Tin tức

Phim hay mùa lễ đi đâu hết rồi?

19/12/2013

Hồi những tháng ngày đen tối thời kỳ Đại suy thoái (những năm 1930 - ND), Hollywood tung ra những phim xuất sắc, đầy cảm hứng và lên tinh thần. Giờ đây họ cho chúng ta tai ương địch họa, kiếp nô lệ và thân trâu ngựa — trên đất liền, trên biển và thậm chí ngoài không gian.

Giữa mùa lễ cuối năm — thời gian của gà tây, bánh bí ngô, bánh khoai tây, rượu táo, tỉa tót cây cành, và những buổi chiều dài hậu tiệc tùng với nhiều thế hệ trong gia đình — bạn thấy mình tuyệt vọng tìm điểm phim trên các báo, săn lùng một phim ấm áp, lên tinh thần để bạn có thể thoát khỏi chính mình trong chừng vài tiếng đồng hồ trước khi một buổi tiệc khác lại đến. Bạn sẽ thấy gì, trong tuần này và những tuần lễ lạt kế tiếp? Hollywood dành cho chúng ta cái gì trong mùa này? Xem nào, một phim về một người đàn ông chết trên thuyền (có thể), một phim khác cũng lại một người đàn ông suýt chết trên tàu. Một phim về những phi hành gia đứt dây ngoài không gian, một phim về nô lệ. Một phim về thiếu niên đấu nhau đến chết, và rất nhiều phim về người trung niên chật vật để có nhau. Ôi, và một phim về phát xít Đức và sách. Trò hề này không bao giờ ngừng chăng?

Duck Soup

Nghĩ mà kỳ, năm năm thời Đại suy thoái, Hollywood đã không lao vào việc làm thỏa mãn cơn đói phim ảnh của công chúng. Hồi những năm 1930 đó — lần cuối cùng sự thịnh vượng đã đi trệch hướng và rơi xuống hố — điện ảnh lao đi cứu toàn thể công dân bị mất tinh thần bằng một cơn lũ những bộ phim động viên tinh thần làm đầy két bạc của các hãng phim trong khi đem lại cho người mua vé sự phấn chấn. Các biên kịch, đạo diễn và nhà sản xuất nhấc những người bán dạo ra khỏi trạng thái chán nản bằng một loạt liệu pháp thoát ly thực tế: phim khiêu vũ với Fred và Ginger; những bí ẩn Thin Man duyên dáng, đùa bỡn; nhạc kịch phức tạp của Busby Berkeley; và những phim tâm lý nồng nàn của Frank Capra — với Carole Lombard, Jean Arthur, Greta Garbo và Shirley Temple đưa nhân tố duyên dáng lên đến tầng bình lưu.

Đại suy thoái là chương đen tối kéo dài nhất mà nước Mỹ đã trải qua trong ký ức hiện đại — kéo dài hơn Nội chiến lẫn hai cuộc thế chiến — nhưng bạn sẽ không biết điều đó từ các bộ phim của thời đại này. Năm 1933, Đại suy thoái chạm đáy, gần một phần tư lực lượng lao động Mỹ bị thất nghiệp và bão dữ dội rít qua những bình nguyên đã tiêu điều do Cơn bão Đen. Nhưng trên màn ảnh, 1933 sáng ngời là một năm đạt kỷ lục tươi tắn, sinh động nhất: đây là năm King Kong trèo lên Tòa nhà Empire State; Groucho Marx (trong vai Rufus. T Firefly) và các huynh đệ của mình làm hề nhộn trong Duck Soup; Mae West liếc mắt đưa tình Cary Grant trong She Done Him Wrong; và Ginger Rogers, mặc chiếc áo ngực bằng những đồng tiền vàng, líu lo trong We’re in the Money! thời Đào vàng năm 1933, tuyên bố rằng, “Nỗi buồn qua đi và nước mắt ngừng rơi; tôi có tin vui để hét vào tai bạn đây!”

It Happened One Night

Ai quan tâm việc tin vui của cô là sai bét, và rằng phải qua Thế chiến II nền kinh tế Mỹ mới phục hồi? Niềm lạc quan của Ginger Rogers — và của Hollywood — đem tiền ở phòng vé vô nhà băng, và món hời điện ảnh tiếp tục xối xả trong một thập niên. Năm 1934, năm năm bước vào Đại suy thoái, những gia đình dành ngày nghỉ thong dong bước vào rạp chiếu bóng có thể hoan hỉ với It Happened One Night, hay phim hài điên rồ Twentieth Century; năm 1935 Hitchcock cho người ta The Thirty-Nine Steps, Fred Astaire đem lại Top Hat, và Groucho đặt A Night at the Opera trước khán giả. Năm tiếp sau Charlie Chaplin làm người ta cười rộ với Modern Times, còn Carole Lombard và William Powell giải khuây cho khán giả bằng chuyện tình cứu vãn suy thoái My Man Godfrey, còn trong Mr. Deeds Goes to Town của Capra, một tay kèn tuba tỉnh lẻ có được khoản tiền bất ngờ — mà anh đã sử dụng để cứu số phận của người nghèo đáng cứu. Liều thuốc lên tinh thần mang tính điện ảnh này chỉ tốn có hai đôla tiền vé.

Tua nhanh đến hiện tại. Với một vé xem phim 12 đôla hoặc hơn (và 6 đôla nước ngọt hoặc bắp rang), những kẻ đào tẩu khỏi thời kỳ Tân Đại suy thoái bước vào một cụm rạp tìm cách thoát ly thực tế thì thấy… càng thực tế hơn. Những phim xuất sắc, nghiêm túc như Twelve Years a Slave, Gravity, Dallas Buyers Club, và Captain Phillips kích thích động não nhưng không vui. Những phim hài và phim lãng mạn vô lo đi đâu cả rồi? Vài tuần trước, tác giả bài viết này đưa câu hỏi đó lên Facebook, và mở cuộc thăm dò ý kiến bạn bè. “Tại sao không có lấy MỘT phim lãng mạn hài hoặc tâm lý nào mà người dưới 30 tuổi muốn đi xem?” Tác giả đặt câu hỏi: “Tại sao gần đây chỉ có những phim về sự căng thẳng, bất hạnh và bất công? Bộ Hollywood không nghĩ rằng người ta cần được lên tinh thần sao? Hay là… khán giả bây giờ thích ác mộng hơn kỳ ảo?”

Enough Said

Ngay lập tức, bạn bè của tác giả ào ạt trả lời, có người nhất trí với lập luận này, có người hoặc phản đối hoặc không thẩm thấu hết vấn đề. “Anh xem 12 Years a Slave chưa?” một người hỏi (thừa nhận rằng phim này không rơi vào hạng mục phim hài). Người khác bênh vực Bling Ring của Sofia Coppola, mà cô này gọi là “siêu Tân-Đại suy thoái”, nói thêm rằng, “tuy được xem là một quan điểm tỉnh ngộ ra,” có thể “phim chỉ khiến bạn muốn đánh cắp nữ trang.” Một người đề cử Before Midnight, phần phim thứ ba trong loạt phim của Richard Linklater về một người đàn ông Mỹ và một phụ nữ Pháp rơi vào lưới tình. Phim này (tác giả đã xem và rất thích) là một buổi nghe lén dài hai tiếng đồng hồ về một cặp vợ chồng mà cuộc hôn nhân của họ đã lên men thành một món hầm oán giận sục sôi độc hại. Nhiều người khác say sưa nói về bộ phim mùa hè Enough Said, bị xếp nhầm vào loại “hài” trong đó hai con người trung niên bất ổn đã ly dị nỗ lực tập hợp nhiệt tình đủ để sống với nhau.

Quyết định chọn một phim mà có thể hình dung là gần như liều lĩnh, tác giả đã đi xem Blue Jasmine của Woody Allen, trong phim một phụ nữ đặc quyền (Cate Blanchett đáng yêu) — một kẻ yêu mình đến vô lý kết hôn với một gã vô lại kiểu Bernie Madoff — đã bị trừng phạt đích đáng. Lảo đảo rời khỏi rạp hai tiếng sau, tác giả nghiền ngẫm một trong những lời thoại của Blanchett trong phim: “Lo lắng, ác mộng và suy sụp thần kinh? Có quá nhiều sang chấn mà một con người có thể chống đỡ trước khi họ phản kháng và bắt đầu la hét.” Tác giả hiểu ý của cô. Nói vậy không có nghĩa rằng — và hàng loạt các phim nhắm lấy giải Oscar danh giá hiện đang hoành hành ở các rạp chiếu — phim không hay, mà chỉ là, à… theo cách nói của cậu em trai tác giả bài viết này, thì: “Họ muốn xin xỏ tôi bao nhiêu đây, hở trời?” Về bộ phim duy nhất có thể khiến ai cũng nhoẻn cười ở tháng 12 lại không đến từ Hollywood, đó là phim lãng mạn hài vượt thời gian của Anh do những người đã làm ra bộ phim Love, Actually, có tựa là About Time. Theo một bình luận trên Facebook, đây không phải là “câu chuyện Philadelphia, nhưng có lẽ đây là một phim thế chỗ?”

Blue Jasmine

Vậy, tại sao, gần đây có quá ít phim không mệt mỏi rã rời, không lòe loẹt phô trương, không giáo điều phi hài hước, hoặc không bạo lực phi luân lý? Thế giới đã thay đổi tuyệt đối kể từ thập niên 1990, khi mà những phim My Best Friend’s Wedding, American Pie, Titanic, và The English Patient khuấy động phòng vé rồi sao? Thuần giải trí đã “ra rìa”, và phim hài / lãng mạn giờ chỉ dành cho những kẻ si đần chăng? Tiếp tục với giả định rằng các hãng phim sẽ bán bất cứ gì bán được; và đoán, với sức ép kinh tế hiện nay, họ đã mệt mỏi với việc điều tra theo nhóm bất cứ phim nào được làm, có lẽ trắc nghiệm khán giả đương thời cho thấy họ ghét bỏ hoặc thờ ơ với tình yêu và sự vui đùa. Hay là, phải chăng những nhà sản xuất lớn chỉ làm phim thu hút được nhóm dân số lớn nhất trong các cuộc điều nghiên của họ, lo bảo vệ lợi nhuận bằng cách chiếu những phim làm hài lòng những nhóm dân số cỡ lớn. Vậy thì một lần nữa, có lẽ công chúng xem phim của thập niên 2010 yếm thế hơn thập niên 1930, thích phim thảm họa và những nghiên cứu u uất về các mối quan hệ dằn vặt hơn là phim hài và phim lãng mạn mà các bậc tiền nhân của chúng ta đã thích. Có lẽ người ta không còn tin vào những kết thúc có hậu nữa, và tìm được niềm an ủi lớn hơn khi xem trên màn ảnh rộng những thử thách của các nhân vật mà cuộc đời của họ còn căng thẳng hơn cuộc đời của khán giả.

Tuy nhiên, tác giả ngờ rằng bản chất của những bộ phim được bật đèn xanh vào thời khắc văn hóa này liên quan đến thị hiếu của công chúng thì ít mà liên quan đến chủ nghĩa yếm thế của hầu hết nhà làm phim có ảnh hưởng thì nhiều, những người bám lấy ý tưởng dành cho người bình thường bằng cách chỉ phục vụ cho những thị hiếu của lượng người mua vé lớn nhất: không có lối thoát cho các ngươi đâu, anh John và chị Jane kia. Bằng những sự tính toán như thế, cho ra những phim dành cho trẻ con có chim cánh cụt khiêu vũ, những phù thủy chơi Quidditch (trong Harry Potter – ND) và các nàng công chúa váy áo thướt tha là an toàn; và cho ra những phim dành cho người lớn và đám trai choai về khổ sở, đe dọa, và quái vật là chắc ăn. Bất cứ gì ở lưng chừng là quá mạo hiểm và có tiềm năng bị lạnh nhạt — thứ phim mà người nước ngoài và các nhà làm phim độc lập không tiền mới đủ viễn vông mà muốn làm.

My Best Friend's Wedding

Có lẽ vậy. Và thế nhưng… ít nhất, hàng triệu người Mỹ mở tivi hàng tuần để đắm mình trong sự kỳ ảo của các chương trình như The Voice, So You Think You Can Dance, The Bachelor, và America’s Got Talent. Hàng triệu người khác xem các người hùng thể thao của họ. Sân khấu Broadway gần đây năng động và thú vị hơn bao năm nay, với những vở nhạc kịch như Matilda, Kinky Boots, và A Gentleman’s Guide to Love and Murder khiến khán giả tán thưởng nhiệt liệt. Khán giả, tức là, những người có tiền đi xem kịch Broadway. Tất cả những dấu hiệu đó gợi ý rằng, trong khi chịu đựng cuộc Đại suy thoái này, công chúng khao khát những màn biểu diễn ca hát, nhảy múa, yêu đương, tự đề cao, và tài năng con người một cách thật lòng, hy vọng và bền vững hơn bao giờ hết. Những điều này, mới đây thôi, đã ngừng được viết kịch bản đưa lên màn bạc. Cuộc sống vẫn vĩ đại: chỉ có phim ảnh trở nên nhỏ bé. Và nếu Hollywood làm cho chúng lớn lên trở lại, những ngày vui chắc sẽ quay về đây… ít nhất là vào thời điểm những ngày nghỉ đón năm mới.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.