Tin tức

Đảo Địa ngục là trận chiến giữa lịch sử, hư cấu và thương mại

07/08/2017

Tựa phim The Battleship Island (Gunhamdo) nói tới hòn đảo Hashima, gần bờ biển Nagasaki ở Nhật Bản được xem là giống hình thuyền chiến. Hòn đảo do tập đoàn khổng lồ Nhật Bản Mitsubishi sở hữu đã biến toàn bộ hòn đảo thành nhà máy khai khác than đem lại lợi nhuận khổng lồ.

Trong những năm 40 thế kỷ trước, thời kỳ Nhật chiếm đóng Triều Tiên, người Nhật đưa lao động Triều Tiên lên đảo, lừa họ tin rằng họ sẽ có cuộc sống đàng hoàng, trong khi thực tế họ bị ép lao động khổ sai làm phu đào mỏ (ở độ sâu 1.000 mét dưới mực nước biển.) Một số lượng lớn người Triều Tiên đã bị đưa tới đây làm việc từ năm 1943 tới 1945.

Đạo diễn Ryoo Seung Wan, giữa, chỉ đạo trên trường quay phim Đảo Địa ngục

Nhiều nỗ lực đơn lẻ được thực hiện hòng thoát khỏi hòn đảo, nhưng không hiệu quả khi những con sóng dữ dội nuốt trôi họ. Kể cả những người bơi được tới Nagasaki, không sống được lâu – họ chết vì Mỹ đánh bom thành phố này.

Câu chuyện về thảm kịch đó đã được dựng thành phim điện ảnh với bàn tay của đạo diễn Ryoo Seung Wan và ra rạp ở Hàn Quốc từ ngày 26/7 (phim phát hành ở Việt Nam ngày 18/8 với tựa Đảo Địa ngục).

Tuy nhiên, trong câu chuyện của đạo diễn Ryoo, những người lao động Triều Tiên thực hiện nỗ lực thoát khỏi hòn đảo không hề đơn lẻ, mà thành nhóm. Ít nhiều đây trở thành một “trận chiến” giữa những người đào tẩu và những kẻ thống trị Nhật bên trong hòn đảo “con thuyền chiến” cũng như trận chiến giữa lịch sử và hư cấu và thương mại khi câu chuyện bắt đầu mờ đi trong sự hỗn loạn.

“Vì tôi không phải một nhà sản xuất phim tài liệu, tôi muốn người Triều Tiên trong thế giới của tôi thoát khỏi hòn đảo. Tôi nghĩ đó là đặc quyền của một đạo diễn điện ảnh. Đó cũng là hy vọng cá nhân của tôi thể hiện qua trí tưởng tượng,” đạo diễn Ryoo nói trong buổi họp báo ra mắt phim.

So Ji Sub, phải, và Lee Jung Hyun trong một cảnh phim

“Tôi không có ý giáo dục mọi người về lịch sử hòn đảo. Đó không phải là ý định đầu tiên của tôi. Nhưng khi tôi ghi hình, tôi cảm thấy nóng lòng muốn để lời lẽ tuôn ra, phần nhiều vì trách nhiệm. Điều đầu tiên tạo cảm hứng để tôi tạo ra bộ phim này là một bức ảnh về hòn đảo làm tôi tự hỏi chuyện gì đã xảy ra ở đó.”

Bằng chứng là qua các phim trước của đạo diễn Ryoo như BerlinVeteran, các sản phẩm của anh nghiêng về hành động nhiều hơn bất cứ thể loại nào. Battleship Island không ngoại lệ. Cho dù ban đầu có vẻ giống phim lịch sử, nhưng rồi qua nửa thời lượng phim biến thành hành động ly kỳ và tương tự với một bộ phim bom tấn Hollywood với các nhân vật siêu anh hùng.

Bộ phim có dàn diễn viên toàn sao bao gồm Hwang Jung Min, So Ji Sub, Song Joong Ki, Lee Jung Hyun và Kim Soo Ahn nhưng bởi chọn nhiều cái tên lớn quá, không ai có vẻ nổi bật cả. Song Joong Ki là nhân vật anh hùng trong bộ phim này, bất ngờ từ đâu xuất hiện dẫn dắt mọi người ra khỏi mớ hỗn độn. Anh là thành viên Cục Tình báo Chiến lược, cố gắng giải cứu những chiến sĩ kháng chiến. So Ji Sub, từng quen vào vai chính trong những phim khác, giờ có vẻ là thứ yếu so với Song Joong Ki. Anh là bậc trượng phu, đứng đầu một băng đảng, hỗ trợ cho Song Joong Ki bảo vệ mọi người. Sự tồn tại của nữ ca sĩ–diễn viên Lee Jung Hyun bị chôn vùi dưới các nhân vật khác. Cô vào vai một người phụ nữ giải khuây rất mạnh mẽ và dũng cảm. Nhưng hòn ngọc thực sự của bộ phim là Hwang Jung Min và nữ diễn viên nhí Kim Soo Ahn 11 tuổi, vào vai con gái anh. Cặp cha con, biểu diễn trong một gánh hát, làm bộ phim thêm sống động, mang đến cho khán giả nụ cười và sự ấm áp.

Hòn ngọc thực sự của bộ phim là Hwang Jung Min và nữ diễn viên nhí Kim Soo Ahn 11 tuổi

Tại sao đạo diễn Ryoo lại đưa điều này vào một bộ phim đào thoát?

“Ba lý do. Đầu tiên, tôi diễn giải việc thoát khỏi hòn đảo là thoát khỏi quá khứ rối mù. Chỉ có tương lai khi quá khứ bị xóa sạch,” anh nói.

“Tôi cũng nghĩ rằng nó là một lối thoát khỏi Địa ngục Joseon. Tôi nghĩ trong tiềm thức tôi tham vọng vậy,” anh nói, chia sẻ một cách nhìn có phần tiêu cực.

“Nhưng tôi cũng thích phim tẩu thoát. Tôi đã xem chúng từ khi còn trẻ và muốn một ngày nào đó có thể làm ra một phim như vậy của mình.”

Đạo diễn Ryoo còn nói “không có cái gì gọi là một bộ phim phải-xem.”

“Xem hay không là lựa chọn của bạn. Nhưng tôi nghĩ biết lịch sử Gunhamdo là cần thiết,” anh nói.

Cảnh lao động Triều Tiên bị cưỡng bức làm công việc khai thác than trên đảo trong phim

Mỏ than Hashima và 23 di tích công nghiệp của Cách mạng Minh Trị được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 2015. Tuy nhiên việc công nhận này có một điều kiện do chính phủ Hàn Quốc yêu cầu mạnh mẽ và cũng được UNSESCO ủng hộ, là Nhật Bản khẳng định rõ ràng lịch sử không thành kiến về hòn đảo bao gồm cả việc lao động ép buộc Triều Tiên và họ đã tạo một trung tâm thông tin trên hòn đảo.

Chính phủ Nhật Bản đã phải chấp nhận yêu cầu này và buộc phải báo cáo với UNESCO kế hoạch hành động trước cuối năm nay. Cộng đồng quốc tế đang để ý tới việc này để chắc chắn rằng chính phủ Nhật đang thực hiện cam kết với UNESCO tháng 7/2015 để thế giới không quên những hành động tàn ác của đế quốc Nhật Bản.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.