Những năm 70 là thời đại thử nghiệm và tự do. Toàn bộ thập niên 80 là
“high-concept” — phim thú vị dễ xem hái ra tiền. Những năm 90 là của
phim độc lập.
Nhưng kể từ đầu thế kỷ mới, cảm tưởng văn hóa đã trở nên ít khác biệt
hơn, một phần vì kinh doanh, một phần vì chính các bộ phim. Lần đầu
tiên, định nghĩa về thập kỷ đã qua đến từ tác phẩm thực tế trên màn ảnh
thì ít, mà từ cách nó được duyệt thực hiện và cách người ta tiêu thụ nó
thì nhiều.
Trong cộng đồng hâm mộ hiện đại, đả kích một người nổi tiếng là đả kích ‘fan’ của họ
|
Khi thập niên 2010 bắt đầu, Hollywood đã tranh nhau tìm ra cách bắt lấy
mô hình Marvel mới được hình thành. Bạn có thể nghe tiếng thúc hối “Mau
lên!” trong các phòng họp giám đốc điều hành khắp thành phố này. “Hãy
xây dựng cho tôi một vũ trụ chung!” Các nhà điều hành hãng phim hứa hẹn
sẽ cho người hâm mộ chính xác cái họ muốn, và đã dành ra một thập niên
theo đuổi đúng cái đồng đôla đặc thù đó, loại hết mọi thứ khác.
Vâng,
vẫn còn rất nhiều bộ phim hay được làm mỗi năm, nhưng phủ nhận có một
nền văn hóa đại chúng chắc nịch nguyên khối mới đã chiếm lĩnh thập niên
qua là ngu ngốc. Cũng sẽ ngu ngốc không kém khi phủ nhận rằng có cái gì
đó độc hại và ôi thiu chi phối sự tương tác giữa người hâm mộ và hãng
phim bây giờ, tệ hại hơn nữa là sự hoài nghi đã khiến các nhà điều hành
nói về “nội dung” và “tài sản trí tuệ” không chút ân hận, thay vì nói về “phim” và “nhân
vật”.
Sự lên ngôi của phần tiếp theo bắt đầu từ
những năm 80, nhưng chưa bao giờ cảm thấy như thể phần tiếp theo chiếm
lĩnh văn hóa hoàn toàn, và phải mất một chút thời gian mới nhận ra
chuyện gì đã thay đổi. Thay vì là nơi phản ứng lại nền báo chí bồi bút
cho hãng phim, mạng internet đã biến thành cái loa phóng thanh cực đại
cho cộng đồng người hâm mộ độc hại.
Vấn đề là: người hâm mộ đã thắng. Và khi đã thắng, họ quyết định họ
không hài lòng. Rốt cuộc có một siêu-chuỗi-23-phim dựa trên những thứ
bạn từng nhét đầy tủ để đọc thì đâu có đủ. Không. Siêu-chuỗi-23-phim đó
phải có doanh thu cao nhất từ trước đến nay, phải có những bình phim hay
nhất, và cần phải thắng giải thưởng, và hơn thế nữa, cần giành được
nhiều giải thưởng hơn bất kỳ siêu-phim-chuỗi ‘khủng’ nào khác bởi vì
điều đó chứng tỏ rằng siêu-phim-chuỗi này hay hơn cái siêu-phim-chuỗi
kia, vốn dĩ ngầm chứng minh rằng những người hâm mộ của siêu-phim-chuỗi
này là những con người tài giỏi hơn, năng động hơn đám ngu ngốc thích
cái siêu-phim-chuỗi đáng khinh kia.
Có lẽ đã luôn là vậy. Chắc chắn, người hâm mộ
Star Trek và người hâm mộ
Star Wars
có xu hướng nguýt hái nhau, nhưng đó được xem là sự khác biệt cơ bản
trong chuyện bạn muốn gì từ bộ phim giả tưởng của bạn. Bạn muốn cái gì
đó dựa vào thực tế nhiều hơn để đặt ra một tương lai mà bạn thực sự muốn
thấy, hay bạn muốn một ảo mộng vẽ lên những nét tưởng tượng chung
chung? Vào thời hạnh phúc khi chưa có Internet đâu bao giờ mà sự khác biệt
giữa các công đồng người hâm mộ lại nghiêm trọng đến nỗi làm lu mờ niềm
vui khiến người ta trở thành ‘fan’ ngay từ đầu thế này.
Chiến tranh giữa các vì sao là
một hiện tượng văn hóa, và sống qua quãng thời gian sáu năm đáng chú ý
từ 1977 đến năm 1983 thật ly kỳ. Theo nhiều phương diện, chúng ta đã
chứng kiến marketing phim hiện đại phát triển khi 20th Century Fox tìm
ra cách điều khiển làn sóng năng lượng mà họ không hiểu hết này. Người
viết là một trong những đứa trẻ phát điên vì
Chiến tranh giữa các vì sao, và cũng không thể giải thích điều đó.
Dù vậy,
Chiến tranh giữa các vì sao là một sự bất thường, và
ngay cả khi Hollywood quyết liệt săn đuổi nhóm độ tuổi của người viết,
họ liên tục bộc lộ rằng họ không hiểu tại sao chúng ta thích những thứ
chúng ta thích. Có cảm tưởng ta bị ngành công nghiệp xem thường ngay cả
khi họ tìm túi của chúng ta lấy tiền. Internet hứa hẹn sẽ thay đổi tất
cả. Internet được cho là để làm hai chuyện. Đáng lẽ phải mang người hâm
mộ đến với nhau, những người có thể không bao giờ gặp nhau, và đáng lẽ
phải cho chúng ta cơ hội bày tỏ ý kiến của mình một cách trực tiếp và rõ
ràng, cuối cùng nói cho các hãng phim biết chúng ta thực sự muốn gì bởi
vì có cảm giác như họ không hề lắng nghe.
Chà, bây giờ họ đang
nghe, và họ chẳng học được điều gì. Toàn bộ sự lắng nghe đó đã chuyển mô
hình kinh doanh của họ từ coi thường không buồn giấu giếm sang một kiểu
thích thì chiều hèn nhát, đáng xấu hổ. Thỏa mãn người hâm mộ đã nhường
chỗ cho một kiểu tranh giành điên cuồng để tìm bất cứ thứ gì sẽ biến
người hâm mộ thành người tiêu dùng ngoan ngoãn, và càng nhiều thì càng
tốt. Một trong những đầu tàu cho thấy rõ đây là Thập niên của người hâm
mộ là Hollywood không chỉ đi theo Comic-Con, mà thực ra còn bắt đầu lên
kế hoạch mọi thứ xung quanh nó. Có thể chấp nhận Comic-Con nếu nó ở trên
sân khấu Hội trường H, nhưng nó đã di căn, xóa đi ranh giới giữa nhà
báo và người hâm mộ, và bây giờ toàn bộ báo điện ảnh đều được đối xử như
Comic-Con, một thứ quảng cáo miễn phí lâu bền trong đó những chuyến
thăm trường quay và những tranh cãi về chọn diễn viên, những teaser và
trailer cho những teaser và trailer đều như nhau, tất cả đều là một phần
của chuyến đi công viên, tất cả là một phần của việc giữ cho người hâm
mộ luôn ở trong tình trạng ngấu nghiến khi chưa phát hành, năm này qua
năm khác.
Và nếu cộng đồng hâm mộ hạnh phúc, thì đâu có gì mà nói. Nhưng nào có
được vậy, cộng đồng hâm mộ đã trở nên ngày càng điên tiết. Càng được
ngốn ngấu, họ càng đòi hỏi nhiều hơn. Nếu thứ gì đó là 95% cái họ muốn,
họ sẽ dành toàn bộ thời gian và sức lực cho cái 5% họ không thích, và họ
không chỉ tập trung vào vấn đề của họ với cái không thích đó, họ còn
săn lùng bất cứ ai không đồng ý và sẽ la quát những kẻ đó cho đến khi
người ta im lặng. Thập niên của người hâm mộ chỉ dẫn đến toàn bộ thế hệ
Veruca Salt và Mike Teevee, được tung vào nhà cười bịa đặt của Willy
Wonka bất kể họ ăn bao nhiêu, bất kể họ được thấy cái gì.*
Đã đến
lúc người hâm mộ hãy thôi khạc nhổ đi. Đã đến lúc đưa mối quan hệ trở
lại cân bằng. Đã đến lúc cho những người làm nghệ thuật lắng nghe tiếng
lòng mình và thôi lo lắng về những người tiêu dùng giả định trong tương
lai. Cộng đồng người hâm mộ là để làm cái việc ca ngợi tán dương, và nếu
có chỗ cho chủ nghĩa bộ lạc, thì đó là hòa nhập, mời người khác xem
điều bạn nhìn ra trong thứ gì đó.
Thay vì thế, một thập kỷ coi những mong muốn của mình là đương nhiên chỉ
khiến ‘fan’ ước nhiều điều ước hơn, và cảm giác không được công nhận.
Cảm giác chuyển từ ngoài rìa vào dòng chính biến người hâm mộ từ kẻ dưới
cơ thành kẻ bắt nạt, và việc ‘fan’ được nuông chiều hết mực đã cho
chúng ta một thập niên mà nhìn lại sẽ thấy như bị lạc trong dãy kệ ở cửa
hàng đồ chơi Toys’R’Us, bị bủa vây và cuối cùng chết ngợp bởi những
khối nhựa tới mức phải nổi cơn tam bành đòi lấy được.
Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film School Rejects