Tin tức

Hollywood dính đòn hồi mã thương khi cược lớn vào Trung Quốc

29/09/2017

Chuỗi phim Transformers đã dựa dẫm vào con bò sữa Trung Quốc từ khi ra mắt năm 2007 với 710 triệu đôla thu được toàn cầu. Bốn phim đầu tiên trong loạt năm phim đã phim sau hơn phim trước ở thị trường này, trong đó Age of Extinction (2014) đã ghi kỷ lục là phim có doanh thu phòng vé cao nhất mọi thời đại ở đó.

Thế rồi chuyện đã thay đổi. Transformers: The Last Knight, phần mới nhất về rôbô khổng lồ biết nói và có ngôi sao Mark Wahlberg, trình chiếu ở Trung Quốc trong mùa hè trong sự phô trương ầm ĩ như thường lệ, bao gồm các mô phỏng Optimus Prime kích cỡ như thật dựng ở những thành phố lớn khắp Trung Quốc. Phim có tuần mở màn mạnh mẽ, kéo lưới 126 triệu đôla, nhưng sự quan tâm dành cho The Last Knight xẹp đi nhanh chóng. Nghe nói người xem công khai cười chê những quảng cáo sản phẩm Trung Quốc lộ liễu, khiên cưỡng trên phim, chẳng hạn Wahlberg ngồi trong bãi phế liệu ở South Dakota mà uống sữa Mengniu của Trung Quốc. Phim thu hoạch 229 triệu đôla ở đây so với 320 triệu của phần trước. “Sự sụt giảm choáng váng,” The Hollywood Reporter viết, “là một nỗi thất vọng cho cả Paramount lẫn ba công ty Trung Quốc... có phần hùn trong bộ phim và là đối tác cho việc marketing và quảng bá.”

Không có gì bí mật trong chuyện lâu nay Hollywood cố gắng bù vào doanh thu vé teo tóp ở Mỹ và Canada bằng cách hướng sang Trung Quốc, nơi có phòng vé đang bùng nổ. Chính phủ Trung Quốc dần tiếp nhận phim nước ngoài tăng lên, nâng hạn ngạch số lượng phim được phép chiếu ở đây từ 10 phim một năm trong thập niên 90 lên 34. Phần ăn chia cho Hollywood cũng tăng lên, từ 10% lên 25%, khuyến khích các hãng phim Mỹ làm những phim theo công thức dựa trên những tài sản đang nổi tiếng từ Bắc Mỹ đến Đông Á, không có chỗ cho những sắc thái có thể bị lạc lõng trong khán giả ở bất cứ thị trường nào. Một số những phim như thế, như Furious 7Warcraft, đã làm ăn thậm chí còn tốt hơn ở Trung Quốc, củng cố công thức rằng khán giả Trung Quốc muốn có những phim hào nhoáng, ầm ĩ, không cần tinh tế, và rằng nhận diện thương hiệu luôn thắng thế so với câu chuyện hay sự kết nối con người.

Michael Bay, đạo diễn Transformers: The Last Knight, đến Trung Quốc quảng bá cho bộ phim

Nhưng thay vì vượt qua Mỹ trở thành phòng vé lớn nhất thế giới ở năm 2017, như giới chuyên môn dự đoán, thị trường điện ảnh Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Giới phân tích quy cho một số nhân tố, trong đó có giảm trợ giá từ những nhà bán vé trên mạng và chính phủ triệt hạ gian lận thổi phồng doanh thu.

Nhưng vấn đề khác đó là những phim này đúng thật rác rưởi.

Năm 2017, hết bom tấn này đến bom tấn khác thất bại cả ở Bắc Mỹ lẫn Trung Quốc. The Mummy có Tom Cruise rớt cái bịch. Phim làm lại anime nổi tiếng Ghost in the Shell của Nhật do Scarlett Johansson đóng (có đầu tư từ các công ty Trung Quốc, một cách làm đã trở nên phổ biến hơn những năm gần đây khi Hollywood và Trung Quốc tìm cách làm việc với nhau) nhận lãnh tranh cãi về việc trắng hóa diễn viên từ trước khi ra rạp và thu con số nhỏ nhoi 70 triệu đôla ở Mỹ lẫn Trung Quốc cộng lại, không thu hồi được kinh phí 110 triệu.

Cảnh trong phim Ghost in the Shell. Weying Technology, một trong những đại lý bán vé xem phim hàng đầu ở Trung Quốc, có phần góp vốn nhỏ trong bộ phim này của Paramount

Khi được hỏi liệu chiến lược hiện nay của Hollywood là cố gắng làm hài lòng đồng thời cả khán giả Mỹ lẫn khán giả Trung Quốc có hiệu quả không, một nguồn tin cao cấp làm việc với các hãng phim lớn, trong đó có việc đàm phán với các công ty Trung Quốc, trả lời sõng sòng, “Không.” (Nguồn tin này phải phát biểu ẩn danh vì công việc của họ không cho phép phát biểu công khai.) Các hãng phim tận lực tìm cách thu hút khẩu vị ở quê nhà lẫn nước ngoài bằng những câu chuyện phổ quát, nguyên mẫu mà ai cũng có thể liên hệ được, đồng thời cũng nịnh bợ giới chức Trung Quốc, mà công tác kiểm duyệt của họ khét tiếng là thất thường về điều gì họ thông qua và cảnh giác với ảnh hưởng nước ngoài hay bất kỳ chỉ trích nào về đất nước của họ. (Transformers: Age of Extinction thậm chí đưa vào cả một thông điệp ủng hộ lãnh đạo Trung Quốc.)

Giờ đây Hollywood đang thấy những hạn chế của chiến lược đó. “Khi bạn rồ ga hướng ra làm ăn toàn cầu thì vậy thôi, và mục tiêu của các hãng phim lớn năm 2017 là làm ra thứ gì C+ cho càng nhiều người trên thế giới càng tốt,” nguồn tin đó nói. “Khi bạn có một dân số Mỹ có quá nhiều lựa chọn giải trí, người ta không nhất thiết sẽ đi xem một xuất phẩm chỉ vì có xuất phẩm đó... Tôi phải chi 15 đôla để xem phim ở rạp. Sao tôi phải làm thế khi có cả một cơ sở phim trên Netflix hay Amazon hay HBO? Có quá nhiều nội dung giải trí. Tôi sẽ muốn xem phim trên tivi hơn là xem phim rạp.” Điều tương tự cũng xảy ra ở Trung Quốc, Netflix đã thâm nhập thị trường này năm nay thông qua một khổng lồ dịch vụ streaming Trung Quốc với gần 500 triệu lượt xem mỗi tháng và vé xem phim rạp ở đây có thể lên đến hơn 20 đôla.

Đi xem phim rạp ngày càng trở nên đắt đỏ trong khi có rất nhiều dịch vụ streaming sẵn sàng phục vụ

Ở khía cạnh làm ăn lâu nay các hãng phim đã đụng phải vấn đề đau đầu phức tạp hơn nhiều. Mấy năm qua các công ty Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh đầu tư vào ngành giải trí Mỹ, nổi bật nhất là tập đoàn Wanda mua AMC, trở thành nhà vận hành rạp chiếu lớn nhất ở Trung Quốc lẫn Mỹ. Các bom tấn mà Trung Quốc đồng bỏ vốn như Ghost in the Shell giúp những phim này được phát hành và quảng bá ở đây, theo Stanley Rosen, giáo sư chuyên về quan hệ Mỹ-Trung tại USC, nhưng nhiều thỏa thuận lớn gãy đổ trong năm nay. Thỏa thuận trị giá 1 tỉ đôla mua Dick Clark Productions, nhà sản xuất lễ trao giải Quả cầu vàng, của Wanda tan vỡ vì chủ sở hữu Dick Clark nói rằng Wanda không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Paramount đạt được thỏa thuận 1 tỉ đôla đầu tư từ Huahua Media, nhưng tháng trước hãng phim này nói rằng họ không nhận được thanh toán từ đối tán. Bóng đen bao phủ các thỏa thuận này là các cơ quan thẩm quyền Trung Quốc, siết chặt kiểm soát kinh tế ở Trung Quốc. Mỗi thỏa thuận mỗi khác, “nhưng luôn có sự can thiệp và phủ quyết của chính quyền Trung Quốc,” Rosen nói. “Chừng nào tiền vào tài khoản thì mới là tiền thật, còn phim chưa quay thì chưa thực sự có phim,” nguồn tin nói.

Về phía Mỹ, năm ngoái 16 thành viên Quốc hội thuộc cả hai đảng đã kêu gọi xét duyệt kỹ hơn đầu tư của Trung Quốc vào Hollywood và khả năng thực hành “kiểm soát tuyên truyền lên truyền thông Mỹ.” Và Tổng thống Donald Trump hùng hổ rắn tay với các thỏa thuận thương mại, đặc biệt là với Trung Quốc — tuy không rõ liệu ông có thực sự muốn can thiệp vào công việc của Hollywood hay không, vốn nằm ngoài tầm của ông.

Dàn diễn viên The Fate of the Furious tại một sự kiện quảng bá bộ phim này ở Trung Quốc

Giải pháp cho tình trạng hỗn mang của Hollywood không hề dễ, nhưng sẽ không ngăn được họ cố thử. Mà điên mới không thử. Như chuỗi phim Fast and Furious đã cho thấy, thị trường Trung Quốc có thể biến một bom tấn điên rồ thành khổng tượng toàn cầu (phần phim mới nhất, The Fate of the Furious, kiếm được 1,2 tỉ đôla toàn cầu, trong đó 393 triệu là từ Trung Quốc so với 226 triệu ở Mỹ). Nhưng chuyện đó chỉ xảy ra nếu làm đúng. Bất kể bạn nghĩ gì về những phim này, chúng đã bám chặt và lực lượng ‘fan’ đam mê của mình mà những phim khác như Transformers loạng choạng. “Người ta trở nên mỏi mệt phim bom tấn phần tiếp theo,” Rosen nói. “Ở thị trường nào thì người ta cũng trông đợi phim chất lượng.”

Rõ ràng xem ra, con đường dẫn tới thành công ở cả Trung Quốc lẫn Mỹ có lẽ nghĩa là trở lại căn bản. Wolf Warrior 2, xuất phẩm phim của Trung Quốc phá kỷ lục doanh thu phòng vé ở nước này năm nay, đã đánh cắp bí kíp của Die Hard với việc pha trộn chủ nghĩa yêu nước và hành động mãnh liệt. Đây cũng chỉ là một bộ phim thú vị, được làm một cách lão luyện. Phim đạt 70% ‘tươi’ trên Rotten Tomatoes, cao hơn nhiều so với The Last Knight 15% và The Mummy 16%.

Quảng cáo cho các phim Hollywood tại quầy bán vé ở một rạp chiếu Trung Quốc

"Trở lại cốt lõi: câu chuyện, câu chuyện, câu chuyện. Hãy đầu tư thời gian vào việc thiết kế chi tiết bộ phim, kịch bản. Pixar, Blumhouse, và Marvel đã không ngừng đem lại dòng thu nhập vững chắc vì họ ấp ủ dự án của họ và không đi ngang về tắt," Jeff Bock, chuyên viên phân tích cao cấp tại Exhibitor Relations, cho biết. "Nói thật: kể từ buổi bình minh của điện ảnh thì Hollywood đã biết điều này rồi, nhưng luôn có người nghĩ rằng kiếm tiền nhanh là con đường dẫn tới sự giàu có. Đôi khi làm vậy có hiệu quả, chắc chắn rồi, nhưng đó không phải là con đường lát gạch vàng để cứu rỗi phòng vé."

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Outline