Trước khi tìm tòi những câu trả lời khả thi – Còn lâu! Trời ạ! Ai quan tâm? – có lẽ ta nên định nghĩa từ ngữ của mình.
Từ
“snob” (tạm dịch: trưởng giả) có một nguồn gốc gây tranh cãi và nhiều
cách dùng lẫn lộn. Theo từ điển tiếng Anh Oxforld (không phải là nguồn
thấp hèn gì; độc giả nghĩ người viết là ai?), bắt nguồn từ thế kỷ 18 là
từ chỉ người thợ đóng giày. Trong phần lớn thế kỷ 19 từ này được dùng để
chỉ những người “không có dòng dõi”. Theo trang web Oxford, “qua thời
gian từ này được dùng để chỉ những người có lòng tôn kính quá đà cho
những vị thế cao trong xã hội hay sự giàu có, khinh thường những người
họ coi là hèn kém hơn” Một tay giả mạo. Người thích làm màu. Kẻ học làm
sang. Một tay mơ.
Benoît Magimel và Isabelle Huppert trong The Piano Teacher của đạo diễn Michael Haneke
Trang Urban Dictionary còn giúp đỡ bằng việc dẫn Paris Hilton và cặp
song sinh Olsen làm ví dụ, có lẽ là bằng chứng cho thấy ý nghĩa trưởng
giả đã trở nên tầm thường thế nào ở nước Mỹ thế kỷ 21. Tại đất nước này,
ý nghĩa chính bấy lâu không liên quan gì đến của cải hay vị trí mà là
khẩu vị, và quỹ đạo của thế giới đã đổi chiều. Người Mỹ nói chung hơi
thận trọng về tiền và địa vị – tôn thờ một thứ này và giả vờ thứ kia
không tồn tại – và thoải mái với cấp bậc và phân chia liên quan tới văn
hóa hơn. Một tay trưởng giả ở đây là người nhìn xuống đấy khinh thường,
chắc chắn anh ta hay cô ta có quyền năng cao cả nhất về khoản bất bình.
Dĩ
nhiên, ta đều biết những người như vậy. Có một truyền thống lâu đời, ví
dụ, về thói trưởng giả phim ảnh, hay là những người mê phim cuồng nhiệt
bị liệt vào hạng trưởng giả vì họ sẵn sàng đọc phụ đề. Ngành phim làm
mọi thứ có thể vào mùa thu để lôi họ vào rạp với hứa hẹn về “sự nghiêm
túc”, nhưng trưởng giả thật thì còn khinh cả những phim câu Oscar. Dĩ
nhiên là, nếu còn trưởng giả phim thật sự nào còn sót lại. Khi các phim
có phụ đề rơi rớt dần trong rạp phim Mỹ, những tín hiệu đánh dấu thói
trưởng giả truyền thống cũng ít đi theo. Tay trưởng giả phim ảnh có phải
là người đọc vanh vách tên của Pedro Costa, Michael Haneke hay các đạo
diễn tầm quốc tế khác? Ai đó buông từ “tác giả” vào cuộc tranh luận về
Mad Max: Fury Road? Người hâm mộ Kristen Wiig, nhưng chỉ trong những vai nghiêm túc?
Roman Polanski tại Liên hoan phim New York lần thứ nhất năm 1963
Bạn thấy vấn đề rồi đấy. “Trưởng giả” là danh mục mà không ai sẵn lòng
tham gia, hay chí ít không mang tính mỉa mai. Như cụm từ họ hàng (và
cũng đầy phức tạp) “hipster” (tạm dịch: chơi trội), đây là một từ để nói
về người khác. Từ mà, xin thú nhận, những người thân cận nhất của tác
giả gọi tác giả. Khi tác giả nhăn mũi ở nhà hàng hay đảo mắt vì một phim
mọi người có vẻ thích, từ đó xuất hiện một cách buộc tội trên đầu lưỡi
con cái, và tác giả phải mất công giải thích đó là hiểu lầm. Trưởng giả
là người vung các ý niệm vay mượn về khác biệt độc đáo, trong khi tác
giả – cả về tính cách lẫn công việc làm nhà phê bình – cống hiến phần
lớn cuộc đời cho việc áp đặt không thiên vị những tiêu chuẩn chính xác
của sự xuất sắc. Nó hoàn toàn là sự đối lập với thói trưởng giả. Sự khác
biệt lẽ ra rất rõ ràng.
Kỳ lạ là quan điểm này không mấy khi
thuyết phục. Tác giả nhận thấy mình gần đây ít giống bức biếm họa – một
tên trộm quấn khăn, một tay bảo thủ hút tẩu hay đủ loại hình dáng thú vị
hiện ra khi tìm ảnh trên Google – mà giống một hóa thạch, thứ dính dáng
duy nhất với một chủng loài mờ nhạt và tuyệt diệt, hoặc thành viên duy
nhất của một cuộc tranh luận đã ngã ngũ từ lâu. Có vẻ chủ đề của niềm
tin dân chủ hiện đại là sở thích khác nhau là xấu hổ: tốt thì va chạm về
ứng xử, tệ thì là xúc phạm cảm xúc hay trật tự xã hội (đôi lúc cũng dẫn
đến kết cục như nhau). Đất nước Mỹ hiện tại đầy sự mất cân bằng xã hội
và chia rẽ về tư tưởng, nhưng chẳng ai muốn bị gọi là một kẻ làm cao.
Nhà phê bình phim Pauline Kael và tác phẩm của bà
Danh hiệu ấy có tính chính trị nhiều hơn, và từ “trưởng giả” không được
dùng lung tung như xưa. Thay vì trưởng giả thức ăn – hay “chuyên gia ẩm
thực” như họ tự gọi – ta có các tay sành ăn. Trưởng giả văn học đã chết
từ khi Jonathan Franzen cãi nhau với Oprah và độc chiếm danh sách sách
bán chạy. Phương thức kể chuyện nóng hổi thời điểm hiện tại, truyền
hình, từ lâu không nhiễm thói trưởng giả. Phần lớn trong lịch sử hiện
đại, cách duy nhất để làm trưởng giả truyền hình là không thèm có tivi.
(Hoặc có thể nói mình chỉ xem PBS, dù chắc chẳng ai tin.) Việc có những
phim truyền hình “nghiêm túc”, “khó nhằn” và những phim hài châm biếm,
có chiều sâu không thay đổi tính cách nổi bật nhất của phương tiện
truyền thông này. Ta đều xem liền mạch, có những thú vui tội lỗi, và mối
quan hệ của ta với chúng ít riêng tư mà dựa trên cảm xúc hơn. Truyền
hình là mạch nằm ngang thay vì theo thang bậc.
Và sự nở rộ của
truyền hình trùng lặp với sự chuyển hóa kỹ thuật số của việc tiêu thụ
văn hóa, một lực có sức lay chuyển lớn biến đổi một khung cảnh bị cấm
đoán với những bờ vực sâu và đồi núi ẩn mình thành một gì đó như cao
nguyên đầy nắng. Thế giới của điểm số Yelp, phép tính Amazon và dấu like
Facebook là nơi tỏ sự thích và tương đầu ý hợp, của các thiểu số và
nhóm kín và những sở thích chung, một khu vực lý tưởng khi mọi người đều
là nhà phê bình còn không ai trưởng giả vì không sở thích của ai là hơn
ai.
Nicholas Hoult, Abbey Lee và Charlize Theron trong Mad Max: Fury Road
Đó dù sao cũng là giả thuyết. Nhưng cho phép tác giả bất đồng một phút,
cho dù sẽ khiến mình như một người hoài cổ tức thời. Những suy nghĩ của
tác giả ở đây một phần là từ Liên hoan phim New York năm 2015 này, một
sự kiện hằng năm sôi động đáng quý khi ra đời năm 1963 đã đánh dấu địa
phận của trưởng giả phim ảnh ở Mỹ, thành cả một điều để vừa bị móc mỉa
vừa được khen ngợi và trân trọng. Mở màn với bộ phim phỉ báng giai cấp
quý tộc đầy duyên dáng
The Exterminating Angel, Liên hoan phim
New York lần thứ nhất mang đến phim của Ozu và Bresson, Resnais và
Polanski. (Và cùng đó là rất nhiều phim của các đạo diễn ít người biết.)
Trong thập kỷ sau, liên hoan phim trở thành một cổng gia nhập của các
phim từ châu Âu và châu Á, và cũng là một triển lãm hàng năm của văn hóa
phim New York luôn chuyển động và — sao nhỉ? Không có từ trung tính
nào: Bác học? Cấp tiến? Sáng tạo? Vị kỷ? - một cách không thỏa hiệp.
Tác
giả không có mặt trong những ngày bận rộn đó, nhưng tác giả đã làm
những gì có thể để vượt qua sự ra đời đau buồn ấy. Tác giả thường chạy
khỏi thú vui tầm thường của các khu chiếu phim để đến với sự thoải mái
bên cạnh bộ sưu tập đĩa Criterion. Tác giả nhâm nhi
Anticipation of La Notte,
ký sự đầy cảm xúc xen mỉa mai bản thân của Phillip Lopate về niềm đam
mê thời đại học với Michelangelo Antonioni và tất cả những gì ông thể
hiện. Tác giả nhíu mày với bản cáo phó
A Century of Cinema của
Susan Sontag năm 1995, tuyên bố rằng tất cả đã hết, rằng hào quang và sự
tận tụy của tình yêu điện ảnh giữa thế kỷ trước sẽ không bao giờ lặp
lại với các thế hệ sau này.
Ofelia Montesco trong The Exterminating Angel của Luis Bunuel, mở màn Liên hoan phim New York lần thứ nhất
Và tác giả đã cau mày khi Pauline Kael dập tan các ảo tưởng của khán giả
phim nghệ thuật gần-đương thời trong một tiểu luận nổi tiếng có tiêu đề
như thế, xuất bản lần đầu năm 1961 và in lại vài năm sau trong quyển
I Lost it at the Movies,
làm dậy sóng một phần cộng đồng xem phim trí thức suy nghĩ đúng đắn với
sức mạnh và độ chính xác sau 50 năm vẫn còn thấy nhức nhối. “Nhiều năm
rồi,” bà viết, “những người được học hành có thái độ khinh thường trẻ
nhỏ, người bán hàng, những người có cuộc sống ‘lộn xộn’ và ‘nghèo nàn’ –
khán giả số đông – đến với phim ảnh cho những giấc mơ ‘ăn liền’. Những
người trí thức có thể thừa nhận họ có đi xem những phim được làm cho
khán giả số đông non nớt,” bà mở rộng, rồi nói thêm, “nhưng có thể nói
họ không ‘bị cuốn vào’; họ đi để thoát khỏi sự căng thẳng của cuộc sống
và công việc phức tạp. Nhưng dĩ nhiên khi họ thực sự muốn thưởng thức
phim như một nghệ thuật, họ đi xem phim nước ngoài, hoặc phim ‘người
lớn’ hoặc các phim Mỹ bất thường hay thử nghiệm.”
Không mổ xẻ chi
tiết thêm văn hóa giả vờ của các tay quyền quý tự do người Mỹ từng được
ghi chép lại nữa, và trên hết lời cáo buộc của Kael có quyền uy của
người trong nghề. Bà biết những khách hàng phim nghệ thuật “trí thức”
này. Bà đã tới nhà, ăn uống, thẩm tra những quyển sách trên bàn nước và
phong cách trang trí tinh tế của phòng khách nhà họ. Có khi bà còn bị
nhầm là một trong số họ cũng nên.
The Walk mở màn Liên hoan phim New York 2015
Và dĩ nhiên những phê bình của bà không có lời đáp, bởi nó được đưa ra
trên cáo buộc về niềm tin sai lệch: có vẻ những người mê phim nghệ thuật
của bà không thích những gì họ tỏ ra thích; hoặc họ thích những phim
hay vì lý do tệ, tìm kiếm sự đồng thuận về định kiến và dự đoán của
riêng họ thay vì những thử thách thật sự hoặc thú vui đích thực. Sự nông
cạn như vậy là định nghĩa chuẩn của thói trưởng giả, nhưng tiêu đề của
tiểu luận là con dao hai lưỡi. Nó có thể đạp đổ những gì người xem phim
tự ảo tưởng nghĩ rằng họ đang làm, nhưng cũng là ảo tưởng riêng của Kael
về những người đó, như một tầng lớp, ra sao.
Dù gì đi nữa, nói
tổng quát, vị thế của Kael đã chiến thắng. Khinh thường khán giả đại
chúng và niềm vui của họ là không hay, không hợp thời hay phải đạo. Giải
trí đại chúng ngồi đường hoàng bên cạnh những theo đuổi mỹ thuật hiếm
hoi, không chỉ ở ngay Liên hoan phim New York, thường xuyên để dành chỗ
cho những phim Hollywood lớn thèm giải thưởng.
Và cái nào cũng
tốt. Nhưng bóng ma trưởng giả vẫn ám theo thiên đường hưởng thụ của
chúng ta. Ta có bao thứ để chọn, nhưng từng người chúng ta biết một vài
thứ đáng chọn hơn phần còn lại, rằng có tiêu chuẩn và tiêu chí và các
tranh luận nghiêm túc lởn vởn trên bãi cỏ vui tươi nơi ta tìm tòi và
khám phá.
Miles Ahead, tác phẩm đạo diễn đầu tay của Don Cheadle, đồng thời anh cũng đóng chính,
là phim bế mạc Liên hoan phim New York 2015
Điều tác giả muốn nói là: Ừ, đúng, tôi là trưởng giả. Tác giả khinh chất lượng về hình ảnh của phim
Mad Max
đầu và gần nhất. Tác giả cười khẩy với phần lớn các phim tự sự và cổ
trang. Tác giả thích hưởng thụ chậm chạp và khó khăn. Tác giả thà xem
một phim hạng trung từ Nam Mỹ hoặc Đông Âu về nỗi khổ của người nghèo
còn hơn là một phim hài Hollywood hạng trung về khó khăn của hội nhà
giàu. Tác giả tôn kính những hình mẫu chuẩn mực nghệ thuật, những lời
phán xét có lý và những thành tích cao cả, và khinh thường những gì mình
nghĩ là những mặt ngu xuẩn, rẻ tiền và hằn học của những diễn thuyết
công chúng. Tác giả ngồi trên ghế để được đánh giày và phán liên tục.
Nếu những từ như mọt sách và 'fan cứng' có thể được tái sinh – nếu đội
quân của những người nhiệt tình bị hiểu nhầm có thể hành quân từ rìa của
sự coi trọng tới trái tim của dòng chảy đương đại – thì tại sao những
trưởng giả lại không thể?
Ai đồng ý với tác giả nào? Ai không? Tác giả không khó tính lắm đâu mà.
Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times