Tin phòng vé

Lý giải phòng vé Bắc Mỹ 2-4/10: Vì sao Người về từ sao Hỏa hất ngã Người đi dây

06/10/2015

Bề nổi, mọi sự diễn ra đúng như dự kiến ở phòng vé cuối tuần rồi.

Như các chuyên gia dự đoán, The Martian / Người về từ sao Hỏa đoạt ngôi đầu bảng với 55 triệu đôla, tiến sát kỷ lục tháng 10 được lập hai năm trước cũng tuần lễ này bởi một phim có đề tài tương tự là Gravity.

The Martian

Phim tâm lý tội phạm nghệ thuật Sicario mở rộng phát hành và thu hoạch 12,1 triệu đôla, như dự kiến, về ba. Còn The Walk (dự kiến phát hành ở Việt Nam với tựa Bước đi thế kỷ), chỉ mới trình chiếu chừng trăm rạp định dạng cực đại trước khi phát hành đại trà tuần sau, kiếm được 1,6 triệu đôla, xếp thứ 11.

Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, kết quả cuối tuần rồi phản ánh cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn đối với tiền vé giá cao – phụ phí trả cho 3D, IMAX, và những định dạng cực đại khác. Với việc khán giả đến rạp ngày càng teo tóp, nỗ lực bóp nặn hầu bao từ mọi người mua vé là hy vọng cuối cùng của các chủ rạp trong việc tăng doanh thu – và cũng là chiến trường chính sau cùng.

Ngày nay, hầu hết khán giả Mỹ đã quen với việc nhả ra thêm vài đồng cho những nâng cấp trải nghiệm xem phim như 3D và màn hình cực đại (hoặc cả hai). Nhưng mấy năm gần đây, khi các rạp chiếu bão hòa những phim 3D xoàng xĩnh, phim 2D chuyển đổi 3D kém, và phim 3D trình chiếu tệ do hệ thống máy chiếu thiếu sáng, người mua vé càng lúc càng ít muốn trả thêm tiền thuê kính. Chúng ta sẽ chi thêm cho những phim thị giác ngoạn mục nhất định nào đó – những phim thực sự cần xem định dạng 3D, như Gravity – còn những phim khác thì, cho chọn giữa xem 2D hay 3D, chúng ta luôn chọn 2D.

Sicario

Nhưng đồng thời, chúng ta vẫn chưa tỉnh ngộ với bản chất bao lấy khán giả của màn hình cực đại.

Nhiều thập niên qua, màn hình thương hiệu IMAX một mình một chợ, nhưng vài năm gần đây, các chuỗi rạp chiếu đã tự sáng chế những hệ thống màn hình rộng từ sàn-lên-trần của riêng họ, tức là không cần chia doanh thu với IMAX nữa. Những định dạng đó thật thiên hình vạn trạng, nhưng để tránh làm khán giả rối, tất thảy đều được tiếp thị dưới cái tên "PLF", tức premium large-format – định dạng cực đại. Những người theo chủ nghĩa IMAX thuần túy – trong đó có nhiều nhà làm phim – gầm lên rằng các màn hình PLF không sánh được với IMAX, vốn phóng chiếu từ nguồn hình ảnh cao hơn, rộng hơn; những màn hình PLF chẳng có tiếng tăm gì chỉ chỉ làm vỡ hình ảnh chuẩn, thường đem lại hình ảnh mờ hơn, thiếu sáng. Ấy vậy mà, khán giả chằm hăm PLF, đến độ, chỉ trong năm ngoái, số màn hình PLF ở Bắc Mỹ (374) đã vượt qua số màn hình IMAX (360).

Trong bối cảnh đó, thành công của The Martian mới càng đáng kể hơn. Phim đã mở màn chỉ thua con số kỷ lục 55,8 triệu đôla của Gravity có một tí. Nhưng bộ phim về phi hành gia bị mắc nạn ngoài không gian năm 2013 đó có ăn nhờ 3D, IMAX, và phụ phí PLF – trong khi câu chuyện anh chàng bị bỏ rơi trên sao Hỏa tháng 10 năm nay chỉ có định dạng 3D.

Phim ra mắt cũng tốt hơn Interstellar đã làm được năm ngoái (47,5 triệu), cũng có doanh thu IMAX. Các bài phê bình khen ngợi và truyền miệng rất mạnh mẽ (đánh giá bằng điểm A trên CinemaScore) nói lên rằng The Martian là một trong số ít bộ phim thực sự xứng với gợi ý hãy xem 3D.

Tại sao The Martian không chiếu IMAX và PLF? Có lẽ vì The Walk đã ‘book’ gần hết rồi. Bộ phim này mở màn thứ tư ở chỉ 448 điểm chiếu, nhưng tất cả đều là màn hình cực đại. Khoản tiền vé cao đó, cộng với phụ phí kính 3D, được cho là đem về bẫm tiền – hay chí ít cũng lọt vào tốp 10. Vậy nhưng, phim tâm lý tài liệu của Robert Zemeckis về cuộc đi dây không được cho phép của Philippe Petit băng giữa hai tòa Tháp Đôi Trung tâm Thương mại Thế giới kiếm được chưa đến 2 triệu trong năm ngày ra rạp. Từ thứ sáu đến chủ nhật, phim kiếm được bình quân chỉ 3.460 đôla/rạp, so với 4.609 đôla/rạp của phim nghệ thuật Sicario (lại không hề có doanh thu vé giá cao) và 14.357 đôla của The Martian.

Tại sao The Walk mở màn chỉ đạt được một nửa con số được dự kiến? Chẳng phải vì phim không xứng với quảng cáo bơm thổi về hiệu ứng thị giác. Tại một buổi chiếu trước ở Liên hoan phim New York tháng trước, có khán giả nói rằng họ thấy sợi dây chăng cao rất thực và cảm giác thẳng đứng chóng mặt đến nỗi họ phải chạy vội vào nhà vệ sinh để nôn. Phim nhận được những bài phê bình khá (chứ không đỉnh). Còn The Martian được tiếp thị tốt hơn, và khán giả chọn xem định dạng thị giác cường điệu rõ ràng đã thấy sử thi không gian này là một phim dễ bán hơn bộ phim về anh chàng người Pháp liều mạng.

The Walk

Tuy nhiên, ý tưởng phát hành The Walk trước chỉ ở các rạp IMAX và màn hình PLF thì không tồi. Mission: Impossible - Ghost Protocol là phim đầu tiên đã thử phát hành trước ở hạ tầng này năm 2011. Phim đã chiếu ở 425 rạp màn hình siêu đại và kiếm được 12,8 triệu đôla (bình quân 30.083 đôla/rạp), đến cuối cùng thu tóm 209,4 triệu đôla ở Bắc Mỹ. Tất nhiên, phim đó có Tom Cruise và là phần thứ tư của một phim chuỗi đã có tên tuổi.

Mới tháng trước, Everest, một phim phiêu lưu mãn nhãn khác, thử chiến lược tương tự. Phim này đã mở màn ở 545 rạp lMAX và PLF (và bằng 3D) thu được 7,2 triệu đôla (bình quân 13.251 đôla/rạp), đủ để đứng thứ năm. Nhưng trong vòng hai tuần từ khi phim mở rộng phát hành rạp chiếu thông thường (hiện trình chiếu 3.009 rạp), thì lại không làm ăn tốt như ban đầu. Tuần vừa rồi, phim chỉ kiếm được 5,5 triệu, giảm 58% so với tuần trước nữa, đứng thứ bảy và doanh thu ba tuần tổng cộng vỏn vẹn 33,2 triệu. Do những số liệu đó mà có những chuyên gia đã điều chỉnh kỳ vọng giảm đối với The Walk, vậy mà phim còn làm ăn kém hơn cả mức chuẩn thấp đó nữa.

Ai biết, không chừng Everest làm ăn tốt hơn nếu đừng giao nộp gần hết màn hình cực đại cho The Walk. Đây cũng là phim có vẻ thuộc số những phim hiệu quả nhất với định dạng cực đại, vì những khán giả nào đã xem phim này ở màn hình thông thường có vẻ không thấy ấn tượng.

Everest

Vậy thì, sự khan hiếm nguồn lực này gợi ý rằng trong những năm tháng tới đây chúng ta sẽ chứng kiến việc xây dựng thêm nhiều màn hình IMAX và PLF nữa. Suy cho cùng, nếu những màn hình cực đại đó có thể kéo khán giả đến rạp nhiều hơn, người ta có thể tính thêm phụ phí bằng cách thỏa mãn cầu đối với thể loại hình ảnh bao trùm khán phòng và trải nghiệm đã tai mà ngay cả những hệ thống rạp chiếu và âm thanh tại nhà tốt nhất cũng không thể cung cấp.

Hãy hy vọng chúng ta sẽ có được những bộ phim cung cấp kiểu hoành tráng đáng nhả ra thêm vài đồng cho tiền vé.


Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Moviefone


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.