Tin tức

Những vấn đề đằng sau sự giảm sút chất lượng phim truyền hình của TVB

18/12/2013

Trong nhiều năm, TVB độc chiếm ngành công nghiệp truyền hình ở Hồng Kông. Sự tồn tại của ATV và truyền hình cáp ít gây ra mối đe dọa. Với việc thiếu đối thủ, TVB ép các nghệ sĩ của họ làm việc trong điều kiện khắc nghiệt và chỉ trả một phần ba những gì mà các nghệ sĩ có thể kiếm được ở Trung Quốc Đại lục.

Do những ngôi sao nổi tiếng nhất và đội ngũ nhân viên tài năng bỏ đi để làm việc ở Đại lục, các phim TVB giảm sút chất lượng và đối mặt với những chỉ trích dữ dội từ phía công chúng. TVB đã từng là ‘gã trùm’ đằng sau chương trình giải trí truyền hình Trung Quốc hồi đầu, nhưng một cái nhìn cận cảnh bên trong công ty tiết lộ đầy rẫy những mâu thuẫn về quản lý, thiếu sáng tạo trong phim, và không có khả năng đổi mới trong những năm qua.

Những mâu thuẫn quản lý trong nội bộ

Trong những năm 1980, 1990 và đầu những năm 2000, TVB sản xuất hàng loạt phim truyền hình đáng nhớ, tiêu khiển cho cả gia đình. Khi đài truyền hình này phát triển lớn hơn, một số quản lý điều hành vươn lên vị trí đầu. Mâu thuẫn giữa Lạc Di Linh và Trần Chí Vân, cũng như giữa Tằng Lệ Trân và Lương Gia Thụ được nhiều người biết đến. Những nghệ sĩ được các quản lý có thế lực ưu ái nhanh chóng được lăng xê và phân vai trong các phim truyền hình, dù cho họ có tài năng hay thích hợp với vai diễn hay không.

Năm 2010, sự xuống dốc của cựu Tổng giám đốc TVB Trần Chí Vân bắt đầu khi ông bị Sở Điều tra liêm chính Hồng Kông (ICAC) bắt giữ vì tham nhũng trong việc bảo đảm “lệ phí ưu đãi” cho sự xuất hiện của diễn viên. Mặc dù được tha bổng và sau đó được cải chính trên báo chí, ông từ chức tổng giám đốc năm 2012 và được thay thế bởi Lý Bảo An. Sự sụp đổ của Trần Chí Vân bị nghi ngờ là kết quả của trò chơi quyền lực giữa những nhân vật chóp bu ở TVB.

Là Giám đốc Tài nguyên sản xuất, Lạc Di Linh bị chỉ trích dữ dội vì đưa những diễn viên thần tượng lên hàng đầu, trong khi thờ ơ đối với những diễn viên như Mã Cảnh Đào và Vương Hỷ là những người bà không ưu ái. Mặc dù có tin đồn Giám đốc Lạc rời khỏi TVB vì Thiệu Thị Huynh Đệ, bà vẫn tại vị và hiện đang đứng đầu TVBC, công ty liên doanh của TVB ở Đại lục.

Hàng năm TVB tổ chức giải thưởng lớn để thể hiện sự hòa hợp, đoàn tụ. Tuy nhiên, đằng sau
sự vui vẻ bề ngoài, nhân tài của TVB không ngừng được các đối thủ của hãng này săn đón

Về phương diện sản xuất, đã có cuộc tranh giành quyền lực lâu dài giữa Tằng Lệ Trân và Lương Gia Thụ. Lương Gia Thụ khởi nghiệp ở TVB với cương vị là trợ lý của Tằng Lệ Trân. Hiềm khích giữa họ bắt đầu khi Lương Gia Thụ được thăng chức ngang cấp với Tằng Lệ Trân. Bởi giỏi trong việc phát hiện ngôi sao, quyền lực của Giám đốc Tằng ở TVB vẫn còn mạnh. Năm 2006, Tằng Lệ Trân đã sa thải một số diễn viên dưới trướng của Lương Gia Thụ, lấy lý do giảm biên chế. Sự cạnh tranh giữa hai phe vẫn tiếp diễn, vì họ tranh đua sản xuất những phim truyền hình có tỷ suất cao hơn. Người ta tung tin rằng có những diễn viên chỉ tham gia phim của một phe nhất định.

Mâu thuẫn giữa các quản lý điều hành đã làm mất tinh thần trong nhân viên. Có tin là nguyên chủ tịch TVB, Thiệu Dật Phu, đã hòa giải các mâu thuẫn trước đây. Khi Trần Chí Vân rời khỏi TVB, mâu thuẫn giữa Tằng Lệ Trân và Lạc Di Linh vẫn còn gay gắt.

Thiếu sáng tạo: “Công thức TVB”

Một trong những phàn nàn lớn nhất từ phía công chúng là TVB thiếu đi sự sáng tạo và độc đáo trong phim truyền hình thập kỷ qua. Họ không chỉ sao chép phim từ hãng khác mà còn đạo lại ý tưởng cũ, cái mà cư dân mạng gọi là “công thức TVB”. Bởi TVB lạm dụng cốt truyện và đạo cụ trước đó, công chúng thường có thể đoán được sự tiến triển của cốt truyện và kết thúc phim.

Một số người chỉ trích dù là thể loại nào, phim truyền hình TVB vẫn có cảnh gia đình hiềm khích vì tranh đoạt gia tài, thân thế bí ẩn, thành viên trong gia đình thất lạc từ lâu, bỏ tù, mất trí nhớ, cưỡng hiếp, và tam giác tình yêu rối rắm.

Máy điều hòa xuất hiện ở thời nhà Thanh trong cảnh phim Thâm cung nội chiến

Mất những biên kịch giàu kinh nghiệm về tay các hãng phim Đại lục và Đài Loan, đội ngũ nhân viên hiện tại của TVB bị trả lương thấp và thiếu kinh nghiệm thích hợp. Kịch bản dở tệ và cư dân mạng thường chế giễu vì kiểu tiền hậu bất nhất, gồm những tình tiết sai lệch lịch sử và những lỗi ngớ ngẩn khác.

Cựu biên kịch TVB Bào Vỹ Thông từng giải thích với truyền thông Trung Quốc, “Đấy bởi vì phong cách làm việc của TVB như một dây chuyền sản xuất, rất truyền thống và bảo thủ.” Biên kịch Bào cho biết thêm, “Hoạt động trong TVB quá hệ thống. Ví dụ, một đạo diễn sẽ chịu trách nhiệm cảnh một đến năm trong khi một đạo diễn khác đảm nhận cảnh sáu đến 10. Diễn viên bị phân tâm và việc quay phim tất cả kết thúc cùng một lúc. Các nhà biên kịch phải xử lý các phần kịch bản khác nhau mà không liền mạch, đó không phải là một công việc dễ dàng.”

Với việc hệ thống đòi hỏi quá nhiều, các biên kịch và biên tập viên rốt cuộc theo một tập hợp công thức “bất bại” cố định. Quản lý cấp cao, người cũng có tiếng nói trong kịch bản, chuộng những chủ đề có tỷ suất cao chẳng hạn như bất hòa trong gia đình và gia đình giàu có tranh đoạt gia tài, vì thế các phim truyền hình thường xoay quanh những chủ đề này.

Nữ diễn viên Đặng Tụy Văn (cảnh trên trích trong phim Thâm cung nội chiến 2) từng
lên tiếng về vấn nạn kịch bản có quá sát khiến diễn viên không đủ thời gian chuẩn bị

Tái sử dụng đạo cụ và bối cảnh

Đạo cụ và trang phục của diễn viên cũng thường được tái chế. Trong khi đây có vẻ chỉ là vấn đề thứ yếu, bộ đồ ăn giống nhau được sử dụng trong thập kỷ qua xuất hiện trong những phim có bối cảnh ở thời đại khác, khiến TVB thành một trò cười cho những khán giả sáng suốt.

Phông nền giống nhau được sử dụng nhiều lần. Ví dụ, ngôi biệt thự trung cấp như những căn ở công viên Lệ Chi Giác được sử dụng cho nhiều gia đình khác nhau trong các phim khác nhau. Không chỉ có ở phim hiện đại, những phim cổ trang như Cung tâm kếCông chúa giá đáo cũng quay bối cảnh ở cùng công viên.

Một phàn nàn phổ biến khác của cộng đồng mạng là sự bất cẩn trong các tình tiết phim của TVB. Ở phim Tạo vương giả năm 2012, thiết bị chiếu sáng hiện đại và một thức uống nổi tiếng ở Hồng Kông bị bắt gặp trong phim truyền hình cổ trang này.

Ảnh trên: Cung tâm kế, dưới: Công chúa giá đáo

Thiếu hụt diễn viên

Mặc dù TVB độc chiếm ngành công nghiệp truyền hình, nhưng không thể giữ chân diễn viên của họ. Với sự ra đi của những diễn viên hàng đầu như Xa Thi Mạn và Lâm Bảo Di, TVB hiện đang thiếu hụt trầm trọng những diễn viên giàu kinh nghiệm và buộc phải nhanh chóng lăng xê những diễn viên mới non kém kinh nghiệm và những người đoạt giải tại cuộc thi sắc đẹp. Tỷ lệ các diễn viên cũ và các gương mặt mới thay thế những người bỏ đi là quá cao. Kết quả là các nam nữ diễn viên hiện giờ của TVB thường bị bóc lột sức lao động.

Điều khoản nghiêm ngặt và hợp đồng dài hạn của TVB đã ngăn cản những nghệ sĩ có tuổi ký lại hợp đồng với hãng. Đặng Tụy Văn từng nói với tuổi tác hiện tại, cô không thể ký một bản hợp đồng 10 năm khác với TVB.

Những người trong nội bộ cũng tiết lộ rằng với những hợp đồng khắt khe và nguyên tắc điển hình của TVB, chỉ những diễn viên tuân theo quy tắc của họ mới được xét thưởng, chẳng hạn những diễn viên hòa nhã như Chung Gia Hân và Câu Vân Tuệ.

Lương bổng thấp

Khi danh sách tiền lương của những diễn viên TVB được tiết lộ năm 2011, nhiều người sốc khi thấy lương của họ rẻ mạt ở phim truyền hình TVB, trong khi họ được trả cao gấp 10 lần ở phim truyền hình Đại lục. Rõ ràng không chỉ diễn viên bị trả lương thấp, biên kịch và biên tập viên cũng bị trả dưới mức mà họ nhận được ở Trung Quốc.

(Từ trái qua) Lưu Khải Uy, Lý Thể Hoa, Trần Kiện Phong - những diễn viên đã rời TVB sang Đại lục và đã thành công

Ngoài sự bóc lột, thời gian làm việc ở TVB cũng cực kỳ căng thẳng và nhiều diễn viên được biết chỉ có ba giờ nghỉ ngơi trước khi trở lại công việc.

Do kiểm soát nghiêm ngặt nhưng mức lương thấp và thời gian làm việc kéo dài, Chủ tịch TVB Lương Nãi Bằng, đã tuyên bố thực hiện một “văn hóa gia đình” để giảm giờ làm việc và cho phép các diễn viên nghỉ ngơi đầy đủ. Tất cả nhân viên TVB sẽ được tăng lương không dưới 4,5% trong năm 2014, với khoản tiền thưởng cuối năm tối thiểu bằng 1,75 lương tháng. TVB cũng sẽ chấp nhận những đề nghị từ công chúng về các ý tưởng sáng tạo trong chương trình để gia tăng chất lượng cho tác phẩm của họ. Mặc dù có những nỗ lực, nhưng liệu những giải pháp này có quá muộn không sau khi nhãn hiệu TVB đã xuống dốc nhiều năm?

Dịch: © Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Jayne Stars


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.