Tin tức

Phim nghệ thuật của Trung Quốc trở lại đấu trường quốc tế và thành công trong nước

17/09/2024

Phim nghệ thuật Trung Quốc Đại lục đã lấy lại vị thế trên trường quốc tế sau Covid, được công nhận và trao giải tại các liên hoan phim hàng đầu trên toàn thế giới.

Các tựa phim được chọn cho Liên hoan phim quốc tế Toronto (TIFF) năm nay bao gồm Caught By the Tides của Giả Chương Kha và An Unfinished Film của Lâu Diệp, cả hai đều ra mắt Bắc Mỹ sau khi ra mắt Cannes, cũng như buổi ra mắt toàn cầu của bộ phim đầu tay Bound in Heaven của Hoắc Hân và Escape From the 21st Century của Lý Dương ra mắt quốc tế.

Cảnh trong phim An Unfinished Film của Lâu Diệp

Ngoài ra, vợ của Giả Chương Kha, nữ diễn viên Triệu Đào, sẽ nhận vinh danh đặc biệt của TIFF. Nhưng nhiều thách thức đang chờ đợi tiềm năng phát hành rạp trong nước, từ việc thiếu các rạp chuyên chiếu phim nghệ thuật cho đến chi phí p&a cao và thói quen tiêu dùng của khán giả.

Trung Quốc không thiếu rạp chiếu phim, với hơn 86.000 màn hình trên 12.000 rạp chiếu đang hoạt động trên cả nước. Nhưng quốc gia này lại thiếu các địa điểm chuyên dụng cần thiết để phim nghệ thuật được phát hành lâu hơn và truyền miệng đến nhiều đối tượng khán giả hơn. Liên minh quốc gia các rạp chiếu phim nghệ thuật (NAAC) — do Cục lưu trữ điện ảnh Trung Quốc ra mắt vào năm 2016 để tạo điều kiện phát hành phim nghệ thuật Trung Quốc và quốc tế — đã mở rộng mạng lưới của mình lên hơn 2.600 rạp chiếu phim với 3.100 màn hình trên 311 thành phố. Nhưng đây vẫn chủ yếu là các rạp chiếu phim thương mại chứ không phải là địa điểm chuyên chiếu phim nghệ thuật.

Với những hạn chế như vậy về phát hành, cùng với suy thoái kinh tế và thay đổi hành vi của người tiêu dùng sau đại dịch, bộ ba phim nghệ thuật Trung Quốc lại có kết quả phòng vé nổi bật đáng chú ý vào năm ngoái.

Bound in Heaven của Hoắc Hân

Phim chính kịch xã hội The Best is Yet to Come của Vương Tinh, lần đầu tiên được công chiếu tại Venice và TIFF năm 2020 và do Giả Chương Kha sản xuất, đã thu về 7,9 triệu đôla (56,4 triệu nhân dân tệ), trong khi Journey to the West của Khổng Đại Sơn thu về 9,4 triệu đôla (67,2 triệu nhân dân tệ), một bộ phim khoa học viễn tưởng kỳ quặc với dàn diễn viên vô danh được Quách Phàm sản xuất và công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Bình Dao năm 2021. Doanh thu phòng vé của cả hai bộ phim đầu tay này được coi là đặc biệt, nhất là khi xét đến khoảng cách thời gian giữa các lần công chiếu liên hoan phim và phát hành tại địa phương vì các rạp chiếu phim đóng cửa một thời gian đáng kể do đại dịch, dẫn đến tình trạng tồn đọng các tựa phim.

Only the River Flows (đã lập kỷ lục là phim thứ ba của đạo diễn Ngụy Thư Quân trình chiếu tại Cannes trong vòng bốn năm) được cho là đã đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử đối với một bộ phim nghệ thuật địa phương, thu về 43,3 triệu đôla (309 triệu nhân dân tệ) phòng vé và ghi nhận hơn 7 triệu lượt xem sau khi phát hành vào tháng 10 năm 2023.

Escape From the 21st Century của Lý Dương

Rủi ro cao

Đầu tư phân phối ở một quốc gia rộng lớn như Trung Quốc có thể cực kỳ cao, do đó rất rủi ro. “Chênh lệch chi phí p&a giữa phim nghệ thuật và phim thương mại có thể không nhiều, nhưng khác biệt về doanh thu phòng vé giữa chúng thì một trời một vực,” Tang Xiaohui, giám đốc điều hành của Hangzhou Dangdang Film, nhà sản xuất của Only the River Flows, cho biết. “Các nhà phân phối và nhà điều hành rạp chiếu phim phân bổ nguồn lực của họ vào phim thương mại để có lợi nhuận phòng vé cao hơn là lẽ đương nhiên.”

Được chuyển thể từ truyện ngắn Mistakes By the River của Dư Hoa, một tác giả vô cùng nổi tiếng với hơn 150 triệu bản tại Trung Quốc, đánh dấu lần đầu tiên Hangzhou Dangdang Film phát hành rạp, tập trung vào các tác phẩm chuyển thể văn học. Quy mô lớn của thị trường Trung Quốc cũng có nghĩa là hệ thống phân phối phức tạp thường liên quan đến nhiều bên. Hangzhou Dangdang Film là đơn vị đồng phân phối bộ phim cùng với Lian Ray Pictures và China Film Co.

Only the River Flows (lập kỷ lục là phim thứ ba của đạo diễn Ngụy Thư Quân trình chiếu tại Cannes trong vòng bốn năm) được cho là đã đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử đối với một bộ phim nghệ thuật Trung Quốc

Ưu tiên là tiếp thị đúng cách. CEO Tang Xiaohui cho biết: “Nếu khán giả không được hướng dẫn đúng về nội dung của bộ phim, những đánh giá tiêu cực như ‘khó hiểu’, ‘tối nghĩa’ và ‘cháy chậm’ sẽ xuất hiện.” Có nhiều lựa chọn để định vị Only the River Flows là phim tội phạm, bí ẩn hoặc phim kinh dị — tất cả các yếu tố của câu chuyện — nhưng Tang Xiaohui và nhóm của anh đã chấp nhận rủi ro khi dán nhãn phim nghệ thuật.

“Khán giả Trung Quốc luôn liên tưởng một bộ phim không có yếu tố thể loại mạnh như hài, hành động hoặc phim kinh dị là phim chính kịch,” Tang Xiaohui giải thích. “Tiếp thị một tựa phim nghệ thuật thậm chí còn hẹp hơn cả phim chính kịch. Nhưng định vị cực đoan này đã mang lại thành quả và thu hút được lượng lớn khán giả độc đáo thích những bộ phim khơi gợi suy nghĩ, cũng như khán giả nói chung cảm thấy nhà sản xuất và nhà phân phối chân thành, không nói dối họ.”

Ngoài rạp chiếu, các nền tảng phát trực tuyến cung cấp các tùy chọn phân phối thay thế. Dwelling in the Fuchun Mountains của Cố Hiểu Cương, bộ phim khép lại Tuần lễ phê bình Cannes năm 2019, đã được phát hành trên dịch vụ phát trực tuyến iQiyi của Trung Quốc năm 2020, bỏ qua chiếu rạp.

Dwelling By the West Lake chứng kiến Tưởng Cần Cần thắng nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Giải Điện ảnh châu Á

Năm ngoái, Dwelling By the West Lake, phim thứ hai của bộ ba phim, đã được trình chiếu tranh giải tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo và chứng kiến Tưởng Cần Cần thắng nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Giải Điện ảnh châu Á. Không giống như phim đầu tiên, Dwelling By the West Lake đã ra rạp và thu về 16,8 triệu đôla (120 triệu nhân dân tệ) đáng kể vào tháng 4, duy trì đà phát triển cho các phim nghệ thuật Trung Quốc.

Trước khi mùa hè kết thúc, bộ ba phim độc lập của Trung Quốc do các đạo diễn mới nổi trình chiếu vào cuối tháng 8. Có thể được phát hành với quy mô nhỏ, chỉ chiếm một phần nhỏ trong số các phim thương mại lớn được phát hành, nhưng việc ba phim này được chiếu rạp là điều đáng kể.

Hidden Letters của Phùng Đô, một phim tài liệu dài lọt vào danh sách rút gọn của giải Oscar, được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Tribeca và BFI London năm 2022, đã trở về quê nhà sau hai năm để phát hành vào ngày 31 tháng 8 thông qua Shanghai Elemeet Network Technology, một đơn vị phân phối phim nghệ thuật và phim tài liệu chuyên nghiệp.

Hidden Letters của Phùng Đô, một phim tài liệu dài lọt vào danh sách rút gọn của giải Oscar, được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Tribeca và BFI London năm 2022, đã trở về quê nhà sau hai năm để phát hành vào ngày 31 tháng 8 thông qua Shanghai Elemeet Network Technology

Elemeet đã chuyển sang một cách tiếp thị khác thường, tạo cơ hội quảng bá cho việc sắp xếp các buổi chiếu trước. Các bên quan tâm có thể bắt đầu chiếu phim thông qua nền tảng trực tuyến của Elemeet, thậm chí có thể linh hoạt chọn địa điểm, ngày, giờ và quy mô hội trường. Hơn 40 buổi chiếu trước như vậy cho Hidden Letters đã được tổ chức trước thời gian báo chí đưa tin. Trong đó có các buổi chiếu dành riêng cho phụ nữ, vì phim tài liệu nói về Nữ thư, một ngôn ngữ bí mật cổ xưa của phụ nữ.

“Cách tiếp cận này phù hợp nhất với các tựa phim phi thương mại có hạn chế về p&a,” Xiao Fuqiu, người đứng đầu bộ phận quảng cáo tại Elemeet, cho biết. “Nó cho phép chúng tôi bắt đầu xem trước và tìm đối tượng mục tiêu để truyền miệng trước và thu hút giới truyền thông đưa tin nhiều hơn.”

Borrowed Time của Thái Kiệt, được công chiếu lần đầu tranh giải New Currents của Busan năm 2023, đã ra rạp ở Trung Quốc vào ngày 27 tháng 8

Borrowed Time của Thái Kiệt, được công chiếu lần đầu tranh giải New Currents của Busan năm 2023, đã ra mắt vào ngày 27 tháng 8 với tư cách tựa phim mới nhất trong danh sách của NAAC. Vào tháng 6, đây là một trong những bộ phim đầu tiên được trình chiếu tại lễ khai trương Trung tâm Jiangnan, tọa lạc tại thành phố Tô Châu — chi nhánh đầu tiên của China Film Archive bên ngoài Bắc Kinh để chiếu phim nghệ thuật.

“Phân phối khó hơn nhiều so với làm phim,” nhà sản xuất Mạch Tân Tân của Bocut Film cho biết. “Cho đến tận bây giờ chúng tôi mới nhận ra điều đó. Không phải tất cả các công ty p&a đều sẵn sàng chi trả trước chi phí phân phối cho phim nghệ thuật hiện nay. Nếu thế, các công ty chế tác sẽ phải chi, khiến các nhà làm phim nghệ thuật càng khó đưa phim của họ ra mắt hơn.”

Mạch Tân Tân đã lấy được tài trợ phân phối từ thành phố Quảng Châu và tỉnh Quảng Đông, nơi diễn ra phần lớn quá trình quay phim. Với lời thoại chủ yếu bằng tiếng Quảng Đông, các chuyến lưu diễn quảng bá tập trung vào khu vực nói tiếng Quảng Đông ở tỉnh Quảng Đông.

The Midsummer’s Voice của Trương Dụ Đích, thắng giải kịch bản hay nhất trong hạng mục chính của First International Film Festival và đã ra rạp vào ngày 24 tháng 8

Lợi thế tính địa phương

Địa phương hóa cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong thành công phòng vé. Bộ phim đầu tay Ái tình thần thoại / B for Busy của Thiệu Nghệ Huy thành công vang dội vào cuối năm 2021 chủ yếu là do sử dụng phương ngữ Thượng Hải (trước khi loạt phim ăn khách Blossoms Shanghai của Vương Gia Vệ tập trung vào phương ngữ này). Khu vực Thượng Hải chiếm gần 40% tổng doanh thu phòng vé 36,4 triệu đôla (260 triệu nhân dân tệ) của bộ phim.

B for Busy được MaxTimes (Hồ Bắc) phát triển và sản xuất sau khi thắng giải MaxTimes tại hội chợ đầu tư dự án của First International Film Festival năm 2020. Kể từ năm 2018 công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này đã trao giải thưởng — trị giá 14.000 đôla (100.000 nhân dân tệ) — để phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng mới. Giải thưởng sẽ theo quá trình phát triển và sản xuất các dự án thắng giải và đồng phân phối chúng ở rạp.

Những bộ phim từng đoạt giải MaxTimes trước đây bao gồm Gold or Shit của Long Phi, bộ phim đã thắng ba giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế Bắc Kinh vào tháng 4 — gồm cả phim hay nhất — trước khi đạt doanh thu 14,3 triệu đôla (102 triệu nhân dân tệ) tại phòng vé, và The Midsummer’s Voice của Trương Dụ Đích, thắng giải kịch bản hay nhất trong hạng mục chính của First International Film Festival và đã ra rạp vào ngày 24 tháng 8.

Đầu tư phân phối ở một quốc gia rộng lớn như Trung Quốc có thể cực kỳ cao, do đó rất rủi ro. Ảnh: Áp phích Escape From the 21st Century trong một rạp chiếu

“Sự tham gia ngày càng tăng của khán giả trẻ sẽ thay đổi nhu cầu thị trường và sắp xếp suất chiếu,” Nhạc Dương, đồng sáng lập kiêm nhà sản xuất của MaxTimes cho biết. “Có được rạp chiếu phim nghệ thuật sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho phim nghệ thuật. Tuy nhiên, kể một câu chuyện hay vẫn là chìa khóa để phim nghệ thuật thâm nhập vào thị trường thương mại.”

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Screen Daily


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.