Lâu nay đạo diễn Bạch Chí Cường luôn nắm bắt hồn quê Thiểm Tây của ông,
đặc biệt là vùng phía bắc thuộc Cao nguyên Hoàng Thổ, vùng thượng-trung
du Trung Quốc đất vàng và những ngọn núi xói mòn nổi tiếng.
Suốt bao năm, ông lang thang trong vùng và thực hiện các dự án phim tài
liệu, nhưng cái đêm định mệnh ngủ lại ở một trường tiểu học trong chuyến
đi thực địa đã trở thành bước ngoặt.
Đạo diễn Bạch Chí Cường (trái) trên trường quay cùng diễn viên Huệ Vương Quân vốn là tài xế taxi trước khi đến với bộ phim Like Father and Son của ông trên trường quay
|
Nói chuyện với hiệu trưởng, Bạch Chí Cường nhận ra gần như tất cả 160
học sinh của trường này là “những đứa trẻ bị bỏ lại”, có cha mẹ đã từ
khắp các làng lân cận bỏ lên thành phố tìm việc. Nhiều em chỉ còn hoặc
bố hoặc mẹ hoặc mồ côi.
“Một trong số những học sinh tôi gặp đã
từng cố bỏ lên thành phố đi tìm bố. Cậu ước được ngồi lên vai bố và cùng
xem pháo hoa. Câu chuyện này tạo cảm hứng cho tôi làm phim về nghịch
cảnh của ‘những đứa trẻ bị bỏ lại’ ở Trung Quốc,” Bạch Chí Cường nói.
Bạch
Chí Cường nghĩ cách tiếp cận phim tài liệu thường lệ của mình sẽ không
hợp với đề tài này, ông lo rằng những thước phim chân thật có thể gây
hại cho bọn trẻ.
Sau năm năm thực hiện, phim truyện đầu tiên của đạo diễn Bạch,
Like Father and Son, đã có buổi chiếu ra mắt ở Bắc Kinh ngày 4/2 và ra rạp nội địa từ ngày 25/2.
Nhân vật tài xế Cẩu Nhân do Huệ Vương Quân thể hiện trên phim
|
Lấy bối cảnh miền bắc Thiểm Tây những năm 2000, bộ phim kể câu chuyện
tài xế xe tải Cẩu Nhân và đứa trẻ “bị bỏ lại” Mao Đậu, cuộc đời của họ
giao nhau khi Cẩu Nhân đi ngang qua làng của Mao Đậu và cậu bé lẻn lên
xe tải của anh, hy vọng được đi quá giang tìm cha.
Sau một loạt
sự cố ngoài ý muốn, cả hai bắt đầu hành trình tìm cha của Mao Đậu, tìm
kiếm nhiều công trường xây dựng trong khi Cẩu Nhân dần dần đảm nhận vai
trò ông bố.
Với cốt truyện hài hước nhưng ấm áp, bộ phim nhằm thu
hút sự chú ý đến hoàn cảnh khó khăn của lao động nhập cư và những đứa
trẻ mà họ bỏ lại ở các vùng nông thôn.
“Tính xác thực tuyệt đối
của bộ phim là một trong những điểm hấp dẫn nhất,” Bạch Chí Cường nói.
Để mang lại cảm giác chân thực cho quá trình sản xuất, ông đã chọn diễn
viên mới vào nghề vào vai các nhân vật.
Diễn viên nhí đóng vai Mao Đậu, Bạch Trạch Trạch, được chọn từ một trường tiểu học địa phương
|
“Tôi nghĩ, nếu không tìm được đứa trẻ phù hợp cho vai diễn, chắc chắn
kịch bản của tôi chưa thể hiện được chủ nghĩa hiện thực một cách hoàn
hảo,” Bạch Chí Cường nói thêm.
Diễn viên nhí đóng vai Mao Đậu,
Bạch Trạch Trạch, được chọn từ một trường tiểu học địa phương, và Huệ
Vương Quân, đóng vai Cẩu Nhân, là tài xế taxi trước khi tham gia bộ
phim.
Hai diễn viên, Bạch Chí Cường và nhà sản xuất Điền Giảo
Bình đã chia sẻ trải nghiệm và suy nghĩ của họ trong phần hỏi đáp sau
buổi chiếu sớm.
“Tôi cảm thấy hơi hoang mang và không chắc mình có làm được không sau khi được thông báo nhận vai,” Huệ Vương Quân giải thích.
Dù kinh phí không đủ khiến quá trình làm phim gặp nhiều khó khăn nhưng cả đoàn vẫn vui vẻ và quyết tâm
|
“Đạo diễn khuyến khích tôi tin rằng câu chuyện hoàn toàn có thật và coi
mình là nhân vật chính. Thế là tôi vẫn lái chiếc taxi của mình, với đầu
tóc bù xù và râu ria lởm chởm.”
Ngoại hình đầu bù tóc rối của anh
dường như đã thuyết phục được hành khách đi xe. Một người đặc biệt sợ
hãi đã nhanh chóng xuống xe không buồn chờ đợi sự thay đổi của anh.
Một
bộ phim tài liệu dài 5 phút kể lại những câu chuyện hậu trường cũng
được chiếu tại buổi ra mắt, cho thấy những khó khăn mà đoàn phim gặp
phải.
Cả đạo diễn và nhà sản xuất đều nói rằng, dù kinh phí không
đủ khiến quá trình làm phim gặp nhiều khó khăn nhưng cả đoàn vẫn vui vẻ
và quyết tâm.
Một cảnh quay của Bạch Trạch Trạch trên phim trường
|
“Mặc dù không có đủ tiền và có quá nhiều vấn đề, nhưng tôi cảm thấy
khoảng thời gian chúng tôi ở bên nhau tràn ngập niềm vui. Chúng tôi luôn
tìm ra giải pháp và không ngừng động viên nhau,” Điền Giảo Bình nói.
Điền
Giảo Bình đã chia sẻ một số giai thoại trong quá trình sản xuất. Ví dụ,
khi chuẩn bị quay cảnh bắn pháo hoa trong phim, đoàn làm phim chỉ có
thể mua một số lượng pháo hoa hạn chế. Tình cờ lại là giáp tết, đoàn làm
phim đã kêu gọi dân làng đừng đốt pháo hoa của nhà mình cho đến khi
dựng cảnh xong xuôi sẵn sàng để quay.
Lần khác, đoàn làm phim
thậm chí không đủ tiền mua xăng cho phương tiện của họ. Huệ Vương Quân
đã phải vay 30.000 nhân dân tệ từ người anh họ của mình để việc quay
phim có thể tiếp tục.
Cảnh pháo hoa trong phim. Đoàn làm phim đã kêu gọi dân làng đừng đốt
pháo hoa của nhà mình cho đến khi dựng cảnh xong xuôi sẵn sàng để quay
|
“Chúng tôi không tìm cách kêu gọi thương cảm. Những khó khăn mà chúng
tôi gặp phải không quan trọng. Quan trọng là sự kiên trì của chúng tôi
trong việc thể hiện những gì chúng tôi muốn truyền tải,” Bạch Chí Cường
nói.
Quá trình quay phim bao gồm 12 lần sửa đổi kịch bản và được
biên kịch kỳ cựu Lô Vi hỗ trợ, mà Bạch Chí Cường đã gặp trong lúc quay
một bộ phim tài liệu trước đây. Sau đó biên kịch Lô giữ vai trò giám sát
và cố vấn kịch bản cho Bạch Chí Cường.
Mãi cho đến khi hoàn
thành phiên bản thứ ba của kịch bản, Bạch Chí Cường mới đủ tự tin cho Lô
Vi xem, và phản hồi mà ông nhận được là, “các nhân vật đáng tin cậy,
câu chuyện bắt nguồn từ đời thực, và bộ phim có tiềm năng.” Cho ông an
tâm tiếp tục với dự án.
Lấy bối cảnh miền bắc Thiểm Tây những năm 2000, bộ phim kể câu chuyện tài xế xe tải Cẩu Nhân và đứa trẻ “bị bỏ lại” Mao Đậu
|
“Có người nói tôi thích phim về ‘những người bên lề’. Lần đầu tiên nghe
vậy, tôi khá choáng váng, bởi vì những người bình thường này chiếm phần
lớn dân số Trung Quốc, nhưng lại không có nhiều đại diện trên màn ảnh
rộng,” Bạch Chí Cường nói.
“Vì tôi được tiếp cận với điện ảnh
như một phương tiện, ‘chiếc máy có tiếng nói này’, tôi nên đại diện cho
những người bình thường ấy và kể câu chuyện của họ. Những người bình
thường không phải là những người bên lề, mà là đa số.”
Phim đã
xuất hiện tại nhiều liên hoan, bao gồm Liên hoan phim quốc tế FIRST,
Liên hoan phim quốc tế Bắc Kinh và Liên hoan phim quốc tế Silk Road.
Phim đã được đề cử giải Tài năng mới châu Á của Liên hoan phim quốc tế
Thượng Hải lần thứ 23 và được vinh danh là một trong 10 phim Hoa ngữ mới
hàng đầu tại Giải thưởng Cinephile lần thứ 6, được tổ chức trực tuyến
năm 2021.
Một bộ phim tài liệu dài 5 phút kể lại những câu chuyện hậu trường
cũng được chiếu tại buổi ra mắt, cho thấy những khó khăn mà đoàn phim
gặp phải
|
Đoàn làm phim cũng đến thăm 20 thành phố lớn ở Trung Quốc, gặp gỡ khán giả, chia sẻ câu chuyện và trả lời câu hỏi của họ.
"Hiếm
khi thấy những chi tiết chân thực như vậy trong một bộ phim, chẳng hạn
như bụi bẩn dưới móng tay của nhân vật chính và vẩy nước mũi lấp lánh
của đứa trẻ vào mùa đông. Chỉ những người có kinh nghiệm sống tương tự
mới chú ý đến những chi tiết này. Đây là cái mà tôi gọi là đường nét của
một bộ phim,” Shi Chuan, giáo sư Học viện Sân khấu Thượng Hải, nói.
Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily