Vào năm 1964, các nhà thiên văn tại Đài quan sát Tử Kim Sơn Trung Quốc
phát hiện ra một tiểu hành tinh nằm ở vành đai chính giữa sao Hỏa và sao
Mộc. Họ đặt tên tiểu hành tinh này là 2899 Runrun Shaw, để vinh danh
nhà sáng lập hãng phim Hồng Kông, Thiệu Dật Phu.
Thiệu Dật Phu, nổi tiếng thế giới với cái tên Run Run Shaw, không hề là
một tiểu hành tinh. Giữa những chủ hãng phim trong ngành công nghiệp này
ở bất cứ đâu, châu Á, châu Âu hay Hollywood, ông là vầng nhật nguyệt,
và là người đã đưa những minh tinh lên bầu trời điện ảnh, trong đó có Châu Nhuận Phát và
Trương Mạn Ngọc. Đế chế giải trí của Thiệu Dật Phu trải dài từ Đài Loan
đến Malaysia, và từ thời phim câm đến hiện tại — gần 90 năm cả thảy. Ngày 8/1/2014, ông qua đời ở cái tuổi 107 đáng kính sợ, người ta có thể
chào vĩnh biệt vị hoàng đế cuối cùng của điện ảnh Hoa ngữ.
Thiệu Dật Phu lúc trẻ và già
Logo của hãng Thiệu Thị (The Shaw Brothers) — hai chữ cái đầu “SB” trên
một tấm khiên hình vỏ sò — xuất hiện trên rất nhiều xuất phẩm thành công
đình đám nhất thời kỳ đầu kỷ nguyên vàng của điện ảnh Hồng Kông.
Những ngôi sao hàng đầu của hãng này vào thập niên 1960 là nữ. Lâm Đại
duyên dáng yêu kiều trong phim bom tấn nhạc kịch
Giang sơn mỹ nhân / The Kingdom and the Beauty của Lý Hàn Tường và sử thi tình yêu-và-chiến tranh dài bốn tiếng đồng hồ
Lam dư hắc / The Blue and the Black. Trịnh Phối Phối sôi nổi, Trần Bình và Hà Lị Lị thể hiện bộ ba thất tình trong phim nhạc kịch kiểu MGM của hãng Thiệu Thị,
Hương giang hoa nguyệt dạ / Hong Kong Nocturne,
do đạo diễn người Nhật Umetsugu Inoue chỉ đạo. Nhưng Trịnh Phối Phối
lái Thiệu Thị sang một hướng mới khi, ở tuổi 20, cô thể hiện vai diễn nữ
thần chiến binh oai vệ trong bộ phim võ hiệp có sức ảnh hưởng về sau
của Hồ Kim Thuyên,
Đại túy hiệp / Come Drink With Me.
Với sự thành công của
Độc tí đao / The One-Armed Swordsman
của Trương Triệt, bộ phim đã kích lên cơn cuồng phim kiếm hiệp ở Hồng
Kông, trọng tâm của hãng chuyển từ phạm vi hẹp nữ hiệp sang hảo hán đại
trượng phu, và Thiệu Dật Phu trở thành ông trùm phim kung-fu.
Thiên hạ đệ nhất quyền / King Boxer (còn có tựa là
Five Fingers of Death)
năm 1972 với La Liệt trong vai người đàn ông có tay đấm sắt, là phim võ
thuật đầu tiên được phát hành rộng rãi ở phương Tây; ở Mỹ phim kiếm
được gấp 12 lần con số 300.000 đôla chi phí sản xuất, một năm trước khi
bộ phim đột phá
Long tranh hổ đấu / Enter the Dragon của Lý Tiểu Long ra mắt. Năm 1978 Trương Triệt giới thiệu năm ngôi sao mới trong
Ngũ độc / The Five Deadly Venoms.
Một phần tư thế kỷ sau, Quentin Tarantino đã pha trộn tính hành động
mãnh liệt trong phim của Trương Triệt với yếu tố nữ anh hùng của
Đại túy hiệp vào bộ phim hai phần
Kill Bill của ông — đã mở đầu bằng vỏ sò và kèn lệnh của Thiệu Thị.
Một cảnh trong phim Độc tí đao của Trương Triệt do Shaw Brothers Studio sản xuất năm 1971
Những phim do Thiệu Dật Phu cùng người anh trai Thiệu Nhân Mai sản xuất
từ những năm 1950 đến 1985 làm nên chuẩn mực cho vùng đất thuộc địa này
vì sự sang trọng, mãnh liệt và nổi bật trong hàng chục thể loại. Nhưng trong nhiều thập kỷ Thiệu Dật Phu từ chối đưa phim cũ của ông lên
video, thậm chí không cho phép các bảo tàng điện ảnh được trình chiếu
chúng. Nếu mà có xem được thì những phim hành động kinh điển của hãng
này cũng chỉ chiếu lậu ở định dạng bị cắt gọt từ đại cảnh màn ảnh
rộng xuống khổ màn ảnh nhỏ với chất lượng hình ảnh rất xấu. Năm 2000
Thiệu Dật Phu đã sửa lưng cái việc phạm pháp này bằng một hợp đồng trị
giá 84 triệu đôla quyền phát hành video cho một thư viện phim hoàn chỉnh 760
bộ phim của hãng; người mua quyền là hãng Thiên Ánh (Celestial
Pictures), một đơn vị con của tập đoàn truyền thông UTSB do nhà tài
phiệt người Malaysia Ananda Krishnan làm chủ. Nhờ giải pháp đem lại tiền
vô ngân hàng cho Thiệu Thị này, dân ghiền điện ảnh có thể xem lại các
chế tác của Thiệu Thị, với nước màu gốc lộng lẫy và đẹp nín thở.
Đế
chế của Thiệu Dật Phu vượt ra khỏi lĩnh vực điện ảnh. Ông là chủ nhân
sáng lập của Television Broadcast Ltd. (TVB), là kênh truyền hình phổ
biến nhất Hồng Kông suốt 45 năm nay. Ông thành tỉ phú bằng lĩnh vực giải
trí và trả lại gần hết bằng hoạt động từ thiện, nhất là dành cho nghiên
cứu y tế và khoa học; đôi khi có vẻ như nửa số dinh thự công ở Hồng
Kông có tên ông. Nhưng ông không làm người tốt để làm giàu. Một bài báo
trên tạp chí
Time năm 1960 có nhan đề “What Makes Run Run Run?”
(tạm dịch: “Điều gì thôi thúc Thiệu Dật Phu?”), miêu tả ông là một “sự
kết hợp giữa Barnum & Bailey với Todd-AO. Ông bướng bỉnh tổ chức hội
thảo lúc 2 giờ sáng, mua bán nhân tài như gia súc. Ông là bậc thầy bán
ép châu Á.” Và ông bán cái gì thì Hồng Kông, Trung Quốc và cả thế giới
đều mua.
Sinh ngày 10 hay 14 tháng 10 năm 1907, Thiệu Dật Phu là
con thứ sáu trong trong một gia đình chủ hãng dệt ở Thượng Hải có bảy
người con, (nên bí danh về sau của Thiệu Dật Phu là Chú Sáu.) Học tiếng
Anh ở trường tư và tại YMCA, Thiệu Dật Phu bỏ ngang việc học lúc 19 tuổi
để theo ba anh trai: Thiệu Túy Ông, Thiệu Thôn Nhân và Thiệu Nhân Mai.
Thiệu Dật Phu (đứng trước chiếc xe) trên phim trường Thiệu Thị cùng các nam nữ diễn viên
Các anh của ông đã đổi tên khi người bố không đồng ý cho họ vào ngành
giải trí. Bị khống chế tiền bạc vào năm 1925, và buộc phải từ bỏ hoặc
căn nhà hoặc nhà hát mà gia đình làm chủ, họ đã bán nhà và chuyển tới
nhà rạp. Thiệu Túy Ông, là một luật sư, đã viết một vở kịch để trình
diễn tại đây, và Thiệu Thị nhanh chóng làm phim từ vở kịch đó:
A Man Came to the World và
He Made Good.
Họ thành lập Tianyi Film Company, một trong ba nhà chế tác-phát hành
lớn nhất trong ngành điện ảnh Hoa ngữ còn non nớt. Thiệu Túy Ông và
Thiệu Thôn Nhân làm việc ở Thượng Hải, Thiệu Nhân Mai và Thiệu Dật Phu
làm việc ở Singapore.
Năm 1934 Thiệu Thôn Nhân mở một chi nhánh ở
Hồng Kông. Mua các rạp để chiếu phim của mình, anh em họ Thiệu xây dựng
một doanh nghiệp mà đến năm 1939, theo cuốn sách
The Asian Film Industry
của John A. Lent, “bao gồm [139] nhà rạp, chín công viên giải trí và
các nhà hát hợp pháp ở Malaysia, Singapore, Thái Lan, Borneo và Java
(thuộc Indonesia – ND).” Năm 1940, Nhật chiếm đóng Thượng Hải và đe dọa
Singapore, công ty Tianyi chuyển hoạt động về đường Bắc Đế ở Cửu Long,
Hồng Kông, đổi tên thành Nanyang và làm phim nói tiếng Quảng Đông cho
thị trường địa phương. “Trong thời gian Nhật kiểm soát Đông Nam Á,” Lent
viết, “các rạp của anh em họ Thiệu bị tịch thu sung công và Thiệu Dật
Phu bị tống giam vì tội chống đối. Nhưng sau chiến tranh họ quay lại lĩnh
vực này với toàn lực, nhờ số của nả Thiệu Dật Phu đã chôn giấu.”
Năm
1947, các anh em nhà họ Thiệu mở lại phim trường ở Singapore và phát
hành bộ phim đầu tiên thời hậu chiến của họ,
Singapore at Night. Hãng
phim này đã sản xuất 167 phim nói tiếng Malay trước khi đóng cửa vào năm
1967; phim cuối cùng là
Nora Zain Female Agent 001, một trong
nhiều bộ phim của Thiệu Thị khai thác cơn cuồng James Bond. Suốt sự
nghiệp làm chủ hãng phim của mình, Thiệu Dật Phu đã vay mượn moi xu
hướng điện ảnh phương Tây, đưa nét duyên dáng và sức
hấp dẫn đặc trưng Thiệu Thị vào từng phim một.
Năm 1950, Nanyang lấy lại cơ ngơi
của hãng ở Hồng Kông, đặt lại tên là Hãng phim Thiệu Thị (Shaw Brothers
Studio), và gọi tên công ty là Shaw and Sons Company Ltd. Thách thức sự
thống trị của MP & GI, năm 1957 Thiệu Thị mở rộng, đưa Thiệu Dật Phu
và Thiệu Nhân Mai từ Singapore về lãnh đạo công ty mới, Shaw Brothers
(Hong Kong) Ltd. Thiệu Dật Phu đã mua một miếng đất 46 acre ở Vịnh Thanh Thủy, Cửu Long. Ông san bằng một ngọn đồi cao 60 bộ, và xây dựng
Movietown, khai trương năm 1961.
Thiệu Dật Phu phát triển một hệ thống phim trường theo kiểu Hollywood
với đạo lý làm việc của Hồng Kông: mỗi năm sản xuất 20-40 phim, người
lao động ký hợp đồng tám năm được trả khoảng 2.000 đôla Hồng Kông mỗi
tuần bao ăn ở. Nhiều người đã sống trong các khu tập thể được xây ở đây.
Giữa thập niên 1960, những ngôi sao tương lai như Nhạc Hoa, Hà Lị Lị, Trần
Bình, Hồ Yên Ni, Lợi Tinh và Trịnh Phối Phối đều ở chung một chỗ. “Hàng
quý chúng tôi xem lại điều kiện sống của họ, tiện nghi, trang phục, vấn
đề xã hội của họ,” con người gia trưởng Thiệu Dật Phu nói trong một
cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh năm 1964. “Điều duy nhất mà chúng tôi
không thể kiểm soát họ là chuyện tình ái [sic].” Mọi người làm việc 60
giờ/tuần; nghe nói có người thấy cách duy nhất để kiếm thêm tiền là dính
líu với xã hội đen.
Hãng phim trở nên nổi tiếng là Hollywood phương Đông — và xứng đáng với danh xưng đó. Như bộ phim tài liệu
Cinema Hong Kong: The Beauties of the Shaw Studio
năm 2003 đã lưu ý, “Thiệu Dật Phu đã xây dựng nên hãng phim lớn nhất mà
vào thời đó là nền điện ảnh lớn thứ ba thế giới,” sau Mỹ và Ấn Độ.
“Từng người trong bốn anh em họ Thiệu đều phát triển và thành lập những
công ty riêng trong đế chế Thiệu Thị,” Stephen Teo viết, nhà phê bình
này miêu tả Thiệu Dật Phu là một “nhà quảng bá sắc sảo và người làm nghề
giải trí kiểu Cecil B. De Mille không kém một nhà mỹ học và là người am
hiểu điện ảnh đích thực.” Tạp chí
Time viết rằng “khi bộ phim
Anh em nhà Karamazov / The Brothers Karamazov,
do Yul Brynner hói đầu đóng chính, trình chiếu ở hệ thống rạp của Thiệu
Thị, Thiệu Dật Phu tổ chức một cuộc thi cạo đầu với giải thưởng dành
cho cái đầu trọc láng nhất [và] và khởi động cơn cuồng để đầu trọc trong
đám trẻ choai.”
Phim của hãng Thiệu Thị, thường có kinh phí
khoảng 100.000 đôla Hồng Kông (gấp năm lần mức bình quân trong ngành),
làm nên chuẩn mực cho vùng đất thuộc địa này vì sự sang trọng, mãnh liệt
và nổi bật trong hàng chục thể loại — không chỉ các sử thi kiếm hiệp mà
nhờ đó thế giới biết đến phim kinh điển Hồng Kông, mà cả phim nhạc
kịch, phim cổ trang, phim lãng mạn bi thương, phim hài tình dục và các
chương trình ca nhạc sôi nổi. Thiệu Thị còn xuất bản hai tạp chí điện
ảnh,
Hong Kong Movie News và
Southern Screen, phát
hành khắp Đông Nam Á. Dù tiếng Quảng Đông là ngôn ngữ địa phương, chừng
90% phim của Thiệu Thị nói tiếng Quan thoại, tức nhiều người dân Hồng
Kông phải học ngôn ngữ khác để thưởng thức hầu hết những phim nổi tiếng
được hãng làm ra.
Thiệu Dật Phu với các nữ diễn viên Hồng Kông tại bữa tiệc rượu của Shaw Brothers ở Singapore, tháng 4/1959 Hàng
ngồi từ trái sang: Trương Trọng Văn, Đinh Ninh, Mai Nguyệt Hoa, Lạc Đế,
Âu Gia Tuệ, Lâm Phụng, Lưu Tỉnh. Bảy nữ diễn viên này trên đường
đến Kuala Lumpur dự Liên hoan phim châu Á lần thứ 6
|
Trong thập niên 1950 và 1960, Thiệu Dật Phu tạo nên và nuôi dưỡng một
thiên hà các nữ minh tinh: Lý Lệ Hoa, Lâm Đại, Lạc Đế, Lăng Ba, Lý Tinh,
một vài cái tên nữ diễn viên với chữ “L”. “Chúng tôi có ít nhất 50 nữ
diễn viên, 24 nam diễn viên,” Thiệu Dật Phu nói trong một phỏng vấn hồi
năm 1964. “Ở Hồng Kông, diễn viên nữ quan trọng hơn nam, vì chúng tôi có
nhiều cô gái xinh đẹp.” Theo
The Beauties of the Shaw Studio:
“Thiệu Dật Phu tin rằng các nữ diễn viên lập gia đình thì không tốt cho
doanh thu phòng vé. Ông tiến hành kiểm soát cuộc sống của họ dữ dội. Nếu
một nữ diễn viên muốn bỏ sang hãng phim đối thủ thì ông sẽ rất tàn
nhẫn.” Nữ diễn viên Điềm Ni, đã đóng rất nhiều phim gợi dục của Thiệu
Thị trong thập niên 1970, kể: “Tôi có hộ chiếu Đài Loan. Hãng Thiệu Thị
luôn tài trợ giấy phép làm việc của tôi. Thế nên họ dùng điều này làm vũ
khí. Đột nhiên, không hề cảnh báo, họ rút lại sự bảo đảm. Nếu chuyện
này mà xảy ra, thì tôi buộc phải rời khỏi Hồng Kông.” Để ở lại Hồng
Kông, Điềm Ni rất vất vả: cô đóng 51 phim trong vòng sáu năm.
Trâu
Văn Hoài là giám đốc quảng cáo đầu tiên của Thiệu Thị và sau đó là phó
giám đốc điều hành, giám sát khâu chế tác. Năm 1970 Trâu Văn Hoài bỏ
sang hãng Gia Hòa (Golden Harvest), nhanh chóng đối đầu và phỗng tay trên Thiệu Thị. Niềm kiêu hãnh thống trị của Thiệu Dật Phu — hay có lẽ
là trật tự đảo lộn — và một sự vôi hóa tuổi trung niên. Khi Lý Tiểu
Long, sinh ở San Francisco trở thành ngôi sao Trung Quốc hàng đầu cùng vợ
quay về Hồng Kông sau khi đóng chung trong phim truyền hình
The Green Hornet
trên kênh ABC của Mỹ, Thiệu Dật Phu ép giá anh với hợp đồng đề nghị
10.000 đôla Hồng Kông cho một phim. Trâu Văn Hoài đã đánh bại đề nghị
này và hãng Gia Hòa gặt hái tưởng thưởng từ sự nổi tiếng quốc tế của Lý
Tiểu Long cho tới trước khi anh chết năm 1973. Trâu Văn Hoài cũng qua
mặt Thiệu Thị đối với một trong số nhiều diễn viên võ thuật hy vọng trở
thành “Lý Tiểu Long kế tiếp” — và thế là, Thành Long trở thành siêu sao
toàn cầu mà vùng đất thuộc địa này từng sản sinh ra.
Thiệu Thị
không chịu thua; hãng tiếp tục cung cấp cho cộng đồng người Hoa khổng lồ
khắp Đông Nam Á, thỉnh thoảng thâm nhập châu Âu và Bắc Mỹ với những
phim võ hiệp của Trương Triệt, Hồ Kim Thuyên, Sở Nguyên và Lưu Gia
Lương. Những phim gợi tình hoành tráng do Lý Hàn Tường đạo diễn, theo
sau các phim nhạc kịch của ông, cũng làm đầy két bạc của Thiệu Thị. Giữa
thập niên 1970 Thiệu Thị có một số phi vụ đồng sản xuất quốc tế: với
Hammer Films (
Dracula và
7 Golden Vampires) và với những nhà sản xuất từ Tây Ban Nha (
Bloody Money), Italy (
Supermen Against the Orient) và Tây Đức (
Mighty Peking Man). Thiệu Dật Phu cũng giúp tài chính cho
Blade Runner của Ridley Scott — phim này thất bại vào lúc ra mắt năm 1982, sau đó trở thành phim khoa học giả tưởng kinh điển.
Thiệu Dật Phu (giữa) cùng các diễn viên TVB (hàng đầu, từ trái sang:
Trần Bách Tường, Tằng Chí Vĩ, Thiệu Dật Phu, Uông Minh Thuyên và Trịnh
Du Linh tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập TVB
|
Trâu Văn Hoài thành công trong việc là nhà sản xuất chính của Phương Dật Hoa, từng là một nữ diễn viên không quan trọng (cô hát
Have Fun Tonight trong phim
Mambo Girl
năm 1957) và là một trong số ít phụ nữ điều hành một hãng phim thời đó;
cô cũng làm một công ty với Thiệu Dật Phu ngoài giờ. Nghe nói Phương
Dật Hoa ganh ghét với các nữ diễn viên xinh đẹp, vì thế vui vẻ làm phim
toàn đàn ông với Thiệu Thị. Năm 1983, ngài Thiệu Dật Phu (ông được Nữ
hoàng Anh phong tước hiệp sĩ năm 1977) đóng cửa hãng phim, làm nó sống
lại một thời gian ngắn ngủi năm 1995 với năm phim do Thiệu Thị sản xuất
hoặc phát hành.
Ông tập trung vào TVB, bắt đầu phát sóng ngày
12/10/1967, là đài truyền hình thương mại đầu tiên ở Hồng Kông. TVB
thường xuyên thu hút hơn 70% khán giả tại chỗ với các phiên bản
American Idol (thi ca hát) và
The Sopranos
(phim truyền hình dài tập). Kênh nói tiếng Quảng của TVB, Jade, được bổ
sung bằng kênh nói tiếng Anh, Pearl. Thiệu Dật Phu cũng tích cực hoạt
động ở Hồng Kông với tư cách là chủ các cao ốc văn phòng, khu mua sắm,
khách sạn, căn hộ chung cư và công viên giải trí. Và năm 2002, khi công
ty Thiên Ánh phát hành 10 phim đầu tiên từ thư viện phim của Thiệu Thị,
Thiệu Dật Phu, vẫn sung sức ở tuổi 95, chủ trì một buổi tiệc toàn sao
tái hợp nhiều đạo diễn và diễn viên từng làm việc, từng sống dưới trướng của ông.
Cuộc hôn nhân dài 50 năm với Lily Shaw, một
phụ nữ Malaysia, cho ông hai con trai và hai con gái, không ai muốn tham
gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Lily chết năm 1987, và 10
năm sau, tại Las Vegas, Thiệu Dật Phu cưới Phương Dật Hoa. Ông giữ được
sự nhanh nhẹn nhờ luyện tập khí công mỗi ngày. Bước vào thế kỷ thứ hai
của cuộc đời ông vẫn tiếp tục xuất hiện, dáng vóc vẫn khá gọn, tại các
buổi lễ thường niên của TVB, và không từ bỏ quyền kiểm soát công ty này
mãi đến năm 2011. Vài năm trước người ta bắt gặp ông ngồi xe lăn ở phi
trường Hồng Kông, Thiệu Dật Phu nói sức khỏe của ông vẫn ổn.
Giờ đây Chú Sáu bước vào hành trình cuối cùng — gần như nấm mồ, xa như tiểu hành tinh 2899 Run Run Shaw.
Thiệu Dật Phu: Huyền thoại có tấm lòng vàng
Năm 1966, Hội Chữ thập đỏ Hồng Kông lâm vào khó khăn. Hội không còn tiền cũng chẳng có máu. Ủy ban tổ chức hội tan rã.
"Chúng ta đề nghị Thiệu Dật Phu giúp đỡ được không?" có người nêu ý kiến.
Một cuộc gọi đến ngài Thiệu Dật Phu tại thành phố điện ảnh của ông ở Vịnh Nước Trong. Ông không biết gì về Hội Chữ thập đỏ.
Ông
đem sức lực vào tầm ảnh hưởng của mình tổ chức một gala từ thiện với
mức vé vào cửa là 1.000 đôla Hồng Kông/cặp. Ủy ban tổ chức choáng váng. Ai mà trả
nổi cái giá dễ sợ đó để vào xem phim?
Ngài Thiệu Dật Phu mở tiệc tại lâu đài của ông. Trả 1.000 đôla Hồng Kông cho sự nghiệp chính nghĩa không hẳn là đắt một cách quá quắt, ông giải thích với khách. Nhà hát chật kín người.
Việc này lập tức giải quyết được khó khăn tài chính. Nhưng sau đó ông bắt đầu hỏi về Hội Chữ thập đỏ.
Khi
ông phát hiện ra rằng sự mê tín thâm căn cố đế ngăn cản nhiều người
hiến máu, ông trở thành chủ tịch và tổ chức thu thập máu như một sự
nghiệp cá nhân.
Những nam nữ anh hùng hảo hán trên phim xuất hiện trước máy quay để hiến máu. Vợ con của họ cũng làm thế.
Thế là đủ thuyết phục người Hồng Kông rằng hiến máu là một phần trong sự cam kết của họ với cộng đồng.
Năm
1966, 20.435 đơn vị máu đã được hiến tặng ở thành phố này, hầu hết thu
thập từ những người lính Anh. Năm ngoái 2013, khoảng 170.000 người, hầu
hết là dân địa phương, đã hiến tặng 247.007 đơn vị máu, một kỷ lục
tổng cộng cao nhất.
Điện ảnh và các lĩnh vực kinh doanh giải trí
khác là rất quan trọng đối với cuộc đời và những doanh nghiệp của người
đàn ông nhỏ thó này.
Chúng là cốt lõi của cuộc đời làm ăn của ông. Nhưng ông không chỉ là một nhà tài phiệt điện ảnh.
Ông
cảm thấy có bổn phận với những người kém may mắn. Có văn hóa và có học
thức, ông cảm thấy trách nhiệm mang đến những điều tốt đẹp hơn cho cuộc
sống của đám đông.
Ông nằm trong ủy ban đã sáng lập Cộng đồng
Công ích Hồng Kông năm 1969. Ông là ngọn đuốc dẫn đường cho việc thành
lập Liên hoan Nghệ thuật vào năm 1973 và là chủ tịch hoạt động, thuyết
phục một vài đoàn danh giá nhất thế giới đến diễn ở những địa điểm xoàng
xĩnh ở Hồng Kông.
Run Run Shaw Creative Media Centre
Là một nhà từ thiện, ngài Thiệu Dật Phu hết sức rộng rãi. Năm 1985 ước tính ông đã trao tặng 1 tỉ đôla Hồng Kông.
Nhưng
là một doanh nhân sắc sảo, ông rất thận trọng trong cách cho. Ông muốn
thấy cơn lũ tiền đó được sử dụng đúng. Ông nhắm vào các đại nghiệp trong
lĩnh vực y tế và các lĩnh vực khác không chỉ nhằm đem lại chút an ủi cho
một số ít người, mà còn xây nên những tòa nhà tồn tại lâu dài cho Hồng Kông
và Trung Quốc.
Ông rót hàng tỉ vào The Sir Run Run Shaw Charitable Trust và The Shaw Foundation.
Các
quỹ này thúc đẩy nghiên cứu giáo dục, khoa học và công nghệ, y tế và
các dịch vụ an sinh xã hội và nghệ thuật và văn hóa. Trong số những
khoản đầu tư của ông gần đây là thiết lập Shaw Prize năm 2002, dành giải
thưởng trị giá 1 triệu USD cho ba người được chọn hàng năm vì những
cách tân trong lĩnh vực thiên văn học, khoa học sự sống, y tế và toán
học.
Đường đến danh vọng
1924 Ông cùng ba người anh sáng lập Tianyi Film Company ở Thượng Hải, tiền thân của Shaw Studios.
Những phim tập trung vào nữ anh hùng của hãng Thiệu Thị thời kỳ đầu
1928 Đến Singapore, lúc đó còn là thuộc địa của Anh, với anh trai Thiệu
Nhân Mai mở thị trường mới bằng việc làm phim và lập nên chuỗi rạp chiếu
bóng
1937 Kết hôn với người vợ đầu, Wong Mee-chun, mất năm 1987
1957
Chuyển đến Hồng Kông và thành lập Phim trường Thiệu Thị rộng 650.000 bộ
vuông tại Vịnh Nước Trong, Cửu Long, phim trường tư nhân lớn nhất châu Á
lúc bấy giờ, nơi này đã làm ra hơn 1.000 phim trong những thập kỷ sau
đó
1967 Thành lập đài truyền hình phát sóng miễn phí đầu tiên của Hồng Kông: Television Broadcasts, gọi tắt là TVB
1974 Được Nữ hoàng Anh phong tặng Commander of the Order
1977 Được Nữ hoàng Elizabeth phong tặng tước hiệp sĩ.
Thiệu Dật Phu (phải) và Phó thống đốc Hồng Kông David Ford (thứ hai,
trái) kéo màn trong buổi lễ đặt tên thư viện mang tên ông (Sir Run Run
Shaw Library) tại Đại học Hồng Kông (trước là Đại học Bách khoa Hồng
Kông)
|
1985 Hiến tặng 110 triệu đôla Hồng Kông cho Chinese University để thành lập trường cao đẳng thành viên thứ tư - Shaw College
1990
Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc đặt tên một tiểu hành tinh theo tên
ông để vinh danh những cống hiến của ông cho nền giáo dục Trung Quốc
1997 Kết hôn người vợ thứ hai Phương Dật Hoa
1998 Nhận Grand Bauhinia Medal từ chính quyền Hồng Kông vì sự cống hiến của ông đối với đặc khu này
2002
Lập Shaw Prize dành cho các nhà nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực
thiên văn, toán, và y khoa. Giải đầu tiên được trao vào năm 2004.
Thiệu Dật Phu và người vợ thứ hai Phương Dật Hoa tại Shaw Prize năm 2011
2007 Ông nhận Giải thưởng từ thiện Trung Quốc do Bộ Dân sự Trung Quốc trao tặng vì những đóng góp từ thiện của ông
2011 Bán đi toàn bộ 26% cổ phần trong TVB lấy 6,26 tỉ đôla Hồng Kông và từ nhiệm tất cả vị trí ở công ty
2014 Ra đi thanh thản ở tuổi 107.
|
Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Time; South China Morning Post
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi