Tin tức

4 người đẹp màn bạc trong thời kỳ hoàng kim của hãng điện ảnh Thiệu Thị Huynh Đệ

10/09/2018

Tháng 9 năm 1945, trong khi phần còn lại của thế giới vui mừng bước qua kết thúc Thế chiến hai thì Trung Quốc phải đối mặt với một cuộc chiến khác trên lãnh thổ của mình — Nội chiến sắp xảy ra. Cuộc xung đột kéo dài bốn năm, kết thúc năm 1950, thúc đẩy một lượng lớn người tị nạn chạy trốn sang Hồng Kông.

Trong dòng người đó có các nhà làm phim từ Thượng Hải — cái nôi của điện ảnh Trung Quốc. Với những kỹ năng tiên tiến và kiến thức về sản xuất phim, họ có thể tiếp tục theo đuổi những giấc mơ màn bạc của mình ở Hồng Kông. Một ví dụ nổi bật là đạo diễn nổi tiếng Lý Hàn Tường (1926-1996), đã theo học tại Học viện Sân khấu Thượng Hải trước khi sang Hồng Kông vào năm 1948.

Thế nên, phim nói tiếng phổ thông, chứ không phải tiếng Quảng Đông, trở thành dòng phim chủ đạo ở Hồng Kông trước những năm 1970. Vào thời điểm đó, hai ông trùm điện ảnh độc chiếm lĩnh vực này — Công ty Đầu tư Điện ảnh & Đầu tư Tổng hợp (MP & GI) và Thiệu Thị Huynh Đệ (Shaw Brothers), theo thứ tự lần lượt được thành lập vào năm 1956 và 1958, với MP&GI được tái tổ chức lại thành Cathay Organisation (Hồng Kông) vào năm 1965 .

Sự kình địch bùng nổ trong những năm 1950 và 1960 khi hai đối thủ cạnh tranh này đổ xô để ký hợp đồng với các ngôi sao, tranh cướp tài năng, và đánh bại nhau trên màn ảnh rộng với xu hướng phim thời thượng nhất. Cạnh tranh này đã kích thích sự tăng trưởng của ngành điện ảnh, cũng như chất lượng xuất phẩm, và cung cấp mảnh đất màu mỡ cho những người kế nhiệm họ để tạo ra “Hollywood phương Đông” trong thời kỳ hoàng kim của thập niên 1980.

Những người đẹp trên phim nói tiếng phổ thông của Hồng Kông thời xưa

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 60 năm thành lập Thiệu Thị Huynh Đệ, và chúng ta nhân cơ hội này để xem lại thời hoàng kim của hãng qua bốn người đẹp huyền thoại, những ngôi sao sáng của gia đình Thiệu Thị ổn định trong những năm 1950 và 1960.

1. Hồ Yến Ni

Nữ diễn viên Hồ Yến Ni đạt được sự nổi tiếng mạnh mẽ, nhờ vào sắc đẹp ngoại lai Á-Âu kỳ lạ của cô

Chào mừng đến những năm 1960, thời đại trước khi xuất hiện Photoshop và phẫu thuật thẩm mỹ. Đây là ngôi sao điện ảnh yêu thích của Thiệu Thị những ngày xưa — Hồ Yến Ni.

Hồ Yến Ni sinh năm 1947, mang hai dòng máu Trung Quốc và Đức. Cô lớn lên ở Đài Loan và Đức. Sau khi gia nhập Thiệu Thị năm 1965, Hồ Yến Ni ra mắt trong bộ phim lãng mạn, Till The End of Time, cùng với diễn viên Trần Hậu. Với vẻ đẹp lai, Hồ Yến Ni mê hoặc khán giả địa phương và nhanh chóng nổi tiếng.

Sinh năm 1947, Hồ Yến Ni mang hai dòng máu Trung Quốc-Đức

Những kiệt tác của cô bao gồm Guess Who Killed My Twelve Lovers (1969) và Love Without End (1970).

Hồ Yến Ni kết hôn với nam diễn viên Khương Uy năm 1969 và sinh hai con trai. Sau đó, cô dần rút lui khỏi showbiz trong thập niên 1970, và quay một trong những bộ phim cuối cùng của cô, Killer Rose, năm 1982.

2. Vưu Mẫn.

Nữ diễn viên Vưu Mẫn xuất thân từ một gia đình nhạc kịch Quảng Đông nổi tiếng

Vưu Mẫn sinh ra trong một gia đình nhạc kịch Quảng Đông năm 1936. Cha cô là diễn viên nổi tiếng Bạch Ngọc Đường, trong khi dì của cô là nữ diễn viên Nhậm Kiếm Huy. Vưu Mẫn bắt đầu sự nghiệp diễn xuất của mình với Thiệu Thị và đóng bộ phim đầu tay Anything Can Happen năm 1952. Mặc dù đạt đến đỉnh cao sự nghiệp diễn xuất sau khi rời Thiệu Thị, cô đã quay hơn 20 bộ phim cho hãng trong bảy năm trước khi tham gia MP & GI vào năm 1959.

Cảnh trong phim Love With a Alien, với sự tham gia của Vưu Mẫn, giữa

Vưu Mẫn nổi tiếng không chỉ vì hình tượng tươi mới và thuần khiết, mà còn nhờ kỹ năng diễn xuất tinh tế. Năm 1961, Vưu Mẫn xuất hiện trong bộ phim Sun, Moon and Star, thắng giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim và giải thưởng Kim Mã đầu tiên. Thậm chí cô còn được truyền thông Nhật Bản ca ngợi là “Viên Ngọc Hồng Kông”. Thật không may, năm 1996, ngôi sao tài năng này đã qua đời vì một cơn đau tim ở tuổi 60.

3. Hình Tuệ

Cuộc đời của Hình Tuệ kịch tính như những phim cô đóng và buồn thay, đã kết thúc bi thảm. Cô gái người Thượng Hải gia nhập Thiệu Thị ở tuổi 18 và sau đó được gửi đến Nhật Bản để học khiêu vũ và diễn xuất. Sau đó, Hình Tuệ đã đóng rất nhiều loại phim, từ nhạc kịch cho tuổi trẻ nói tiếng Quảng Đông và lãng mạn hiện đại, đến võ thuật và ly kỳ.

Ở tuổi 29, Hình Tuệ rời Thiệu Thị và di dân đến Los Angeles, nơi ác mộng của cô bắt đầu. Cô ly hôn sau ba năm kết hôn, và tiếp sau đó là kinh doanh thời trang thất bại trong những năm 1980. Mất cả tình yêu lẫn sự nghiệp khiến Hình Tuệ mắc bệnh tâm thần, dẫn đến việc cô thường xuyên đánh nhau và cự cãi với người khác.

Bạn bè của Hình Tuệ nài nỉ cô đến gặp bác sĩ, nhưng cô phủ nhận mình có bệnh. Đã quá muộn. Năm 1994, sau một bất đồng vặt vãnh với mẹ, Hình Tuệ ngộ sát bà bằng rìu. Mẹ cô chết trên đường đến bệnh viện và tòa án đã bỏ tù Hình Tuệ 11 năm vì ngộ sát. Hình Tuệ đã hoàn thành bản án của mình vào năm 2007, nhưng sức khỏe của cô tiếp tục xấu đi và cô đã được phát hiện chết cũng trong năm đó.

4. Hà Lị Lị

Khi nói đến Thiệu Thị, một cái tên chắc chắn bật ra là Hà Lị Lị, còn được gọi là Lily Triệu sau khi cô kết hôn với nhà tài phiệt Triệu Thế Quang năm 1972.

Sinh ra tại Nam Kinh và lớn lên ở Đài Loan, Hà Lị Lị bắt đầu sự nghiệp diễn xuất tại Đài Loan ở tuổi 16 và ba năm sau, đến Hồng Kông để tham gia vào hãng Thiệu Thị.

Thành công của Hà Lị Lị là do cô khác với các nữ diễn viên cúng thời. Thay vì hình tượng tinh khiết và ngọt ngào, Hà Lị Lị có xu hướng táo bạo và không giới hạn. Điều này được thể hiện trong bộ phim The Knight Of Knights năm 1966, trong đó cô để lộ vai và mông, một điều khá bất thường trong điện ảnh những năm 1960.

Hà Lị Lị, giữa, đóng chính trong bộ phim The Millionaire Chase năm 1968

Năm 1972, một lần nữa Hà Lị Lị làm rung chuyển thế giới, tạo ra một phim nhạy cảm khi cô vào vai một người đồng tính nữ trong bộ phim khiêu dâm Intimate Confessions of a Chinese Courtesan. Cùng năm đó, sau khi kết hôn, cô giã từ sự nghiệp diễn xuất.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post