Tin tức

Phim tội phạm Hàn Quốc máu me bạo lực đến mức báo động

29/03/2023

Phim hành động tội phạm The Roundup là một thành công phòng vé đình đám năm 2022 ở Hàn Quốc, bán ra hơn 10 triệu vé chỉ trong 25 ngày sau khi phát hành hồi tháng 5.

Có Ma Dong Seok đóng chính, là phần tiếp theo của The Outlaws năm 2017 được phân loại 15, tức là thích hợp cho khán giả trên 15 tuổi. Trẻ em dưới 15 tuổi được phép xem ở rạp nếu có phụ huynh hoặc người giám hộ theo cùng.

Chỉ mới bắt đầu được vài phút, nhân vật phản diện chính trong The Roundup, do Son Suk Ku đóng (ảnh), đã cắt tai một người bị bắt cóc dã man, và đâm chết anh ta

Song, chỉ mới bắt đầu được vài phút, nhân vật phản diện chính trong phim, do Son Suk Ku đóng, đã cắt tai một người bị bắt cóc dã man, và đâm chết anh ta.

Phim dài 106 phút này có những cảnh bạo lực và máu me tung tóe đan xen. Son Suk Ku xuất hiện — trong hầu hết các cảnh của anh — cầm đao hình chữ nhật khổng lồ giống một con dao bầu, và dùng nó tấn công mọi người.

Mặc dù cốt truyện giải trí được xây dựng xung quanh câu chuyện đơn giản nhưng hồi hộp về một cảnh sát Hàn Quốc truy bắt những kẻ giết người ở Việt Nam, phim không dành cho những người trưởng thành nào không miễn nhiễm với cảnh tàn sát trên màn ảnh, huống gì trẻ em hay vị thành niên.

Những phim gần đây hơn Christmas CarolProject Wolf Hunting, phân loại 18, người dưới 18 tuổi không được phép xem, đã bị chỉ trích nặng nề vì có quá nhiều cảnh bạo lực khiến một số khán giả bỏ về giữa chừng lúc phim chiếu trước.

Cốt truyện giải trí được xây dựng xung quanh câu chuyện đơn giản nhưng hồi hộp về một cảnh sát Hàn Quốc (Ma Dong Seuk, trái) truy bắt những kẻ giết người ở Việt Nam, The Roundup không dành cho những người trưởng thành nào không miễn nhiễm với cảnh tàn sát trên màn ảnh, huống gì trẻ em hay vị thành niên

Phim được phân loại thế nào?

Theo hướng dẫn phân loại bạo lực của Hội đồng Đánh giá Truyền thông Hàn Quốc, phim được phân loại 15 nếu bạo lực “không liên miên hoặc chi tiết.”

Phim mà “bạo lực thể chất, tra tấn và giết chóc bằng cách sử dụng bộ phận cơ thể hay công cụ không liên tục hay chi tiết;” trong đó “sự xâm hại cơ thể và đổ máu không được thể hiện liên tục hay trực tiếp;” và “bạo lực tình dục được thể hiện gián tiếp trong bối cảnh” được phân loại 15, theo tiêu chí của hội đồng.

“Bạo lực trong sự kiện lịch sử, truyện tranh hoặc tình huống phi thực tế được xem xét trong bối cảnh,” hướng dẫn nói.

Về phần The Roundup, tiểu ban phim ảnh của Hội đồng phân loại nói mặc dù “cảnh gián tiếp” cắt cánh tay xác chết và những cảnh giết chóc và gây thương tích dùng vũ khí “được miêu tả khá bạo lực”, những cảnh này “không chi tiết”, và mức độ bạo lực và cảm giác sợ hãi “hơi cao”.

The Roundup là một thành công phòng vé đình đám năm 2022 ở Hàn Quốc, bán ra hơn 10 triệu vé chỉ trong 25 ngày sau khi phát hành hồi tháng 5

Hội đồng nói phim được phân loại 15 bởi vì, phim đề cập đến tội phạm chẳng hạn như bắt cóc và giết chóc, phi tang xác chết và giết thuê, “nguy cơ bắt chước cũng hơi cao.”

Bỏ qua những từ mơ hồ như “hơi”, vì có rất nhiều phim chứa những cảnh bạo lực liên tục, chi tiết hoặc được thể hiện trực tiếp với nguy cơ tội phạm bắt chước cao xứng đáng phân loại 18, những phim ít bạo lực hơn được phân loại có phần nhập nhoạng.

“Bước vào thời đại phát trực tuyến, nhà sản xuất phim và khán giả Hàn Quốc, đặc biệt là những người độ tuổi 20 và 30, trở nên khá thờ ơ với mức độ bạo lực,” nhà phê bình văn hóa Kim Hern Sik nói.

“Mặc dù thế giới phát trực tuyến tương đối ít được kiểm soát hơn, chúng ta cần phải nghiêm khắc hơn trong không gian rạp có thanh thiếu niên. Sai lầm khi phân loại The Roundup 15, đặc biệt vào thời điểm gia đình trở lại rạp sau hơn hai năm đại dịch.”

Cảnh trong phim Christmas Carol, phân loại 18

Việc tiểu ban phim ảnh của hội đồng này gồm chín người phân loại hàng trăm tác phẩm hằng tháng cũng làm dấy lên câu hỏi liệu họ có thể xem kỹ từng phim thế nào.

Tiểu ban phân loại 286 phim, kể cả phim hoạt hình, hồi tháng 10. Chưa đến phân nửa, 121, là phim Hàn Quốc.

Tại sao có sự gia tăng nội dung đồ họa?

Sử dụng bạo lực là cách dễ dàng nhất và đơn giản nhất để miêu tả bùng nổ xung đột, theo Ha Jong Won, giáo sư truyền thông ở Đại học Sun Moon.

“Cũng dễ dàng hơn cho các diễn viên khi thể hiện giận dữ hay sợ hãi trước bạo lực, hơn là vô vàn cảm xúc nội tâm phức tạp,” ông nói.

Cảnh trong Project Wolf Hunting, phân loại 18, đã bị chỉ trích nặng nề vì có quá nhiều cảnh bạo lực khiến một số khán giả bỏ về giữa chừng lúc phim chiếu trước

“Việc sử dụng bạo lực thành quen tuân theo công thức kể chuyện điển hình. Bạo lực được sử dụng lúc bắt đầu để thể hiện xung đột và thu hút sự chú ý của khán giả, và xung đột trở nên nghiêm trọng hơn khi câu chuyện phát triển và liên quan đến nhiều người.”

Theo nhà phê bình Kim Hern Sik, trước đây điện ảnh Hàn Quốc không có nhiều nội dung bạo lực.

Trong khi phim về sát nhân hàng loạt là một thể loại phụ có từ lâu ở phương Tây, Hàn Quốc chưa bao giờ có thể loại phim như thế, ông nói.

Nhưng khi mạng internet mở rộng khả năng tiếp cận của khán giả đối với những nội dung khác nhau trên thế giới, và khi những phim ly kỳ Hàn Quốc như ParasiteSquid Game, có cảnh bạo lực và khêu gợi, được khán giả nước ngoài đón nhận nồng nhiệt, nhiều nhà sản xuất phim Hàn Quốc dường như đang theo đuổi hình ảnh thô bạo, khó chịu để khơi dậy những cảm xúc tức thì chẳng hạn như sợ hãi hay giận dữ.

Cảnh người chết và bắn giết trong Squid Game

Sự cạnh tranh thu hút khán giả ngày càng gay gắt giữa những người trong ngành công nghiệp điện ảnh và phát trực tuyến thường khiến một số nhà sản xuất sử dụng hình ảnh như thế “theo thói quen”, Kim Hern Sik nói.

Hình ảnh phản cảm gia tăng cũng liên quan đến việc nhiều khán giả Hàn Quốc xem những nội dung nước ngoài có mức độ bạo lực và khỏa thân cao chẳng hạn như chương trình của HBO, đã nâng chuẩn lên, theo Chung Deok Hyun, một nhà phê bình văn hóa khác.

“Khi người Hàn Quốc xem những mức độ (bạo lực) trên chương trình nước ngoài, việc thu hút sự chú ý của họ về mặt hình ảnh trở nên khó khăn hơn,” ông nói.

“Ví dụ, chương trình của HBO, có nội dung gợi dục. Song nhiều chương trình hay, có nghĩa là những cảnh bạo lực hay gợi cảm thường cần thiết để chuyển tải ý tứ.”

Project Wolf Hunting là thảm họa phòng vé vì hầu hết cảnh đó không cần thiết và “cảm giác như thể hai giờ đồng hồ tra tấn”

Ngược lại, Project Wolf Hunting, có cảnh tàn sát giữa những tội phạm nguy hiểm và một con quái vật trên tàu chở hàng, là thảm họa phòng vé vì hầu hết cảnh đó không cần thiết và “cảm giác như thể hai giờ đồng hồ tra tấn,” theo Chung Deok Hyun.

“Miễn là việc kiểm duyệt phân loại được thực hiện chính xác, khán giả sẽ có quyết định đúng đắn” về việc phim có đáng xem hay không, ông nói

Nhà phê bình phim Hwang Young Mee nói tiêu chí phân loại của Hàn Quốc, trước đây vốn rất khắt khe về bạo lực và tình dục, giờ đã trở nên linh hoạt hơn nhiều đối với bạo lực, và đề cập đến những phim ly kỳ Hàn Quốc được ngợi khen có lẽ là yếu tố góp phần.

“Phim ly kỳ Hàn Quốc được đánh giá cao ở các liên hoan phim nước ngoài, và tôi cảm thấy cảnh bạo lực trong những phim này cũng được thực hiện rất tốt,” Hwang Young Mee nói.

Vấn đề với một số phim là người hùng, dù là người chấp pháp, thường bạo lực như kẻ xấu, và dùng những cách phi pháp để đạt được mục tiêu nhân danh công lý

“So với trước kia có nhiều phim xã hội đen, giờ đây, phim có yếu tố bạo lực có chủ đề đa dạng. Tôi nghĩ hội đồng phân loại phim trở nên dễ dãi hơn ở khía cạnh này.”

‘Nỗi kinh hoàng’ của khán giả

Trái ngược với những nhà phê bình phim đề cao tự do thể hiện hơn bất kỳ điều gì, và thường cho rằng những phim bạo lực được làm kém cỏi không đáng thảo luận vì khán giả sẽ quay lưng, khán giả đại chúng, đặc biệt là các bậc phụ huynh, lo lắng hơn bao giờ hết về sự dung tục và bạo lực vô cớ trên màn ảnh.

“Họ kiểm tra thẻ sinh viên ở rạp nghiêm ngặt hơn trước đây, song khi bạn bắt đầu xem phim phân loại 15 với con cái, bạn tự hỏi ‘tại sao họ còn bận tâm đến thẻ sinh viên và liệu đây thật sự có phải là phim phân loại 15 hay không,” Choi Seung Won, có hai nhóc tuổi teen nói.

Việc sử dụng bạo lực thành quen tuân theo công thức kể chuyện điển hình. Ảnh: Đạo diễn Kim Hong Seon (giữa) trên trường quay Project Wolf Hunting

“Bạo lực tàn bạo bao gồm bạo lực tình dục, ngôn ngữ tục tĩu, nội dung dâm dục hoặc tâm thần được thể hiện trắng trợn trong phim phân loại 15, thật kinh khủng. Bọn trẻ con dường như không cảm thấy ghê sợ, có lẽ vì chúng đã quen với việc xem đủ loại video trực tuyến không được kiểm soát, điều càng khiến tôi lo lắng hơn nữa.”

Cần phải phân loại khắt khe hơn vì ngày nay bọn trẻ xem mọi thứ qua video thay vì đọc sách, Choi Seung Won không còn đến rạp cùng con của mình cho biết.

Jason Di, một người Mỹ dạy tiếng Anh ở Đại học Nữ sinh Sookmyung, cũng cảm thấy mức độ bạo lực hình ảnh trên màn ảnh gia tăng ở Hàn Quốc cũng như toàn cầu, và lo lắng rằng trẻ em tiếp xúc với bạo lực quá dễ dàng.

“Tôi bị sốc khi thấy rất nhiều trẻ em cùng cha mẹ ở rạp xem Black Panther: Wakanda Forever,” anh nói.

“Mặc dù thế giới phát trực tuyến tương đối ít được kiểm soát hơn, chúng ta cần phải nghiêm khắc hơn trong không gian rạp có thanh thiếu niên. Sai lầm khi phân loại The Roundup 15, đặc biệt vào thời điểm gia đình trở lại rạp sau hơn hai năm đại dịch”

Phim của Marvel được phân loại PG-13 — nghĩa là phụ huynh nên thận trọng và có nhiều cảnh không phù hợp cho trẻ em dưới 13 tuổi — ở Mỹ.

Vì đối với một số nhà làm phim có vẻ đua nhau làm “thực tế hơn” hoặc thể hiện hình ảnh bạo lực, Jason Di nói “có thể có những đạo diễn cảm thấy áp lực vượt quá giới hạn khi nói nói đến bạo lực, và đó là một cách dễ dàng được xem là ‘gai góc’ hay tạo nên tên tuổi.”

Vấn đề với một số phim là người hùng, dù là người chấp pháp, thường bạo lực như kẻ xấu, và dùng những cách phi pháp để đạt được mục tiêu nhân danh công lý, giáo sư Ha Jong Won nói.

“Nghiên cứu đã chứng minh rằng điện ảnh lẫn truyền hình ảnh hưởng đến suy nghĩ của chúng ta về hiện thực. Nhìn thế giới thực qua những video bạo lực tràn lan này khiến chúng ta mất lòng tin vào xã hội và sợ hãi người khác,” ông nói, đề cập đến “hội chứng thế giới xấu xa”, lỗi tâm lý nhận thức trong đó người ta nhìn nhận thế giới nguy hiểm hơn thực tế, do tiếp xúc lâu với những nội dung bạo lực trên truyền thông đại chúng.

“Bước vào thời đại phát trực tuyến, nhà sản xuất phim và khán giả Hàn Quốc, đặc biệt là những người độ tuổi 20 và 30, trở nên khá thờ ơ với mức độ bạo lực”

Hong Sang Mi, bà mẹ hai con, nói bà cảm thấy “vô vọng” trước sự gia tăng những nội dung như thế.

“Ngay cả khi nếu bạn giải thích với bọn trẻ vì sao những nội dung như thế là độc hại và không cho chúng xem, bọn nhỏ vẫn cứ xem bằng mọi cách qua những người chơi YouTube đưa clip từ phim điện ảnh hay truyền hình có tính giật gân hoặc gây sốc (trên kênh của họ). Thật là vô vọng,” cô nói.

“Tôi nghĩ vấn đề thực sự là chuẩn mực đúng sai đang sụp đổ. Nếu khán giả bị thứ gì cuốn hút và bạn có thể kiếm tiền từ đó, nó trở thành thứ người người đều chạy theo.”

Dịch: © Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.