Tin tức

7 phim xuất sắc của hãng Thiệu Thị

20/01/2014

Rất nhiều người đã được gắn nhãn huyền thoại khi qua đời, nhưng trong trường hợp của Thiệu Dật Phu, huyền thoại vẫn là từ chưa xứng.

Sống đến cái tuổi 107 — ông được xem là nghỉ hưu ở tuổi 100 — người đàn ông vĩ đại này để lại một di sản phi thường.

Thiệu Dật Phu

Thiệu Dật Phu tượng trưng cho sự khởi nguyên của điện ảnh Hoa ngữ — anh trai ông Thiệu Nhân Mai đã điều hành một hãng phim câm trong thập niên 1920 — trước khi tiến lên tạo dựng một hãng chế tác điện ảnh được yêu mến trên toàn thế giới của Trung Quốc, hãng phim Thiệu Thị (Shaw Brothers Studio).

Nổi tiếng với các phim kung fu, hãng phim Thiệu Thị đã sản xuất đa dạng thể loại — nhạc kịch, hài, kinh dị, tâm lý, opera, khoa học giả tưởng, kỳ ảo — và đôi khi kết hợp tất cả thể loại trong một phim.

Thật khó mà liệt kê trong một danh sách những phim hay nhất của Thiệu Thị — hãng phim này chịu trách nhiệm cho gần cả ngàn bộ phim (có thời điểm họ sản xuất 40 phim một năm), và cái tên Thiệu Dật Phu ('sản xuất bởi Thiệu Thị' là dấu triện về chất lượng cho bất cứ phim nào có cái tên này trên đó) luôn có trên phim cực xuất sắc. Nhưng tạp chí Total Film đã tuyển chọn những phim mà tạp chí này ưa chuộng nhất. Rồi ai sẽ nối gót thì chưa biết, nhưng đây là đỉnh cao của một sự nghiệp lẫy lừng.

Five Fingers Of Death / Thiên hạ đệ nhất quyền (1972)

Ra mắt các rạp chiếu Trung Quốc năm 1972, Five Fingers Of Death đã tạo ra một tác động to lớn lên nền văn hóa đại chúng Mỹ khi Warner Brothers giới thiệu phim này với khán giả Mỹ năm 1973.

Một phần then chốt trong đợt sóng kung fu — bên cạnh Long tranh hổ đấu / Enter The Dragon, và phim bộ truyền hình Kung Fu— càn quét nước Mỹ, cốt chuyện căng thẳng và những cuộc chiến đấu lạ thường của Thiên hạ đệ nhất quyền đã khiến phim được đám nhóc ưa chuộng. Năm 2009 Quentin Tarantino đã liệt kê phim này trong danh sách 10 phim thương mại hay nhất mọi thời đại, và phim có ảnh hưởng thấy rõ đối với ông.

The 36th Chamber Of Shaolin / Thiếu lâm tam thập lục phòng (1978)

Một phim có sức ảnh hưởng to lớn khác, 36th Chamber là một tuyệt phẩm, thường đứng đầu các danh sách những phim kung fu hay nhất từng được làm. Và phim này do Thiệu Thị sản xuất.

Phim có Lưu Gia Huy trong vai Sơn Đức, một kẻ nổi loạn nhiệt huyết báo thù học được giá trị của lòng kiên nhẫn và sự tập trung khi anh ẩn náu trong chùa Thiếu lâm sau khi bị nhà Mãn Thanh tàn ác tấn công.

Cơ bản, thử hình dung những cảnh từ phim Karate Kid mở rộng và nâng lên tầm nghệ thuật cao thì bạn sẽ hiểu phim này là như thế nào.

8 Diagram Pole Fighter / Ngũ lang bát quái côn (1984)

Sau thành công của 36th Chamber, Thiệu Thị quyết định tái tạo phép màu bằng việc chọn Lưu Gia Huy vào vai một chiến binh bị thương tìm nơi ẩn nấp khác trong một tu viện và học võ thuật (ở đây là côn thuật).

Cơ bản hoàn toàn là bác bỏ câu ngạn ngữ dịp may không đến hai lần, Ngũ lang bát quái côn dễ dàng sánh với Thiếu lâm tam thập lục phòng, và được cho là còn hay hơn (phải xem cảnh đấu cuối phim mới tin).

The One-Armed Swordsman / Độc tý đao (1967)

Xuất phẩm hợp tác giữa Thiệu Thị với đạo diễn Trương Triệt được người hâm mộ xem là hay nhất thể loại này, và nếu đã xem One-Armed Swordsman sẽ dễ dàng hiểu được tại sao.

Dựng phim đẹp cộng thêm một phẩm chất cổ tích vào câu chuyện về một võ sinh phải học lại kung fu khi mất đi một cánh tay trong cuộc chiến với con gái của sư phụ mình (phim của Thiệu Thị đầy ắp nhân vật nữ mạnh mẽ cũng như người hùng và nhân vật phản diện).

Một trải nghiệm hoàn toàn khác với lẽ thường (và tài tình), One Armed Swordsman là một trải nghiệm đầy cảm xúc và thuyết phục.

Và còn là một đột phá, lần đầu thể hiện quay phim bằng camera cầm tay trong phim kung fu, và tập trung kết hợp cảnh chiến đấu vào việc kể chuyện đã tạo ra ảnh hưởng đáng kể trong thể loại này.

Dirty Ho (1976)

Một xuất phẩm hợp tác khác nữa của Lưu Gia Huy / Thiệu Thị, Dirty Ho không hẳn có tiếng tăm của 36th Chamber, nhưng dứt khoát là một phim đáng thưởng thức.

Trong khi Chamber khá nghiêm túc, Dirty Ho là một phim hài từ đầu đến cuối, lẩy ra yếu tố hài vốn có trong phim kung fu làm ra những cảnh chiến đấu theo cách nào đó vừa gây cười vừa khiến khán giả kinh ngạc há hốc.

The Battle Wizard / Thiên long bát bộ (1977)

20 năm sau khi bị trúng chỉ lực, một ác nhân trả thù bằng cách cử đệ tử trung thành đi bắt con trai của kẻ thù là Đoàn Dự, anh chàng này không hề hứng thú với võ công.

Được một phụ nữ chuyên ném rắn độc vào người khác khích lệ, Đoàn Dự dấn thân vào luyện võ.

Phim này còn có những cảnh chiến đấu với rắn khổng lồ, loài ếch có thể khiến bạn trở nên bất khả chiến bại nếu ăn thịt nó, và hầu quyền.

Chinese Super Ninjas / Ngũ độn nhẫn thuật (1982)

Mặc dù không hẳn điên rồ như Thiên long bát bộ, Chinese Super Ninjas (còn có tựa Five Element Ninjas) vẫn cực kỳ giải trí — không chỉ vì cái tựa ninja đặt trên chủ đề kim mộc thủy hỏa thổ.

Phim là một trải nghiệm xem vui vẻ, đầy cảnh chiến đấu bạo lực và miêu tả tính cách nhân vật phù phiếm.

Về giá trị lịch sử, đây là xuất phẩm hợp tác cuối cùng giữa đạo diễn Trương Triệt và Thiệu Dật Phu tại hãng phim Thiệu Thị, và chỉ riêng lý do này thôi thì cũng đáng để xem rồi.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Total Film


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi