Tin tức

Tại sao hè này Hollywood cần khán giả Trung Quốc hơn bao giờ hết

11/08/2017

Lãnh đạo cấp cao các hãng phim Hollywood nên bắt đầu các ngày thứ hai của mùa hè bằng việc vái lạy và cầu khấn về phía đông. Bởi, như nhiều ngày thứ hai khác gần đây, khán giả Trung Quốc đã cứu một bộ phim bom tấn hàng khủng đã thể hiện không được như mong muốn ở sân nhà. Khán giả Trung Quốc trở thành những đấng cứu thế mùa hè cho ngành công nghiệp đang gặp vấn đề kết nối với những khán giả Mỹ đã mệt mỏi với phim nhiều phần.

Qua cuối tuần, Trung Quốc trở thành cứu tinh cho Paramount Pictures và Transformers: The Last Knight, mở màn với con số dưới chuẩn 69 triệu USD nội địa nhưng lại thu về con số trên chuẩn 123 triệu USD ở Trung Quốc trong cuối tuần đó. Mô hình tái diễn sự lệch pha của Pirates of the Caribbean: Dead Men Tell No Tales từ Disney (170 triệu USD ở Trung Quốc và 154 triệu USD ở Mỹ) và The Fate of the Furious từ Universal (393 triệu USD ở Trung Quốc và 225 triệu USD ở Mỹ).

“Trung Quốc mê mẩn sự hoành tráng,” Megan Colligan, giám đốc toàn cầu về quảng bá và phân phối của Paramount nhận xét. “Những thị trường trưởng thành hơn như Mỹ và châu Âu đang hao mòn. Nhưng những thị trường mới hơn như Mỹ Latinh và châu Á, họ thích thú khi những bộ phim yêu thích trở lại lớn hơn và hay hơn.”

Loạt phim Fast and Furious luôn trở lại hoành tráng hơn

.Ít nhất là lúc này. Thị trường Trung Quốc trưởng thành nhanh, và thị hiếu cho sự phô trương Hollywood có thể giảm. “Đó là một ẩn số lớn,” một nguồn phụ trách nghiên cứu phòng vé cho nhiều hãng phim cho biết. “Hiện giờ thì họ nuốt hết những loạt phim của chúng ta. Liệu có mãi như thế? Thật khó làm hài lòng mọi khán giả.”

Vào lúc này, các hãng phim có một lợi thế lớn mà họ thua ở sân nhà: người xem Trung Quốc ít phụ thuộc vào những trang tập hợp phê bình như Rotten Tomatoes, và phụ thuộc nhiều vào điểm của khán giả trên những trang bán vé, theo Colligan. “Bạn có thể có khán giả kể cả nếu điểm phê bình không quá mạnh,” Colligan nói. Chắc chắn nó có ích với những loạt phim như Transformers, phim mà các nhà phê bình không thèm quan tâm – điểm Rotten Tomatoes cho phần mới nhất chỉ 15% ảm đạm.

Không có các phà phê bình ngáng đường, các hãng phim chỉ việc dựng đủ tiếng tăm cho dự án của mình – hay “tạo nhiệt”, theo cách nói của Duncan Clark, chủ tịch Univerval Pictures International. Với phần Transformers mới nhất, Paramount đưa 5.000 người vào một sân vận động ở thành phố Quảng Châu phía nam trong buổi ra mắt phim. Đạo diễn Michael Bay cảm ơn khán giả Trung Quốc vì sự trung thành của họ; ca sĩ nhạc pop Trung Quốc Trương Kiệt biểu diễn một bản ballad; và các trang mạng xã hội Trung Quốc phát trực tuyến sự kiện tới người hâm mộ, bao gồm cả những sự kiện trên 400 rạp của Tập đoàn Dalian Wanda Trung Quốc.

Đạo diễn Michael Bay trong sự kiện ra mắt Transformers: The Last Knight

Paramount đặc biệt nhắm vào những khán giả tầm trung Trung Quốc, những người đang tuổi đôi mươi và cực kỳ tích cực trên mạng xã hội. Hãng phim này góp phần vào chiến dịch quảng cáo 58 triệu USD của Coca-Cola – phim quảng cáo lớn nhất từng có của hãng nước giải khát này – có đoạn phim do Michael Bay quay và có 240 triệu vỏ lon được thiết kế riêng, mang nhãn hiệu Coca với những nhân vật từ loạt phim này như Bumblebee và Optimus Prime.

Universal và Disney dùng thủ thuật tham vọng tương tự ở Trung Quốc với những phần mới gần đây. Tháng 5, Disney trở thành hãng phim Hollywood đầu tiên tổ chức buổi ra mắt toàn cầu ở Trung Quốc cho phần Pirates thứ năm, tận dụng điểm Cướp biển nổi tiếng ở công viên Disney Thượng Hải và sức quyến rũ bền bỉ của Johnny Depp. Hồi tháng 4, hãng Universal thắp sáng tòa nhà Trung tâm Tài chính Ping An 118 tầng của Trung Quốc, tòa nhà cao thứ tư thế giới, với một chương trình đầy đủ biểu tượng, xe đua và công tơ mét từ bộ phim Fast thứ tám.

Transformers 4 đã làm ra rất nhiều tiền, nhưng người ta lại hỏi, "Tại sao có người lại uống sữa Trung Quốc ở cảnh này?"

Paramount đã tinh chế cách tiếp cận ở Trung Quốc sau phần Transformers trước, có sự tham gia của các diễn viên Trung Quốc như Lý Băng Băng, với những cảnh quay đặt trưng Trung Quốc và các sản phẩm Trung Quốc được sắp đặt trong phim. Bộ phim đánh bại Avatar trở thành phim có doanh thu lớn nhất quốc gia này, nhưng cũng tạo cảm hứng cho những lời trêu chọc trên mạng xã hội cho cái mà khán giả Trung Quốc xem là cố chạy theo thị hiếu. (Họ cũng không phải là những người duy nhất.) "Ném vào những yếu tố và gương mặt Trung Quốc vô thưởng vô phạt, khán giả địa phương không tin vào điều đó," Jonathan Papish, nhà phân tích trong ngành tại China Film Insider nói. "Transformers 4 đã làm ra rất nhiều tiền, nhưng người ta lại hỏi, "Tại sao có người lại uống sữa Trung Quốc ở cảnh này?"

Với số ít trường hợp đặc biệt, ảnh hưởng của Trung Quốc với phim Hollywood chủ yếu giới hạn trong một thể loại: loại phim mà tự Trung Quốc không thể làm được. "Họ làm những phim lãng mạn mà họ yêu thích," Colligan nói. "Họ làm phim chính kịch mà họ yêu thích. Nên tất cả những gì họ muốn từ Hollywood là những phim hành động 'khủng'."

Universal thắp sáng tòa nhà Trung tâm Tài chính Ping An 118 tầng của Trung Quốc với hình ảnh phim Fast 8

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang trong thời kỳ xây dựng những hãng phim lớn của riêng mình, bao gồm Phim trường Wanda Thanh Đảo, tổ hợp 8 tỉ USD bên bờ đông Trung Quốc sẽ trở thành phim trường lớn nhất thế giới khi đi vào hoạt động tháng 8/2018. Khi công bố kế hoạch hãng phim tại một sự kiện gala ở Los Angeles tháng 10 năm ngoái, chủ tịch Vương Kiện Lâm của Tập đoàn Dalian Wanda cảnh báo mọi người về việc đánh giá thấp khán giả Trung Quốc, và đưa ra một lời đe dọa tiềm tàng tới các hãng phim có khi không thể dựa dẫm vào Trung Quốc để cứu nhưng phim bom tấn mùa hè thêm nữa.

"Thuần túy dựa vào cảnh hoành tráng và hiệu ứng có thể sẽ không hiệu quả suốt được," ông Vương Kiện Lâm nói. "Giờ khán giả Trung Quốc đã khôn ngoan hơn, họ không dễ dàng hài lòng nữa."

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vanity Fair