Nhân vật & Sự kiện

Phim truyền hình Hồng Kông thoái trào

15/11/2013

Ngành công nghiệp truyền hình Hồng Kông gần đây luôn được báo chí đề cập không phải vì được ưa chuộng rộng khắp mà vì sự suy thoái của nó.

Phim bộ truyền hình Hồng Kông từng là biểu tượng của sự thịnh vượng về văn hóa và kinh tế của Hồng Kông trong một thời gian dài. Từ thập niên 1960 trở đi, ngành công nghiệp này tận hưởng bốn thập niên lấp lánh và những ý tưởng cách tân được các đài truyền hình Hồng Kông như Television Broadcasts (TVB) đẩy mạnh. Ngành công nghiệp truyền hình ở đây ấn định một chuẩn mực cho toàn châu Á.

Thế nhưng, tất cả những điều đó giờ đều phải chia ở thì quá khứ. Cùng với lượng người xem teo tóp, nhiều nhà phê bình đang khóc than cho sự suy thoái của công nghiệp truyền hình Hồng Kông.

Thời kỳ vàng son

Anh hùng xạ điêu (1983)

Giống như sự phát triển của nền kinh tế, công nghiệp truyền hình ở Hồng Kông trải qua thời kỳ vàng son vào thập niên 1980. Asia Television (ATV) và TVB là hai đài truyền hình miễn phí lớn nhất và nổi tiếng nhất ở Hồng Kông. Hai đài này áp đảo thị trường truyền hình sau khi Commercial Television (CTV) đóng cửa vào năm 1978.

Thành lập năm 1957, ATV là đài truyền hình lâu đời nhất ở đây. TVB được ông trùm truyền thông Hồng Kông Thiệu Dật Phu thành lập năm 1967. Cạnh tranh dữ dội giữa hai đài này đã khiến ngành công nghiệp truyền hình bùng nổ.

Di dân tới Hồng Kông cùng toàn bộ gia đình vào đầu thập niên 1980, Li Zhi (bút danh), giống như nhiều cư dân Hồng Kông khác, lớn lên cùng những chương trình truyền hình địa phương. Hồi còn nhỏ, mỗi tối anh đều ngồi trước tivi cùng cha mẹ và bật kênh TVB Jade.

Li vẫn có thể nhớ được một số cảnh phim Hoắc Nguyên Giáp từ phiên bản năm 1981, phim bộ truyền hình dài 20 tập của ATV.

"Khi chúng tôi mới đến Hồng Kông, chúng tôi xem ATV nhiều hơn. Hồi đó không có nhiều lựa chọn, nhưng nhiều phim bộ do hai đài này sản xuất rất hay," Li nói.

Hoắc Nguyên Giáp (1981) của ATV

So với các tác phẩm nhàm chán của Đại lục lúc bấy giờ, các chương trình truyền hình Hồng Kông đầy cảm hứng và được rất nhiều người đón xem, nhất là người trẻ. Chẳng hạn, Anh hùng xạ điêu phiên bản năm 1983 vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều khán giả Đại lục mà nay ở vào lứa tuổi 30-40.

Nhiều diễn viên tài năng đã xuất hiện trong thời kỳ này. Những cái tên cửa miệng như Châu Nhuận Phát, Lưu Gia Linh và Lưu Đức Hoa đều được đào tạo trong thời gian đó. Những ngôi sau này về sau đã đóng góp rất lớn cho ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình Hồng Kông.

Trở nên nhàm chán và bị bỏ rơi

Thời kỳ huy hoàng kéo dài đến thập niên 1990, tuy nhiên cũng đã có những dấu hiệu đi xuống vào cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990.

"Bạn có thể thấy điều đó qua số liệu thống kê, tỷ suất người xem các chương trình truyền hình Hồng Kông cứ tuột dốc kể từ cuối thập niên 1980 trở đi," Anthony Y. H. Fung, trưởng Khoa Báo chí và truyền thông của Chinese University of Hong Kong, nói với The Time Weekly.

Nhưng sức hấp dẫn teo lại thực sự đã xuất hiện từ khoảng một thập niên trước đó rồi, khi phim truyền hình Hàn Quốc và Đài Loan càn quét Trung Quốc Đại lục.

Châu Nhuận Phát (trái) trong phim điện ảnh năm 1986 A Btter Tomorrow / Anh hùng bản sắc

Trong cuộc nghiên cứu do Cục quản lý truyền thông của Hồng Kông tiến hành hồi đầu năm nay, ATV bị chỉ trích là quá thường xuyên phát lại phim cũ và những chương trình thời sự có yếu tố định kiến.

Phản ứng đầu tiên của Li trước sự bàn tán xôn xao về ATV là, "Còn có ai vẫn xem đài này không?"

TVB bị chê trách vì những phim truyền hình công thức. Một số cư dân mạng chế nhạo cái gọi là "phong cách TVB". Ví dụ, những lời thoại kiểu, "Làm người quan trọng nhất là phải sống vui vẻ" và "Uống canh nữa đi?" từng có thời đem lại cảm giác ấm áp, nhưng được sử dụng quá nhiều hàng mấy thập niên đã trở thành trò cười.

"Thị trường truyền hình thế giới đang co lại, ngoại trừ những nơi có người Trung Quốc sinh sống, vì người Trung Quốc thích xem phim bộ truyền hình," Châu Húc Minh, một biên kịch nổi tiếng đã làm việc cho TVB gần 20 năm, nói với The Time Weekly. "ATV và TVB đã độc quyền hơn hai thập niên vừa qua. [Trong một thị trường không có cạnh tranh,] chất lượng đảm bảo là đi xuống."

Châu Húc Minh đã sáng tác nhiều phim bộ đạt tỷ suất cao lẫn sự khen ngợi của giới phê bình, chẳng hạn Thiên địa nam nhi (1996) và Thử thách nghiệt ngã (1999).

Năm 2012, cùng với nhiều người khác trong ngành, ông rời TVB và chuyển sang Đại lục, tuy nhiên ông cho biết "không có lý do gì đặc biệt."

Cảnh trong phim Thử thách nghiệt ngã

"Tôi muốn thay đổi môi trường làm việc," Châu Húc Minh nói.

TVB không chỉ đang thất thoát những nhà làm phim, mà cả những ngôi sao. Ngành công nghiệp truyền hình ở Đại lục đang hấp dẫn nhiều diễn viên Hồng Kông.

Như The Time Weekly miêu tả, TVB đang đối mặt với việc thiếu hụt nhân sự lớn nhất trong vòng 40 năm qua.

Tác động đối với công nghiệp điện ảnh

Sự sa sút của truyền hình Hồng Kông đã đi kèm gần như cùng lượt với sự tàn tạ của công nghiệp điện ảnh.

Li Qing, sinh viên Học viện Nghệ thuật biểu diễn Hồng Kông, nói với The Time Weekly rằng dù 90% sinh viên của học viện này đều muốn vào ngành điện ảnh, tất cả đều biết rằng truyền hình và điện ảnh đầy những thăng trầm.

Nhìn lại hơn 40 năm qua, không khó để thấy chức năng hỗ trợ của ngành công nghiệp truyền hình Hồng Kông cho công nghiệp điện ảnh.

Lưu Gia Linh (trái) và Lưu Đức Hoa trong phim bộ TVB năm 1985 Dương gia tướng

"Hầu như mọi biên kịch và đạo diễn của công nghiệp điện ảnh Hồng Kông thời kỳ đầu đều xuất thân từ truyền hình," Fung nói. "Cho nên cái chết của công nghiệp truyền hình báo hiệu sự kết thúc của công nghiệp điện ảnh."

Trong khi nhiều người kỳ cựu chuyển đến Đại lục, những người mới vào nghề khó mà làm theo cách đó, Li nói thêm.

"Cách đào tạo người trẻ tốt nhất là bằng phim truyền hình," Li nói. "Phim điện ảnh không thể cung cấp kinh nghiệm làm việc tương tự."

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi