Tin tức

Lấy bối cảnh Nhật Bản: Nhà làm phim nước ngoài tạo đòn bẩy kinh tế

03/07/2018

Ngày xưa, làm phim có nghĩa là Hollywood. Hãng phim đầu tiên của khu vực này thành lập năm 1911, và trong vòng vài năm con số đã vươn lên 20 trong một vùng nho nhỏ ở Los Angeles, bang California, trở thành trung tâm sản xuất nổi tiếng tiếng trong ngành.

Mọi thứ giờ đã khác. Hollywood vẫn là căn cứ hoạt động, nhưng việc làm phim đã tiến ra toàn cầu cả với điện ảnh và truyền hình.

Ví dụ nổi bật nhất là bộ ba Lord of the Rings của Peter Jackson. Không phải là phim đầu tiên quay ở nước ngoài, tác phẩm khổng lồ đưa phong cảnh độc đáo của New Zealand lên sân khấu toàn cầu và đem lại tác động kinh tế quan trọng với đất nước này. Ba phim sử dụng hơn 150 địa điểm và quay trong khoảng tháng 10/1999 tới 2000. Một thập kỷ sau khi phim chiếu, Du lịch New Zealand tổng kết tăng 50% về lượng khách đến và 27 triệu USD tăng trưởng từ những người nói rằng xem Lord of the Rings đưa họ tới đây.

Kể từ đó, ngày càng nhiều sản phẩm phim đã được thực hiện ở các địa điểm khắp thế giới. Trên mặt trận truyền hình, bộ phim nổi tiếng Game of Thrones - lại một câu chuyện kỳ ảo - sử dụng triệt để các địa điểm quốc tế, quay ở Canada, Croatia, Iceland, Malta, Morocco, Tây Ban Nha và Anh.

Bollywood, ở Mumbai, vẫn là sân nhà của hoạt động làm phim cho đa số người Ấn Độ và Cape Town đang phát triển nhanh. Thành phố cảng Nam Phi này đã thu hút sản xuất từ các hãng 20th Century Fox, Universal Pictures, và Warner Brothers nhờ chi phí thấp, dân cư biết nói tiếng Anh và phong cảnh đẹp tuyệt. Điều này bất chấp tỷ lệ tội phạm cao (thứ 9 thế giới) và thời gian di chuyển dài từ Mỹ.

Làm ở Nhật Bản

Với lợi nhuận hằng năm 2 tỉ USD, Nhật Bản là thị trường phim lớn thứ tư thế giới sau Mỹ/Canada, Trung Quốc và Anh, và nước này đang nhắm tới phần lớn hơn của chiếc bánh.

Nhiều phim đặt bối cảnh một phần hay tất cả ở Nhật Bản, song thường được quay ở nước khác — giống như Toronto thường thay cho New York City — hay trên các trường quay ở Hollywood hay đâu đó. Nhật Bản muốn thu hút nhiều nhà làm phim tới quay “thực chất”, mang lại cho câu chuyện của họ cảm giác thật hơn đồng thời thúc đẩy nền kinh tế.

Một trong những bộ phim quay tại Nhật nổi tiếng nhất là phim hài lãng mạn năm 2003 Lost in Translation của Sofia Coppola, thắng giải Oscar Kịch bản gốc xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Viện Hàn lâm lần thứ 76. Câu chuyện nổi tiếng được quay ở Công viên Hyatt Tokyo ở Shinjuku và các địa điểm khác trong thành phố, và có cả các cảnh ở Điện thờ Heian Jingu ở Kyoto.

Nhưng mức độ sâu sắc đó kém phổ biến hơn bạn nghĩ. Trong Kill Bill: Vol. 1 của Quentin Tarantino, O-Ren đi qua cây cầu Cầu Vồng thật và lái xe trên đường phố Shinjuku, nhưng nội thất nhà hàng Gonpachi ở Nishi-azabu được quay ở trường quay Bắc Kinh.

Và bộ phim Memoirs of a Geisha năm 2005, có vẻ như quay ở Nhật Bản, thực ra chủ yếu quay ở Thousand Oaks, California, tại một trường quay dựng lại Gion, quận geisha ở Kyoto (mặc dù một ít được quay ở Kyoto tại Đền Fushimi Inari).

Cảnh phim Lost in Translation, một trong những bộ phim quay tại Nhật nổi tiếng nhất

Ủy ban Điện ảnh Nhật Bản

Làm sao Nhật Bản có thể thu hút một lượng lớn hơn trong ngành điện ảnh toàn cầu? Các nước thành công nhất có điểm chung là quảng bá mạnh mẽ tập trung những mời chào và ưu đãi. Ủy ban Điện ảnh Anh, Điện ảnh Pháp và Mexico đại diện ba trong số bốn địa điểm phổ biến nhất cho các xuất phẩm Mỹ. Địa điểm hàng đầu, Canada, các ủy ban địa phương nổi bật hơn.

Cơ cấu ở Canada tương tự Nhật Bản, 47 tỉnh và khu vực có hơn 100 ủy ban điện ảnh khu vực và chính phủ. Nhưng sự phân chia này có thể làm cho vị thế của đất nước này khó nổi bật hơn trên trường quốc tế.

Năm 2009, Ủy ban Điện ảnh Nhật bản (JFC) được thành lập để thay đổi chuyện này. Được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, Cục Văn hóa và Cục Du lịch Nhật Bản ủng hộ, JFC là tiếng nói của hơn 120 ủy ban khu vực thành viên và có thể đại diện họ trên thị trường quốc tế.

JFC cũng tổ chức hội thảo và hội chợ địa phương hằng năm. Lee Ka Yi, điều phối viên phát triển quốc tế tại Ủy ban Điện ảnh Sapporo thấy những đợt như vậy rất hữu ích. “Quan trọng bởi những khóa hội thảo giúp ta nâng cao kỹ năng,” cô nói. “Và chúng ta có thể trao đổi ý kiến và thông tin với những ủy ban điện ảnh khác.”

Hokkaido

Trợ lý quản lý Yuko Kanzaki tại Trung tâm hỗ trợ Truyền thông Kyoto (KMSC) thấy một tiếng nói tập trung là quan trọng để làm cầu nối với chính phủ. “Chúng tôi nhận ra JFC là một tổ chức quan trọng có khả năng tập hợp ý kiến từ khắp các ủy ban điện ảnh, bàn thảo với chúng tôi, đưa ra yêu cầu liên quan tới các bộ và cục của chính phủ.

Và, như Satoshi Ohno của Ủy ban Điện ảnh Osaka nói với The ACCJ Journal, “Quyền được trao cho tỉnh, thành phố ở Nhật Bản ít hơn so với ở Mỹ. Chính quyền địa phương không thể thay đổi thuế hay luật, và bãi bỏ quy định là khá hạn chế. Sự độc lập tài chính và cơ chế cũng giới hạn, nên việc có một ủy ban tập trung như JFC là cần thiết để tạo ra các quy định cần thiết cho phép cạnh tranh quốc tế.”

Tập trung vùng miền

Bất chấp chủ trương tạo ra một tiếng nói tập trung, gần một thập kỷ sau các ủy ban địa phương vẫn giữ chìa khóa liên lạc. Thông qua họ những ưu đãi mới được đưa ra và các dàn xếp cho việc ghi hình được thực hiện.

Một trong những lợi ích là am hiểu địa phương. Mặc dù Nhật Bản là một nước nhỏ, có nhiều sự khác biệt địa lý và văn hóa có thể thấy được. Từ sự hiện đại của thủ đô tới truyền thống của Kyoto, xứ tuyết hẻo lánh vùng Hokkaido tới thiên đường nhiệt đới Okinawa, rất nhiều lựa chọn cho các nhà làm phim.

Chota Yara, một chuyên gia tại Văn phòng Điện ảnh Okinawa (OFO), chỉ ra rằng lịch sử hòn đảo là một điểm thu hút. “Vì Okinawa ngày xưa là Vương quốc Ryukyu, nó có một nền văn hóa độc đáo hình thành từ sự kết hợp mạnh mẽ các đặc điểm từ nhiều đất nước khác nhau trong thời kỳ đó.” Vương quốc ra đời năm 1429 và chính thức trở thành một phần Nhật Bản từ năm 1879.

Một xuất phẩm Singapore-Okinawa đồng sản xuất, Jimami Tofu của hãng BananaMana Films, được đầu tư với sự ủng hộ của Cục Du lịch và Hội đồng Okinawa rồi được Liên hoan phim quốc tế thường niên Hawaii lần thứ 37 chọn năm ngoái.

Trở lại Sapporo, Ka Yi chỉ ra không chỉ am hiểu địa phương bằng kiến thức đa văn hóa là quan trọng. Tốt nghiệp điện ảnh từ Hồng Kông, Ka Yi đại diện những kỹ năng khác biệt và hiểu biết đa văn hóa rằng Nhật bản cần làm việc với những nhà làm phim từ nước ngoài. Cô nói bốn thứ tiếng – Nhật Bản, tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Quảng – và có kiến thức về điện ảnh và các địa điểm quay. Điều này, cô nói, rất hữu ích trong việc thu hút những nhà làm phim từ nước ngoài. “Tôi có thể giao tiếp với họ dễ dàng và giúp họ giải quyết những vấn đề khi bước vào giai đoạn trước và trong khi sản xuất.”

Kyoto, với kiến trúc và văn hóa truyền thống, là địa điểm được yêu thích của những người kể chuyện muốn thể hiện góc tĩnh mịch của Nhật Bản. Kanzaki của KMSC nói với The ACCJ Journal: “Ở Kyoto, thủ đô của Nhật Bản trong hơn 1.200 năm, có cả hiện vật hữu hình như những tòa nhà cổ kính và phong cảnh tuyệt đẹp, cùng di sản phi vật thể như văn hóa truyền thống Nhật Bản vẫn sống đến ngày nay. Các nhà làm phim có thể sử dụng những thứ thực, không phải dàn dựng.

Quận Gion ở Kyoto nổi tiếng với những phố geisha

“Kyoto được biết đến là nơi ra đời điện ảnh Nhật Bản và có hơn 100 năm lịch sử làm phim, thế nên những bí quyết, kỹ năng, và môi trường — đặc biệt trong jidaigeki (phim lịch sử) — là rất mạnh.”

Lực đẩy địa phương

Một trong những lý do lớn nhất một thành phố hay vùng miền muốn thu hút các dự án điện ảnh là lợi ích kinh tế. Điều này có thể vừa nhìn thấy được – tiền đổ vào kinh tế địa phương – vừa không nhìn thấy được về việc nâng cao nhận thức ra nước ngoài.

Yara thấy thu hút sản xuất phim là rất quan trọng với kinh tế Okinawa. “Tôi nghĩ rất quan trọng trong việc mời các dự án phim tới Okinawa bởi nó mang lại tiềm năng lớn tạo công ăn việc làm, không chỉ cho ngành điện ảnh mà cả mảng du lịch. Như bạn có thể đã biết, Okinawa có rất ít ngành công nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao nhất và mức lương trung bình thấp nhất Nhật Bản, nên thúc đẩy du lịch là rất quan trọng.”

Xa hơn ở Osaka, Ohno đồng ý. “Phim không chỉ có ảnh hướng về công nghiệp, văn hóa, tham quan, và thúc đẩy khu vực, những công việc này có tiềm năng tạo ra hiệu ứng sâu và xa hơn nhiều với quy mô rộng lớn.”

Lễ hội diễn ra trên cầu Shin-Shigino ở Osaka Castle Park là bối cảnh nền cho một pha hành động trong bộ phim Man-Hunt năm 2017 của đạo diễn Ngô Vũ Sâm, khoảng 1.300 hội viên của Liên minh lễ hội Joto Danjiri địa phương đã hỗ trợ cho việc ghi hình

Và ở Kyoto, Kanzaki thấy được ý nghĩa giáo dục. Mang phim điện ảnh và truyền hình vào thành phố này là yếu tố then chốt để nuôi dưỡng một thế hệ làm phim mới. “Có nhiều sinh viên muốn theo khoa điện ảnh tại các trường đại học. Quan trọng là phim được sản xuất ở Kyoto để nuôi dưỡng các sinh viên là tài năng tương lai sẽ nâng tầm ngành điện ảnh Kyoto.”

Những ưu đãi

Làm thế nào Nhật Bản thu hút các nhà làm phim trong khi có rất nhiều lựa chọn khắp địa cầu? Một cộng đồng quốc tế các nhà làm phim, nhà sản xuất băng hình, và những nhà sáng tạo độc lập gọi là No Film School xếp hạng những địa điểm quay phim tốt nhất ở mỗi khu vực trên thế giới. Nhật Bản không lọt vào danh sách.

Trong số các địa điểm tốt toàn diện là Canada và Singapore, lần lượt đứng đầu danh sách Bắc Mỹ và châu Á.

Ưu đãi thuế của Canada phụ thuộc vào vùng miền kết hợp các ưu đãi địa phương và liên bang. Các nhà sản xuất có thể được hoàn thuế 32-70% khi thuê lao động đúng luật và 20-30% trên chi tiêu ở địa phương. Các vùng ưu đãi rộng rãi nhất là Ontario, Quebec, British Columbia, Nova Scotia, New Brunswick và Newfoundland cùng Labrador.

Ghi hình “streetcar”, tức xe điện chở khách công cộng, ở Sapporo

Cạnh tranh với Nhật Bản ở châu Á, Singapore đưa ra tài trợ tương ứng 50% chi phí đủ điều kiện, bao gồm nhân tài địa phương lẫn nhân viên sản xuất và các dịch vụ. Nhiều ưu đãi khác nữa sẵn sàng hỗ trợ lên tới 40% chi phí. Địa điểm đứng thứ hai châu Á là Malaysia đưa ra mức hoàn thuế 30% cho tối thiểu 1,2 triệu USD chi tiêu.

Khắp cả thế giới, các ưu đãi có xu hướng rơi vào bốn hạng mục: hoàn tiền; ưu đãi thuế; quỹ điện ảnh quốc gia và địa phương; và hỗ trợ hoạt động sản xuất.

Những hỗ trợ của Nhật Bản biến thiên rất lớn giữa các vùng miền, nhưng nhìn chung là trợ cấp và giúp đỡ với những thứ như tiền trạm địa điểm, đảm bảo cấp phép quay phim, và tìm diễn viên quần chúng.

Ủy ban Điện ảnh tỉnh Chiba có thể ưu đãi 50% chi phí lên tới 10 triệu yen (94.000 USD). Sapporo cũng ưu đãi tới 10 triệu yen chi phí sản xuất phim điện ảnh và truyền hình qua Sapporo Electronics and Industries Cultivation Foundation và Ủy ban Điện ảnh Sapporo.

Quay đại cảnh đám tang nhân vật Yasuda trong phim The Wolverine (2013) tại đền Zojoji ở Tokyo

Các hỗ trợ từ Ủy ban Điện ảnh tỉnh Saga bao gồm một nửa chi phí sản xuất lên tới 5 triệu yen, còn Ủy ban Điện ảnh thành phố Wakayama cũng đưa ra con số đó.

Văn phòng Điện ảnh Kobe hỗ trợ đến 1 triệu yen cho các sản phẩm nước ngoài và 200.000 yen cho sản phẩm trong nước. Văn phòng cũng hỗ trợ chi phí tiền trạm địa điểm qua một quỹ chi trả vé máy bay khứ hồi và nơi ăn chốn ở cho ba người trong ba đêm cho các dự án nước ngoài và năm người trong một đêm cho các dự án trong nước.

Từ năm 2010 tới 2017, Okinawa đưa ra chương trình hoàn phí để hỗ trợ các nhà làm phim, quảng bá tỉnh qua các dự án phim và kết quả là thu hút du lịch. Con số lên tới 30 triệu yen được dành để hỗ trợ chi phí quay ở Okinawa. Trong 5 năm đầu tiên, chương trình chỉ hiệu lực với các sản phẩm nước ngoài. Hai năm sau, các dự án trong nước cũng được hưởng. Nhưng chương trình đã bị cắt năm 2018.

“Nhiều phim điện ảnh do chương trình này tài trợ được đánh giá cao — đặc biệt các phim Hàn Quốc,” Yara nói. “Người ta nói đó là lý do chính khách Hàn Quốc tới Okinawa.”

Tìm cách thu hút những người kể chuyện muốn thể hiện góc tĩnh mịch của Nhật Bản

Chuyển đổi

Trong khi các hỗ trợ tài chính là có tồn tại, chúng không sánh được với rất nhiều hỗ trợ của các nước khác.

Tuy nhiên, cả hai bên đầu có lợi ích mạnh mẽ. Văn hóa Nhật Bản được yêu mến khắp thế giới, và Nhật Bản đang nỗ lực nâng tầm sự hiện diện và sức hút. Olympic và Paralympic 2020 cùng World Cup Rugby 2019 đang đưa sự chú ý tới đất nước này, và không có lý do gì chúng không rọi sáng cả ngành phim ảnh nữa.

Bằng việc thống nhất tiếng nói, nhiều ủy ban điện ảnh ở Nhật Bản có thể nhìn thấy cơ hội rõ hơn, giới thiệu bản thân ra thế giới, và đem tới những ưu đãi để biến Nhật trở thành một địa điểm vượt trội cho thành công phòng vé kế tiếp.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Japan Today


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.