Trong nhiều năm, có một điều ai xem chương trình phỏng vấn của Ellen DeGeneres cũng biết, đó là việc Ellen khá bực mình vì Finding Nemo không hề có phần tiếp theo.
Nữ danh hài và người dẫn chương trình này chính là diễn viên lồng tiếng
cô cá Dory vui tính nhưng có trí nhớ kém trong bộ phim dưới đáy đại
dương ra mắt năm 2003 của Pixar, và từng nhìn các kế hoạch làm hậu
truyện cho các phim khác của Pixar với ánh mắt bực tức. Cả người hâm mộ
Nemo cũng từng lên tiếng phản đối, và đặt câu hỏi tại sao
Cars 2 và
Toy Story 3 được lên kế hoạch, trong khi
Nemo, thành
công vang dội khắp toàn cầu (với doanh thu 937 triệu USD), một bộ phim
từng đoạt giải Oscar và đĩa DVD bán chạy nhất mọi thời đại, lại không hề
có phần tiếp theo.
Mười ba năm sau, cuối cùng thì cũng có –
Finding Dory,
ra mắt ngày 17/6 với nhân vật chính là cô cá màu xanh của DeGeneres. Bộ
phim có kỳ vọng cao về doanh thu phòng vé. Đối với Andrew Stanton, đó
chính là lý do phần hai này tới muộn tới thế.
Stanton, 50 tuổi, biên kịch và đạo diễn
Finding Nemo và phần hai,
Finding Dory,
là một trong những nhân viên lâu năm và được tôn trọng nhất của Pixar.
Ông bắt đầu làm việc với hãng này từ năm 1990 trong vai trò họa sĩ hoạt
hình, và thăng tiến lên vị trí nhà sản xuất, với tầm nhìn rõ ràng cho
những bộ phim của hãng, và luôn sẵn sàng giúp đỡ những nhà làm phim
quanh ông. Đồng nghiệp ví ông như John Lennon, nếu John Lasseter, giám
đốc sáng tạo của Pixar, là Paul McCartney. Stanton mang lại sự thực tế
bên cạnh sự lạc quan của Lasseter.
Dory là chuyến về nhà đối với Stanton. Ông từng đạo diễn
Wall-E và có đóng góp cho cả ba kịch bản
Toy Story, trước khi rời Pixar và làm phim người thật đóng đầu tay của mình,
John Carter, dựa theo tiểu thuyết của Edgar Rice Burroughs và là một thất bại lớn của Disney trong năm 2012.
Khi
trở về Pixar, Stanton trở lại với văn hóa làm phim chính ông giúp dựng
lên, một văn hóa cho thấy thất bại là một cú ngã đau đớn nhưng cần thiết
trong quá trình sáng tạo. Một buổi sáng tháng 5, khi đồng nghiệp tụ tập
tại Trang trại Skywalker ở hạt Marin tham dự một sự kiện mà đối với các
nhà làm phim khác sẽ kiến họ toát mồ hôi hột – tức buổi chiếu thử đầu
tiên của
Finding Dory cho các lãnh đạo của hãng – bản thân Stanton trông hoàn toàn thoải mái.
“Một điều tôi học được từ
John Carter, đó là không nên quá lo
lắng,” Stanton nói, khi các lãnh đạo Pixar, gồm Lasseter, Ed Catmull và
Jim Morris, cùng các đạo diễn Pete Docter và Lee Unkrich, nhà sản xuất
Lindsey Collins và các trưởng bộ phận khác của hãng bước vào phòng
chiếu, sổ sách trong tay.
Trong bộ phim mới, đồng đạo diễn với
Angus MacLane, Dory đang đim tìm cha mẹ mình, một chuyến phiêu lưu đưa
cô tới một viện sinh học biển, “viên ngọc của Vịnh Morro, California,”
với anh bạn bạch tuộc tên Hank do Ed O’Neill lồng tiếng.
Finding Dory mở ra như một bộ phim trinh thám, với những ký ức không hoàn thiện của Dory đánh lạc hướng cả khán giả và chính bản thân cô cá.
“Tôi
luôn nghĩ Dory là một nhân vật bi kịch,” Stanton nói. “Tôi nghĩ cô dành
phần lớn cuộc đời giữa biển sâu bị bỏ rơi hay vô tình bỏ rơi người
khác, và luôn có cảm giác bị quên lãng. Tôi nghĩ cô cuối cùng có được sự
lạc quan, yêu đời này chủ yếu để người – hay cá – tiếp theo mà cô gặp
sẽ không rời bỏ cô.”
Stanton đã cố tình không làm phần hai của
Nemo trong nhiều năm. Vào cuối thập kỷ 90, khi làm phim hậu truyện đầu tiên của Pixar,
Toy Story 2, đoàn làm phim chịu áp lực khổng lồ để đưa ra thành quả trước hạn khi trong tay mới chỉ có nửa kịch bản hoàn chỉnh.
“Sau
vụ đó, chúng tôi tự nhủ sẽ chỉ làm hậu truyện nếu có ý tưởng tốt,”
Stanton nói. (Nhiều người sẽ không đồng ý với quan điểm rằng Pixar khó
tính tới vậy về phim phần hai –
Cars 2 là một thất bại hiếm có của hãng, nhưng cuối cùng thì vẫn sẽ có
Cars 3 và
Toy Story 4 đấy thôi.)
Năm 2016, một năm với nhiều phim phần tiếp theo ra rạp nhưng không tạo mấy tấn tượng tốt – gồm
Alice Through the Looking Glass, Teenage Mutant Ninja Turtles: Out of the Shadows và
The Huntsman: Winter’s War
– chính sách tránh xa phim hậu truyện của Stanton có vẻ là quyết định
đúng đắn. Nhưng qua nhiều năm, có vẻ Pixar cũng nhận ra họ đang bỏ lỡ
một món tiền lớn có thể thu về, đó là làm phần hai cho
Nemo. Vì thế, khi Stanton có ý tưởng làm phim về Dory trong khi còn đang quay
John Carter, ý tưởng nhanh chóng được duyệt.
“Chúng tôi cứ nghĩ sẽ không có phần hai
Nemo,” Morris nói.
“Việc làm phim phần tiếp theo thì cũng dễ hiểu thôi. Khán giả thích thế.
Phim như thế dễ quảng bá hơn. Nhưng đã một thời gian dài trôi qua.
Disney khá tốt khi không ép bọn tôi. Khi Andrew có ý tưởng anh ấy thích,
thì chúng tôi chỉ cần có thế thôi.”
Sau
John Carter,
một thất bại đau đớn đối với Stanton, đạo diễn này cứ tưởng trở về nhà
và trở lại với thế giới quen thuộc của Nemo sẽ dễ dàng hơn. Ngược lại,
ông phát hiện rằng
Dory là một câu chuyện khó nhằn.
“Chỉ
đến khi tạo ra một nhân vật với chứng mất trí nhớ ngắn hạn bạn mới nhận
ra rằng cách duy nhất để thể hiện nhân vật đang phát triển trong phim
là đi vào nội tâm của họ. Chúng tôi đã mất nhiều thời gian để so sánh,
nhân vật thay đổi như thế nào và thay đổi đó được thể hiện ra sao.”
Giải pháp đến với việc giới thiệu Hank trong vai trò bạn đồng hành của Dory, và những cảnh ký ức quá khứ.
Ngoài
ra, Stanton và đoàn làm phim dành nhiều thời gian tham quan Công viên
thủy sinh Monterey Bay và Viện Động vật biển tại Oregon để quan sát môi
trường sống của cá.
Quan điểm của những động vật này cũng khác
nhau – Hank thích cuộc sống trong bể và muốn được tới sống trong Công
viên thủy sinh Cleveland. Nhưng trong phim cũng có một cảnh phim được
quay không khác gì một trận chiến, khi những động vật biển phải chạy
trốn khỏi những bàn tay của những đứa trẻ hiếu kỳ.
Stanton cho biết ông không muốn đưa ra thông điệp cụ thể nào về việc bắt và nuôi cá biển làm cảnh.
“Với
Wall-E,
mọi người muốn biết thông điệp môi trường của tôi là gì,” Stanton nói.
“Tôi là người làm phim rất ích kỷ. Tôi chỉ muốn làm những gì cần thiết
để kể nên câu chuyện. Tôi không có mục tiêu chính trị nào cả.”
Stanton có nhiều ý tưởng sau
Dory, gồm một số phim người thật đóng. Trở lại với Pixar sau
John Carter đã nhấn mạnh với ông một điều: hãy mở mang đầu óc.
“Nếu
cái tôi của bạn chịu đựng được và bạn ở trong một môi trường lành mạnh,
và bạn không lo nhiều về việc thắng thế, thì phim bạn làm sẽ hay hơn,”
ông nói.
Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times