Nhân vật & Sự kiện

Đám mây tranh cãi bao phủ Đảo Địa ngục: Phim lịch sử hư cấu Hàn Quốc tiếp tục khiến khán giả bất bình

12/08/2017

The Battleship Island, phim kinh phí lớn về những lao động cưỡng bức người Triều Tiên ở hòn đảo Hashima của Nhật Bản trong Thế chiến II, đã bán được hơn năm triệu vé từ khi ra rạp ở Hàn Quốc tuần lễ cuối cùng tháng 7.

Tuy bị soán ngôi vào ngày thứ tư tuần tiếp theo về tay The Taxi Driver, The Battleship Island vẫn có khả năng trở thành phim Hàn kế tiếp đạt mốc 10 triệu lượt xem, nhờ sức mạnh của dàn sao – Hwang Jung Min, So Ji Sub và Song Joong Ki – cùng khổng lồ truyền thông CJ E&M.

Tuy nhiên, bất chấp thành tích phòng vé vượt trội, bộ phim này đã làm dấy lên tranh cãi, với đủ thứ lý do đi từ cách tiếp cận vấn đề lịch sử nhạy cảm đến việc chiếm áp đảo suất chiếu ở rạp.

Chủ nghĩa dân tộc khiên cưỡng

The Battleship Island không phải là phim lấy nước mắt dựa vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hay cái gọi là gukbbong,” đạo diễn Ryoo Seung Wan nói trong một buổi họp báo hồi tháng 6. Gukbbong là một trong những từ ghép trong tiếng Hàn có nghĩa là ám ảnh mù quáng với lòng yêu nước.

Mấy năm qua nhiều phim Hàn đã bị chỉ trích vì thêm thắt nhiều yếu tố của chủ nghĩa dân tộc, như đã thấy qua Operation Chromite (2016) và Ode to My Father (2014).

Bất chấp nỗ lực thoát ra khỏi kiểu bị xem là yêu nước thái quá của đạo diễn Ryoo, nhiều người xem phàn nàn rằng The Battleship Island sử dụng sự kiện thương tâm này để kích động chủ nghĩa dân tộc thông qua miêu tả nỗi thống khổ của những lao động bị cưỡng bức người Triều Tiên dưới thời Nhật Bản đô hộ.

Miêu tả nỗi thống khổ của những lao động bị cưỡng bức người Triều Tiên trên phim

Có một cảnh, những lao động Triều Tiên xé tan lá cờ “mặt trời mọc” của quân đội Nhật hoàng và giữ nguyên rất nhiều biểu tượng gây hấn thời chiến của quốc gia này, đặc biệt bị chỉ trích.

“Phim đã làm quá. Hãy thôi cái trò marketing yêu nước đi,” một khán giả viết trên Naver.

Người khác viết, “Tại sao phim Hàn miêu tả những câu chuyện dựa trên sự kiện có thật như thế này? Cho thấy sự tàn bạo của Nhật Bản [trong thời Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên], phim nên được làm dựa trên những sự kiện có thật thay vì cảm xúc khiên cưỡng, kịch bản kém và một cảnh thắp nến chả liên quan gì đến cốt truyện.” Lời bình này nhận được hơn 20.000 ‘likes’.

Cảnh thắp nến ban đêm đó gợi lại cuộc biểu tình phản đối ở Quảng trường Gwanghwamun trung tâm Seoul mùa đông năm ngoái rốt cuộc đã dẫn đến led việc luận tội và bãi miễn chức vụ tổng thống của bà Park Geun Hye.

Tuy tụt xuống vị trí thứ hai ở phòng vé sau khi A Taxi Driver ra rạp hôm 1/8, The Battleship Island vẫn được mở rộng trình chiếu ra thêm 1.100 rạp so với lúc bắt đầu phát hành ngày 26/7

Xuyên tạc lịch sử

Tuy nhiên, những người khác phàn nàn rằng phim không hề yêu nước đủ.

Phim thể hiện rõ ràng là cố gắng tránh cách kể chuyện “người Triều Tiên tốt người Nhật xấu” thường có trong những phim Hàn lấy bối cảnh thời Nhật Bản đô hộ. Nhưng sự khắc họa những nhân vật hư cấu có vai trò quan trọng trong việc mở ra câu chuyện đã hứng chịu phản ứng dữ dội của khán giả.

Một số khán giả đặc biệt dị ứng với hai nhân vật hư cấu thân Nhật trong phim, bóc lột lao động người Triều Tiên tàn bạo: một kháng chiến quân được kính trọng ngầm bắt tay với quân Nhật, và một thám báo người Nhật cai quản những lao động Triều Tiên khai thác mỏ than. Giới phê bình cho rằng những miêu tả như thế nhằm nhấn mạnh sự tàn bạo của Nhật Bản.

Nhưng theo một nhà phê bình, những chỉ trích này là không công bằng.

Cảnh thắp nến trong phim bị phàn nàn rằng không 'ăn nhập' gì với câu chuyện

“Phim được dựa trên những sự kiện có thật. Nhưng đây là phim hư cấu, không phải phim tài liệu, [nên nó có thể] tùy nghi diễn giải,” nhà phê bình Yu Ji Na nói.

Tuy có một số phim lịch sử hư cấu, người ta thường nhạy cảm hơn vì họ đã đặt kỳ vọng cao vào đạo diễn.

“Ryoo Seung Wan là một nhà làm phim đã bắt đầu sự nghiệp bằng phim độc lập, trong đó anh đứng về phía thiểu số trong xã hội. [Xem một phim bom tấn gây tranh cãi như thế này] từ nhà đạo diễn ấy khiến cho càng thất vọng hơn,” Yu Ji Na nói.

Độc quyền nhà rạp

Bộ phim được CJ E&M phát hành này trình chiếu ở số lượng rạp chưa từng có tiền lệ là 2.027 rạp vào ngày mở màn. Con số đó quá cả nửa tổng số rạp chiếu ở Hàn Quốc, khiến The Battleship Island trở thành phim Hàn đầu tiên giữ chỗ ở hơn 2.000 rạp chiếu. Thú vị là, trong đó có khoảng 1.000 rạp thuộc CJ CGV, chuỗi rạp chiếu lớn nhất Hàn Quốc.

Minh họa của JoongAng Daily cho bài viết này, thể hiện một số 'comment' phản ứng của người đi xem phim trước nạn độc quyền rạp chiếu cho The Battleship Island

Số rạp chiếu tiếp tục vượt hơn 2.000 trong tuần đầu, thời gian đó phim đạt 2,51 triệu lượt xem. Số lượng rạp chiếu dành cho Battleship gần gấp đôi số rạp chiếu của á quân phòng vé tuần đó là Despicable Me 3 được phân bổ với 1.029 rạp. Dunkirk, về ba, chỉ trình chiếu ở 634 rạp.

Việc chiếm áp đảo rạp chiếu của Battleship khiến người xem phim nổi giận, họ khiếu nại rằng đã bị tước bỏ quyền chọn khi đến rạp.

“Tôi tìm vé xem Dunkirk hôm thứ tư [tuần trước], nhưng chẳng mua được vé nào ở CGV hay Megabox .?.?. The Battleship Island đừng chơi phỗng tay trên như vậy chứ,” một ‘comment’ trên Naver.

Trước những chỉ trích như vậy, đạo diễn Ryoo phát biểu trên chương trình thời sự đài cáp YTN, “Là một đạo diễn từng làm phim độc lập, tôi cảm thấy rất tiếc bị ở vào trung tâm sự tranh cãi về độc quyền rạp chiếu, một điều diễn ra bao năm rồi. Tuy tôi đã nói rằng bộ phim sẽ không chiếu ở rạp phim nghệ thuật hay rạp IMAX, nhưng có những khâu mà một đạo diễn và êkíp sản xuất không có quyền kiểm soát.”

Người xem xếp hàng lấy vé tại một rạp chiếu ở Yongsan: áp phích phim Battleship hiển thị áp đảo trên các máy bán vé tự động

The Battleship Island ra rạp ở Việt Nam ngày 18/8 với tựa Đảo Địa ngục.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily