được sản
xuất không đạt chuẩn. Với số lượng lớn các nhà đầu tư đang tìm kiếm một
cú huých nhanh chóng trong thị trường nổi này — bao gồm các băng đảng
Hội Tam Hoàng, một mặt tối của những năm bùng nổ — kết quả là sản xuất
quá nhiều phim chất lượng kém.
Young and Dangerous 4 1997 có bản phim lậu ngay trong ngày ra mắt
|
Cùng với việc các nhà làm phim nhảy từ xu hướng này sang xu hướng khác
để tìm kiếm thứ ăn tiền tiếp theo, dẫn đến sự mệt mỏi của khán giả. Đột
nhiên, khả năng tạo ra các bộ phim liên tiếp nhanh như súng liên thanh
trong truyền thuyết của Hồng Kông chuyển từ một tính tốt thành một thói
xấu.
Đây cũng là những năm bùng nổ của các phim cấp III mới được
phân loại. Những sản phẩm nhếch nhác điển hình này đi kèm với những cái
tên hấp dẫn như
Rape by a Angel (1993),
Girls Unbutton (1994) và
A Chinese Torture Chamber Story (1994). Thông thường, cốt truyện không hấp dẫn ngang nhau.
Pretty Woman
(1991) — không phải là phiên bản làm lại bộ phim ăn khách của Julia
Roberts/Richard Gere — xoay quanh một người phụ nữ bị hãm hiếp và giết
hại và sau đó được thay thế bằng một nữ tiếp viên trông giống cô.
Mặc
dù một số phim cấp III nhất định rất nổi tiếng và một số ít được các
nhà phê bình khen ngợi — Huỳnh Thu Sinh đã thắng giải Nam diễn viên xuất
sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông cho
The Untold Story (1993) và Thư Kỳ giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho
Viva Erotica
(1996) — đại đa số phim khiến khán giả cụt hứng. Với rất nhiều xuất
phẩm địa phương chứng tỏ là không thỏa mãn — nhiều ước tính khác nhau
nói rằng ở mức cao nhất từ 25 đến 50% phim Hồng Kông là phim cấp III —
người đi xem phim ngày càng hướng về Hollywood.
Trương Quốc Vinh và Thư Kỳ trong phim cấp III thành công Viva Erotica
|
Thiệt hại sờ sờ trước mắt. Năm 1988 các rạp phim Hồng Kông đã bán được
65 triệu vé. Đến năm 1993 giảm xuống còn 45 triệu và ba năm sau, tổng số
này đã giảm xuống còn 22 triệu. Đầu những năm 90, thành phố sản xuất
khoảng 400 bộ phim mỗi năm – nhiều hơn Nhật Bản với nền kinh tế và dân
số rộng lớn – nhưng đến năm 1997, sản lượng giảm hơn một nửa. Trong đó,
năm chuyển giao, tổng doanh thu phòng vé của phim nhập khẩu đã vượt phim
địa phương lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ. Đó là một sự thay đổi mang
tính biểu tượng phá vỡ sự tự tin của ngành công nghiệp điện ảnh Hồng
Kông.
Sau đó là khủng hoảng tài chính châu Á, gây ra một cú huých
nữa cho một ngành công nghiệp đang quay cuồng. Những xuất phẩm Hồng
Kông đang được mua trong khu vực được mua bằng các loại tiền tệ mất giá
mạnh.
Trải dài tới tương lai, một vấn đề cuối cùng đã hình thành.
Điện ảnh Hồng Kông từ lâu được củng cố bằng các ngôi sao quốc tế như Lý
Tiểu Long, Thành Long và Trương Quốc Vinh, đã thu hút khán giả trên
toàn thế giới. Thật không may, Hồng Kông chưa bao giờ giải quyết câu hỏi
ai là người tiếp theo. Khi ngành công nghiệp điện ảnh trượt dốc, các
nhà làm phim tiếp tục dựa vào những ngôi sao đã có tên tuổi, những người
được coi là đem lại doanh thu đáng tin cậy.
Cổ Thiên Lạc, người trẻ tuổi nhất trong số những tên tuổi lớn nhất hiện giờ của điện ảnh Hồng Kông, cũng đã bước vào độ tuổi 50
|
Nhưng bây giờ Châu Nhuận Phát đã 64 tuổi, Lưu Đức Hoa đã 58 tuổi và thậm
chí Cổ Thiên Lạc, người trẻ tuổi nhất trong số những tên tuổi lớn nhất
hiện giờ của điện ảnh Hồng Kông, cũng đã bước vào độ tuổi 50. Trong 20
năm qua, không có ngôi sao mới nào xuất hiện để thay thế những người gác
đền cũ. Dù những diễn viên này nổi tiếng như thế nào ở quê nhà, với
phần còn lại của thế giới họ là những ngôi sao cũ trong cùng những bộ
phim cũ. Đối lập với băng chuyền không ngừng những người nổi tiếng mới
của Hàn Quốc trong những năm gần đây, thật dễ hiểu tại sao các quốc gia
khác ngừng trả tiền để xem phim Hồng Kông.
Ngành công nghiệp điện
ảnh không bao giờ hồi phục sau cú đánh liên tiếp này – những cú đánh
liên tục xuất hiện cùng với Sars và Trung Quốc Đại lục quyết tâm đẩy
mạnh điện ảnh của họ. Có một điều trớ trêu trong chuyện này là một số bộ
phim thành công nhất của Hồng Kông được thực hiện sau thời kỳ đỉnh cao
của ngành, như
In the Mood for Love (
Tâm trạng khi yêu) (2000) và
Infernal Affairs (
Vô gian đạo) (2002), chưa kể đến những tác phẩm chín muồi nhất của các đạo diễn tên tuổi như Hứa An Hoa và Đỗ Kỳ Phong.
Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc trong phim kinh điển hiện đại của Vương Gia Vệ, In the Mood for Love
|
Thôi thì mượn tựa phim ăn khách năm 1993 của Nhĩ Đông Thăng,
c’est la vie, mon cheri, để nói
đời là vậy, cưng ơi.
Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post