Tin tức

5 điều nên biết trước khi xem Finding Dory

14/06/2016

Khi Finding Dory ra rạp ngày 17/6 này thì đã 13 năm trôi qua kể từ lúc Finding Nemo củng cố địa vị nhà vô địch thế giới trong việc lấy tiếng cười qua nước mắt của Pixar.

Thế nên mặc dù cô bạn đường hay quên của Nemo trong phần đầu lập tức được ‘fan’ yêu mến, cũng có thể hiểu được nếu bạn có chút hoài nghi liệu phần tiếp theo có đối xử công bằng — và tuyệt vời như phim đầu — với nhân vật này không.

Nếu vậy, cam đoan là bạn có thể thở phào nhẹ nhõm. Finding Dory rất tuyệt. Di sản mà Finding Nemo đã thiết lập năm 2003 sẽ được đối xử cẩn trọng năm 2016, cho dù phần tiếp theo có không thành công đỉnh cao như phim trước đi nữa.

Bài bình phim thì hẵng phải chờ sát lúc ra rạp, còn bây giờ là năm điều cần biết về Finding Dory.

1. Finding Dory không chắc là phần tiếp theo hay nhất do Pixar sản xuất — mà đây là một phép thử

Phim phần tiếp theo từ lâu khét tiếng là những phiên bản chết chìm của phần đầu. Nhưng Pixar đã tránh được phần lớn bẫy rập này, với những phần tiếp theo cảm động như Toy Story 2Toy Story 3 — những bộ phim tự thân kỳ diệu — và Monsters University.

Finding Dory, may thay, tiếp tục truyền thống đó. Biên kịch và đồng đạo diễn Andrew Stanton (Finding Nemo, Wall-E) quay lại với cấu trúc gần như y chang phim đầu, đưa Dory và Marlin đi khắp đại dương tìm con trai của Marlin là Nemo. Tuy nhiên, lần này Dory và chuyến phiêu lưu lớn của cả bọn để đi tìm bố mẹ thất lạc đã lâu của cô cá.

Nhưng dù bắt chước câu chuyện của Nemo, Finding Dory nhất thiết trở nên khác biệt vì Dory trong vai chính chứ không phải là bồ tèo ngớ ngẩn. Thi thoảng chúng ta thấy những màn hồi tưởng (và đáng ngưỡng mộ lạ thường) thời thơ ấu của Dory khi cô cố gắng nhớ lại không chỉ chuyện gì đã xảy ra với bố mẹ mình mà cả việc về nhà thì thế nào.

Sẽ là nói dối nếu người viết bảo mình thích Finding Dory hơn các phim Toy Story phần tiếp theo, những phim đã đẩy xa giới hạn câu chuyện của chúng nhiều hơn Dory. Nhưng người viết vẫn rời khỏi rạp chiếu trong niềm vui khi một cậu bé nhảy vọt qua người và hào hứng nói với mẹ mình rằng cậu rất muốn xem các bạch tuộc. Bạn còn đòi hỏi gì hơn thế ở một phim Pixar chứ.

2. Dàn diễn viên lồng tiếng — cả cũ lẫn mới — toàn sao

Đã lâu kể từ khi người viết lần đầu xem Finding Nemo và thực sự bất ngờ vui mừng nghe Ellen DeGeneres lồng tiếng cho Dory và Albert Brooks cho Marlin cãi nhau vặt; hai diễn viên đều quay lại vai diễn với sự thoải mái của người đặt nhiều sáng tạo vào cặp đôi cũ mòn này.

Dory luyện tập nói tiếng cá voi với Destiny (Kaitlin Olson)

Nhưng Finding Dory không phụ thuộc vào những nhân vật phụ mà Dory và Marlin gặp trong chuyến Finding Nemo. Rùa Crush xuất hiện ngắn, nhưng nếu bạn trông đợi cá mập ăn chay xuất hiện, thì bạn không gặp may rồi.

Lý do của chuyện này phần nào là vì bối cảnh mới, Finding Dory đổi chuyến phiêu lưu ngoài khơi của Finding Nemo lấy sự phục hồi của hải dương gần Vịnh Monterey. Vậy là có cả một bầy đoàn sinh vật để gặp gỡ, từ cá mập trắng cận thị (Kaitlin Olson) đến cá voi có vấn đề khả năng định vị bằng tiếng vang (Ty Burrell) đến cặp hải cẩu gà gật chỉ quan tâm tảng đá phủ đốm nắng của chúng (Dominic West và Idris Elba).

Và trong hồi tưởng của Dory, Eugene Levy và Diane Keaton trong vai bố mẹ thương yêu và lo lắng, chỉ muốn làm hết sức cho cô con gái dường như quên ngay mọi từ vừa thốt ra.

Mọi người đều trổ hết những đặc điểm tuyệt vời vào nhân vật, nhưng không ai khiến bạn nhớ mãi bằng đồng minh bạch tuộc Hank của Dory.

3. Nếu Dory là ngôi sao đột phá của Finding Nemo, thì bạch tuộc gàn dở là ngôi sao đột phá của Finding Dory

Hank trở thành đồng minh lớn nhất của Dory,
bất chấp khả năng đánh giá của anh ta tốt hơn

Bổ sung quan trọng và ý nghĩa nhất trong dàn diễn viên là Ed O’Neill lồng tiếng cho Hank, một gã bạch tuộc mệt mỏi và gàn dở chỉ muốn được đưa vào sở thú để có thể dành cả đời còn lại sải các xúc tu trong cô đơn yên bình.

Kế hoạch đó của anh chàng bay biến sau lần gặp gỡ thứ nhì với Dory.

Cặp đôi có vẻ lệch pha này không khác gì Dory và Marlin trong Finding Nemo, nhưng O’Neill đã làm nên chiến công hiển hách trong việc tiến hóa một Hank bất cần ban đầu thành một gã cộc cằn đáng mến.

Và dẫu diễn xuất của O'Neill có không hay đến thế đi nữa, chỉ xem Hank cũng đủ vui chết được. Khi anh ta trơn tuột đi và vung văng khắp bể, chúng ta nhanh chóng phát hiện rằng anh chàng không chỉ là bạch tuộc mà là một bạch tuộc có tài bắt chước có thể hòa lẫn vào môi trường.

Hoạt hình xúc tu, mô phỏng cơ thể thật ấn tượng, chứng thực hoạt hình vi tính đã tiến hóa biết bao nhiêu kể từ khi Finding Nemo làm khán giả choáng ngợp hồi năm 2003.

4. Piper — phim ngắn chiếu trước Dory — biến những chú chim bạn xua đi ở bờ biển dễ thương như chó cún

Thôi được, thì không nói về mặt kỹ thuật của Finding Dory nữa. Nhưng phải nói rằng khả năng tưởng tượng, và hoạt hình trong Piper — phim ngắn chiếu trước Dory — tuyệt đẹp.

Trung tâm là một con chim nhỏ sống trên bờ cát khi nó học cách săn các động vật thân mềm trong sóng, Piper kể câu chuyện cảm động xuất sắc không một lời thoại. Hình ảnh hoạt hình cũng lộng lẫy.

Nỗi sợ hãi lẫn quyết tâm của con chim nhỏ sẽ cộng hưởng với bất kỳ ai từng buộc phải rời khỏi vùng sở trường của mình và phù hợp hoàn hảo cho chuyến du hành của Dory phía trước.

5. Hành trình của Dory xúc động lạ thường, có thể khiến bạn bật khóc

Không tiết lộ từ A đến Z về Dory, chắc ăn mà nói rằng Stanton và hãng phim đã cho đường đi của cô cá đầy suy ngẫm. Finding Dory không chỉ tìm ra chuyến đi để Dory dấn thân, phim còn cho cô cá những lý do tình cảm thực sự sâu sắc để làm việc đó.

Thực ra, Stanton đã nói tại buổi họp báo hôm 9/6 ông chỉ muốn quay lại với thế giới của Finding Nemo sau khi xem bộ phim này định dạng 3D và nhận ra rằng còn rất nhiều điều để làm cho Dory. Vì sao cô biết nói tiếng cá voi? Làm sao cô biết đọc chữ? Không nhớ được một người bạn nào sau khi gặp họ chỉ 30 giây thì có phải là cô đơn quá không?

Finding Dory trả lời tất cả những câu hỏi đó và nhiều nữa với cả trái tim và, khi sự thể trở nên tồi tệ, đó là lúc đặt dấu ấn tàn phá cảm xúc của Pixar. Việc Dory quên mất gia đình không bị làm hời hợt, và cũng thế với sự mất mát do không ngừng quên mọi thứ cô phải chịu đựng bao năm tháng. Dory đi tìm cha mẹ, nhưng suốt đườg đi, cô còn cố gắng tìm lại chính mình.

Finding Dory ra rạp ở Việt Nam với tựa Đi tìm Dory từ ngày 17/6.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vox


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.