Tin tức

Tái hiện bức tranh kiệt tác Thiên lý giang sơn của Vương Hy Mạnh bằng phim vũ kịch

29/10/2024

A Tapestry of a Legendary Land, phim vũ kịch lấy cảm hứng từ bức tranh phong cảnh nổi tiếng A Thousand Miles of Streams and Mountains / Thiên lý giang sơn, ra rạp khắp Trung Quốc.

A Tapestry of A Legendary Land, phim vũ kịch lấy cảm hứng từ bức tranh phong cảnh nổi tiếng Thiên lý giang sơn thời Bắc Tống (960-1127) là tác phẩm duy nhất còn sót lại của thiên tài họa sĩ cung đình Vương Hy Mạnh

Ra mắt ngày 1 tháng 10, phim kể câu chuyện một nhà nghiên cứu di tích văn hóa trong quá trình đắm chìm vào việc nghiên cứu cuộn tranh lụa dài gần 12 mét, du hành qua nhiều thế kỷ để kết nối với người họa sĩ và hiểu rõ hơn về việc sáng tạo nên kiệt tác này.

Bức tranh thời Bắc Tống (960-1127) là tác phẩm duy nhất còn sót lại của thiên tài họa sĩ cung đình Vương Hy Mạnh. Tranh miêu tả toàn cảnh sông núi và được ca ngợi là biểu tượng của phong cách tranh sơn thủy xanh-lục, kỹ thuật sử dụng sắc tố khoáng như ngọc lục bảo (xanh lục) và lam ngọc (xanh dương) để tạo nên những gam màu đậm, rực rỡ.

Năm 2021, vở nhạc kịch A Tapestry of a Legendary Land ra mắt và nhận được đánh giá tích cực. Vở diễn trở nên nổi tiếng khắp Trung Quốc sau khi một số trích đoạn được trình diễn trong Gala Tết Nguyên Đán năm 2022 và thành công vang dội.

Trương Hàn, vào vai Vương Hy Mạnh, danh họa tài hoa

Chuyển thể từ vở nhạc kịch nói trên, bộ phim được sản xuất với cùng dàn diễn viên và đội ngũ sáng tạo sân khấu. Phim đã thu về hơn 40 triệu nhân dân tệ (5,6 triệu USD), trở thành phim nhạc kịch nội địa có doanh thu cao thứ ba ở Đại lục và đạt điểm đánh giá 8/10 trên nền tảng phim nổi tiếng Douban.

“Sử dụng nhạc kịch để thể hiện hồn hội họa truyền thống Trung Quốc là ý tưởng tuyệt hay. Phim đạt được sự hòa quyện tinh tế giữa phong cách và màu sắc, tạo nên trải nghiệm thị giác tuyệt đẹp,” một cư dân mạng bình luận trên Douban.

Các đạo diễn bản điện ảnh cũng là đạo diễn vở nhạc kịch, bày tỏ hy vọng bộ phim là phần mở rộng của vở nhạc kịch và là cách giải mã bức tranh nổi tiếng. Phim sử dụng xanh lam và xanh lục — hai gam màu đặc trưng của bức tranh — làm tông màu chủ đạo và không có thoại, để nhấn mạnh trình diễn vũ nhạc.

Tạ Tố Hào (đứng), đóng vai nhà nghiên cứu cổ vật văn hóa trong quá trình đắm chìm vào việc nghiên cứu cuộn tranh lụa dài gần 12 mét, du hành qua nhiều thế kỷ để kết nối với người họa sĩ và hiểu rõ hơn về việc sáng tạo nên kiệt tác này

“Không sử dụng thoại trong phim là một thách thức lớn,” Hàn Chân, đồng đạo diễn, nói rằng đây là quyết định xuất phát từ sự tôn trọng dành cho vở nhạc kịch.

“Chúng tôi tin rằng văn hóa Trung Quốc có khả năng độc đáo trong việc truyền tải cảm xúc chân thật và lay động khán giả thông qua diễn xuất không lời,” Hàn Chân, đồng thời là biên đạo múa dày dạn kinh nghiệm, nói thêm.

Cô cũng tin rằng điện ảnh là phương tiện tuyệt vời để quảng bá văn hóa truyền thống. “Trải nghiệm đắm chìm của điện ảnh cho phép khán giả thực sự cảm nhận vẻ đẹp độc đáo của bức họa vô song này,” Hàn Chân nói, cho biết thêm cô hy vọng bộ phim sẽ tạo ra thêm nhiều cơ hội kết hợp điện ảnh và nghệ thuật múa.

Phim sử dụng xanh lam và xanh lục — hai gam màu đặc trưng của bức tranh — làm tông màu chủ đạo và không có thoại, để nhấn mạnh trình diễn vũ nhạc

Đối với dàn diễn viên, những người đã biểu diễn 600 buổi tại 71 thành phố trong ba năm qua, việc xuất hiện trong phim cho phép các màn trình diễn của họ kéo dài hơn và tiếp cận được nhiều khán giả hơn.

“Tôi rất biết ơn vì tuổi trẻ của mình đã được lưu lại qua phim này. Khi già đi và đối mặt với nhiều khó khăn hoặc bị chấn thương, tôi không chắc mình có thể tiếp tục múa trên sân khấu bao lâu nữa,” Tạ Tố Hào, đóng vai nhà nghiên cứu cổ vật văn hóa trong phim, nói.

Trương Hàn, vào vai Vương Hy Mạnh, danh họa tài hoa được cho là đã qua đời ngay sau khi hoàn thành kiệt tác khi mới 18 tuổi, hy vọng bộ phim sẽ tiếp cận được “lượng khán giả rộng lớn nhất”, vượt xa số lượng khán giả hạn chế có thể thưởng thức vở vũ kịch ở sân khấu.

Phim đạt được sự hòa quyện tinh tế giữa phong cách và màu sắc, tạo nên trải nghiệm thị giác tuyệt đẹp

Theo Cảnh Tiểu Dũng, chủ tịch China Oriental Performing Arts Group, đơn vị đồng sản xuất phim và vở vũ kịch, Trung Quốc cần phát triển các phim vũ kịch và quảng bá các tác phẩm nhạc vũ kịch như một phương tiện thúc đẩy giao lưu quốc tế.

“Từ văn học trực tuyến đến phim trên internet và các tác phẩm sân khấu, nghệ thuật không có biên giới,” Cảnh Tiểu Dũng nói, cho biết thêm rằng công ty sản xuất đặt mục tiêu khám phá nhiều cách tiếp cận sáng tạo hơn để phục hồi văn hóa truyền thống.

Dịch: © Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.